[văn 11]Học hè văn 11

D

doigiaythuytinh

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Mình lập pic này để các mem 94 chúng mình có thể củng cố kiến thức lớp 10 (1 phần nhỏ thôi) và quan trọng hơn là chuẩn bị vô 11

Phương thức hoạt động: Ai có đề hay thắc mắc về bài tập + kiến thức trong sgk thôi thì cứ post lên đề mọi người cùng thảo luận, đóng góp ý kiến

p/s: Không cần đăng kí cho mất công :D, cứ nhào vô mà đánh mấy bác ạ ;;)
 
D

doigiaythuytinh

Chúng ta cùng đến với bài đầu tiên : Vào phủ Chúa Trịnh của Lê Hữu Trác :)

đề bài : cảm nghĩ của em về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích " vào phủ chúa Trịnh"

Lê Hữu Trác xuất thân trong một gia đình quí tộc, giỏi binh thư,võ nghệ. Làm quan dưới thời chúa Trịnh được một thời gian,ông nhận thấy xã hội thối nát,cương thường lỏng lẻo, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất (1746), ông liền viện cớ cáo quan về nuôi mẹ già. Từ đó ông chuyên nghiên cứu y học vừa chữa bệnh cứu đời, vừa soạn sách và mở trường dạy học truyền bá y đức, y lí,y thuật.

Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43(1782),Lê Hữu Trác nhận được lệnh chúa triệu về kinh xem mạch, kê đơn chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán.Sau đó một thời gian thì chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm. Những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong nhiều chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long đã thôi thúc ông cầm bút. Năm 1783 ông viết xong tập “Thượng kinh kí sự” bằng chữ Hán. Tập kí sự này là một tác phẩm văn học đích thực, đặc sắc giá, có giá trị sử liệu cao . Đoạn trích “ Vào phủ chúa Trịnh” trong sách Ngữ văn 11-Nâng cao,tập 1(Nxb.Giáo dục,H,2007) thể hiện được đầy đủ những nét độc độc đáo trong bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác.

Như ta biết: kí là là tên gọi chung cho một nhóm thể loại có tính giao thoa giữa báo chí với văn học. Kí viết về cuộc đời thực tại,viết về người thật,việc thật. Người viết kí miêu tả thực tại theo tinh thần của sử học. Mẫu hình tác giả kí gần gũi với nhà sử học. Tác giả kí coi trọng việc thuật lại có ngọn ngành và không bao giờ quên miêu tả khung cảnh. Kí bao gồm nhiều thể văn như : bút ký, phóng sự, du kí, hồi kí,nhật kí, …Trong số đó kí sự thiên về ghi chép chi tiết, tỉ mỉ sự việc- câu chuyện có thật. Tất nhiên đan xen vào mạch tự sự còn có những đoạn thể hiện nhận xét chân thực,tinh tường của nhà văn trước sự việc.

Đoạn trích “ Vào phủ chúa Trịnh” vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa quyền quý của chúa Trịnh. Lê Hữu Trác sử dụng người trần thuật ngôi thứ nhất,trực tiếp tiếp cận cung cách sinh hoạt xa hoa của chúa Trịnh. Nhà văn quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, thuật việc khéo léo.

Mở đầu đoạn trích là một sự kiện cụ thể, chân thực. Tính chất kí trong bút pháp của Lê Hữu Trác thể hiện rõ ở cách ghi tỉ mỉ sự việc, thời gian .Nhà văn kết hợp biện pháp kể khách quan với nghệ thuật gợi không khí nhằm làm nổi bật hành động khẩn trương,gấp gáp của nhân vật: “ Mồng một tháng 2. Sáng tinh mơ, tôi nghe tiếng gõ cửa rất gấp. Tôi chạy ra mở cửa . Thì ra một người đầy tớ quan Chánh đường….” . ở đây “trong việc có người”, người gắn chặt với cảnh,với môi trường hoạt động cụ thể. Câu văn của Lê Hữu Trác ngắn gọn, giàu thông tin, được viết ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên,không một chi tiết thừa .Lời văn giản dị, chắc mà bay bổng, vừa “truyền cảm” vừa truyền nhận thức .Người đọc có thể hình dung được rất rõ một cảnh huống đặc biệt đang xảy ra.

Lần theo mạch tự sự, người đọc có cảm giác hồi hộp lo âu rồi bất ngờ nhận ra một con người gần gũi, quen thuộc như cảm nhận của nhân vật “ Tôi” trong tác phẩm này. Trước mắt ta : hình ảnh nhân vật tôi đã dừng bước với tâm trạng ngạc nhiên, thoáng một chút thất vọng. Nhịp kể đột ngột chậm lại để ghi người, ghi việc rõ nét hơn, đầy đủ hơn. Hai chữ “thì ra” vừa tạo ấn tượng về sự khám phá, vừa gọi ra được người thật,việc thật .

Nhân vật “tôi” không hiện ra qua hình dáng cụ thể. Trước hết anh ta xuất hiện qua giọng nói, qua cảm nhận về âm thanh, và rõ hơn ở hành động. Nhân vật “tôi”” xuất hiện với tư cách một người trong cuộc, trực tiếp tham gia vào sự việc được miêu tả trần thuật. Vì thế ngay từ đầu truyện người đọc đãcó cảm giác đây không phải câu chuyện hư cấu, mà chính là bức tranh cuộc sống đang hiện hữu .

Khi kể việc, tả người Lê Hữu Trác không vay mượn những khuôn mẫu, chất liệu có sẵn,tác giả hướng tới khai thác chất liệu đời thường, đời tư. Chẳng hạn lời đối thoại của nhân vật người đầy tớ được thể hiện một cách tự nhiên, đúng với vị thế chức phận của hắn: “có thánh chỉ triệu cụ vào. Quan truyền mệnh hiện đang ở nhà cụ lớn con,con vâng mệnh chạy đến đây báo tin…”.

Lê Hữu Trác coi trọng việc kể lại có ngọn ngành. Nhà văn ưa sắp xếp sự việc cho đầy đủ mạch lạc có đầu có cuối, nên dường như cứ một đoạn hay một câu nói về hành động của tên đầy tớ lại tiếp đoạn tự thuật về hành động, cảm nhận của Lê Hữu Trác. “Nghe tiếng gõ cửa…..tôi chạy ra…” , “người đầy tớ nói…..tôi bèn” , “tên đầy tớ chạy…tôi bị xóc một mẻ,khổ không nói hết”. Mạch văn chặt chẽ nhờ sự thể hiện thành công cái lô gíc nhân quả của sự kiện, hành động .Ban đầu ta tưởng như nhân vật “tôi” chủ động, nhưng càng đọc càng thấy nhân vật “tôi” bị cuốn vào hết sự việc này đến sự việc khác.

Mở đầu đoạn trích cấu trúc câu văn ngắn gọn. Mỗi câu văn tương ứng với một tâm tình, một sự việc, hành động. Người đọc vừa đồng cảm với nỗi vất vả và hành động bất đắc dĩ của nhân vật tôi vừa đồng tình với Lê Hữu Trác ở thái độ mỉa mai châm biếm sự lộng quyền ,tiếm lễ của chúa Trịnh Sâm lúc bấy giờ.

Quang cảnh và cung cách sinh hoạt trong phủ chúa được ghi lại khá tỉ mỉ qua con mắt quan sát của một thầy thuốc lần đầu tiên bước chân vào thế giới mới lạ. Không gian nghệ thuật của tác phẩm ngày càng được mở rộng hơn theo bước chân, và cách nhìn của nhân vật xưng “tôi” .Bức tranh toàn cảnh về phủ chúa Trịnh không chỉ có bề rộng mà còn có chiều sâu, với một sức gợi mạnh mẽ.

Theo nhân vật “tôi” quanh cảnh ở phủ chúa cực kì xa hoa, tráng lệ- không ở đâu sánh bằng: Khi vào phủ phải qua nhiều lần cửa với những hành lang quanh co nối tiếp nhau,ở mỗi cửa đều có vệ sĩ canh gác. Khuôn viên phủ chúa rộng, có trạm dừng chân được kiến trúc thật kiểu cách, với cảnh trí thiên nhiên kì lạ. Trong vườn, chim kêu ríu rít,danh hoa đua thắm,gió đưa thoang thoảng mùi hương. Bên trong là những Đại đường, gác tía với kiệu son, võng điều. Đồ dùng của chúa được son son thiếp vàng, đồ dùng tiếp khách ăn uống cũng đều là mâm vàng, chén bạc, của ngon vật lạ…. Đến nội cung của thế tử phải trải qua 6 lần trướng gấm. Nơi ở của thế tử rất sang trọng,có sập thếp vàng, ghế rồng bày nệm ấm ,xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt…

Lê Hữu Trác khéo kết hợp tả tập trung với điểm xuyết, chọn lọc được những chi tiết đắt, nói lên quyền uy tối thượng cùng nếp sống hưởng thụ cực kì xa xỉ của gia đình chúa Trịnh Sâm. Giọng kể khách quan, trang nghiêm, đan xen với thái độ ngạc nhiên và hàm ý phê phán kín đáo chúa Trịnh .Nhà văn khéo kết hợp giữa văn xuôi và thơ ca. Bài thơ vịnh cảnh, tả việc của Lê Hữu Trác ý tứ sâu xa, lời thơ hóm hỉnh ,ẩn giấu một nụ cười châm biếm, mỉa mai.

Lời nhận xét trong văn phẩm khá đa dạng: Trước tiên Lê Hữu Trác đánh giá khái quát vẻ đẹp. Tiếp theo nhận xét về cảnh giàu sang. Tiếp nữa nêu ấn tượng về cách bày trí, kiến trúc kiểu cách. Nhà văn dừng lại bình giá tỉ mỉ,sắc sảo các đồ dùng xa hoa từ nhà Đại đường đến Gác tía. Lời đánh giá nào của lê Hữu Trác cũng đích đáng,tinh tế và có chừng mực. Nói tác phẩm giàu chất trữ tình vì thế.

Tác giả quan sát các công trình kiến trúc, cảnh trí thiên nhiên qua hình khối, dáng vẻ kích cỡ, tả khuôn viên chủ yếu qua những ấn tượng về hương thơm âm thanh, kể về mức độ xuất hiện của thị vệ, quân sĩ để nhấn mạnh vẻ trang nghiêm của nơi đây. Lê Hữu Trác đặc biệt ưa tả đường đi, lối vào phủ chúa. Ta có cảm tưởng đằng sau mỗi cánh cửa là một bức tranh .Đoạn trích gồm nhiều bức tranh với những mảnh màu tối sáng, nhạt đậm khác nhau, nối liền nhau .

Qua mấy lần cửa đầu tiên, trước mắt tác giả giống như một cảnh tiên huyền ảo, cây cối um tùm, hương hoa thơ mộng. Đi tiếp, cảnh giàu sang của phủ chúa được bày ra chân thật,đầy đủ hơn. Càng đi sâu vào trong, Lê Hữu Trác càng có dịp quan sát không gian nội thất, không gian cao rộng của lầu gác với các đồ nghi trượng sơn son thếp vàng, nhất là được biết cái phong vị của nhà đại gia.

“Vào phủ chúa Trịnh” trở thành một quá trình tiếp cận sự thật đời sống xa hoa vương giả hơn là thăm bệnh,chữa bệnh. Thăm bệnh, chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán tưởng chỉ như một cái cớ, một dịp may giúp người viết kí hoàn thiện bức tranh về cuộc sống thâm nghiêm, giàu sang đầy uy quyền.

Lê Hữu Trác tổ chức điểm nhìn trần thuật linh hoạt. Có đoạn sự việc được kể theo quan sát của nhân vật xưng tôi. Có đoạn nhà văn để cho nhân vật quan truyền chỉ miêu tả,giới thiệu. Người đọc có cảm tưởng không chỉ có Lê Hữu Trác dẫn ta vào phủ chúa để tự do quan sát ngắm nhìn mà cả những kẻ hầu cận chúa cũng đưa ta thâm nhập, khám phá sự thật ở “Đông cung”. Những đoạn nhân vật tôi độc thoại toát lên cái nhìn sắc sảo và sự cảm nhận tinh tế. Những đoạn kể tả, cho thấy nhân vật tôi bao quát được một không gian rộng lớn, nắm bắt được thần thái, bản chất của sự vật hiện tượng. Trong tư cách một người thầy thuốc quê mùa, nhân vật tôi luôn tỏ ra là một người hoà nhã kính nhường, ham học hỏi y thuật của đồng nghiệp . Sự đối lập về vị thế so với các vị lương y của sáu cung hai viện,không khiến nhân vật tôi trở nên nhỏ bé, trái lại càng tôn cao hơn nhân cách và tài năng của nhân vật này . Vẻ đông đúc của lương y nơi triều đình tự phơi bày hết sự thực ở phú chúa đang tồn tại một hệ thống quan lại bất tài, ăn bám .

Các nhà nho xưa ít khi nói về mình. Nhưng trong đoạn trích này,tác giả đã không ngần ngại để cái “Tôi”đóng một vai trò quan trọng. “Vào phủ chúa Trịnh” thể hiện trực tiếp cái tôi cá nhân người cầm bút. Qua đoạn trích ta thấy tác giả Lê Hữu Trác là một thầy thuốc giàu kinh nghiệm. Bên cạnh tài năng ông còn là một thầy thuốc có lương tâm và đức độ. Lê Hữu Trác xem nghề thuốc vô cùng thiêng liêng cao quí,người làm thuốc phải nối tiếp lòng trung của cha ông mình,phải luôn giữ đức cho trong, giữ lòng cho sạch . Lê Hữu Trác yêu thích tự do, nếp sống thanh đạm. Vượt lên trên những danh lợi tầm thường ông trở về hành đạo cứu đời với quan niệm : “Thiện tâm cốt ở cứu người. Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu/ Biết vui, nghèo cũng hơn giàu/ Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn”.
tham khao nha
 
T

thuyhoa17

:D, mở hàng cho mạ ;))

tớ có 1 thắc mắc là:
Tại sao Tấm lại phải nói là dội nước sôi thì trắng để trả thù Cám mà ko phải là 1 hành động khác?

Có phải là Tấm đã mất đi sự hiền lành vốn có thông qua hành động này?

Và nếu bạn cảm thấy đó là 1 hành động hơi nhẫn tâm của Tấm thì mong các bạn có thể sáng tạo 1 cái kết khác để Tấm trả thù Cám mà vẫn ko mất đi cái vẻ lương thiện từ đầu.


Cám ơn trước ạ :x
 
C

congchualolem_b

Cách trả thù của Tấm có thể coi như hành động đáp lại, kiểu như "tức nước vỡ bờ", năm lần bảy lượt Cám đưa Tấm vào vòng vây của cái chết, giỡn mặt với tử thần, nhưng Tấm thoát được (nhờ bụt), nhưng đó là chuyện trong cổ tích, còn ngoài đời thì khác. Không phải ai cũng có tấm lòng vị tha bao dung như Như Lai phật tổ, ai cũng có một màu đen, màu xám trong tâm hồn, người hại mình, lần thứ nhất mình có thể tha, lần thứ 2 bỏ qua như không thấy, lần thứ 3 im lặng để làm hoà, nhưng lần thứ 4 thì không chắc là quên đi được. Tấm cám là câu chuyện cổ tích xuất phát từ dân gian, thông qua đó thể hiện ý nghĩ của con người, và dĩ nhiên, người hại mình nhiều thì mình trả thù là lẽ tất yếu, ở đây không nên nói Tấm đã mất đi vẻ đẹp ban đầu mà đó chỉ là cách mà nhân dân ta nghĩ là sự trừng trị thích đáng đối với những thói xấu ở đời, răn đe con người phải sống có tình hơn, đừng nên vì chút lòng tham mà đánh mất cả nhân tính.

Còn về kết cục khác, mình vẫn thích một kết cục có hậu :) Để Tấm trở thành một người có tâm hồn đẹp nhất, trong sáng, thuần khiết và vị tha nhất, để Cám biết hối lỗi, để người đời sau nhìn vào đấy thì thấy rằng, mình hại người nhưng người lại không hại mình, cái ân cái tình đó không phải ở đâu cũng có, bởi vậy phải biết quý trọng tình cảm, nhât là tình cảm gia đình (dù không máu mủ ruột rà), sống trong một thế giới tình thương vẫn đẹp hơn trong một thế giới đầy những tham vọng, tội ác.
 
V

vjtran

:D, mở hàng cho mạ ;))

tớ có 1 thắc mắc là: Tại sao Tấm lại phải nói là dội nước sôi thì trắng để trả thù Cám mà ko phải là 1 hành động khác?

Có phải là Tấm đã mất đi sự hiền lành vốn có thông qua hành động này?

Và nếu bạn cảm thấy đó là 1 hành động hơi nhẫn tâm của Tấm thì mong các bạn có thể sáng tạo 1 cái kết khác để Tấm trả thù Cám mà vẫn ko mất đi cái vẻ lương thiện từ đầu.

Cám ơn trước ạ :x

Hành động của Tấm ở cuối truyện tác giả dân gian muốn nói đến cái "ác giả ác báo" nhưng theo mình vì đây là tác phẩm dân gian, lưu hành xa xưa = các truyền miệng, có rất nhiều cái kết trong truyện này, như hồi bé mình được nghe kể một cái kết khác hơn rất nhiều. Nên mình nghĩ cái kết này tuỳ theo suy nghĩ và suy nghĩ của cách "trả thù" mà mỗi tác giả dân gian có một suy nghĩ và cách kể khác nhau.
Còn về sách giáo khoa đưa ra cái kết này, vẫn là một dấu hỏi đưa ra nhiều tranh cãi, có nhiều ý kiến cho rằng không nên viết như thế vì sẽ giáo dục học sinh theo hướng "có thù phải trả" mà thậm chí ở đây trả thù = 1 cách ghê sợ như thế. Có hướng lại nói đưa lên cái kết để nhấn mạnh rằng "cái thiện luôn thắng cái ác" và "ác giả ác báo".
Nhưng với ý kiến riêng của mình không nên đưa một cái kết như thế (cái kết này ở sách nâng cao viết khác cơ bản). Vì dù sao đây cũng là cổ tích, mà cổ tích thì luôn luôn đẹp, luôn là ước mơ của dân nhân ngày xưa muốn hướng tới. Hình tượng Tấm đại diện cho chính họ những người nông dân hiền lành bị đàn áp, phân biệt, Tấm qua bao nhiêu lần chết đi sống lại vẫn vươn lên thành hoàng hậu, đó cả là một ước mơ của 1 tầng lớp xã hôi ngày ấy, nên hãy cứ nên giữ hình tượng Tấm đẹp mãi trong lòng mỗi người dẫn Việt hôm nay bằng một cái kết đẹp hơn, đầy vị tha hơn.

Đó là ý kiến của mình! Thân :)
 
C

congchualolem_b

@Nhóm có vẻ trầm nhỉ?

Mình có một vấn đề này muốn hỏi ý kiến của các bạn :) Ý này mình đã thắc mắc từ lâu, cũng đã tìm cách tự giải đáp và đồng thời cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều thầy cô dạy Văn khác, nhưng có vẻ như nó chưa làm mình hài lòng cho lắm, nay mình muốn tham khảo nhận định của các bạn xem :D biết đâu đó lại là những ý hay và mới.

Trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu có đoạn:

...Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Mình vẫn thắc mắc tại sao Xuân Diệu k dùng từ "cơn gió", "ngọn gió"...như bình thường mà lại chọn là "con gió"? Bạn cho xin cái ý kiến nha ;) Cùng động não nào mọi ng ơi :-*
 
T

thuyhoa17

Hay là chị nói ra phần giải thích của cô giáo chị đi, rồi mọi người cùng thảo luận.

Còn từ con gió đó thì em tìm trong sách thấy cũng ko đề cập tới. :(
 
C

congchualolem_b

@thiensu: vì đây là phần tự thắc mắc nên trong sách k có đâu ^^. Riêng cô giáo mình thì giải thích là để phù hợp với nhịp điệu, mạch cảm xúc của bài thơ. Nhưng mình thì vẫn chưa hài lòng cho lắm :D Theo ý kiến cá nhân của mình thì đó là vì Xuân Diệu là thi sĩ yêu thiên nhiên, xem thiên nhiên như bạn và giữa ông với thiên nhiên như luôn có mối giao cảm tương đồng của những người tri kỉ, bởi vậy mà Xuân Diệu ví "gió" như một loài động vật và thậm chí là con người (giống như người ta vẫn gọi "con Thảo","con Lan"). Chính cách nhân hoá đó thể hiện tình yêu mãnh liệt của nhà thơ đối với vạn vật xung quanh và cả lòng đam mê mãnh liệt với cuộc sống, ham sống, thích sống, muốn hưởng thụ đến tột cùng những giá trị mà cuộc sống mang lại.

Xin đóng góp ý thêm :D bài thơ này rất hay:d
 
V

vjtran

@Nhóm có vẻ trầm nhỉ?

Mình có một vấn đề này muốn hỏi ý kiến của các bạn :) Ý này mình đã thắc mắc từ lâu, cũng đã tìm cách tự giải đáp và đồng thời cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều thầy cô dạy Văn khác, nhưng có vẻ như nó chưa làm mình hài lòng cho lắm, nay mình muốn tham khảo nhận định của các bạn xem :D biết đâu đó lại là những ý hay và mới.

Trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu có đoạn:

...Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Mình vẫn thắc mắc tại sao Xuân Diệu k dùng từ "cơn gió", "ngọn gió"...như bình thường mà lại chọn là "con gió"? Bạn cho xin cái ý kiến nha ;) Cùng động não nào mọi ng ơi :-*

Nói theo suy nghĩ của Vi nhá;)
Theo Vi Thuý nên trích thể này sẽ dễ hiểu hơn:)
"...Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nổi phải bay đi?
Chim rộn ràng bổng cất tiếng reo thi
phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
..."
XD là một thi nhân với 1 tâm hồn vô cùng nhạy cảm với cuộc sống, với thiên nhiên, ở đoạn thơ này, XD ko phải thấy cảnh "cơn gió qua khe lá" hay "Tiếng chim rộn ràng" mà chính thi nhân = sự nhạy cảm , và những rung động của mình đã "tưởng" ra mà viết, tác giả ví mình như "con gió", "con chim" đang say sưa sống, thì bổng lặng người sợ những tàn phai sắp tới.
Vì thế dùng từ "con gió" sẽ làm cho cảm giác nhỏ bé thật sự, rằng "con gió" nhỏ bé say sưa với cuộc đời đó thật sự đang lo sợ và hoản loạn trước sự lo sợ đó.
"Con gió" còn tạo cho bài thơ 1 vẽ mới lạ y như biệt danh của XD "Nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới". Từ đó như là một cách để hiện thân rõ nét một tâm hồn tác giả sau đoạn thơ. Ngoài ra nó còn pha một ít âm hưởng của thơ cả Pháp :D, rất Tây :D
Đó hoàn toàn là suy nghĩ của Vi ^^ Cả nhà góp ý.
Thân!:)
 
T

thuyhoa17

em có 1 câu hỏi.
Trong truyện Chí Phèo ấy ạ.


Tại sao sau khi giết bá Kiến xong, Chí Phèo lại tự sát?
 
T

thanhkimnguyen264

ĐỀ: Vì sao khi đã giết được kẻ thù là bá Kiến. Chí Phèo lại tự kết liễu đời mình? Từ bi kịch đó, hãy nêu lên giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả của truyện Chí Phèo (Nam Cao).
BÀI LÀM
Truyện ngắn Chí Phèo khép lại bằng hai cái chết của hai nhân vật đối địch nhau: bá Kiến và Chí Phèo. Một người bị giết, một người tự sát. Hai cái chết xảy ra cùng một lúc: Chí Phèo văng dao tới chém bá Kiến túi bụi và quay ngang lưỡi dao còn vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình. Vì sao lại có chuyện như vậy? Giết được kẻ thù, lẽ ra phải sống, nhưng sao Chí Phèo lại tự sát? Điều này chỉ có thể lí giải khi ta nhìn lại toàn bộ cuộc đời nhân vật trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, trong quan hệ với các nhân vật khác của truyện.
Chí Phèo là một đứa con hoang không cha không mẹ, được nhặt về nuôi và qua tay nhiều người, cuối cùng trở thành anh canh điền cho nhà lí Kiến (sau này là Bá Kiến). Đó là một người nông dân hiền lành lương thiện. Từ điểm xuất phát ban đầu này, trước khi đi đến cái chết bất đắc kì tử nói trên, Chí Phèo đã trải qua hai chặng đường đời trong cái làng Vũ Đại quần như tranh thực ấy.
Thứ nhất là từ người nông dân hiền lành lương thiện, Chí Phèo biến thành con quỷ dữ ở làng Vũ Đại. Đây là quá trình lưu manh hóa, tha hóa của vật chất. Chí Phèo bị Bá Kiến đẩy vào tù đế quốc, y về làng và biến thành một con người khác hẳn, từ ngoại hình đến sinh hoạt, tính cách. Y đã bị lưu manh hóa đến mức biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại lúc nào không biết. Quá trình tha hóa đã làm y mất cả nhân tính, nhân hình, nhân dạng, đã đẩy y sang thế giới của một loài vật. Cuộc đời y chỉ còn là một cơn say dài ngày này sang ngày khác với những tiếng chưởi rủa điên khùng, những vụ rạch mặt ăn vạ tóe máu, những cuốc chém giết người không ghê tay để rồi cũng chính y phải tự kết liễu đời mình bằng một cái chết bất đắc kì tử. Bị Bá Kiến mua chuộc, y đã thỏa hiệp, mất phương hướng. và thảm hại hơn, y đã trở thành tay sai cho kẻ thù mà không biết. Cứ thế, y trược dài trên cái dốc tha hóa của đời mình…
Sau đó Chí Phèo gặp thị Nở và muốn trở lại làm người lương thiện. Đây là quá trình thức tỉnh của nhân vật. May thay, y lại gặp thị Nở và được thị thương yêu, chăm sóc. Người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn ấy, với tình thương yêu mộc mạc chân thành, đã đánh thức phần nhân tính còn lại trong con người y, khiến y muôn trở lại làm người lương thiện: trời ơi, hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì làm sao người khác không thể được. Mùi cháo hành đã đẩy lùi hơi rượu trong lương tri đã tắt, giờ lại bùng lên với một ước mơ được sống lương thiện trong đời thường: chồng cuốc nương cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Liệu cái ước mơ khiêm tốn ấy có thành hiện thực trong bối cảnh xã hội của làng Vũ Đại bấy giờ không?
Chí Phèo muốn làm người lương thiện nhưng xã hội lúc bấy giờ không cho y được làm người lương thiện: đó là bi kịch tuyệt quyền làm người trong chế độ cũ trước cách mạng tháng tám. Xã hội ở đây là làng Vũ Đại và người phát ngôn ra điều đó là bà cô của thị Nở khi bà trả lời đứa cháu gái: đã nhìn được đến đằng tuổi này thì nhìn hẳn, ai lại đi lấy cái thằng Chí Phèo!” Thế là rõ. Trong ý thức của bà cô thị Nở -cũng là dân của làng Vũ đại –thì Chí Phèo là một con vật không hơn không kém. Đến như thị Nở là một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại dở hơi, lại có giống mả hủi mà Chí Phèo vẫn không xứng, thì y có thể chỉ là một con vật, đã đẩy y sang thế giới của loài vật thì làm sao y có thể quay trở lại thế giới loài người? Vì vậy, đang thương yêu y, nghe lời bà cô, thị Nở đã cự tuyệt mối tình của y. Ta hiểu cự tuyệt mối tình của y cũng có nghĩa là xã hội, mà ở đây là dân làng Vũ Đại, đã cự tuyệt quyền làm người của y. Bởi y tha hóa, đã trở thành con quỷ dữ, không thể trở lại làm người được nữa.
Bi kịch ấy phải được giải quyết bằng con đường tất yếu: xã hội đã không cho y sống thì y phải chết, vì nếu có sống mà không được công nhận làm người thì sống để làm gì. Bị thị Nở cự tuyệt, cùng một lúc, y nhận ra y không còn là con người nữa và người đã đẩy y sang thế giới loài vật chính là Bá Kiến. Y phải chết nhưng trước khi chết y phải hạ thủ Bá Kiến. Bi kịch và cách giải quyết bi kịch cua Chí Phèo đã được Nam Cao diễn tả bằng những câu đối thoại sắc lạnh của hai nhân vật:
- Tao muốn làm người lương thiện
- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không! Chỉ còn một cách..biết không!...Chỉ còn một cách là …cái này! Biết không!..
Và sau khi giết Bá Kiến, Chí Phèo đã quay ngay lưỡi dao còn vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình để kết liễu một cuộc đời đầy bi thảm với cái chết hết sức thảm thương: chết vì xã hội không cho mình được quyền sống làm người. Bi kịch cự tuyệt quyền làm người dẫn đến cái chết bất đắc kì tử, hơn nửa thế kỉ qua, vẫn không thôi nhức nhói trong lòng người đọc chúng ta.
Bi kịch Chí Phèo vang lên day dứt trong hai câu nói cuối cùng của nhân vật trước khi tự sát đã bộc lộ sâu sắc chủ đề của truyện ngắn:” Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “ Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện nữa”. Đó là cũng chính là giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Trước hết là giá trị hiện thực của truyện. Bi kịch cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo chỉ xảy ra ở đoạn cuối truyện ngắn nhưng bi kịch đó cho ta thấy rõ một cuộc đời vô cùng thê thảm, một số phận cực kì bi đát của người nông dân nghèo bị đẩy vào con đường lưu manh hóa trong xã hội cũ đến mức mất cả nhân tính, nhân hình và nhân dạng. Đó là lí do khiến họ không thể quay về cuộc sống làm người, dù họ muốn sống lương thiện
Không những thế, bi kịch này còn tố cáo cái xã hội thực dân phong kiến vô cùng độc ác, bất nhân, bóp chết từ trong trứng cái ước mơ muốn hoàn lương của con người. Chính cái xã hội này đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hóa rồi lại sập cánh cửa, chặn đứng không cho y quay trở về với cuộc sống của con người. Một xã hội như thế thấy rõ sự dã man, tàn nhẫn của nó đến mức nào. Tiếng nói phê phán, tố cáo của Nam Cao ở đây cũng thật mạnh mẽ, sâu sắc.
Bên cạnh giá trị hiện thực, truyện Chí Phèo còn có giá trị nhân đạo cả. Nam Cao đã có một con mắt nhìn đầy nhân đạo đạo đối với con người. Đó là một con mắt cảm thông, thương yêu và trân trọng đối với những nạn nhân của chế độ cũ. Ông đã phát hiện và nhìn thấy một điều hết sức quý giá và có ý nghĩa của họ: ngay cả những con quỷ dữ như Chí Phèo thì phần nhân tính chưa mất hết, và khi có điều kiện, nó sẽ thức tỉnh để trở lại làm người lương thiện. Mối tình Chí Phèo - thị Nở đã được nhà văn xây dựng bằng một ngòi bút chứa chan tình người “mùi cháo hành” đã đẩy lùi “ hơi rượu” là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc bắt nguồn từ trái tim nhân đạo của nhà văn.
Từ bi kịch này vang lên tiếng kêu gọi khẩn thiết của nhà văn đòi quyền sống cho con người. Người đọc cứ tự hỏi những câu nói cuối cùng vang lên day dứt là của nhân vật hay của chính tác giả? Nó làm nhức nhối tâm can bao thế hệ người đọc từ bấy đến nay chỉ vì một câu hỏi lớn Nam Cao đã đặt ra mà chưa tìm được câu trả lời: Tao muốn làm người lương thiện” câu hỏi ấy ngày nay, chúng ta đã trả lời cho Nam Cao.
NGUYỄN XUÂN LẠC
Bài này mình đọc đc trên mạng, các bạn tham khảo nhé!
 
Top Bottom