P
phamminhkhoi
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
Có những địa danh mà chỉ nhắc tên, lòng ta đã dâng lên bao nỗi niềm xao xuyến. Huế là một vùng đất như vậy. Huế Ðẹp và Thơ. Hà Nội - Huế - Sài Gòn, là biểu tượng của tinh thần đấu tranh thống nhất, của một dải non sông máu thịt gắn liền muôn đời không chia cắt.
Không ai trong chúng ta lại không thuộc nằm lòng ít nhất một đôi câu thơ về Huế. Ðó là Dạ thưa xứ Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (Bùi Giáng); là Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử); là Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng, Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai, Ven bờ sông phẳng, con đò mộng, Lả lướt đi về trong gió mai (Tố Hữu); là Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng, Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo (Nam Trân)...
Xưa, nhiều chàng trai xứ Quảng ở trong ra đã thốt lên Học trò trong Quảng ra thi, Thấy cô gái Huế chân đi không đành; thi sĩ Hồ Dzếnh và người Ðàng ngoài vào sững sờ Này ai bán nguyệt, người ai nhỏ, Em ạ, yêu nhau chết cũng đành...
Ngày xưa nữa, Ðào Duy Từ, thấy Huế là một vùng đất Phật Ngày vắng đinh đang chuông Bát Nhã, Ðêm khuya dắng dỏi kệ Di Ðà. Cao Bá Quát thấy được ở Huế vẻ hùng tráng, nơi chính khí non sông hội tụ Trường giang như kiếm lập thanh thiên. Nguyễn Bính hoài cổ Hôm nay có một người du khách, Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự viên. Vốn mang nỗi buồn cô đơn của người lữ thứ, lại thêm nỗi buồn của người mất nước, gặp mưa Huế, Nguyễn Bính đã có những câu thơ rượi buồn:
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ
Mà nhớ mà thương đến thế này!
Có lẽ không có nhà thơ Việt nào lại không ao ước một lần đến Huế. Ðến Huế, ở Huế đều được Huế ban tặng cho những niềm xúc cảm đẹp đẽ, cao sang và da diết. Huế không chỉ là núi sông êm đềm, đền đài, lăng tẩm tráng lệ. Huế còn có ngọn tháp thơ lung linh hồn Việt. Ít có nơi có được nhiều câu thơ hay như ở Huế.
Ðể lưu giữ nó, để gửi tới thế hệ hôm nay và mai sau ngọn tháp thơ hùng vĩ ấy. Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách quý 700 năm Thơ Huế do Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Phước Hải Trung, Hồ Thế Hà, Trương Thị Cúc, Võ Quê biên soạn.
700 năm Thơ Huế, một thi tập đầy đủ nhất về Huế từ trước đến nay. Tác giả sớm nhất, bài thơ sớm nhất viết về Huế có mặt trong tập là Hóa Châu tác của Trương Hán Siêu. Lê Thánh Tông với Tư Dung hải môn lữ thứ đã nêu cao cảm khái về ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc:
Cả mối cơ đồ một cõi chung
Về Nam địa giới Hải Vân giăng
Ba canh trăng tĩnh Ðồng Long rạng
Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung...
Mỗi giai đoạn lịch sử lại đắp dày thêm vào Huế những tầng văn hóa mang màu sắc khác nhau nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn là ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc, là một tình yêu sâu lắng, đậm đà đối với con người, với quê hương, đất nước. Dĩ nhiên, đây cũng là cảm hứng chủ đạo của thơ Việt nói chung. Vậy thì nét riêng của thơ Huế, thơ viết về Huế là gì? Các nhà biên soạn đã cố gắng lý giải về nó: "Bản sắc trong thơ Huế có thể nhận diện ở đâu? Ðó là vấn đề vừa có tính cụ thể - xác định, vừa có tính không cụ thể - bất định... Bên cạnh đó, ta có thể nhận diện đặc trưng Huế qua sơn thủy và thơ thiền mà các nhà thơ trung đại đã vịnh, tả, cảm tác, triết lý từ sông nước, mây trời, cảnh vật thiên nhiên Huế; hoặc có thể nhận diện ở chiều sâu thẳm của tâm linh, của không khí, của nỗi u trầm tịnh liêu và cảnh mơ màng, khói sương bàng bạc Huế. Chất hoài niệm có tính lịch sử và nhân sinh, chất trữ tình huyền ảo lắng sâu trong từng bài thơ... giúp ta hiểu được hồn người, hồn Huế. Chất "thiên nhân tương cảm", "thiên nhân tương dữ" hiện lên rất rõ trong thơ, dù có khi nhà thơ không dùng một từ nào mang tính định danh cụ thể...".
Tôi muốn nói thêm rằng, thơ Huế có lời đẹp, ý sâu; là thơ của một khoảnh khắc đã nhập hồn lịch sử, làm nên thức nhận giữa cái đổi dời và vĩnh cửu, giữa cái tôi hữu hạn và muôn trùng sóng trắng thời gian. Lại nhớ câu thơ Vũ Ðình Liên: "Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa". Cái cô đọng, cái dồn nén mà cộng hưởng ấy, cùng với cái thổn thức của ngưỡng vọng, khát vọng đế kinh có thể có nhiều cách nói, nhưng không chi bằng ngụ ở một mối tình, ở một người em gái Huế. Người em gái Huế với giọng Huế thương của mình, như con sông Hương tĩnh lặng không nổi sóng khuynh thành mà sâu lắng, có thể làm chìm đắm, có thể chảy mãi trong mọi hồn người.
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
(Thu Bồn)
Thơ Huế, thơ về Huế vốn đã hay. Người sau làm thơ về Huế chỉ có một con đường: phải hay và sáng tạo, để cho ngọn tháp thơ Huế cao mãi, lung linh mãi.
Nguyễn Sĩ Ðại
Không ai trong chúng ta lại không thuộc nằm lòng ít nhất một đôi câu thơ về Huế. Ðó là Dạ thưa xứ Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (Bùi Giáng); là Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử); là Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng, Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai, Ven bờ sông phẳng, con đò mộng, Lả lướt đi về trong gió mai (Tố Hữu); là Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng, Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo (Nam Trân)...
Xưa, nhiều chàng trai xứ Quảng ở trong ra đã thốt lên Học trò trong Quảng ra thi, Thấy cô gái Huế chân đi không đành; thi sĩ Hồ Dzếnh và người Ðàng ngoài vào sững sờ Này ai bán nguyệt, người ai nhỏ, Em ạ, yêu nhau chết cũng đành...
Ngày xưa nữa, Ðào Duy Từ, thấy Huế là một vùng đất Phật Ngày vắng đinh đang chuông Bát Nhã, Ðêm khuya dắng dỏi kệ Di Ðà. Cao Bá Quát thấy được ở Huế vẻ hùng tráng, nơi chính khí non sông hội tụ Trường giang như kiếm lập thanh thiên. Nguyễn Bính hoài cổ Hôm nay có một người du khách, Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự viên. Vốn mang nỗi buồn cô đơn của người lữ thứ, lại thêm nỗi buồn của người mất nước, gặp mưa Huế, Nguyễn Bính đã có những câu thơ rượi buồn:
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ
Mà nhớ mà thương đến thế này!
Có lẽ không có nhà thơ Việt nào lại không ao ước một lần đến Huế. Ðến Huế, ở Huế đều được Huế ban tặng cho những niềm xúc cảm đẹp đẽ, cao sang và da diết. Huế không chỉ là núi sông êm đềm, đền đài, lăng tẩm tráng lệ. Huế còn có ngọn tháp thơ lung linh hồn Việt. Ít có nơi có được nhiều câu thơ hay như ở Huế.
Ðể lưu giữ nó, để gửi tới thế hệ hôm nay và mai sau ngọn tháp thơ hùng vĩ ấy. Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách quý 700 năm Thơ Huế do Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Phước Hải Trung, Hồ Thế Hà, Trương Thị Cúc, Võ Quê biên soạn.
700 năm Thơ Huế, một thi tập đầy đủ nhất về Huế từ trước đến nay. Tác giả sớm nhất, bài thơ sớm nhất viết về Huế có mặt trong tập là Hóa Châu tác của Trương Hán Siêu. Lê Thánh Tông với Tư Dung hải môn lữ thứ đã nêu cao cảm khái về ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc:
Cả mối cơ đồ một cõi chung
Về Nam địa giới Hải Vân giăng
Ba canh trăng tĩnh Ðồng Long rạng
Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung...
Mỗi giai đoạn lịch sử lại đắp dày thêm vào Huế những tầng văn hóa mang màu sắc khác nhau nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn là ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc, là một tình yêu sâu lắng, đậm đà đối với con người, với quê hương, đất nước. Dĩ nhiên, đây cũng là cảm hứng chủ đạo của thơ Việt nói chung. Vậy thì nét riêng của thơ Huế, thơ viết về Huế là gì? Các nhà biên soạn đã cố gắng lý giải về nó: "Bản sắc trong thơ Huế có thể nhận diện ở đâu? Ðó là vấn đề vừa có tính cụ thể - xác định, vừa có tính không cụ thể - bất định... Bên cạnh đó, ta có thể nhận diện đặc trưng Huế qua sơn thủy và thơ thiền mà các nhà thơ trung đại đã vịnh, tả, cảm tác, triết lý từ sông nước, mây trời, cảnh vật thiên nhiên Huế; hoặc có thể nhận diện ở chiều sâu thẳm của tâm linh, của không khí, của nỗi u trầm tịnh liêu và cảnh mơ màng, khói sương bàng bạc Huế. Chất hoài niệm có tính lịch sử và nhân sinh, chất trữ tình huyền ảo lắng sâu trong từng bài thơ... giúp ta hiểu được hồn người, hồn Huế. Chất "thiên nhân tương cảm", "thiên nhân tương dữ" hiện lên rất rõ trong thơ, dù có khi nhà thơ không dùng một từ nào mang tính định danh cụ thể...".
Tôi muốn nói thêm rằng, thơ Huế có lời đẹp, ý sâu; là thơ của một khoảnh khắc đã nhập hồn lịch sử, làm nên thức nhận giữa cái đổi dời và vĩnh cửu, giữa cái tôi hữu hạn và muôn trùng sóng trắng thời gian. Lại nhớ câu thơ Vũ Ðình Liên: "Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa". Cái cô đọng, cái dồn nén mà cộng hưởng ấy, cùng với cái thổn thức của ngưỡng vọng, khát vọng đế kinh có thể có nhiều cách nói, nhưng không chi bằng ngụ ở một mối tình, ở một người em gái Huế. Người em gái Huế với giọng Huế thương của mình, như con sông Hương tĩnh lặng không nổi sóng khuynh thành mà sâu lắng, có thể làm chìm đắm, có thể chảy mãi trong mọi hồn người.
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
(Thu Bồn)
Thơ Huế, thơ về Huế vốn đã hay. Người sau làm thơ về Huế chỉ có một con đường: phải hay và sáng tạo, để cho ngọn tháp thơ Huế cao mãi, lung linh mãi.
Nguyễn Sĩ Ðại