- Giới thiệu ý kiến của đề bài: biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng xấu hổ còn quan trọng hơn.
- Giải thích :
+ Tự hào : lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có.
+ Xấu hổ : cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác.
+ Ý kiến : thể hiện quan điểm của người phát biểu về quan hệ của tự hào với xấu hổ : tự hào thì cần thiết, xấu hổ quan trọng hơn.
- Phân tích, chứng minh :
+ Tự hào là cần thiết :
+ Người tự hào thường là người hiểu rõ bản thân, nhất là sở trường, các tốt đẹp của bản thân. Do đó cũng dễ là người có thái độ tự tin.
+ Tự hào thường mang lại những cảm xúc tích cực. Nó giúp người ta dễ phấn khởi trong hành động. Do đó cuộc sống dễ đạt được những thành công.
+ Biết xấu hổ còn quan trọng hơn :
+ Biết xấu hổ, người ta dễ tránh những lỗi lầm sai trái.
+ Biết xấu hổ, người ta dễ nổ lực vươn lên để khắc phục những kém cỏi của bản thân.
+ Biết xấu hổ, người ta dễ có lòng khiêm tốn, có tinh thần trách nhiệm, có lương tâm.
+ Biết xấu hổ là một trong những biểu hiện của lòng tự trọng, của nhận thức về phẩm giá con người.
+ Biết xấu hổ, người ta cũng dễ biết kiềm chế bản thân trước các tình huống.
- Phê phán : Trong thực tế, có những người không biết tự hào, cũng chẳng tự trọng, vô cảm với mình, với người. Nguyên nhân thường do thiếu nhận thức, thiếu kỹ năng sống
- Bình luận : Tự hào, tự trọng (mà biết xấu hổ là một biểu hiện của nó) là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần có, trong đó cần nhận thức tự hào là cần thiết nhưng tự trọng thì quan trọng hơn.
- Làm sao để có lòng tự hào và tự trọng :
+ Cần có hiểu biết và ý thức về giá trị con người và cuộc sống.
+ Cần có hiểu biết về ý nghĩa quan trọng của phẩm giá cá nhân.
+ Cần nỗ lực phấn đấu rèn luyện trau dồi những phẩm chất và kỹ năng sống cần thiết để sống tốt.
P/s: Chú ý tiêu đề.
Xem hộ mình với
Trong cuộc sống, con người luôn cần sự tự tin. Tin vào bản thân mình, tự hào về những gì mình có, với những thành quả mà mình đạt được. Từ đó vươn tới ước mơ, gặt hát những thành công lớn hơn. Bên cạnh đó, ta càng phải nhận thức những sai lầm của bản thân, sửa chữa và hoàn thiện mình. Chính vì vậy, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã trở thành bài học quý giá cho tất cả mọi người.
“Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” là câu nói thể hiện quan niệm về cách ứng xử, thái độ với bản thân. “Biết tự hào về bản thân” là cảm thấy hài lòng, hãnh diện về những điều tốt đẹp mà mình đang có. Còn “Biết xấu hổ” là cảm thấy hổ thẹn khi mình mắc lỗi sai hoăc trở nên kém cỏi trước người khác. Xấu hổ và tự hào đều là những trạng thái cảm xúc thông thường mà mỗi con người phải trải qua. Biết tự hào hay xấu hổ về bản thân mình chứng tỏ bạn đã tự đánh giá, nhận thức được những hành động, lời nói của bản thân. Qua đó, ta thấy rõ tự hào và xấu hổ là hai phẩm chất đối lập nhưng cần thiết để hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.
Trong cuộc sống, ta có thể thấy được việc biết tự hào, biết khẳng định bản thân đóng một vai trò quan trọng. Nó giúp ta có thêm tự tin, thêm động lực để vươn tới ước mơ, tới thành công. Chẳng hạn khi được thầy cô khen ngợi vì đạt được thành tích tốt, chúng ta thường cảm thấy phấn chấn tinh thần vì nỗ lực được công nhận, giá trị bản thân được nâng cao trong mắt người khác. Đó là những cảm xúc tích cực thúc đẩy con người hoàn thiện mình, đó cũng là yếu tố quan trọng để dẫn tới thành công.
Là người thì không ai hoàn hảo, ai cũng có sở trường riêng, có thể làm tốt một việc nào đó. Biết tự hào về bản thân, là khi người đó biết tự công nhận chính mình, hãnh diện với lợi thế mình có. Tự hào về bản thân làm cho con người có cảm giác tích cực, phấn chấn, tự tin hơn trong công việc, cuộc sống cũng như có thêm những động lực to lớn để vươn tới những điều tốt đẹp, những đỉnh cao mới trong cuộc sống của chính mình.
Tuy nhiên, tự hào thôi là chưa đủ, ta còn phải biết xấu hổ về bản thân nữa. Biết xấu hổ, người ta dễ dàng tránh được nhưng lỗi lầm sai trái, biết nhìn vào mặt kém cỏi của bản thân để nỗ lực vươn lên, khắc phục nó. Khi viết xấu hổ, con người ta có lòng khiêm tốn với những thứ mình có, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Biết xấu hổ là một trong những biểu hiện của lòng tự trọng, của nhận thức về phẩm giá bản thân, phẩm giá con người. Trước những tình huống khó xử, người biết xấu hổ sẽ dễ dàng hơn trong việc kiềm chế bản thân, không cho phép bản thân quá tự cao tự đại, bị sự tự tin lấn áp gây ra nhiều việc không hay
Rất tự nhiên, con người thường có xu hướng che giấu cái xấu, lỗi lầm của bản thân và khoe khoang mặt tốt. Các cụ cũng có câu “Tốt khoe xấu che” đấy thôi. Nhưng mấy ai nhận thức được rằng: Chỉ khi con người ta đối diện với lỗi lầm, biết hổ thẹn với chính bản thân vì lỗi lầm ấy và có ý thức sửa chữa thì mới hoàn thiện được bản thân. Thậm chí, việc biết xấu hổ còn quan trọng hơn biết tự hào bởi lẽ biết xấu hổ là biểu hiện của ý thức tự giác, xuất phát từ lương tâm của mỗi người muốn hoàn thiện bản thân và hoàn thiện cả xã hội.
Trong thực tế, có những người không biết tự hào, cũng chẳng tự trọng, vô cảm với mình, với người. Cũng có những người “ vô liêm sỉ “ không biết phân biệt đúng/sai, tốt/xấu. Chỉ biết tự hào với những thứ trước mặt mà không nhìn lại xem mình đã làm gì hổ thẹn với bản thân. Kẻ không biết tự xấu hổ thì tâm hồn ngày một đen tối, đầu óc thành ao tù, tâm địa trở nên đồi bại. Hắn sẽ bị đồng loại coi khinh, chê cười.
Tại sao những ông bố, bà mẹ có đứa con hư đốn, giết người cướp của, ... lúc ra đường lại lầm lụi cụi mặt không dám nhìn ai? Đó là họ đã xấu hổ với người con, với bản thân, với xã hội. Tại sao, một số quan tham bị kết án nhiều năm tù, nhưng đứng trước tòa án vẫn nhâng nháo? Đó là họ không có lòng tự trọng, đã sai lại càng thêm sai. Tại sao có người lại khóc khi biết mình làm điều sai trái? Đúng là có biết xấu hổ mới biết làm người.
“ Biết tự hào ” và “ biết xấu hổ ” tuy là 2 nhận thức đối lập nhau nhưng nó lại hỗ trợ lẫn nhau để con người có một nhận thức toàn diện, sâu sắc về bản thân, từ đó hành động để hoàn thiện mình. Nó cũng là ngon hải đăng, soi sáng suốt cuộc hành trình rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách con người
Tóm lại, “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” là một bài học quý giá. Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc bài học này để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện cả xã hội