@@@ Từ chiếc bookmark nghĩ về văn hóa đọc @@@

T

trifolium

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Một lần, tôi cần mua vài chiếc bookmark, đi khắp các hiệu sách và cửa hàng đồ lưu niệm nhưng không tìm đâu ra loại bookmark đẹp, xứng đáng dùng làm quà tặng một cách trân trọng. Chỉ có những miếng bìa vẽ sơ sài hình tháp Rùa hồ Gươm, hoặc hình các cô gái mặc trang phục dân tộc. “Chủ yếu bán cho Tây, giá cũng chỉ 10-20 ngàn là cùng”, chủ cửa hàng cho biết. Thật khác xa với những chiếc bookmark bằng da, mạ vàng hoặc khắc gỗ tinh xảo tôi từng được thấy trong bộ sưu tập của một người bạn. Chuyện tuy nhỏ nhưng có thể thấy, nếu tìm những dụng cụ hỗ trợ sách căn bản còn khó khăn, thì chúng ta chưa có những hiệu sách hoàn thiện.:(

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định thành lập ban soạn thảo xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đã có quá nhiều bài báo, hội thảo nói về việc văn hóa đọc xuống cấp, so sánh khoảng cách thư viện Việt Nam với thư viện nước ngoài, so sánh sức đọc của người Việt hiện nay với người Nhật từ thời Minh Trị… chỉ để cùng đi đến một kết luận chung: chúng ta chưa hề có văn hóa đọc theo đúng nghĩa. Bởi vậy việc thành lập một ban soạn thảo, đưa ra những giải pháp để xây dựng văn hóa đọc, dù chưa thấy công bố thời hạn hoàn thành, ít nhất cũng là một bước đi cụ thể trong chiến lược quy mô và cực kỳ phức tạp mà đáng ra đã phải tiến hành từ lâu.

anh5%20copym.jpg

Bookmark bằng da của Kenya.
Cũng vì đa số những gì liên quan đến sách trên quy mô lớn ở Việt Nam đều nằm trong tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, nên khó có thể định nghĩa đầy đủ về “văn hóa đọc”. Nhưng chắc chắn một điều, văn hóa đọc không chỉ là việc tăng cường đọc sách văn học như một số người lầm tưởng, cũng không chỉ là đọc thật nhiều rồi ghi lưu niệm vào sách, hay sưu tầm sách cũ. Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Những thư viện mênh mông mở cửa cả ngày, những tủ sách gia đình được giữ gìn cẩn thận và bổ sung qua nhiều thế hệ, những nghệ nhân đóng sách, những nhà sưu tập sách quý, những nhà xuất bản lớn có uy tín thật sự trong việc kiểm soát một cuốn sách từ khâu mua bản quyền đến khâu phát hành… là hình ảnh quen thuộc tại một quốc gia đã có được văn hóa đọc. Nếu thật sự xây dựng được văn hóa đọc từ gốc, thì đó sẽ là những biểu hiện bên ngoài, trong đó có cả những chi tiết nhỏ như chiếc bookmark, vốn xuất hiện từ cuối thế kỷ 16 ở châu Âu và trở thành món quà đầy trân trọng mà giới trí thức quý tộc thời bấy giờ tặng nhau cùng với những pho sách kinh điển.
064IllustratedpicTHB2.jpg

Nếu hỏi một sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài, kể cả ở các nước châu Á, điều gì làm họ thấy sốc nhất, thì câu trả lời nhận được khá thường xuyên là “sách”. Khi đã quen ung dung đi qua 4 năm đại học mà chẳng nhất thiết phải đọc hết vài bộ sách trong giáo trình, hiển nhiên là sẽ bị sốc khi bị giáo viên giao một lô sách tham khảo chỉ riêng cho một chuyên đề. Không thể không đọc vì sẽ buộc phải dùng đến kiến thức trong sách đó, mà phải phát triển được ý riêng của mình, kĩ năng cóp nhặt cho qua vốn quen dùng trong nước đành phải xếp sang bên. Nhưng đọc vào mới thấy không đơn giản. Thời gian có hạn, trong khi sinh viên nước ngoài đọc mấy trăm trang vừa nhanh vừa nhớ rất rõ từng điểm quan trọng thì một sinh viên Việt Nam sẽ phải rất nhọc nhằn để vượt qua quãng đường tương tự. Bởi kĩ năng đọc – phần tối quan trọng của văn hóa đọc, chúng ta không được học trong nhà trường. Học thuộc lòng/trả bài/quên luôn, một quy trình quen thuộc góp phần quan trọng làm học sinh ghét sách và không thu được gì nhiều từ sách dù chương trình học có nhồi nhét đến mấy. Có người so sánh: học sinh nước ngoài được học cách hệ thống, rồi tự phát triển; còn học sinh Việt Nam được phát một cái bị, vứt lẫn lộn sách vào đó, khi đầy thì bỏ bớt ra, thiếu lại nhặt vào, mà mãi vẫn chưa đọc được đến đầu đến đũa. Chiến lược quốc gia về văn hóa đọc sẽ vấp phải bức tường thành này ngay bước đầu tiên. Trước số lượng sách khổng lồ, kĩ năng đọc là chìa khóa giúp con người tự tin tiếp cận với kiến thức. Trong truyện Sherlock Holmes có chi tiết: bác sĩ Watson cần đóng giả một nhà sưu tập đồ gốm Trung Hoa, ông ta đến thư viện tìm hơn chục cuốn sách về đề tài trên và đọc suốt ngày, sau đó ông ta đủ tự tin để đối đáp với tay chuyên gia mình cần tiếp cận. Kĩ năng đọc như vậy không chỉ nhờ vào trí thông minh, mà cần có sự rèn luyện lâu dài. Cách ghi nhớ, cách hệ thống đều cần được rèn luyện, chưa kể đến những mức cao hơn là thẩm định, so sánh và phản biện. Văn hóa đọc sẽ phát triển ra sao khi người ta chỉ đọc vài ba cuốn sách mỗi năm? Kiến thức có được một cách từ từ và mỗi cuốn sách ta chọn đọc, ta cần có một kĩ năng vững vàng để hiểu thấu đáo và bổ sung vào lượng kiến thức mình đã có. Các cuộc họp báo hay hội thảo nghiên cứu ở Việt Nam, đa phần rơi vào tình trạng tẻ nhạt, chẳng ai hứng thú đặt câu hỏi hay phản biện. Thiếu khả năng tranh luận một cách xác đáng cũng bởi ít đọc sách đa dạng, mỗi người chỉ đọc vài cuốn sách liên quan đến chuyên ngành của mình mà thôi, và không cập nhật nổi sách mới. Đọc chậm và chán đọc - tất cả cũng chỉ vì do kém kĩ năng đọc mà ra.

Kĩ năng đọc không được dạy trong nhà trường, còn trong gia đình cũng không nhiều điều kiện phát triển. Đến nhiều nhà có thể gọi là “gia đình trí thức” – bố mẹ giáo viên, con cái đều học đại học – cũng rất hiếm khi thấy một tủ sách đúng nghĩa. Vài cuốn sách giáo khoa, giáo trình, truyện tranh và tạp chí - đó là một cấu trúc thường thấy. Một tủ sách gia đình được duy trì qua nhiều thế hệ, hay ít nhất là thói quen mua sách thường xuyên có vẻ quá xa xỉ, dù giá sách xét kĩ ra không hề đắt so với mức sinh hoạt ở thành phố. Khi chưa thể trông cậy vào các thư viện, vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính và được canh gác quá kĩ càng, thì lại càng cần xây dựng tủ sách cho riêng mình.

anh6%20copym.jpg

Bookmark khắc gỗ của Indonesia
anh8%20copym.jpg

Bookmark mạ vàng mô phỏng nhân vật của họa sĩ nổi tiếng người Czech Alfons Mucha

Những buổi triển lãm sách quý ở vài quán café sách nhỏ, hiệu sách cũ ở nơi những ngõ hẻm đường vòng và thông tin sách theo kiểu truyền miệng, chỉ có thể tác động đến những người có ý thức tự mình đi tìm, chứ không thể tác động đến đám đông. Từ kĩ năng đọc đến một hệ thống xuất bản sách chuyên nghiệp là cả một không gian văn hóa đọc rộng lớn được làm bằng “sự thủy chung kỳ bí qua nhiều thế hệ” như Borges nói. Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng chắc chắn sẽ đụng đến rất nhiều thành trì cố hữu trong giáo dục, xuất bản cũng như mọi thứ liên quan đến sách ở Việt Nam, bởi vậy những người bi quan (hoặc thực tế) đều có lý do để lo lắng cho thành công của chiến lược này.




Và cụ thể hơn, đây là 9
sai lầm trong văn hóa đọc mà người Việt dễ mắc phải nhất:

1) Chúng ta tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách
Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo chí (Showgame và phim dã sử truyền hình cũng là một kênh, nhưng có lẽ xin bản ở bài khác). Với một số người hiện đại hơn, tri thức nằm trong những trang báo điện tử và các diễn đàn. Thông thái hơn nữa thì Wikipedia và Google hay Yahoo là những ông thánh sống.

2) Chúng ta đọc sách theo kiểu đọc báo
Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong chiến tranh và hòa bình có một anh chàng tên là Andre đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu "Tồn tại hay không tồn tại”, trong Trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn.
3) Chúng ta rất lười ghi chép
Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc đọc lại nó.

4) Chúng ta đọc theo phong trào
Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó, là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng trời chịu phận “cá thối". Đơn giản bởi rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc, cho mình.

5) Chúng ta giả vờ đọc
Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày xưa Nguyễn Tuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhiều người đâu có giở chúng ra lần nào.

6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo
Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thể chúng ta viết ra nó.

7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi
Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.

8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót
Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng... Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.

9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích
Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.




Nói tóm lại


Hồ sơ văn hoá đọc của con người đồ sộ và dày dặn hơn tất cả các bảo tàng trên thế giới này cộng lại. Không thể nói văn học cổ điển và kinh điển, tiểu thuyết best-seller, cổ tích hay chuyện tranh, cái nào hơn cái nào. Cũng không thể bó gọn văn hóa đọc trên giấy và những con chữ. (Thực tế là con người còn đọc nhau qua ánh mắt, bờ môi, những cử chỉ của cơ thể, và cả những sắc thái vô hình khác nữa). Thế nên, có thể nói rằng không có chuyện khủng hoảng văn hóa đọc mà chỉ có sự khủng hoảng cái nhìn về văn hóa đọc..........




Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=3323
http://chungta.com/Desktop.aspx/PT-KyNang-SuNghiep/Van-hoa-Tri-thuc/9_sai_lam_cua_van_hoa_doc/
 
Last edited by a moderator:
T

trifolium

Cách đọc sách hiệu quả

Là sinh viên bậc đại học và cao học, đôi khi bạn cảm thấy có quá nhiều tài liệu và sách giáo khoa phải đọc trong khi quỹ thời gian thì eo hẹp. Sự tiến bộ trong học tập của bạn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng “tiêu thụ” hết số tài liệu này. Sau đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc bài của mình, nhanh và hiệu quả...

1. Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự ngồi đọc từng chữ:

Xem tựa đề bài đọc, các tiêu đề lớn nhỏ, những chỗ đánh dấu, in nghiêng hoặc in đậm.

Xem qua những hình vẽ hay minh họa, đồ thị hay biểu đồ.

Xem qua toàn bộ bài đọc bằng cách đọc đoạn đầu và đoạn cuối, lướt nhanh qua những câu đầu của từng đoạn trong bài (trường hợp sách giáo khoa về kinh tế thường có phần tóm tắt ở cuối mỗi chương cùng những thuật ngữ quan trọng).

Gấp sách lại và tự hỏi: ý chính của bài là gì, văn phong ra sao và mục đích của tác giả là gì?

Trả lời được những câu hỏi này sẽ phần nào giúp các bạn có được một ý tưởng khái quát về nội dung bài đọc, từ đó dễ tập trung hơn và bài đọc sẽ trở nên dễ nhớ hơn.

2. Không đọc thành tiếng vì kiểu đọc này sẽ khiến bạn đọc chậm. Cố gắng xem việc đọc sách như thể đang ngắm một cảnh đẹp, hình dung một ý tưởng bao quát trong tâm trí thay vì chú ý đến từng viên đá dưới chân.

3. Đọc theo ý. Các nghiên cứu cho thấy khi đọc, mắt chúng ta luôn dừng sau những câu chữ trong một dòng. Số lần dừng của người đọc chậm nhiều hơn so với người đọc nhanh. Dừng nhiều lần không chỉ làm cho ta đọc chậm mà còn cản trở khả năng nắm bắt vấn đề, do ý nghĩa thường đi theo cả câu hay cụm từ thay vì từng chữ một. Hãy cố đọc theo những nhóm từ, đặc biệt đọc hết những câu hoàn chỉnh và những câu có tính bổ nghĩa.

4. Không nên đọc một câu nhiều lần. Đây là thói quen của người đọc kém. Thói quen “nhai lại” này thường làm tăng gấp đôi hoặc gấp ba thời gian đọc và cũng không cải thiện mức độ thông đạt. Tốt nhất là cố tập trung ngay từ lần đầu tiên, đó là lý do tại sao chúng ta có gợi ý thứ nhất.

5. Thay đổi tốc độ đọc nhằm thích ứng với độ khó và cách viết trong bài đọc. Người đọc kém luôn có tốc độ đọc chậm. Người đọc hiệu quả thường đọc nhanh phần dễ và chậm lại ở phần khó. Trong một bài đọc có đôi chỗ chúng ta phải đọc cẩn thận hơn những chỗ khác. Có những điều được viết ra không phải để đọc thoáng. Với những tài liệu pháp lý hay các bài viết khó thì cần phải đọc chậm. Những tài liệu dễ hơn như kinh tế hay báo chí thì ta có thể đọc nhanh.

Cuối cùng, bạn nên đọc những gợi ý này nhiều lần và biến chúng thành thói quen mỗi khi đọc sách.:D
Theo Tuổi Trẻ
 
T

trifolium

Ơ bookmark là gì thế ạ ****************************????? Em ko biết

Ặc, cái này quen thuộc mà?, là miếng bìa kẹp sách đó =)), mua truyện không bao h thấy à?, dùng cái này thì khỏi phải gấp góc truyện, mấy cuốn bự như từ điển bách khoa hay tiểu thuyết thì hay dùng mấy sợi dài dài chỗ gáy sách ấy :D

Giúp bạn có thể đọc sách hiệu quả hơn:

- Quy tắc 1: Đọc không lùi lại. Dù bài về khoa học kỹ thuật khó đến đâu cũng chỉ đọc một lần. Không được chuyển động mắt trở lại. Chỉ khi đã đọc xong và suy nghĩ về những điều đã đọc, mới có thể đọc lại bài nếu như thật cần thiết.

- Quy tắc 2: Đọc và hiểu thông tin theo khối thuật toán tích hợp. Phải thường xuyên nhớ nội dung của từng khối. Trong quá trình đọc, hãy tìm cách trả lời những câu hỏi tiêu chuẩn đề ra cho mỗi khối của thuật toán.

- Quy tắc 3: Đọc không phát thành tiếng. Đọc mà phát âm là kẻ thù của việc đọc nhanh. Hãy thực hiện các bài tập và gõ nhịp để nhịn phát âm. Khi thấy tốc độ đọc bị giảm cần phải luyện lại.

- Quy tắc 4: Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc. Khi đọc, mắt di chuyển theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới, theo dòng tưởng tượng đi từ giữa trang giấy. Hãy tập phát triển thói quen nhìn ngoại vi. Hãy đọc báo có cột hẹp, rồi đọc sách, sơ bộ vạch đường ở giữa trang bằng bút chì. Phấn đấu đọc một trang chỉ trong 10 – 15 giây, cố hiểu được nội dung chung. Tuỳ mức độ thành thục trong việc di chuyển mắt mà chuyển sang đọc hiểu cả trang sách chỉ trong 30 giây.

- Quy tắc 5: Tập trung tư tưởng thật cao độ khi đọc. Tập trung là chất xúc tác của quá trình đọc. Đọc nhanh lại càng đòi hỏi tập trung trí não với cường độ cao hơn để tư duy và nắm bắt vấn đề nhanh hơn.

- Quy tắc 6: Hiểu những điều đã đọc trong quá trình đọc. Khi đọc cần làm rõ các từ khoá, các điểm tựa suy lý, tức là các điểm tựa để hiểu bài và nhận thức vấn đề. Nhớ rằng khi đọc là quá trình tìm kiếm và xử lý ý tưởng và ý nghĩa.

- Quy tắc 7: Áp dụng các cách nhớ chủ yếu trong khi đọc. Mục đích của việc đọc để nhớ. Nhớ cái gì tuỳ theo mục đích đọc cần thiết của mình và chỉ nên nhớ những gì hiểu được. Không cần nhớ từng câu, từng chữ nhưng phải nhớ ý tưởng và ý đồ của tác giả cuốn sách.

- Quy tắc 8: Đọc với tốc độ biến đổi. Biết đọc với các tốc độ khác nhau cũng rất quan trọng. Có chỗ chỉ cần đọc lướt qua, song có trang thì nên đọc chậm lại để hiểu được thực chất vấn đề. Hãy biết chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc và đúng chỗ.

- Quy tắc 9: Phải thường xuyên luyện tập, củng cố không ngừng thói quen đọc.

- Quy tắc 10: Đặt tiêu chuẩn đọc mỗi ngày 2 tờ báo, 1 tờ tạp chí và khoảng 50 đến 70 trang sách.

Làm được 10 điều như vậy, sau một thời gian ngắn chắc chắn bạn sẽ là người đọc sách báo nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều người.

(sưu tầm)
 
Top Bottom