[Văn 10] Nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lí

G

giahung341_14

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Em hiểu thế nào là truyền thống "tôn sư trọng đạo" - 1 nét đẹp của văn hóa Việt Nam? Trình bày những suy nghĩ của bản thân về truyền thống này trong nhà trường và trong xã hội hiện nay.

Giúp mình với các bạn ơi, thứ 5 mình phải nộp rồi, nếu được các bạn cho mình khoảng 4, 5 bài luôn nhé!
 
N

nguyenbahiep1

“Tôn sư, trọng đạo” là một trong những truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó tự bao đời đã kết tinh thành đạo lý của người Việt Nam.

Từ những “thày đồ” - người thầy giáo làng với triết lý “thanh bần” - “nghèo nhưng trong sạch”, “giấy rách luôn giữ lấy lề” thanh cao, tao nhã chốn làng quê xưa kia đến các Nhà giáo, các giáo sư, tiến sĩ ngày nay học vấn uyên thâm đều luôn được các học trò của mình và toàn xã hội trọng vọng.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (“một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày”) đủ nói lên sự kính trọng tuyệt đối của toàn dân ta với các thày cô giáo.
Chiểu theo các lễ nghi chính tắc của đạo Khổng, vị trí người thầy đã được xác định ở đẳng cấp thứ hai trong xã hội: “Quân - Sư - Phụ”. Trong sự trọng vọng của xã hội, người Thày chỉ đứng sau Vua và đứng trên cả Cha đẻ của mỗi người. Trong dân gian, dân ta có rất nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ gần gũi, thiết thực và sống động hơn, thể hiện sự tôn vinh tri thức, kính trọng người thầy:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh.

Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ
Dầu cạn thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
Và đây, một số thành ngữ, tục ngữ điển hình:
“Không thầy đố mày làm nên” - tuy mộc mạc nhưng thực sự đề cao tri thức và vị trí người thày.
“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” - đơn giản nhưng chất chứa chiều sâu vô bờ bến của những người con hiếu thảo, những người trò giỏi giang.
“Lạy lục khúm núm không bằng ghi tạc lời thầy” - khuyên rằng chịu khó học hỏi, ghi tạc lời thầy thì sẽ có được sự hiểu biết, từ đó giúp ta tự tin trong cuộc sống, không phải khúm núm, sợ sệt kẻ khác.
“Cha muốn con hay, thầy muốn trò khá” - Cha cũng như Thày, đều mong muốn con mình, học trò của mình giỏi giang.
“Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò ***” - nhắc nhở học trò hãy miệt mài học tập, chớ có nhất thời bột phát chê thầy…
Trên thực tế, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã đi vào trong cuộc sống của dân tộc ta, đã len lỏi trong từng gia đình và trở thành một thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam. Vì vậy, để tri ân các thầy cô giáo, chính thức ghi nhận vị trí người thầy giáo trong xã hội hiện đại, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước ta đã ra Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý. Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học. Trong tâm thế ấy, nhân ngày lễ trang trọng này của các nhà giáo, chúng ta trân trọng chúc mừng và cảm ơn tất cả các thày cô giáo đã, đang và sẽ luôn luôn dấn thân trong sự nghiệp trồng người, góp phần thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội

nguồn google
 
T

thongoc_97977

"Tôn sư trọng đạo" không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào "Tôn sư trọng đạo" vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người "Không thầy đố mày làm nên". Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Trên thực tế, vấn đề "tôn sư trọng đạo" ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.

"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.
 
V

vitconxauxi_vodoi

I. Mở bài.

Một trong những tốt đẹp nhất của người Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo”. Đó là đạo lí của những người học trò mà chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn và phát huy. Trong xã hội ngày nay truyền thống ấy được nhận thức, thực hành như thế nào chúng ta hãy cùng bàn luận.


II. Thân bài.

1. Giải thích.


- Tôn sư: (tôn: là tôn trọng, kính trọng và đề cao; sư: là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ). Vậy tôn sư là người học trò thì phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống.


- Trọng đạo: (trọng: coi trọng, tôn trọng; đạo: đạo lí, con đường làm người, đạo đức, đạo lí truyền thống tốt đẹp của con người): Vậy trọng đạo: là người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy, vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,...


2. Phân tích, chứng minh, bình luận.

a. Phân tích.


“Tôn sự trọng đạo” chính là một truyền thống tốt đẹp của đạo học Việt Nam, truyền thống này có từ lâu đời khi có nhu cầu truyền dạy và học tập của con người. Đề cao vai trò, tầm quan trọng của người thầy chúng ta còn biết đến những câu thành ngữ, tục ngữ, những câu nói dân gian như:


+ “Không thầy đố mày làm nên” – có nghĩa là nếu không có người thầy dạy cho ta học và làm bất cứ sự việc gì thì ta không thể học và làm được điều đó.


+ “Học thầy không tầy học bạn” – có nghĩa là: nếu học thầy mà chưa hiểu hết, chưa nắm hết được kiến thức thì học ở bạn, lúc này bạn cũng là thầy của ta.


Vì thế dân gian lại có câu:


+ “Tam nhân đồng hành tất hữu vi sư” - có nghĩa là: ba người cùng đi trên một đường, tất sẽ có người là bậc thầy của ta.


Và vì thế câu nói sau mới có ý nghĩa:


+ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: có nghĩa là: người dạy cho ta một chữ thì cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Đây là cách nói cụ thể nhất của câu : Tôn sư trọng đạo

Và vì thế: “Trọng thầy mới được làm thầy” - có nghĩa là: nếu không tôn trọng thầy và đạo học của thầy thì không thể làm thầy thiên hạ được. Vì muốn làm thầy thì trước hết phải làm học trò. Một người học trò khi trở thành bậc thầy thì đã có biết bao người thầy đã truyền thụ kiến thức về mọi mặt – tức là làm học trò của nhiều người thầy thì sau mới có thể làm thầy giỏi được.

Vậy nên, vì những lẽ trên, cha ông ta đã đúc gọn trong câu: “Tôn sự trọng đạo” là rất chính xác, ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa về vai trò, tầm quan trọng của việc tôn trọng người thầy, tôn trong đạo học.


b. Chứng minh.


- Lấy chính kinh nghiệm của bản thân mình.


- Bằng những hiểu biết về vấn đề này:


+ Chúng ta luôn tự hào với truyền thống và phẩm chất cao đẹp của các bậc thầy xưa, các thầy lớp trước mà danh tiếng lưu truyền mãi mãi.


Như thầy Lý Công Uốn đời nhà Lý, thầy Lê Văn Hưu, thầy Chu Văn An. Nguyễn Phi Khanh đời nhà Trần, thầy Trần Ích Phát đời nhà Lê, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm đời nhà Mạc. Thế kỷ XIX có thầy Cao Bá Quát, thầy Nguyễn Đình Chiểu lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ. Đầu thế kỷ XX có thầy Nguyễn Thức Tự đã dạy dỗ học trò hầu hết thành đạt trở thành những chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức kế, Đặng Thái Thân, Lê Văn Hân,...


Chúng ta quên sao được thầy giáo Nguyễn Tất Thành người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cùng với các học trò xuất sắc như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta.


c. Bình luận.


Ngày nay có rất nhiều người học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, được học nhiều bộ môn của các thầy cô giảng dạy nhưng họ không ý thức được vấn đề cần phải tôn trọng, kính trọng, lễ phép với người thầy và coi trọng đạo học mà thầy truyền giảng. Điều ấy có nghĩa là đạo lí truyền thốngkhông được tôn trọng, học tập...


Nhưng cũng có rất nhiều người học trò đã và đang hiểu và thực hành câu thành ngữ và cũng đang bước trên con đường thành đạt trong cuộc sống, trong khoa học,...


3. Mở rộng.

III. Kết luận.


- Khẳng định sự đúng đắn, ý nghĩa, giá trị giáo dục, vai trò, tầm quan trọng và những tác động tích cực của câu thành ngữ “Tôn sư trọng đạo"

- Bài học bản thân.
 
V

vitconxauxi_vodoi

Khổng Tử, bậc thầy vĩ đại, hơn 2500 năm trước sáng lập ra học thuyết Nho giáo chứa đựng tư tưởng giáo dục sâu sắc. Ông nói: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên” - tức “Trong ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta ở đó”.
Suốt nghìn năm phong kiến, giáo dục Việt Nam trên đại thể được coi là nền giáo dục Nho giáo. Giá trị nhân bản tốt đẹp của nền giáo dục này thể hiện rất rõ ở “hằng số văn hóa” thầy - trò. Xưa đến nay, nhân vật quan trọng nhất của trường học là người thầy. Truyền thống ngàn đời trong thế ứng xử của người Việt được cô lại và đúc kết bằng bốn chữ: “Tôn sư trọng đạo”.

Câu nói: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là những lời cửa miệng của người Việt nhắc nhở nhau mỗi khi đề cập tới vai trò của người thầy. Ở dân tộc Việt Nam, “tôn sư trọng đạo” thấm sâu trong tâm thức mỗi người dân. Để tỏ lòng tôn kính với thầy, người Việt có quan niệm: “Sống tết, chết giỗ”. Chính vì thế mà dưới thời phong kiến, người thầy được xếp thứ hai sau vua, theo cách gọi: Quân - Sư - Phụ (Vua – thầy - cha).


Thế ứng xử dân chủ linh hoạt của người Việt Nam rất đề cao vai trò của thầy trong sự nghiệp dạy và học. Vậy mới có câu: “Trò hơn thầy đức nước càng dày”, “học thầy không tầy học bạn” - ý nói bạn cũng có thể là thầy.


Ngày trước, thời phong kiến, không phải ai cũng có tiền đi học. Nhiều gia đình nghèo khó con em không thể đến trường. Tuy nhiên, cơ hội theo học vẫn có. Họ chỉ cần theo những phép tắc nhất định - những phép tắc biểu hiện đậm nét của sự tôn sư trọng đạo mà không quá câu nệ vào vật chất.


Chẳng hạn, trước khi cho con đến theo học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình có một “lễ mọn”, mang tính chất “lòng thành” dâng lên thầy. Tỏ lòng thành kính “tôn sư trọng đạo”, nhiều gia đình còn gửi gắm con mình theo học và ở luôn bên nhà thầy. Một năm chỉ về thăm nhà vài lần. Thỉnh thoảng, gia đình trò lại gửi biếu thầy ít gạo nếp, hoặc mớ rau, con cá như một thông điệp bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới công lao to lớn của thầy.


Thời gian ở nhà thầy, học trò không chỉ học chữ nghĩa mà quan trọng phải tu dưỡng bản thân, rèn nhân cách sống. Có thể nói, đạo trò xưa không chỉ rất khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ rất lớn lao. Khi ra đường, gặp thầy phải ngả mũ nón và vòng tay chào; lúc thầy già yếu, các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường (áo quan)...


Phải thừa nhận nền giáo dục phong kiến có nhiều điểm còn hạn chế, nhưng do lấy tư tưởng đạo đức của Nho giáo làm nền tảng cơ bản nên đã tạo ra một lớp học trò trọng nhân nghĩa và sống có đạo lý, rất “tôn sư trọng đạo”.


“Tôn sư trọng đạo” còn thể hiện ở việc kính thầy. Kính thầy là một phong tục có giá trị nhân văn sâu sắc. Kính thầy thường vào dịp đầu xuân - Tết nguyên đán. Học trò xa gần náo nức rủ nhau tới chúc tết, thăm hỏi sức khỏe gia đình thầy. Dân gian có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” cũng vì lẽ đó.


Mối quan hệ thầy - trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xử của nhân dân Việt Nam. Người thầy như điểm sáng trí tuệ sưởi ấm tâm hồn học trò. Tìm trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người đời ca tụng, lưu danh muôn thuở.


Vậy mới có một thầy Chu Văn An (1370), sẵn sàng từ bỏ áo mũ, quan tước, dâng sớ lên triều đình xin chém đầu 7 kẻ quyền thần. Một thầy Đồ Chiểu mù hai mắt nhưng cả đời kiên trung, không chịu khuất phục trước sức mạnh xâm lược của ngoại bang...


Ý thức “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta thật đa dạng, chứa đựng tính nhân bản tình người. Minh chứng cho điều này, chúng ta ngược thời gian trở về các làng nghề truyền thống. Nhiều phường nghề, phố nghề ở Thăng Long được bắt đầu từ một số thợ thủ công trong các làng nghề ở nông thôn. Họ di cư lên đô thị lập thương điếm, cửa hiệu làm ăn, dần dà hình thành nên những phường nghề, phố nghề nơi kinh thành.


Tuy sống và làm việc tại thành thị, nhưng họ vẫn có quan hệ mật thiết với quê hương. Ngày giỗ tổ, không ước hẹn nhưng tất cả cùng đồng tâm tụ họp về chốn cũ quê xưa để tưởng nhớ tới vị thầy đã truyền nghề cho họ. Trong sâu thẳm tâm thức mỗi người, đó là việc làm ghi lòng tạc dạ công ơn của lớp hậu sinh tới bậc tiền bối - người thầy sáng lập ra nghề và truyền lại cho hậu thế.


Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục, coi trọng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cho phép đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chủ trương đưa đất nước phát triển tiến lên bằng nền kinh tế tri thức. Nền giáo dục của Nhà nước ta đã chọn lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây có thể xem như là một biểu tượng đẹp cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam . .

 
V

vitconxauxi_vodoi

Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi​
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.”

Con người Việt Nam ta từ ngày xưa đã có truyền thống ham học hỏi nên địa vị của người thầy bấy giờ rất được tôn vinh. Bởi vậy người ta mới xếp thứ bậc trong xã hội: “Quân, sư, phụ”. Nó cho thấy tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” là một trong những đạo lí quý báu mà ông cha ta đã đúc kết và gìn giữ cho đến ngày nay. Nó cho ta thấy công lao giáo dục to lớn của người thầy. Họ không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy ta những bài học làm người sâu sắc giúp ta hoàn thiện bản thân hơn. Từ đó có thể thấy vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ. Bổn phận của đạo làm trò phải biết khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình. Ngày xưa, mỗi khi tết đến xuân về, cha mẹ người học trò thường mua gà, trái cây đem biếu thầy cô. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn được phát huy tốt: học sinh khi gặp thầy cô đều lễ phép bỏ nón cúi đầu chào; luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, hăng hái đóng góp ý kiến xây dựng bài vở ở lớp và ngạc nhiên hơn là có những người đã gần đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn giành thời gian để đến thăm các giáo sư cũ. Hành động ấy càng giúp ta hiểu sâu hơn lòng biết ơn thầy là vô bờ bến, nó không phân biệt tuổi tác.

Việc kính trọng thầy cô vừa là quan niệm đạo đức vừa là trách nhiệm của mỗi học sinh. Xã hội bây giờ ngày một phát triển nên vai trò của người thầy cũng có phần thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Tuy có thay đổi ít nhiều nhưng vai trò của người thầy đối với học trò cũng không hề suy giảm, trò vẫn luôn kính trọng thầy và thầy cũng vẫn luôn thương yêu học trò như những đứa con thân yêu. Họ mong muốn những “đứa con” của mình sẽ không phụ công dưỡng dục mà lấy đó làm nền tảng đi đến thành công. Không phải chỉ nói suông mà ở nước ta còn giữ lại nhiều di tích cổ xưa cho thấy lòng tôn kính ấy như Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội-nơi lưu giữ tài liệu, những bài thơ quý giá của những người thầy xưa. Qua đó nói lên sự thành kính của dân tộc ta đối với người thầy.

Càng đi sâu vào phân tích, ta càng nhận thấy tầm quan trọng của những người “bắc cầu nối” cho thế hệ đi sau trong việc tìm ra đích đến của ước mơ và hoài bão. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những trang thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Vì vậy, ta còn có thể hiểu sâu xa hơn: "Tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, khát vọng văn minh, tiến bộ; "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là vấn đề đạo đức xã hội. Gần đây xuất hiện những thanh niên có những lời nói, hành động vô giáo dục, vô lễ, xúc phạm thầy cô. Vì vậy, chúng ta phải có những hành động lên án gay gắt và nhắc nhở mọi người nhìn lại cách ứng xử, thái độ của mình đối với những người làm thầy.

Để giữ gìn và phát huy tinh thần “tôn sư trọng đạo”, chúng ta là học sinh trong lớp phải siêng năng học tập, lắng nghe giáo viên giảng bài, tôn trọng thầy cô. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, tất cả học sinh trở về ngôi trường cũ để gặp bè bạn, thăm thầy cô- những người đã từng giúp chúng ta chắp thêm đôi cánh ước mơ trên con đường học vấn bao la rộng mở.

“Tôn sư trọng đạo’ là một trong những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ ngàn đời nay và đã được khắc sâu trong lòng những đứa con Việt.
Họ và tên: Trần Nguyễn An Thái
Lớp: 10A8

~>Sưu tầm
HAY:
Việt Nam chúng ta được biết đến với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về những truyền thống đó như : “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”… Nhưng câu ca dao mà đa số mọi người dân đều biết là


“Muốn sang thì bắt cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”


Ấy vậy mà giá trị của câu ca dao đã bị mai một dần trong quá trình phát triển của con người, tại sao vậy?

Câu ca dao trên rất phổ biến trong cộng đồng những người làm công tác giáo dục. Nó mang ý nghĩa động viên to lớn cho họ rằng họ-những con người đào tạo ra lớp trẻ tài năng cho đất nước. Bản đầy đủ hơn của câu ca dao này là :

“Bồng bồng mẹ bế con sangĐò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.Muốn sang thì bắc Cầu KiềuMuốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”


Ở câu trên, câu ca dao là một lời ru nói lên những ngậm ngùi của người mẹ đối với đứa con. Mẹ bồng con đi dọc trên bờ sông vắng để tìm một chuyến đò qua sông, thế nhưng lại không có. “Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo” thì làm sao qua được. Qua câu sau, ta thấy rõ được “biện pháp” của người mẹ, tức là phải xây cầu để qua. Và khi đó, trong lời ru của người mẹ đã thấy được hình ảnh người thầy : “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Từ xưa, quan niệm học tốt gắng liền với hình ảnh ông giáo-tiền thân của giáo viên sau này. Cha mẹ ai muốn con mình học giỏi đều mang biếu ông giáo gói xôi, con gà chỉ mong ông dạy con mình cái chữ cái câu.


Bây giờ xã hội đang ngày càng phát triển, sự tiên tiến của công nghệ thông tin khiến cho học sinh, sinh viên và cả phụ huynh tiếp xúc nhiều với nền văn hóa của các nước khác. Vì thế nên họ đã dần lãng quên hình ảnh người thầy luôn tận tụy giúp đem con chữ đến cho những đứa học trò của mình. Họ mải mê chạy theo những xu hướng hiện nay như tư tưởng tự học ở nhà, tự học bằng internet nhưng họ nào biết muốn giỏi thì cần phải có người chỉ dẫn, hướng cách học theo một con đường đúng.


Và điều điển hình trong việc xem nhẹ nghề giáo của nước ta đó là lương. Nghề giáo là một nghề đào tạo nhân tài cho đất nước trong tương lai nhưng lại với mức lương ít ỏi dưới ba triệu. Còn đối với những nước phát triển, nghề nhà giáo luôn được xem trọng và được hưởng mức lương hằng tháng từ 50.000 USD đến 70.000USD.


Vấn đề là tầng lớp học sinh hiện nay đang dần bị cuốn theo những trào lưu của nước ngoài như chơi game, xem phim bạo lực , văn hóa phẩm đồi trụy 18+… Nhưng thường những thói quen đó sẽ dẫn đến hậu quả xấu như bỏ học chơi game, đánh giáo viên, xem nhẹ việc học…Tuy nhiên phần lỗi không hoàn toàn thuộc về học sinh mà phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lí việc học và việc chơi của con em mình, cần hướng chúng theo một con đường đúng đắn, và việc đầu tiên phải làm là dạy cho chúng biết tôn trọng và yêu thương thầy cô.


Tóm lại, nghề nhà giáo cần được giữ vững và phát huy hơn nữa. Học sinh và phụ huynh cũng cần có ý thức trong việc “ Yêu lấy thầy”. Hơn thế nữa, bản thân những người giáo viên cần phải khắc phục những khuyết điểm của mình, nâng cao chất lượng dạy học để học sinh có hứng thú trong việc học tập hơn. Có thế thì câu ca dao


“Muốn sang thì bắt cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”


mới còn nguyên bản chất thật của nó là truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt ta
.
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom