từ ' Hoa tiên kí " tới " hoa tiên truyện "

L

liknight_kamihame

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

từ ' Hoa tiên kí " tới " hoa tiên truyện

Quảng Đông là một trong hai tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, trong số những Hoa kiều di cư tới Việt Nam thì người Quảng Đông là nhiều nhất, do đó, mối quan hệ mật thiết giữa Quảng Đông với Việt Nam cũng là điều dễ thấy. Nhưng trên phương diện học thuật, tới nay những ảnh hưởng của văn hóa Quảng Đông trong văn học Việt Nam lại hết sức mờ nhạt. Hoa tiên ký là tác phẩm duy nhất trong các thư tịch Quảng Đông được truyện Nôm tiếp thu đề tài.

Hoa tiên ký còn có tên là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký, được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Paris (Pháp). Trịnh Trấn Đạc trong Tiểu thuyết và hý khúc Trung Quốc trong Thư viện Quốc gia Paris viết:

“Sách này là một bộ của Việt khúc (粵曲), đại khái là tác phẩm của thể đàn (đàn thể), nhưng có xen lẫn phương ngôn của Quảng Đông. Trang bìa của cuốn sách viết: “Tình tử ngoại tập, Đệ bát tài tử, Hoa tiên Tĩnh Tịnh Trai tàng bản”. Đầu sách có bài tựa của Chu Quang Tăng viết vào năm Khang Hy thứ 52 (1713). Vốn không biết tác giả của nó là ai, còn người phê bình là Chung Đái Thương. Lời phê bình Hoa tiên ký của họ Chương hoàn toàn mô phỏng lời phê bình Thủy hử, Tây sương của Kim Thánh Thán, phân tích chữ, giải nghĩa câu, hết mỗi đoạn lại thêm lời bình, kết luận. Những lời bình cơ hồ nhiều gấp bội so với nguyên văn cuốn sách. [...] Kim Thánh Thán tôn Thủy hử, Tây sương lên ngang hàng với Ly tao, Sử ký, tức là tôn tiểu thuyết hý khúc lên ngang hàng với thơ văn. Chung Đái Thương thì tôn Hoa tiên thành sách đệ bát tài tử, ngang hàng với Thủy hử, Tây sương(1), tức là tôn tác phẩm theo thể “đàn từ” lên ngang hàng tiểu thuyết hí khúc. Công lao của ông không thấp hơn Kim Thánh Thán. Trên thực tế, có thể xem ông là người coi trọng đàn từ vào bậc nhất đồng thời cũng là người coi trọng Việt khúc vào bậc nhất. Bộ Hoa tiên ký này được chia thành 6 quyển, quyển 1 là lời Tự tựa, Tổng luận (Bản thấy ngày nay bị thiếu mất quyển này), quyển thứ hai đến quyển thứ sáu là chính văn. Chính văn chia thành 59 đoạn, mỗi đoạn có một tiêu đề, không biết nguyên văn như thế, hay là do họ Chung chia ra. Xét theo văn chương của toàn bộ sách, thực sự không nhất thiết phải cắt vụn thành 59 đoạn như thế, rõ ràng là do sự phân chia của họ Chung. Chung Đái Thương thấy văn chương trong 21 đoạn của quyển 6 kém xa bốn quyển trước, ngờ rằng do người đời sau thêm vào, không cùng một tác giả với phần trước đó”(2).

Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội có lưu trữ một bản, nhan đề là “Tú tượng đệ bát tài tử tiên chú, Tĩnh Tịnh Trai bình đính”. Bên trong, ngoài phần tranh vẽ, mục lục ra, có thứ mục các bài hoa tiên của Nhị Dậu Trai, chép những câu hay do ông bình Hoa tiên kí. Sau đó đến phần truyện, chia làm 6 quyển. Quyển 1 đề “Tĩnh Tịnh Trai đệ bát tài tử thư Hoa tiên ký, quyển nhất: Tình tử ngoại tập, Tự tự”. Sau bài tự đề tựa có bài tổng luận, đánh giá về giá trị và đặc điểm của tác phẩm này. Năm quyển là nội dung truyện, tổng cộng có 59 hồi. Mỗi hồi đặt đề mục bằng một câu 4 chữ, tiếp đó có lời bình (Lời bình cho từng hồi - Hồi bình). Ngoài phần bình luận về hồi lại có bình đoạn và bình câu. Ngoài bản trên, ở Học hội châu Á Hoàng gia Anh quốc và Viện bảo tàng Anh quốc mỗi nơi cũng có một bản. Liễu Tồn Nhân trong Ghi chép về tiểu thuyết Trung Quốc ở Luân Đôn viết:

“Bộ sách Hoa tiên ký này ở Học hội châu Á Hoàng gia Anh quốc có giữ một bản, Viện Bảo tàng Anh quốc cũng có một bộ. Cuốn sau được đưa vào Thư viện ngày 8 thánh 5 năm 1856 (năm Hàm Phong thứ 6). Hai bản này có đôi chút khác biệt. Hiện nay quyển trước được Học hội châu Á cất giữ. Hai dòng giữa bìa sách ghi là “Tú tượng đệ bát tài tử tiên chú”, hàng thứ hai chỉ có 3 chữ. Phía phải khắc lời bình của Tĩnh Tịnh Trai, trên phía trái khắc phần biên tập tiếp, dưới đề “Văn Dư đường tàng bản”. Nhưng lòng ván lại ghi là “Tụy Tinh đường”. 5 trang trước là tranh và lời tán, nửa trang là hình vẽ, nửa trang là lời tán; phần mục lục sách lại ghi là “Tĩnh Tịnh Trai đệ bát tài tử thư Hoa tiên ký”. Cả sách có 6 quyển, quyển 1 là lời tự tựa và tổng luận, từ quyển 2 cho đến quyển 6 mỗi quyển đều chia thành các tiết nhỏ, mỗi tiết có tiêu đề gồm 4 chữ, như quyển 2 chia thành 8 tiết là:

Hoa tiên đại ý (Đại ý Hoa tiên)
Bái mẫu đăng trình (Lạy mẹ lên đường)
Diêu phủ chúc thọ (Chúc thọ phủ Diêu)
Kỳ biên tương hội (Gặp bên bàn cờ) Bích Nguyệt thu kỳ (Bích Nguyệt dọn cờ)
Lương sinh si tưởng (Lương sinh si tưởng)
Lương sinh hướng cầm (Lương sinh hỏi mợ)
Bộ nguyệt tương tư (Tương tư dưới trăng)

Những phần khác đều thế, nhưng số tiết của mỗi quyển lại không giống nhau, riêng quyển 6 có tới 21 tiết. Cả sách có 59 tiết. Lời tự đề tựa khắc ở quyển 1 là “Tình tử ngoại tập tự tựa”. Toàn bộ sách là lời hát theo văn vần 7 chữ, tất nhiên cũng có xen những tiếng đệm, thanh phù, lại có không ít những chữ dùng theo tiếng Quảng Đông.

Ở bảo tàng Anh quốc có giữ một bản Hoa tiên, là bản khổ nhỏ, tờ bìa màu vàng có viết chữ, hàng ngang trên cùng ghi “Thánh Thán ngoại thư”, hai hàng ở chính giữa ghi là “Tú tượng đệ bát tài tử thư”(3), hàng sau chỉ viết hai chữ. Mặt dưới có hai hàng chữ nhỏ sít “Khảo Văn đường tàng bản”. Mé trên phía phải ghi “Tĩnh Tịnh Trai bình”, trên cùng phía trái lại khắc 4 chữ “Văn nghệ bị tải”. Phần các bức tranh và lời tán thì giống với bản trước, duy ở trang thứ 5 của hình vẽ và lời tán, lòng ván có 3 chữ “Khảo Văn đường”, lòng ván chính văn phần lớn không có chữ, chỉ có trang 1 đến trang 10 của quyển 3, phần dưới từ trang 13 đến trang 16 ở giữa là chữ “Giới Tử Viên”. Hai bản phần tự tựa và mục lục đều giống nhau. Bản này có tới 18 dòng văn hoa tiên của Nhị Dậu Trai. Văn vẻ bên trong như câu “làm vậy, gặp nhau chả mấy rồi chia phân” (Tố dã tương phùng vị cửu hựu li phân - tờ 20a), có thể đây là viết theo tiếng Việt (粵語). Đầu mỗi quyển mỗi tiết có lời bình ngắn, xen lẫn có chỗ chú ít bình dài, trong đó cũng có dùng tiếng Việt”(4).
 
L

liknight_kamihame

Do đó có thể thấy, bốn bản đã nói ở trên đều không giống nhau. Bản của Viện Bảo tàng Anh quốc khá giống với bản của Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội, đều liệt kê thứ mục 18 dòng văn hoa tiên của Nhị Dậu Trai. Bốn bản tuy có nhiều chỗ khác nhau, nhưng chẳng qua sai khác do khâu khắc ván mà thôi. Phần chủ yếu của tác phẩm, như chỗ ghi Tình tử ngoại tập, bài tự tựa, cùng các hồi đoạn trong sách, cho đến số quyển, cùng các hồi đoạn trong mỗi quyển đều giống nhau. Ngoài ra, trong Trung Quốc tục khúc tổng mục cảo cũng có chép Đệ bát tài tử Hoa tiên, bản in chì của Dĩ Văn đường ở Quảng Châu, gồm 36 trang(5). Sách Đàn từ bảo quyển thư mục cũng có ghi tác phẩm Hoa tiên kí, lại chú thích rằng:

“Một tên khác là Đệ bát tài tử tiên kí, không giống đàn từ, chữ chuẩn của Dĩ Văn đường, bản khắc in của Phú Lâu đường (Trần Nhữ Hành tàng bản), bản khắc cũ (Lăng Cảnh Diên, Hồ Sĩ Oánh tàng bản)”(6).

Nay, Ngũ Quế đường ở Hương Cảng có in một bộ đề là “Chính tự nam âm Bát tài tử Hoa tiên kí toàn bản”, chia làm 2 quyển, gồm 64 hồi, so với các bản trên thì nhiều hơn 5 hồi. Những tình tiết được thêm hết sức hoang đường, ngờ là do những kẻ quê mùa sau này viết thêm thắt vào(7).

Về niên đại của cuốn sách, Trịnh Chấn Đặc đoán rằng: “Trong nguyên văn đến đoạn nói việc chinh chiến, phần lớn đều khuyết chữ, ví như “Phụng chỉ chinh [?]” thì thiếu mất chữ [?], vốn dĩ tác phẩm viết ra cuối thời Minh, việc thiếu chữ là việc của người đời Thanh, bởi vào thời Thanh người ta không thể không bỏ đi những chữ phạm húy”(8).

Liễu Tồn Nhân cho là: “Theo nội dung thì thời gian viết bản lời hát này có thể suy đoán là vào cuối thời Minh”, đồng thời ông cũng suy đoán: “Việc gọi Hoa tiên kí là sách Bát tài tử, phụ hội vào sau của Thất tài tử, là do có liên quan đến việc Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến được khắc chung thành Thiên hoa tàng Thất tài tử. Niên đại của Thiên hoa tàng, ước đoán khoảng cuối thời Minh đến giữa thời Khang Hy. Hoa tiên kí đương nhiên muộn hơn Thất tài tử, nhưng lại có bài tựa năm Khang Hy thứ 52, thực phù hợp với suy đoán của ta về niên đại tồn tại của Thiên hoa tàng”(9).

Về tác giả của cuốn sách, bài tự tựa có viết: “Ông cũng biết tác giả cuốn sách là người nào chăng? Có thể là một vị giải nguyên, hoặc một vị Thám hoa nào đó vậy”.

Liễu Tồn Nhân lại cho rằng tác giả với người bình chỉ là một. Ông nói: “Bài tự tựa của quyển 1, mở đầu viết: “Ta vừa phê bình xong cuốn Hoa tiên kí, có người khách đọc qua mà bàn rằng…” thì có thể thấy rằng người viết và người phê bình cuốn sách vốn là một người(10).

Còn như tác giả có phải là Chung Đái Thương hay không, Liễu Tồn Nhân vẫn không dám quả quyết. Theo cách nhìn của họ Liễu, chúng ta tuy chưa thể hoàn toàn tán đồng, nhưng có thể tin rằng tác giả chắc chắn là một kẻ sĩ, điều này đối với việc lý giải động cơ sáng tác và lập trường của tác giả, rõ ràng hết sức quan trọng.

Cuốn sách viết về một thư sinh tài mạo song toàn là Lương Diệc Thương, vì đi du học ở Trường Châu nên được hội ngộ với nàng thiên kim tiểu thư Dương Dao Tiên, hai người cùng thề non hẹn biển. Chẳng dè cha của Lương nhân nghỉ việc quan trên đường về nhà, đã kết thông gia với Lại bộ thượng thư Lưu tướng công. Dao Tiên hay tin đó vô cùng buồn thảm, đốt hết cả đàn, cờ cùng đồ trang sức, chỉ giữ lại một tờ hoa tiên ghi lời thề, sau đó theo cha lên kinh nhận thăng chức. Bởi vậy khi Lương Diệc Thương quay lại Trường Châu, chàng đã không còn cơ hội gặp mặt nói rõ với Dao Tiên. Sau, Lương Diệc Thương miễn cưỡng đi thi, đỗ Thám hoa, lại vô tình trùng phùng với Dao Tiên, rồi bộc bạch tấm chân tình. Lúc ấy, Dương tướng công vâng chỉ trấn thủ biên cương, bị quân Phiên vây khốn. Lương Diệc Thương đem quân giải cứu, đánh bại quân Phiên rồi khải hoàn về kinh. Hoàng thượng cả mừng, ban cho chàng được kết hôn với Dao Tiên. Trước đây, khi Diệc Thương đi đánh Phiên, có tin đồn là chàng đã bị chết trong đám loạn quân, Lưu Thượng thư vì thế bắt con gái là Ngọc Khanh lấy người khác, Ngọc Khanh không nghe, nhảy xuống sông thủ tiết, được Long Đề học cứu sống, nhận làm con nuôi. Long Đề học dâng tấu nói về việc Ngọc Khanh thủ tiết, vua càng vui mừng, lệnh cho Lương Diệc Thương lấy luôn cả Ngọc Khanh, cả nhà vinh hiển.

Còn Hoa tiên truyện là sáng tác của Nguyễn Huy Tự. Bản này có một chút khác biệt. Ở Thư viện Pari Pháp có giữ một cuốn, viết: “Hoa tiên nhuận chính, bản in mới tháng 8 năm Ất dậu niên hiệu Tự Đức (1875), Đỗ Hạ Xuyên hiệu chú, Lễ đường tàng bản”(11), có tất cả 1766 câu. Tại Viễn đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội có giữ một bản chép tay khác ghi là: “Hoa tiên quốc ngữ, Nguyễn Huy Tự ở Lai Thạch - La Sơn soạn, Nguyễn Thiện ở Tiên Điền nhuận sắc, Vũ Đãi Vấn ở Đường Giang mặc bình, Cao Chu Thần ở Phú Thị chú bình”, tổng cộng có 1858 câu. Ngoài ra các bản phường còn lưu truyền một cuốn chỉ có 1830 câu.
 
L

liknight_kamihame

Theo Phượng Dương thế phổ và Nguyễn Thị gia tàng của dòng họ Nguyễn, Nguyễn Huy Tự là người làng Trường Lưu, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thủy tổ là Nguyễn Uyên Hậu, làm Ngũ kinh bác sĩ thời Lê, nhà họ Nguyễn nối đời hiển đạt về quan chức. Cha là Nguyễn Huy Oánh, xuất thân Thám hoa, làm quan tới Thượng thư bộ Hộ, trước tác rất nhiều, học trò có tới hàng nghìn. Người chú là Nguyễn Huy Quýnh, đỗ Tiến sĩ cập đệ, làm quan tới Đốc thị Quảng Thuận. Nguyễn Huy Tự là con trưởng, sinh năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) triều Lê. Năm 17 tuổi thi đỗ thứ 5 trong kì thi Hương, được sung làm Thị nội văn chức tùy giảng. Năm 28 tuổi, vì trúng liền tam trường Hội thí, được thăng làm Phó sứ hiến sát Sơn Nam, sau lại đổi sang võ quan, tiễu phỉ nhiều lần lập được đại công. Năm 40 tuổi, được thăng làm Đốc đồng tỉnh Sơn Tây, được ân chuẩn thăng chức Giảo lí Hàn lâm viện. Cuối đời, quốc gia nhiều sự nạn, ông từ chức, không làm quan, ốm chết năm Quang Trung thứ 3 (1790), hưởng thọ 48 tuổi. Vợ là Nguyễn Thị Bành, con gái của Thượng thư bộ Lại Nguyễn Khản, tức cháu gái của nhà thơ lớn nhất Việt Nam - Nguyễn Du. Vợ kế Nguyễn Thị Đài, là em của người vợ trước, thường làm thơ phú bằng quốc âm. Nguyễn Huy Tự nổi tiếng về tài làm thơ quốc âm, các tác phẩm hay lại khá phong phú. Hoa tiên truyện là một trong những tác phẩm đó(12).

Hoa tiên truyện của Nguyễn Huy Tự, sau đó ít lâu cũng được Nguyễn Thiện nhuận sắc. Đào Duy Anh khi phỏng vấn gia tộc họ Nguyễn, tìm được một bản sao nguyên tác của Nguyễn Huy Tự. Theo khảo chứng của họ Đào, bản này so với bản nhuận sắc của Nguyễn Thiện đang lưu hành gần với Hoa tiên ký hơn; nguyên bản của Nguyễn Huy Tự chưa được in ra toàn bộ, bản hiện tại thông hành vẫn là bản nhuận sắc của Nguyễn Thiện.

Nguyễn Thiện là con của Điền lạc hầu Nguyễn Điền, cháu của nhà thơ vĩ đại nhất Việt Nam - Nguyễn Du, em họ vợ của Nguyễn Huy Tự; sinh năm 1763, hai mươi tuổi liên tiếp thi đỗ tứ trường, nhưng bình sinh chỉ lấy chữ nghĩa làm vui. Nguyễn Thiện và Nguyễn Huy Tự đều là các nho sĩ có tiếng tăm, lập trường Nho gia của họ về cơ bản không khác nhau. Nói cách khác, Nguyễn Thiện khi nhuận sắc Hoa tiên truyện không hề làm thay đổi bản chất của cuốn sách. Dùng bản nhuận sắc của Nguyễn Thiện thay nguyên bản của Nguyễn Huy Tự để đem so với Hoa tiên ký, thì về ý nghĩa văn hóa cũng không có khác biệt lớn.

Hoa tiên truyện ngoài phần truyện, về 3 phương diện: tác giả, thể loại và thành tựu nghệ thuật đều có chỗ rất giống Hoa tiên ký. Nguyễn Huy Tự, tác giả của Hoa tiên truyện, xuất thân từ thế gia vọng tộc, là một danh sĩ hiển đạt, còn tác giả Hoa tiên ký, căn cứ vào nội dung và ngôn từ của tác phẩm, chúng ta có thể tin rằng tác giả hẳn là một vị sĩ đại phu rất có văn tài. Thêm nữa, hai tác phẩm đều là văn vần. Truyện Nôm phần nhiều lấy đề tài từ tiểu thuyết tản văn Trung Quốc, bộ phận lấy đề tài từ hý khúc, nhất là lấy đề tài từ đàn từ, trong truyện Nôm hiện còn, chỉ có bộ Hoa tiên truyện mà thôi. Nhân đó, về thể tài của hai sách là hết sức gần gũi với nhau. Thêm nữa, thành tựu nghệ thuật của hai sách đều rất cao, Hoa tiên ký là một bộ cực kỳ nổi tiếng trong Việt khúc(13), Hoa tiên truyện cũng là tác phẩm hàng đầu trong truyện Nôm. Cho nên, nghiên cứu so sánh hai sách này, thực sự có tính chất tiêu biểu cho việc minh giải về phương diện tâm lý và thái độ của giới sĩ đại phu hai nước Trung Việt khi sáng tác tiểu thuyết.

Nói về tính chất và kết cấu của truyện, Hoa tiên truyện và Hoa tiên ký là đại đồng tiểu dị; chỗ không giống nhau chẳng qua chỉ là một số tình tiết nhỏ. Ví dụ như hồi thứ nhất “Đại ý của Hoa tiên”, Hoa tiên ký lấy phong cảnh đêm trăng thất tịch để mở đầu. Nhân sự đoàn viên của Ngưu Lang, Chức Nữ để nói sự ly hợp của kiếp người. Hoa tiên truyện thì theo thói quen của truyện Nôm, lấy ý nghĩa của việc đàm luận về nhân duyên của tài tử giai nhân để biểu lộ rõ ý chỉ cơ bản của toàn truyện. Lại như, trước đoạn “Vâng chỉ nghinh hôn”, Hoa tiên truyện gia tăng thêm hai đoạn: “Về doanh nhớ lại” và “Diêu sinh khuyên lấy vợ”, kể việc Lương sinh tuy được Hoàng đế ban cho lấy Dao Tiên, đã thỏa tâm nguyện, nhưng vẫn nhớ việc Lưu Ngọc Khanh vì chàng mà tuẫn tiết, nhân đó không muốn đón dâu ngay, sau do Diêu sinh khuyên nhủ mới thuận theo. Những chỗ cải biên này, theo khảo chứng của Đào Duy Anh là do người sau Nguyễn Thiện nhuận sắc. Những chỗ cải biên ấy không làm ảnh hưởng đến tình tiết chính và ý nghĩa của truyện. Do đó, chúng ta có thể thấy tầng lớp trí thức hai nước Trung Việt đều yêu thích chuyện yêu đương đẹp đẽ của tài tử giai nhân. Điều đó đại để vì loại truyên này phù hợp với tâm lý và mộng tưởng của họ. Nhân vật lý tưởng của họ cũng rất giống nhau, là trai thì ắt phải là con em nhà gia thế, có tài mạo song toàn, văn võ gồm hai; con gái thì ắt phải là ngọc nữ chốn khuê môn, đã diễm lệ lại ôn nhu hiền thục. Lý tưởng sống của họ là đỗ đạt cao, làm quan lớn, trung với vua và hưởng nhiều tước lộc, lấy một vài vị tiểu thư khuê các xinh đẹp, thông minh làm vợ; phu quý phụ vinh, cả nhà sum vầy, mãi hưởng phúc trạch. Đối với tình yêu trai gái, họ tuy thoát khỏi sự ngặt nghèo của Nho gia, cực lực miêu tả nỗi bi hoan của ái tình, nhưng đều chủ trương “vui mà không dâm”. Đó chính là sự thỏa hiệp giữa luân lý lý trí với tình cảm bản năng.
 
L

liknight_kamihame

Tuy vậy, Hoa tiên truyện lại không thuần túy là một bản dịnh, vì về tự thuật và miêu tả, tác giả đều có lập trường riêng, lại tỏ rõ năng lực sáng tạo độc đáo của mình. Nay lấy những chỗ khác nhau giữa hai sách quy về mấy điểm sau:

1. Hoa tiên ký và Hoa tiên truyện tuy đều dùng thể văn vần, cùng chịu sự chi phối của thể loại, nhưng Hoa tiên ký cơ hồ chịu ảnh hưởng của thuyết thư, so với Hoa tiên truyện nó dùng nhiều dạng nói thay (đại ngôn), do đó về đối thoại của nhân vật, nội dung tự sự tường tận, ngữ khí tự nhiên. Ví dụ như lúc Ngọc Khanh được cứu, nàng kể về thân thế của mình với Long Đề học:
Nô trưởng danh môn sinh hoạn tộc,
Phụ nhậm Thượng thư thân tính Lưu.
Sinh trưởng khuê môn trì phụ đạo,
Niên niên thanh tĩnh quá xuân thu.
Ty la dĩ hứa Lương gia tử,
Cầu danh thân vãng đế hoàng châu.
Đắc trúng Thám hoa vi hàn uyển,
Chủ ý tảo bình hồ lỗ mịch phong hầu...
(Nô tày lớn trong nhà thế phiệt/ Cha làm Thượng thư, mang họ Lưu/ Sống trong khuê môn noi phụ đạo/ Liền năm thanh tĩnh trải xuân thu/ Tơ hồng hứa gả Lương gia đó/ Cầu danh thân đến chốn đế đô/ Thi đỗ Thám hoa nơi hàn uyển/ Chủ ý dẹp tan giặc giã để phong hầu...).
Hoa tiên ký cũng chú trọng trình bày những chi tiết nhỏ, ví dụ như việc Lương sinh trèo tường gặp Dao Tiên:
Thất xích vi khu tỉ đương trần,
Xả mệnh dữ kiều trùng hội hợp.
Nguy tường cao khiêu lạc hoa âm,
Hô đắc Dao Tiên tâm đảm chấn.
Mang hô thị tỳ khán hà nhân,
Đảm tế Vân Hương thôi Bích Nguyệt.
Bất giác Lương sinh bộ đáo lâm,
Bích Nguyệt hát thanh hà đạo tặc?
Cảm lai hoa để hổ thoa quần,
Lương sinh tác ấp xưng kiều thư.
(Tấm thân bảy thước ví bụi trần/ Bỏ mạng được cùng nàng hội hợp/ Trèo vượt tường cao, lướt dưới hoa/ Khiến cho Dao Tiên lòng kinh sợ/ Vội gọi gái hầu xem kẻ nào/ Sợ sệt Vân Hương đẩy Bích Nguyệt/ Bất giác Lương sinh bước tới nơi/ Bích Nguyệt lớn tiếng: Kẻ trộm nào/ Dám tới chốn này nhát quần thoa/ Lương sinh chắp tay vái người đẹp).

Trái lại, Hoa tiên truyện lấy ngâm vịnh làm căn bản, đối thoại nhân vật ít dùng lối nói thay hơn, ngôn từ trau chuốt, đậm màu sắc thi ca. Ví dụ Dao Tiên khi “Trùng phùng nơi vườn Hàn”, trách cứ Lương sinh rằng:

Tài lang nào phải như xưa
Mình sang duyên thắm thừa ưa mọi đường
Tiếc thay sương tuyết cũ càng
Tơ duyên ai dở, tự chàng mà thôi
..........................................................
Dù bo bo chút phận thường
Giữ bền một nghĩa nghìn vàng chửa phai

Về phương diện tự thuật, Hoa tiên truyện cũng gọn ghẽ hơn Hoa tiên ký. Ví dụ kể việc Lương sinh đi Tràng An, Hoa tiên ký viết:
Ngữ tất Diệc Thương mang bái biệt,
Gia đồng quy quán thúc hành trang.
Lễ vật chư ban câu khả bị,
Biệt thân di bộ đáo Trường Giang.
Tốc hoán chu nhân lai giải lãm,
Nhất diệp phù tỷ củng bích thương.
Trạo ca thanh triệt vân lôi hướng,
Vong cơ âu để tự hồi tường.
Chu bạc Tô Châu tề thướng ngạn,
Bộ nhập thành lai bái cầm nương.
(Nói xong Diệc Thương vội bái biệt/ Gia đồng về quán soạn hành trang/ Lễ vật mọi đường đều biện đủ/ Giã từ dời gót đến Trường Giang/ Kíp gọi nhà thuyền về dời bến/ Thuyền con một lá giữa mênh mang/ Chèo ca vang tận trời mây thẳm/ Chim âu thanh thản lượn nhịp nhàng/ Thuyền đến Tô Châu cùng lên bộ/ Lên bộ vào thành chào cầm nương).

Còn Hoa tiên truyện chỉ viết:

Dợn quyên sơ diễn mặt duyềnh
Đầu soi chằm lộ, cuối ghềnh vọc âu
Ca chèo mây lọt tiếng đâu
Ngước trông đã tới Tràng Châu ghé thuyền.

Hoa tiên truyện lấy tự thuật giản lược làm căn bản, do đó nhiều chi tiết không thực quan trọng bị lược bỏ. Ví dụ như trong đoạn “Gặp hầu gái bày tỏ chân tình”, Hoa tiên truyện lược bỏ việc Lương sinh hỏi tên Vân Hương và số a hoàn của Dao Tiên; lại lược bỏ đoạn Vân Hương kể cho Dao Tiên nghe chuyện Lương sinh ở hoa viên trong đoạn “Khuê các tỏ tình”, v.v...
 
L

liknight_kamihame

2. Hoa tiên truyện đã cải biến và lược bỏ những tình tiết không thỏa đáng trong Hoa tiên ký. Ví dụ như đem hồi “Lương sinh bàn kế”, từ trước đoạn “Phủ Lưu bức hôn” chuyển lên trước đoạn “Bắn tên truyền mật kế”, khiến cho kết cấu của truyện rất hợp lý. Lại như hồi “Thề tỏ chân tình” trong Hoa tiên ký, thoặt tiên nói việc Giao Tiên khuyên răn Lương sinh:
Nhược nhiên bức ngã phong lưu sự,
Ninh xả tàn khu tạ cổ nhân.
(Phong lưu ví ép cho bằng được,
Ắt bỏ thân tàn tạ cổ nhân).
Sau đó mới nói việc Lương sinh đòi giao hoan nhưng bị Dao Tiên kiên quyết cự tuyệt. Hoa tiên truyện sửa thành: Lương sinh ban đầu có một số biểu hiện phóng túng, Dao Tiên bèn đem lễ giáo để ngăn chàng. Điều đó khiến thái độ của Giao Tiên hợp lý hơn.
 
L

liknight_kamihame

3. Tác giả Hoa tiên truyện trong khi diễn Nôm Hoa tiên ký, chỗ nào cũng bộc lộ tài năng độc đáo của mình. Biểu hiện rõ ràng nhất có thể thấy là về kỹ thuật biểu đạt của ông. Trước hết, hai sách Hoa tiên ký và Hoa tiên truyện đều dùng văn vần, đặc biệt chú trọng đến việc khắc họa tâm lý và tình cảm của nhân vật. Trịnh Chấn Đạc rất tâm đắc với sự miêu tả tình cảm của Hoa tiên ký: “Câu chữ của Hoa tiên ký trong Việt khúc có thể xem là rất tuyệt, miêu tả rất nhẹ nhàng, kỳ diệu mà hợp tình. Nhân vật chính trong sách là Lương sinh và Dương thục cơ. Tình yêu của hai người từ đầu đến cuối, thoát xa khỏi lối mòn của hàng loạt tiểu thuyết ngôn tình. Tác giả dành giấy mực của hơn hai quyển (Theo bình bản) để viết riêng về nỗi nhớ nhau giữa Lương sinh và nàng họ Dương, trong các tiểu thuyết ngôn tình đều không có cách viết thâm thiết, rung động như ở đây. Trong sách này, tâm lý yêu đương của hai thanh niên được miêu tả thật tinh tế và sống động”(14).

Hoa tiên truyện cũng chú ý đến điều này. Song do nó chú trọng đến sự giản lược, số câu ít hơn nên chỉ có bộ phận tự tình trong Hoa tiên ký là được đặc biệt chú trọng. Ví dụ như trong hồi “Trở lại Trường Châu”, Hoa tiên ký nói việc Lương sinh trở lại vườn cũ, cảm khái vì cỏ cây chẳng đổi, và tâm tình nhân vật thì:

Lương sinh bất thính tình do khả,
Thính bãi chi thời cực ô cấm.
Mãn diện lệ lưu châu cam lạc,
Thê hoàng vô chủ nhập hoa âm.
Chỉ thoại tầm nương hoa dạ hội,
Trung tình nhất phiến tố kiều văn.
Điểm tưởng vân sơn trở cách nhân thiên lý,
Tương phùng trừ thị mộng trung tầm.
Khan khan hành tại Vọng Ba đình thượng quá,
Vãng thời phong cảnh hựu thiêm tân.
Phấn tường thượng diện thi hoàn tại,
Duyên hà bất kiến họa thi nhân?
Kiến cảnh thương tình châu lệ lạc,
Thùy tưởng cộng nương kim thế bất đồng quần.
Ký đắc đương sơ trí chúc ngôn hòa ngữ,
Kim nhật thùy tri cộng hóa trần.
Khuy thư thanh xuân nhân ngã ngộ,
Diệc Thương hà cảm phụ nương ân.
Uổng ngã cô đơn hoàn nhất thế,
Bất cảm tòng tía lánh kết thân.
Thương nhiên nhược bất tòng nhân nguyện,
Tiên đáo hoàng tuyền đẳng thư thân.
Muộn nhập Bạch Vân đình thượng khứ,
Thử thân đồng kiều phát thệ minh.
Thệ minh đô thoại tồn thiên ý,
Kim nhật viễn trầm tông tích điểm tương thân.

(Lương sinh chưa hay tình còn vậy/ Khi nghe xong rồi buồn khôn ngăn/ Đầy mặt chan hòa lệ châu nhỏ/ Sững sờ thảng thốt dưới bóng hoa/ Từng nói tìm nàng gặp dưới hoa/ Chân tình nỗi nỗi tỏ nàng nghe/ Chút tình mây núi cách ngăn người ngàn dặm/ Tương phùng âu trong mộng mà thôi/ Kìa trông xa xa đình Vọng Ba/ Ngày qua phong cảnh lại mới thêm/ Trông trên tường phấn thơ còn đấy/ Cớ sao chẳng thấy người họa thơ/ Nhìn cảnh đau lòng lệ châu nhỏ/ Ai ngờ với nàng nay chẳng được chung đôi/ Nhớ xưa lời dặn dò đinh ninh/ Ngày nay ai hay hóa bụi trần/ Thanh xuân mòn mỏi bởi vì ta/ Diệc Thương lẽ nào phụ ơn nàng/ Uổng ta lẻ bóng trọn một đời/ Chẳng dám nghe cha kết duyên khác/ Trời xanh ví chẳng chiều lòng người/ Đến suối vàng trước đợi nàng vậy/ Bạch Vân đình đó mây buồn bay/ Nơi đây cùng nàng đã nguyện thề/ Nguyện thề đều nói có lẽ trời/ Ngày nay dấu vết bặt xa chút tình thân).

Hồi 26 của Hoa tiên ký được Hoa tiên truyện rút gọn thành 16 câu:

Băn khoăn đến trước đình Ba
Rường không én đẻ, song là nhện giăng
Tiên thơ vách hãy dăng dăng
Xã thơ cách mấy mươi từng người thơ
Hiên cài lác đác sao thưa
Sân rêu nọ chốn ngày xưa chén đồng
Mày dương liễu, mặt phù dung
Ngắm hoa thêm nhắc tấm lòng sinh ly
Chỉ thề trăng vẫn tri tri
Tay ai chuyểnh mảng còn chi Chương Đài
Mừng xuân đào hãy ngậm cười
Vẻ hồng trơ đó mặt người nào đâu
Khi sao son gác phấn lầu
Giờ sao tan tác mặc dầu khói sương
Ấy ai dập lửa vùi hương
Để ai nát đá phai vàng này đây

Không chỉ vậy, hai sách tuy có nhiều chỗ khắc họa tâm tình của nhân vật, nhưng cách biểu đạt của Hoa tiên truyện vẫn theo một cách riêng. Ví như hồi “Nghe cha gặp nguy”, Hoa tiên ký viết:

Thâu tư mệnh bạc như trương chỉ,
Trùng trùng ương họa đáo lai xâm.
Nhãn trung lưu lệ vô can nhật,
Bát tự ân tri điểm dạng sinh.
Tiền thế vị tu thân thế chiết,
Hồng nhan bạc mệnh cổ nhân vân.
Dục tương xả mệnh quy hoàng thổ,
Đâu nương vô bạn điểm an tâm.
Huống thả đan sinh ngô nhất nữ,
Bách niên thùy vị kế hương đăng.
Chỉ chước lưu điều tàn mệnh khan nhân thế,
Thị phụng cao đường quá bách tuần.

(Trộm nghĩ mệnh bạc như trang giấy/ Tai họa chất chồng cùng kéo đến/ Chòng mắt lệ nhòa chẳng hề khô/ Tám chữ đã hay cuộc sống này/ Kiếp trước chửa tu nay họa hoạn/ Hồng nhan bạc mệnh lời người xưa/ Muốn đem mệnh sống về với đất/ Mất nàng không được cùng vui vầy/ Huống nữa riêng thân ta phận gái/ Trăm năm ai kẻ nối hương đèn/ Tạm lưu tàn mệnh ngắm thế gian/ Thờ phụng mẹ cha qua trăm tuổi).

Còn Hoa tiên truyện thì viết:

Xiết bao phận mỏng như tờ
Nợ bình sinh nỗi tóc tơ chưa đền
Đêm đêm vùng nguyệt hoa đèn
Mai gày guộc vóc, liễu đen đủi gầy
Bể sầu càng vợi càng đầy
Đã đường kia lại nối này mới ghê

Hoa tiên truyện lại chú ý miêu tả cảnh hơn Hoa tiên ký. Do đó tăng thêm cảm xúc thẩm mỹ của tác phẩm và bộc lộ rõ tài năng của tác giả. Như nói về tâm trạng của Dao Tiên khi lên kinh, Hoa tiên ký chỉ viết:

Hữu dã tâm thần quan cảnh sắc,
Đa sầu đa bệnh tại thuyền tâm.

(Cũng có tâm thần nhìn cảnh sắc/ Chất chồng sầu muộn ở trong thuyền - “Nghe cha được bổ nhiệm”).

Còn Hoa tiên truyện lại điểm xuyết bằng cảnh Tiêu Tương bát cảnh trên đường đi:

Giang sơn tám bức sầu treo
Cảnh mai dễ chạnh, sắc chiều như xui
Kìa đâu cát phẳng một doi
Mấy chòm lích chích, loi thoi trận nhàn
Kìa đâu mây tận chân ngàn
Đỉnh đèo xơ xác, hợp tan chợ chiều
Kìa đâu viễn phố đìu hiu
Lưng trời rút thẳng con lèo ra khơi
Kìa đâu sông rộng sóng dồi
Ngư thôn mấy nóc, mặt trời tà dương
Kìa đâu nghi ngút khói sương
Vẳng nghe chuông sớm còn vương trên lầu
Kìa đâu nước lạnh trời thu
Động Đình phẳng lặng mặt hồ trăng in
Kìa đâu ban tối đỗ thuyền
Bạc bay hoa tuyết, giang thiên một màu
Kìa đâu trúc lệ nhuốm thâu
Tiêu Tương rả rích mưa mau canh chầy

Hoa tiên truyện còn thay đổi đối tượng miêu tả, nhằm tăng cường cảm xúc thẩm mỹ cho tác phẩm. Trong hồi “Đôi phượng đoàn viên”, Hoa tiên ký chú trọng miêu tả cuộc sống phúc lộc:

Nhị thập nha hoàn cân bối hậu,
Nhân nhân kiều diễm trước la y.
Trầm hương tản cái anh hùng nữ,
Kỷ thập gia nhân bối hậu tùy.
Ngự phủ kim qua phân lưỡng tiện,
Lưỡng diện kim bài cập lệnh kỳ.

(Hai chục a hoàn theo bén gót/ Người người kiều diễm với xiêm là/ Trầm hương nghi ngút anh hùng nữ/ Mấy chục gia nhân theo phía sau/ Búa ngự qua vàng bày hai phía/ Đôi bên cờ lệnh với kim bài).

Còn sự miêu tả của Hoa tiên truyện thì giàu tính “thơ tình họa ý”:

Phất phơ điểm phấn trang hồng
Tơ buông ngạn liễu hương lồng vó câu
Mảng vui cờ cuộc rượu bầu
Cầm bên bóng nguyệt ca đầu ngàn thông

Đối với việc miêu tả nhân vật, Hoa tiên truyện rất chú trọng khắc họa cá tính. Trong Hoa tiên truyện, ngoài nhân vật chính là Dao Tiên và Lương sinh, các nhân vật được miêu tả sống động nhất là a hoàn Vân Hương và Bích Nguyệt. Ý nghĩ, lời nói và hành động của họ đều mang đậm tính chất bình dân, lại mỗi người một vẻ; Vân Hương hiền dịu, còn Bích Nguyệt thì lanh lợi hoạt bát. Mỗi lần Lương sinh tìm cách để bày tỏ sự yêu mến của mình, Bích Nguyệt đều dùng lời rất khinh bạc để từ chối, trách móc, khiến tình tiết thêm sinh động và khẩn trương:

Nghe lời Bích Nguyệt vùng vằng
Ví đâu ví lạ lùng chăng cho đời
Đào trên mây, hạnh trên trời
Nghĩ chi cho nát dạ người như tươm
Dứt phiền phó hẳn con gươm
Làm chi muộn đắp sầu đong khó lòng

Trái lại, Vân Hương là người rất hiền dịu, tế nhị. Trong hồi “Tỏ tình nơi khuê các”, lúc Lương sinh đang bị Dao Tiên cật vấn vì sao cứ ở mãi nơi vườn hoa, đầu tiên Vân Hương nói cái sai của Lương sinh nhằm che dấu lỗi của mình, đồng thời khích động tình ý của Dao Tiên, sau đó nhân cơ hội thuật lại sự si tình và nỗi sầu muộn của Lương sinh đối với Dao Tiên. Điều đó không những khiến cho sự phát triển của tình tiết tự nhiên hơn mà còn khiến cho tác phẩm thêm bội phần sinh động.
 
L

liknight_kamihame

4. Tính luân lý trong Hoa tiên truyện đậm đặc hơn Hoa tiên ký. Trong Hoa tiên ký, Lương sinh tuy là con em nhà thế gia, theo nghiệp nho, nhưng lời nói và hành động của chàng ta trái ngược với quan niệm Nho gia. Điều đầu tiên nhận thấy ở chàng là rất lụy vào tình cảm trai gái. Lúc mới gặp Dao Tiên, liền nhung nhớ không nguôi, đến nỗi “Không màng ăn uống, chẳng buồn ngủ”, từng nói, nếu Vân Hương không chịu giúp đỡ, chàng sẽ quên mình vì tình. Sau, tuy theo lệnh cha định sính lễ với con gái quan Thượng thư họ Lưu, nhưng chàng vẫn quyết tâm vứt bỏ sự nghiệp học hành, lấy cái chết để đáp tạ tình nhân:

Tựu bả văn chương đâu Lạc thủy,
Thi từ ca phú tận thiêu phần.
Cộng thư vô duyên tầm tử bãi,
Tam nguyên liên trúng dã nhàn văn.

(Văn chương đem vứt dòng sông Lạc/ Đốt hết ca phú với thi từ/ Không duyên cùng nàng tìm cái chết/ Tam nguyên trúng cả thảy văn suông).

Lối miêu tả này tuy khắc họa được tình cảm sâu sắc và nồng nàn của Lương sinh, nhưng thái độ ấy quyết không phải là thứ được lễ giáo nghiêm khắc chấp nhận.
Điều thứ hai ở Lương sinh là hành vi có phần phóng túng. Như:

An bài thủ đoạn tố cá thâu hương khách,
Hoa tiền túng tử diệc hà phương.
(Sắp bày theo kế khách trộm hương,
Trước hoa dầu chết có phương chi?).

Lối miêu tả này tất nhiên bị ảnh hưởng của hý kịch đương thời, nhất là của Tây sương ký. Nhưng chi tiết này trong Hoa tiên truyện đều bị cắt bỏ. Cho nên Lương sinh trong Hoa tiên truyện tuy vẫn là người phong lưu, đa tình, nhưng tác phong của chàng vẫn khá nghiêm túc và văn nhã. Trên nền tảng luân lý giống nhâu, Hoa tiên truyện cũng cải biến phong thái của Dao Tiên. Trong hồi “Thề tỏ chân tình” ở Hoa tiên ký, Dao Tiên tuy thái độ đoan trang, nhưng thường không tránh việc đối đáp với Lương sinh:

Tiểu thư tế ngôn công tử thính,
Hoa gian ân hệ Vũ Lăng tân.
Quần thoa bất quản phong hòa nguyệt.
Đơn hiểu thâm khuê tố chỉ châm
Thỉnh quân di bộ quy thư quán,
Cách tường hoa liễu mặc quan tâm.

(Tiểu thư nói nhỏ công tử nghe/ Dưới hoa cùng với bến Vũ Lăng/ Quần thoa nào quản trăng cùng gió/ Khuê phòng khóa kín với chỉ kim/ Xin chàng dời bước về thư quán/ Bên tường hoa liễu chớ quan tâm).

Còn trong Hoa tiên truyện, Dao Tiên tuy mầm tình đã nẩy, suốt ngày mơ mòng chuyện tình ái, nhưng khi Lương sinh thống thiết tỏ bày, nàng vẫn thẹn thò không nói; rồi dưới sự thôi thúc của hai a hoàn, nàng mới miễn cưỡng cùng Lương sinh thề nguyền. Về sau, khi Lương sinh có lời lẽ và hành động buông lơi, nàng cũng nhẹ nhàng khuyên ngăn. Theo đó, phong thái của Dao Tiên lại càng đoan chính, mà dễ dàng được lễ giáo nghiêm khắc chấp nhận. Phần cuối của Hoa tiên truyện cũng chú trọng đến luân lý Nho gia hơn Hoa tiên ký. Lương sinh tuy rất muốn thành hôn với Dao Tiên, nhưng khi biết việc Ngọc Khanh vì chàng mà nhảy xuống sông thủ tiết, chàng không chịu kết hôn ngay, sau do Diêu sinh lấy lý do cần có người nối dõi để tỏ hiếu để khuyên nhủ, chàng mới cùng Dao Tiên cử hành hôn lễ. Tương tự, Dao Tiên cũng biết giữ lễ nghĩa. Sau khi biết việc Ngọc Khanh đã được cứu sống, nàng liền khuyên Lương sinh không phải bận lòng, cứ đón Ngọc Khanh về làm vợ. Trong Hoa tiên ký những chi tiết đó đều không nhắc đến.

Nói chung, hai tác phẩm đều ra đời qua tay sĩ đại phu cho nên dù về nội dung hay hình thức, về cơ bản đều giống nhau. Tình tiết, nhân vật của Hoa tiên ký cho tới phương thức biểu đạt đều được Hoa tiên truyện tiếp thu. Do đó độc giả dễ dàng cảm nhận được sự dụng công chủ yếu của tác giả Hoa tiên truyện chẳng qua là dốc hết khả năng của mình nhằm dùng tiếng Việt để biểu đạt và diễn Nôm các tình tiết của Hoa tiên ký mà thôi. Như vậy thành tựu sáng tạo của tác giả cơ hồ bị hạn chế ở chỗ làm thế nào vận dụng từ ngữ để làm cho tác phẩm đạt đến thành tựu nghệ thuật cao. Về điểm này, chẳng qua do hai tác giả có hoàn cảnh khác nhau nên hai sách về bản chất rõ ràng không tránh khỏi sự khác biệt. Ngoài ra, do văn tài trác tuyệt của tác giả Hoa tiên truyện, cho nên ngoài việc vận dụng từ ngữ tài tình, về khắc họa cá tính và tâm lý nhân vật trong sách cũng cho thấy rõ năng lực sáng tạo của ông. Đặc điểm đó khiến Hoa tiên truyện đạt đến thành tựu nghệ thuật rất cao, do đó tác phẩm có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhân vật cự phách trên văn đàn thời Nguyễn là Cao Bá Quát đánh giá rằng: “Sống ở nước này, lời quốc ngữ có thể phế bỏ chăng? Không thể bỏ được. Đọc quốc ngữ, như Hoa tiên, Kim Vân Kiều có thể bỏ chăng? Không thể bỏ vậy. Ôi! Tâm huyết của người xưa là để chắp cánh cho văn chương của ta, nên có thể nào coi nhẹ vậy chăng! Ôi, cổ nhân chẳng ai [không] khổ vì tình, cũng chẳng ai [không] phải khó khăn vì sự gặp gỡ, hợp lại rồi phô diễn ra, theo loại mà suy rộng ra, cái lý trong thiên hạ thiết tưởng cũng biết được quá nửa rồi. Tôi đối với ý chỉ của Hoa tiên rất có cảm tình vậy. Câu chuyện này khởi từ chỗ lứa đôi, riêng tây tình ái, mà đạt đến luân thường của cha con, nghĩa vua tôi, nhã ý thâm thiết của bạn bè, tình hảo hợp của anh em, lớn thì việc triều chính binh mưu, điển lễ khen trung khuyến tiết, nhỏ thì thế thái nhân tình, cái tinh vi của phong khí cỏ cây, lối văn lạ mà nghĩa chính đáng, thuyết lý lại rõ ràng mà không vướng mắc, nói về thế nguy ngoa mà có mực thường, đến những việc tụ tán bi hoan, vị trí cảnh ngộ, đứt nối ẩn hiện, lắm vẻ nhiều hình, từ phát ra tiếng bi tráng, văn thì cực trầm bổng, cái bụi bặm của nó còn hun đúc thành sứ sành gạch ngói mà đùm bọc cho tác giả, mà khiến cho Kim Vân Kiều xuất hiện về sau vậy" (Hoa tiên hậu tự).

Từ đó có thể thấy Hoa tiên truyện đã hoàn toàn thực hiện được chủ trương sáng tác tiểu thuyết của tầng lớp sĩ đại phu, nội dung của nó cũng phản ánh đầy đủ tư tưởng và tâm lý
của họ./.
 
Top Bottom