Vì không có nhiều thời gian để đưa ra một dàn ý chi tiết cho câu hỏi của bạn, minh xin gợi một vài ý để bạn triển khai bài viết của mình nhé.
Câu 1: So sánh hai đoạn trích Uylitx trở về và Ra ma buộc tội
a. Giống nhau:
- Thể loại: sử thi (sử thi anh hùng)
- Nội dung: đều nói về những cuộc đoàn tụ của vợ chồng sau thời gian dài xa cách, thông qua đó thể hiện quan niệm của cộng đồng về ý thức danh dự, phẩm chất đạo đức, tài năng và trí tuệ của con người.
- Hình tượng nhân vật trung tâm: người anh hùng mang trong mình vẻ đẹp phi thường, là kết tinh của ước mơ, khát vọng của cả cộng đồng: phẩm chất trí tuệ (trong Uylitx trở về), ý thức rất cao về danh dự, nhân phẩm (trong Ra ma buộc tội), sự thủy chung, son sắt (hình tượng người phụ nữ, người vợ trong hai tác phẩm).
- Nghệ thuật: mang những nét đặc trưng của thể loại sử thi: sáng tạo những hình tượng hoành tráng, kì vĩ, ngôn ngữ giàu hình ảnh (với các phép so sánh), giàu nhịp điệu (cả hai sử thi đều được viết dưới dạng văn vần) ... thể hiện trí tưởng tượng và sức sáng tạo tuyệt vời của con người thời cổ đại.
b. Điểm khác
- Nội dung: Uylitx .... đề cao phẩm chất trí tuệ của con người trong khi Rama buộc tội thiên về ngợi ca những phẩm chất đạo đức (sự thủy chung, trinh tiết, phẩm hạnh, danh dự, bổn phận)
- Hình tượng nghệ thuật: Uylitx là biểu trưng cho người anh hùng với sức mạnh và trí thông minh xuất chúng trong khi Rama được miêu tả chủ yếu dưới góc độ ý thức bổn phận, nghĩa vụ và danh dự của một bậc minh quân. Penelop là một người phụ nữ không chỉ thủy chung son sắt mà còn có cả sự tỉnh táo, lí trí trong khi Xita là biểu tượng ngời sáng cho tiết hạnh, phẩm giá cao khiết của người phụ nữ.
- Nghệ thuật: cái này hơi khó vì chưa được tiếp cận với văn bản gốc tác phẩm nhưng sự khác biệt (nếu có) sẽ nằm ở sự khác nhau trong tư duy nghệ thuật của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Khi nào có thời gian mình sẽ đi sâu hơn về vấn đề này.
Câu 2. Đề nêu chưa rõ đối tượng cần phân tích (tác phẩm/đoạn trích nào, thể loại nào ... ?) nên chưa dám loạn ngôn.
Đôi lời góp nhặt, xin đừng cười chê.