Thơ văn Nguyễn Trãi bộc lộ một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết :
Trong mười năm Nguyễn Trãi sống lẩn lút, náu mình trong nhân dân và nhất là sau khi
về ở ẩn ở Côn Sơn, thiên nhiên đối với Nguyễn Trãi luôn vừa là hình ảnh của một người
mẹ hiền từ, dịu dàng, thân thiết, luôn mở rộng cánh tay đầy yêu thương trìu mến của
mình để đón nhận đứa con trở về, vừa là hình ảnh của một người bạn tri âm, tri kỉ để cho
ông tâm tình, say ngắm và bộc lộ những cảm xúc mãnh liệt của một tâm hồn nghệ sĩ.
Ông đi vào thiên nhiên như để xa lánh cõi trần tục, xa lánh vòng danh lợi, giữ cho tâm
hồn mình trong sạch thanh cao , vì chốn danh lợi lòng người xấu xa, nham hiểm khôn lường :
Công danh đã được hợp về nhàn
Lành dữ âu chi thế nghị khen.
( Thuật hứng )
Trước thiên nhiên, ta thấy Nguyễn Trãi hiện lên như hình ảnh của một vị tiên ông :
Quét trúc bước qua dòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng.
( Ngôn chí, 15 )
Ngày, đêm ông luôn bầu bạn với thiên nhiên :
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa dỡ cây.
( Ngôn chí, 10 )
Ông luôn hoà mình vào cảnh vật của thiên nhiên :
Côn Sơn có suối rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
( Côn Sơn ca )
Nói tóm lại, tình yêu thiên nhiên là một trong những nội dung chính trong thơ văn Nguyễn Trãi, nó bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc của ông trước cái đẹp của thiên nhiên.
]