Truyện ngắn:"Long lanh giọt nắng"-Dạ thảo linh

V

vananhkc

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ong lanh giọt nắng - Dạ Thảo Linh (Phần 1)
Long lanh giọt nắng
1.

Linh thích thơ thẩn trong vườn buổi trưa, không phải buổi sáng, mà buổi trưa khu vườn mới rộn rã tiếng chim. Mùa hè còn có cả tiếng ve, tiếng ve rớt xuống như những đám mưa đầu mùa tràn ngập cả không gian. Linh mê mải ngắm nhìn những đốm nắng nhảy múa trên mặt đất, những giọt nắng len qua những tàn cây chôm chôm rọi xuống, khu vườn như được rắc một lớp hoa vàng rực rỡ. Đạt dẫn Linh đi ra vườn, anh trèo cây hái mấy chùm chôm chôm chín đỏ rực ném xuống đất, Linh cúi xuống và chợt reo lên:
- Anh Đạt ơi, anh Đạt xuống đây coi cái này hay lắm nè!
Ở trên cây Đạt hỏi vọng xuống:
- Có chuyện gì mà mày réo ầm lên thế?
Linh ngước cặp mắt trong suốt nhìn lên cây:
- Anh xuống đây mà xem nè!
Đạt tụt xuống khỏi ngọn cây ngơ ngác hỏi:
- Có gì đâu mà mày bảo tao xem?
- Anh không thấy gì sao? Hoa đầy vườn.
- Hoa đâu?
- Hoa nắng đó, anh không thấy những đốm nắng như hoa rắc đầy khu vườn đấy sao!
Một thoáng ngơ ngác, chợt hiểu ra, Đạt ôm bụng cười rũ rượi. Cười đã cơn, Đạt nhìn Linh chế giễu:
- Tao thấy mày giống con nhỏ Hương “mát dây” trong xóm.
- Hương nào hả anh?
- Con nhỏ hôm mày về đây gặp nó đang vươn tay chụp những đốm nắng dưới hàng râm bụt, nó cứ nhìn mày cười cười đó.
- “Mát dây” là sao hả anh Đạt?
- Chời ơi! Dzậy mà cũng hông biết! “Mát dây” là... khùng đó, hiểu chưa?
- Ư... anh nói em khùng hả?
- Ừ, tao nghi lắm, mày học giỏi nên tao sợ mày giống con Hương.

-
 
Last edited by a moderator:
V

vananhkc

Bà ngoại ra tận cửa đón cô cháu yêu. Ngoại dang tay, Linh sà vào lòng ngoại. Mỗi lần về thăm ngoại, Linh tha hồ nhõng nhẽo. Suốt một năm học, Linh mệt bã người vì chương trình học tập đầy ắp. Ngoài giờ học ở trường, còn học thêm, học ngoại ngữ, Anh văn, vi tính... Ở nhà, Linh không có một chút cơ hội để mà làm “trẻ con". Lúc nào rảnh, Linh lại phải giúp mẹ chăm bé Sa. Con nhỏ nghịch phải biết! Con gái mà cứ như con trai. Hôm nào trường mẫu giáo cho nghỉ ở nhà là hôm ấy căn phòng của Linh như một bãi chiến trường. Bé Sa lục tung tất cả sách vở của Linh rồi dùng chì màu vẽ lung tung vào những cuốn sách của ba mua tặng cho Linh. Cuối năm học, Linh đạt danh hiệu học sinh giỏi, ba quyết định cho Linh về quê ngoại nghỉ hè. Ba phải thuyết phục mãi, mẹ mới đồng ý. Mẹ muốn Linh tranh thủ mùa hè lấy cho được cái bằng B tiếng Anh, còn ba thì ngược lại. Ba bảo: “Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra kỳ nghỉ hè. Mùa hè cần cho trẻ con nghỉ ngơi. Những bài học từ thiên nhiên cũng bổ ích không kém gì kiến thức của nhà trường". Cuối cùng, mẹ cũng đồng ý cho Linh nghỉ hè một tháng ở quê ngoại. Mùa này là mùa trái cây, khu vườn nhà ngoại đẹp và thơm như thế giới cổ tích. Ngày còn nhỏ, ba mẹ bận việc mưu sinh nên gởi Linh cho ngoại trông giùm. Linh đã có những ngày thơ ấu tuyệt vời trong thế giới huyền ảo giữa những câu chuyện cổ tích của bà ngoại kể với khu vườn đầy ắp tiếng chim và hương cây trái do ông ngoại tạo ra. Linh học chưa hết lớp một, ba mẹ rước Linh về thành phố. Bà ngoại chạy theo nắm bàn tay bé xíu của cháu khóc ròng, Linh cũng khóc theo bà. Xe chạy, bóng ngoại nhòa vào đám bụi mù đỏ quạch. Ngoại đưa khăn rằn lau nước mắt. Sống ở thành phố có đầy đủ tiện nghi nhưng lúc nào Linh cũng nhớ khung cảnh quê ngoại. Ngày Linh lên lớp tám, ba cho Linh riêng một căn phòng. Nằm trên giường nệm, Linh nhớ tấm phản mát lạnh lưng ở nhà ngoại. Mỗi đêm, bà ngoại cho Linh ngồi vào lòng dùng con dao cau bén ngót bóc vỏ chôm chôm nhãn cho Linh ăn. Bà khoanh lưỡi dao một vòng tròn quanh trái chôm chôm, tách phần vỏ trên, phần thịt trắng nõn lộ ra. Linh ngậm vào miệng, ngọt lịm. Ở thành phố ăn nhiều bánh kẹo nhưng Linh vẫn nhớ cái vị ngọt ngào khó tả của trái chôm chôm nhãn từ bàn tay ngoại. Nhờ thời gian ở nhà ngoại, Linh trở nên nổi tiếng trong lớp khi về thành phố. Mỗi giờ ra chơi, Linh say sưa kể cho bạn bè nghe về khung cảnh tuyệt vời ở miền quê mà ngày xưa Linh sinh sống, có nhiều chuyện Linh bịa ra nhưng chúng nó tin sái cổ. Lớp của Linh chưa có đứa nào được về quê. Đám bạn thành phố chưa hề biết cây sầu riêng ra hoa như thế nào, chứ đừng nói chuyện biết khi trái chín thì khu vườn tuyệt vời ra làm sao.
 
V

vananhkc

2.

Bà ngoại không chỉ dạy Linh lòng nhân hậu bằng những câu chuyện cổ mà bằng chính cuộc đời của ba. Bà sống như một bà tiên. Không biết bao nhiêu người đang sinh sống ở xứ này đã từng chịu ơn của bà. Những gia đình nghèo khổ do bị thiên tai ở các vùng quê miền Trung đùm túm nhau vào Long Khánh kiếm sống đều được bà giúp đỡ. Bà cho họ cất chòi ở trong vườn, ai muốn làm vườn cho bà thì làm, bà trả công sòng phẳng. Ai muốn đi buôn bán trái cây hoặc làm việc khác cũng được. Khi nào có tiền mua đất làm nhà, cứ dọn đi, trả đất lại cho bà. Có năm, cuối khu vườn có cả chục căn nhà lá như dãy nhà tập thể. Trong số những người được bà giúp đỡ có gia đình bác Hai Đèn là ở lâu nhất. Bác ở với bà từ khi còn bé. Sau này, bà cưới vợ cho bác và cho bác khu vườn. Dù có vườn riêng nhưng bác không dọn đi. Sau khi sanh thằng Đạt, vợ bác mất đột ngột vì bạo bệnh, bác Hai quyết định ở luôn trong vườn làm quản gia cho bà suốt đời để trả ơn bà đã cưu mang gia đình bác. Bà nói sao bác cũng không đi, bà trả tiền công bác không lấy. Bác bảo bà đã cho bác mấy sào vườn hồi cưới vợ, sau này bác để lại cho thằng Đạt cưới vợ là đủ rồi. Bây giờ bác như người nhà của gia đình ngoại, mọi việc thu hoạch, buôn bán trái cây trong khu vườn mười mẫu đất của ngoại, ngoại giao cho bác quản lý. Mười năm nay, bác Hai lo chu tất mọi việc trong khu vườn...
Linh thơ thẩn đi về cuối vườn. Linh dự định sẽ rủ Đạt đi chơi. Ngôi nhà của bác Hai Đèn được ngoại bỏ tiền ra xây ở gần nhà kho cuối vườn. Bác ở với Đạt. Chị Đạt đang học đại học trên thành phố. Ngày còn nhỏ, ngôi nhà kho là cả thế giới đầy hấp dẫn của Đạt và Linh.
Linh kêu lớn:
- Anh Đạt ơi!
Đạt thò đầu ra khỏi nhà kho, gương mặt đen nhẻm, đưa tay ngoắc Linh:
- Linh ơi, vào đây!
Linh chạy vào nhà kho với Đạt. Ngôi nhà đầy ắp những vật dụng cũ, Đạt đang cầm trên tay con búp bê nhựa đưa về phía Linh:
- Linh nhớ con búp bê này không?
Linh cầm con búp bê ngắm nghía. Con búp bê cũ, tróc sơn, mái tóc vàng rối bù. Linh cố nhớ con búp bê này có liên quan gì đến quá khứ của mình, nhưng Linh không thể nhớ ra. Đạt cười:
- Ngày xưa, vì con búp bê này mà tao bị một trận đòn nên thân đấy, còn mày thì ôm tao khóc quá trời luôn.
Bỗng dưng, mặt Linh đỏ bừng. Cô bé lí nhí:
- Anh này!
Đạt đưa mắt nhìn ngoài cửa sổ. Những chùm chôm chôm chín mọng đong đưa trong nắng, rực lên như những đốm lửa trong vòm lá xanh. Đạt kể:
- Năm mày học lớp một, mày ở với ngoại. Đường làng mình chưa làm, mùa mưa lầy lội khiếp luôn. Mày dân thành phố không dám đi. Đoạn nào lầy lội quá, tao cõng mày đến trường.
Nghe Đạt nói, Linh dần nhớ ra những tháng ngày kỷ niệm của năm học lớp một. Lúc ấy, ba mẹ Linh bận công chuyện làm ăn, suốt ngày đóng cửa nhốt Linh ở nhà. Mẹ bảo ở thành phố nhiều người lừa đảo nên không cho Linh chơi với ai cả. Trong xóm cũng chẳng có ai cùng tuổi với Linh. Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm nên bạn của Linh chỉ có mỗi con chó Tô. Bà ngoại lên thăm Linh, ngoại mang theo bao nhiêu là trái cây. Thấy ngoại đứng lóng ngóng ngoài cổng, Linh bám song cửa sổ òa khóc:
- Ngoại ơi! Ngoại ơi! Con nhớ ngoại!
Ngoại ngồi bệt xuống ngay cổng và đưa khăn rằn chậm nước mắt. Đợi đến chiều, ba mẹ về mới mở cửa cho ngoại vào. Tối đến trong bữa ăn, Linh mừng phát run khi nghe ngoại nói với ba mẹ:
- Anh chị cứ lo làm giàu, để tôi mang cháu về quê tôi nuôi. Anh chị nhốt cháu tôi như thế thì còn gì là tuổi thơ của nó.
Mẹ ngập ngừng:
- Con sợ...
Ngoại mát mẻ:
- Chị sợ gì? Chị sợ ở nông thôn mất vệ sinh dơ bẩn chớ gì? Chị đừng quên hồi chị còn bé, nhà không có gạo ăn, tôi nhai củ mì mớm cho chị. Bây giờ chị quên chuyện hồi ấy chắc. Chị nên nhớ, nhờ những tháng ngày sống với cây cối ruộng rẫy, ngày nay chị mới có cái bằng tiến sĩ nông học, nông hẹo gì đó. Bây giờ, nhà tôi tiện nghi, có thiếu gì đâu mà chị lo. Tôi không đồng ý cho chị nhốt cháu tôi như thế đâu.
Mẹ lùa vội chén cơm:
- Mẹ cứ...
Ba khoát tay bảo mẹ im lặng, rồi từ tốn nói với ngoại:
- Con cám ơn mẹ rất nhiều! Mẹ cho cháu ở với mẹ một thời gian, để phí mất tuổi thơ của nó.
Nghe ba nói, Linh như mở cờ trong bụng. Cô bé thót vào lòng ngoại, ngoại cười xoa đầu Linh. Ba là nhà văn nên ba thoáng hơn mẹ. Đáng lẽ ba ở nhà sáng tác và chơi với Linh, nhưng gia đình khó khăn nên ba nhận làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo lớn. Từ khi làm báo, ba bận tối mắt tối mũi nên không có thời gian dành cho Linh. Đêm ấy, Linh chập chờn chờ tới sáng để theo ngoại về quê.
Trong lúc Linh đang nhớ chuyện ngày xưa, anh Đạt vẫn không rời mắt khỏi chùm chôm chôm và nhắc chuyện cũ.
- Hồi đó mày nhõng nhẽo kinh khủng, hở một tí là khóc. Bọn nhóc ở trường cứ chạy theo bẹo má mày gọi mày là búp bê. Hôm má mày gởi về con búp bê này, mày quí nó lắm, đi ngủ mày cũng mang theo. Hồi đó, xóm mình chưa đứa nào có búp bê, nên khi mày mang đến trường, bọn nó giành nhau chơi. Mày khóc, tụi nó cũng hông trả.
Linh dần nhớ lại chuyện cũ.
 
V

vananhkc

Sáng hôm ấy, mẹ xếp đồ đạc và dặn dò đủ điều trước khi lên đường theo ngoại. Sợ ngoại giận, mẹ dắt Linh xuống bếp dặn Linh không được ăn xoài xanh, không được theo bọn trẻ xuống suối bắt cua, không được ăn ổi, không được... Nói chung là mẹ dặn nhiều thứ lắm. Linh vâng dạ nhưng đầu óc mải nghĩ đến khu vườn trái cây rợp mát của ngoại. Trên đường đi, Linh mê mải ngắm rừng cây thẳng tắp chạy dọc quốc lộ. Linh hỏi ngoại:
- Ngoại ơi! Sao rừng cây ở đây đẹp quá vậy ngoại?
Ngoại bảo:
- Vì do người ta trồng cháu ạ. Cây này gọi là cây cao su, người ta trồng để lấy mủ làm cặp sách, áo mưa cho cháu đi học.
Ôm Linh trong vòng tay, ngoại kể:
- Ngày xưa, quê ngoại ở ngoài Bắc, ông ngoại của con quá nghèo nên đi công-tra cho bọn Pháp. Ông ngoại vào trồng cây cao su ở xứ này, khổ lắm, người công nhân phải làm việc dưới roi vọt của bọn Pháp, người nào cũng bị sốt rét xanh như tàu lá. Công nhân lúc ấy có câu hát như vầy:
Kiếp phu đổ lắm máu đào
Máu tuôn mặt đất, máu trào mủ cây
Trần gian địa ngục là đây
Đồn điền đất đỏ nơi Tây giết người...
Bị áp bức quá, anh em công nhân cao su nổi giận giết tên chủ đồn điền rồi vào rừng theo cách mạng...
Ngoại còn kể nhiều chuyện nữa, nhưng làn gió mát rượi ru Linh thiếp đi...
Xe về đến Long Khánh, bác Hai Đèn và Đạt ra đón Linh. Nhìn cậu bé đen nhẻm, đầu như tổ quạ, nhe hàm răng trắng xóa cười cười, Linh thấy anh chàng hơi ngộ ngộ. Thấy Linh xuống xe, anh chàng cứ lóng nga, lóng ngóng. Những ngày đầu, trước khi vào lớp một, Đạt dẫn Linh lang thang trong vườn. Đúng là một thế giới cổ tích với nhiều hoa thơm, cỏ lạ, trái cây ngọt ngào. Linh tha hồ bay nhảy, bù lại những ngày tù túng trong thành phố. Bữa tiệc đầu tiên, Đạt đãi Linh là món xoài xanh chấm nước mắm đường. Quả xoài tượng to đùng cắt ra, ruột trắng phau, chấm nước mắm đường ăn ngọt ngọt, chua chua, ngon hết biết. Ăn xong, Linh nhớ lời mẹ dặn, chạy về nhà mếu máo với ngoại:
- Ngoại ơi, mẹ con dặn con không được ăn xoài xanh mà con quên mất. Anh Đạt cho con ăn rồi, làm sao bây giờ hả ngoại?
Ngoại xoa đầu hỏi:
- Sao mẹ không cho con ăn xoài xanh?
- Dạ, mẹ bảo ăn xoài xanh độc lắm ngoại à!
- Ối dào, có gì mà độc. Hồi nhỏ, mẹ mày ghiền món này lắm, bây giờ bày đặt. Con thích cứ ăn nhưng nhớ đừng ăn quá nhiều và không được uống nước lã.
- Dạ con hiểu rồi! - Nghe ngoại nói, Linh mừng rỡ chạy ù ra vườn với anh Đạt.
Mấy ngày sau, ngoại đưa Linh đến trường vào học lớp một. Trường ở nông thôn bây giờ xây cũng đẹp như ở thành phố vậy, chỉ khác là trường ở quê ngoại có nhiều cây xanh nên mát ơi là mát! Trong lớp của Linh có thằng Châu mập, nó cứ theo chọc Linh hoài. Anh Đạt lớn hơn Linh một tuổi nhưng bác Hai làm khai sinh trễ nên năm nay mới vào lớp một cùng với Linh.
Anh Đạt quay lại cầm con búp bê trên tay ngắm nghía rồi kể tiếp:
- Thằng Hưng mập giật con búp bê tung lên trời để chọc mày, tao tức quá lao vào đánh nhau với nó chảy máu mũi. Thầy hiệu trưởng kêu hai đứa lên văn phòng và viết thư báo cho gia đình. Về nhà, tao bị cha tao đánh một trận, mày vừa xoa dầu cho tao, vừa khóc. Thấy mông tao tím bầm, mày bảo: “Chỉ tại con búp bê”. Công nhận mày gan thật! Con búp bê mày thích vậy mà mày chạy về nhà cầm ra ném xuống suối không thương tiếc. Chiều hôm ấy, mẹ mày đi công tác về, mày có bao nhiêu là quà. Hôm sau, mẹ mày rước mày về thành phố để học vì trường ở trên ấy tốt hơn trường nông thôn. Mày đi rồi tao buồn, thơ thẩn ra bờ suối và bắt gặp con búp bê này vướng vào gốc cây bằng lăng nước, tao mang về cất vào kho...
Bất chợt, Linh nghe mắt mình cay cay. Linh len lén quay đi giấu đôi mắt đỏ hoe. Linh khóc tự lúc nào không biết. Sao chuyện lâu như vầy mà anh vẫn còn nhớ hả anh Đạt, chín năm rồi còn gì?
 
V

vananhkc

3.

Hương thơ thẩn đi dọc theo bờ suối. Trong đầu óc của cô luôn có lớp sương mờ bao phủ. Hương chỉ nhớ chuyện quá khứ. Ngày nhỏ, cha Hương cõng cô bé trên vai đi dọc theo bờ suối này để hái hoa cúc dại cho Hương. Những bông cúc trắng bé xíu đong đưa bên bờ suối, soi mình xuống dòng nước. Hương rất thích cái bóng hoa nhỏ xíu lung linh trên mặt nước xanh. Ba hái cho Hương cả một bó hoa trắng để Hương mang về cắm trong chiếc bình trên bàn học. Điều kỳ lạ là mùa hoa cà phê nở, hoa cúc dại không còn, nên trên chiếc bình ấy cha cắm vào những bông cà phê trắng thơm ngào ngạt. Nhìn Hương say sưa ngắm những bông hoa trắng muốt, ba lắc đầu thở dài lẩm bẩm: “Con gái mà thích hoa trắng, cuộc đời sẽ khổ con ạ!”. Ông đã không còn trên đời này nữa. Chiều nào Hương cũng đi dọc theo bờ suối hái một bó hoa trắng thật lớn đặt lên mộ ba. Khi bó hoa trên tay đã nhiều, Hương đi về hướng nghĩa địa. Cô đi chậm rãi, đầu cúi xuống. Những người trong xóm đã quen với cảnh này, nên khi nhìn Hương đi qua, ai cũng chép miệng: “Tội nghiệp con bé!”. Ngôi mộ của cha Hương lúc nào cũng đầy ắp hoa trắng. Cô bé ngồi đó cho đến khi mặt trời khuất sau tàng cây đa rậm rạp bên ngôi mộ cổ, Hương mới về nhà. Những lúc như vậy chuyện quá khứ hiện về trong đầu Hương như cuốn phim quay chậm...

Hồi còn ở thành phố, nhà Hương thuộc loại giàu có, Hương là cô tiểu thư, không thiếu thứ gì. Ba chiều Hương lắm. Có ba ở nhà, mỗi lần mẹ đánh là ba ẵm Hương chạy ra đường. Mặc cho ba mua đủ thứ đồ chơi nhưng Hương vẫn khóc nức nở, tức tưởi. Mỗi lần đánh Hương, mẹ cứ mắng:
- Ông để tôi dạy nó, nó có phải con ông đâu mà ông bênh nó cho nó hư!
- Không, không, con là con của ba! - Hương hét lên.
Khi hết cơn khóc, Hương sờ gương mặt xương xương của ba và hỏi:
- Ba ơi, con đúng là con ba phải không?
Ba cười nụ cười thật hiền hậu, nói:
- Thì con là con ba chứ con ai? Con đừng buồn mẹ, do công việc làm ăn thất bại nên mẹ con cau có như vậy đấy.
Bỗng một hôm, mẹ Hương đi đâu mất biệt mấy ngày liền, người ta đổ xô đến nhà khuân vác đồ đạc. Ba ôm Hương vào lòng lắc đầu, nói:
- Mẹ con bể hụi, bỏ trốn. Tan nát hết rồi con ạ!
Mấy tháng sau, người ta đến tịch thu cả nhà. Ba Hương dắt Hương về Long Khánh sinh sống. Ông nói ông chán cảnh bon chen chốn thị thành. Ba Hương về làm thuê cho bà Tám, bà ngoại của Linh. Bà Tám thương Hương lắm. Bà bảo:
- Con rất giống cô cháu ngoại trên thành phố của bà.
Hương đi học trở lại. Hương được anh Đạt dắt đến trường. Mỗi khi phải cõng Hương qua đoạn đường sình lầy, anh Đạt lại cằn nhằn:
- Sao mà tao khổ với mấy đứa tiểu thư ở thành phố chúng mày quá. Hết con Linh rồi đến mày.
- Linh là ai vậy anh Đạt?
- Linh là cháu của bà Tám. Nó giống hệt như mày vậy đó. Da trắng như trứng gà bóc, học cũng giỏi như mày vậy đó. Hồi nó học lớp một, tao cũng cõng nó đi học. Nó thương tao lắm. Mỗi lần có bánh kẹo hay đồ chơi nó cũng mang cho tao. Tập, vở, bút viết của tao học, nó cũng cho hết. Mỗi lần mấy đứa trong lớp đánh nhau với tao là nó bênh liền. Nó nhảy vào cào cấu. Tụi nó chọc tụi tao là vợ chồng, nó vênh mặt lên bảo: “Ừ thì vợ chồng đó, tụi bay làm gì?”. Mày thấy có buồn cười không? À, tao còn quên kể cho mày nghe, nó cũng giống mày chỗ... hay khóc. Bữa nào tức nó, lúc đi học về ngang nghĩa địa Hàng Gòn tao bỏ chạy là nó khóc tức tưởi, về nhà giận tao mấy ngày. Mày biết mỗi lần con Linh giận, tao dỗ nó bằng gì không?
Không chờ Hương trả lời, Đạt nói tiếp:
- Tao hái cho nó mấy trái xoài xanh là nó hết giận liền. Con nhỏ ghiền xoài xanh hết biết luôn.
Anh Đạt say sưa kể về Linh, người bạn thuở ấu thơ của Đạt làm cho Hương có cảm tưởng Đạt không để ý gì tới mình. Nhưng Hương không buồn. Ngày còn ở thành phố, Hương cũng có một người bạn thân. Cậu ấy đối xử với Hương giống như anh Đạt với Linh vậy. Hương có nhiều bạn nhưng Hương thân nhất với Tuấn. Hồi ấy, nhà Tuấn nghèo hơn nhà Hương. Mẹ Tuấn bán chè. Sau giờ học, Tuấn đi bán chè phụ mẹ. Hương chia cặp sách cho Tuấn. Hôm nào có chè ngon, Tuấn mang đến trường cho Hương một bịch. Hương nhớ nhất lần hai đứa đi chơi trong một con hẻm, thấy trong hàng rào của một biệt thự có cây mận nở hoa trắng muốt. Chưa bao giờ Hương nhìn thấy bông hoa đẹp như vậy. Cánh hoa trắng mỏng manh run rẩy giữa cái nóng gay gắt của thành phố, trông rất tội nghiệp. Hương nhìn mê mải. Tuấn đã trèo tường hái cho Hương chùm hoa mận. Trong nhà, một con chó lớn nhảy xổ ra. Tuấn nhảy xuống đất, hai đứa ù té chạy. Đến khi dừng lại, cả hai mới phát hiện đầu gối của Tuấn rớm máu. Chiếc quần xanh duy nhất của Tuấn để mặc đi học rách toạc một lỗ lớn. Tuấn không để ý vết thương của mình. Cậu ấy chỉ tiếc chùm hoa mận đã dập nát khi nhảy xuống đất. Nhớ chuyện ấy, Hương thì thầm: “Tuấn ơi, giá mà cậu về đây chơi với mình, cậu tha hồ hái hoa mận. Cây mận nhà bà Tám hoa nhiều ơi là nhiều...”.
Nghe Hương lẩm bẩm, Đạt hỏi:
- Mày lẩm bẩm gì vậy?
- À, em đang nghĩ về hoa mận.
- À, mày nhắc hoa mận tao mới nhớ con Linh cũng thích hoa mận lắm. Nhà bà Tám có mấy cây mận. Trái cây này không bán được bao nhiêu tiền. Mấy lần cha tao kêu chặt trồng cây khác nhưng bà Tám không chịu. Bà bảo để cho mấy đứa nhỏ hái hoa chơi, chứ cái gì cũng trồng để bán thì còn gì để bọn trẻ chơi. Tao còn thấy con Linh với mày giống nhau ở chỗ, đứa nào cũng thích hoa màu trắng. Tao chẳng thích hoa, hoa có ăn được đâu. Tao chỉ thích trái thôi, trái ăn đã hơn...
Nghe Đạt nói, Hương che miệng cười. Đạt quay lại hỏi:
- Mày cười gì vậy?
- Em cười vì thấy anh Đạt bề ngoài luôn tỏ ra cứng rắn mà trong bụng mềm yếu.
Đạt trề môi:
- Tao mà mềm yếu hả? Mày chưa thấy tao đánh nhau với thằng Châu mập hả?
- Đánh nhau chưa chắc đã cứng rắn.
- Thôi tao không cãi nhau với đám con gái bọn mày, đi học nhanh lên kẻo trễ.
Nói xong, Đạt cắm đầu chạy băng băng giữa những hàng cao su thẳng tắp khiến Hương chạy theo muốn hụt hơi...

Hai cha con Hương ở làm công cho nhà bà Tám được một thời gian, khi bà Tám chia một mảnh vườn để cất nhà thì mẹ trở về. Hôm ấy ba rất vui. Ông giết thịt mấy con gà mái để mời bà con hàng xóm. Mẹ ốm và tiều tuỵ hơn trước. Những ngày có mẹ là những ngày vui nhất của Hương. Bà Tám mang qua nhà Hương bao nhiêu là trái cây để chúc mừng gia đình đoàn tụ. Mẹ sụp lạy bà. Mẹ nói trong nước mắt:
- Vợ chồng con đội ơn bà đã cưu mang trong lúc hoạn nạn. Không có bà thì gia đình con không được như hôm nay.
Bà Tám đỡ mẹ đứng dậy. Trông mái tóc đốm bạc và nụ cười hiện hậu của bà, ngỡ bà là bà tiên trong truyện cổ tích. Bà từ tốn nói:
- Thấy vợ chồng bay đoàn tụ là tao mừng rồi. Đời người ai mà không phải một lần hoạn nạn con ạ. Ngày xưa, vợ chồng tao cũng ba chìm bảy nổi lắm mới được như ngày hôm nay.
Gia đình đang êm ấm thì ba đột ngột ra đi. Chiều ấy, ba đi làm về nằm trên võng và thanh thản ra đi không kịp nói với vợ con lời nào. Bác sĩ bảo ba bị đột quỵ gì đó. Hương khóc hết nước mắt. Hương không tin ba chết. Chiều nào Hương cũng ra mộ ba để trò chuyện với ba.

Hương nhẹ nhàng đặt bó hoa trắng trên mộ, ngồi trên thảm cỏ thì thầm:
- Ba ơi, con Linh nó về chơi với ngoại đó ba! Con nhớ ba lắm. Hoa cúc dại năm nay nở thật nhiều, trắng cả bờ suối. Cây mận ba trồng trước nhà cho con hái hoa chơi, nay đã nở hoa rồi. Từ ngày có con Linh về, anh Đạt không đi chơi với con. Không ai nhìn thấy ba cả, chỉ mình con thấy ba thôi. Mẹ bảo con bị yếu thần kinh nên cho con nghỉ học. Bạn bè bảo con bị “mát dây”. Anh Đạt cũng nói vậy. Con buồn lắm, khi nào thì ba về với con? Hôm qua, nhỏ Linh nó cười với con. Hồi đó anh Đạt bảo nó rất giống con...
 
V

vananhkc

Chiều dần xuống, những cơn gió thoảng hương cỏ dại. Hương nghiêng tai lên mộ lắng nghe tiếng ba nói. Rõ ràng là có tiếng ba mà mẹ không tin...
- Hương ơi ba thương con lắm! Ba không bao giờ trở về được nữa đâu! Ngày mai con đừng ra mộ ba nữa, phải lo học chứ? Con nói với mẹ là con muốn đi học nhé! Bà Tám là người tốt. Linh, Đạt cũng là người tốt đấy con ạ!
- Không ba ơi, mẹ định bán vườn lại cho bà Tám để về thành phố làm ăn trở lại. Mẹ nói mẹ không làm rẫy nổi ba à. Con sợ về thành phố lắm rồi. Ở đó, gia đình mình đã một lần tan nát.
Ba thở dài: (sao ba hay thở dài vậy?)
- Tội nghiệp mẹ. Bà Tám bảo sao?
Dạ, bà Tám không cho mẹ bán. Bà bảo mẹ cứ để vườn cho bà trông coi, nếu mẹ có về thành phố làm ăn thì để con ở với bà, bà nuôi ăn học. Ba ạ, ở xóm này có mình bà Tám là tin con không có bệnh.
- Bà nói với con như vậy à?
- Bà nói với mẹ là: ba con Hương ra đi đột ngột quá nên nó bị sốc vậy thôi, ít bữa nó khỏe chứ bệnh đau gì mà bay bày đặt rước thầy bà cúng kiếng rồi cho uống ba cái bùa ngải tầm bậy làm nó bệnh nặng thêm. Bay cứ cho nó qua nhà tao, tao nuôi ít bữa nó khỏi ngay rồi cho nó đi học lại.
- Bà Tám nói đúng đó con ạ! Con đừng buồn nữa, hãy bình tĩnh lại mà lo học hành con nhé.
- Hương ơi! Hương... Con ở đâu?
- Thôi con về nghen ba! Mẹ kêu con rồi, mai con lại ra với ba.
- Đừng con, con đừng ra nữa! - Hương lại nghe tiếng thở dài của ba...
 
V

vananhkc

4.

Linh ngồi bó gối trên bộ ngựa giữa nhà ngoại nhìn ra ngoài. Mấy hôm nay trời mưa liên tục. Ở miền Đông, khi cơn mưa kéo đến là trời đất tối sầm. Mưa quật trên lá cây rào rào, nước cuồn cuộn chảy trước sân, nước cuốn theo đất đỏ quạch. Buồn dễ sợ. Linh thích mưa quê ngoại. Sau cơn mưa, cây cối xanh nõn nà. Hồi còn nhỏ, mỗi lần mưa như vậy, thế nào Đạt cũng dầm mưa chạy đến rủ Linh tắm mưa. Mẹ cấm Linh tắm mưa còn ngoại cho Linh tắm thỏai mái. Linh mặc nguyên quần áo lao ra cơn mưa với Đạt. Bây giờ lớn rồi, ngoại có cho Linh cũng không dám tắm. Eo ơi, con gái mà mặc đồ ướt dính sát vào người, mắc cỡ lắm. Hồi ở thành phố mặc áo dài đi học, mỗi khi mắc mưa, quần áo ướt, Linh chạy ù về nhà thay quần áo. Chắc bây giờ Đạt cũng không tắm mưa nữa đâu. Đạt cũng lớn rồi còn gì. Sang năm, cả hai đều lên lớp mười một rồi. Lúc về đây nghỉ hè, Linh thấy Đạt đã cao ngồng, vỡ giọng rồi mà cứ gọi người ta bằng mày tao, thiệt vô duyên hết biết...

Năm lớp một, có lần hai đứa đi học về, trời mưa tầm tã, dòng suối trong lô cao su chảy như thác. Trời mỗi lúc mỗi tối, Linh sợ quá khóc rấm rứt. Đạt nạt Linh:
- Có tao đây, mày sợ gì?
Nói xong Đạt cởi phăng áo quay lại nói với Linh:
- Mày bám vào lưng tao, tao cõng mày qua, có gì mà khóc lóc, chán mày quá!
Linh lập cập làm theo lời Đạt. Cô bé nhắm mắt, bám chặt trên đôi vai gầy gò của người bạn trai. Đạt đúng là chàng trai dũng cảm, ngay từ nhỏ đã vậy. Đạt bám cành cây vượt qua dòng suối, nước chỉ ngang bụng mà cuốn hai đứa liêu xiêu. Bất ngờ Đạt trượt chân, hai đứa ngã nhào. Nước tràn qua mặt, Linh bám chặt cổ Đạt. Nước đẩy hai đứa dập dềnh đến vườn điều bà Bảy. Đạt nhanh tay chụp được nhánh cây điều vắt qua suối. Cặp vở hai đứa trôi băng băng. Đạt đã đứng lên được. Cậu hét lên trong mưa:
- Cứ bám chặt cổ tao, không được thả tay!
Linh chỉ biết khóc và làm theo. Đạt níu nhánh cây tìm cách lên bờ nhưng nước chảy mạnh quá, không cách gì lên được. Đạt vẫn cố bám chặt nhánh điều, dù răng đánh cầm cập.
Ngày ấy, dưới con mắt trẻ thơ của Linh, dòng suối lớn như con sông, Đạt là vị anh hùng...
 
V

vananhkc

Hai đứa đang đuối sức. Vừa may, cha Đạt và bà ngoại Linh chạy ra. Họ kéo hai đứa lên bờ. Về nhà, bà ngoại thay đồ, pha trà gừng và ôm cháu vào lòng ủ ấm. Bà xuýt xoa:
- May quá, bà thật có lỗi với cháu bà. Bà biết dòng suối ấy nước chảy xiết. Bà tính hết giờ học, bà với cha thằng Đạt đi đón các cháu, sao hôm nay các cháu về sớm vậy?
Linh rúc đầu vào lòng ngoại nũng nịu:
- Hôm nay em bé của cô giáo bị bệnh, cô giáo cho chúng cháu nghỉ sớm bà ạ.
Hai bà cháu đang rủ rỉ, chợt nghe tiếng la lối bên nhà ông Hai Đèn. Tiếng ông Hai đầy vẻ giận dữ:
- Đạt, sao mày ngu vậy Đạt? Sao không đợi người lớn ra đón mà dám cõng con Linh qua suối?
- ...
- Không may, nước cuốn mày với con Linh đi rồi biết ăn nói làm sao với bà Tám.
- ...
- Ngu này! Ngu này!
Nghe tiếng roi quất đen đét bên nhà ông Hai Đèn, Linh tung người khỏi lòng bà ngoại chạy như bay về phía nhà của ông Hai. Đạt đang oằn mình dưới ngọn roi của cha. Linh lao vào ôm chặt lấy Đạt. Hai đứa khóc nức nở. Ông Hai buông cây roi, ôm đầu thở dài. Lúc ấy, bà Tám vừa chạy qua, bà ôm hai đứa vào lòng quay lại nạt ông Hai:
- Cái ông này vô duyên quá! Mắc mớ gì mà đánh cháu tôi? Nó dũng cảm như thế, không khen thì thôi, còn đánh.
Ông Hai ngẩng lên, buồn rầu nói:
- Bà cứ bênh cháu, nó ngu chứ dũng cảm gì. May, không thì cả hai đứa bị nước cuốn rồi, biết ăn nói làm sao với cha mẹ con Linh.
- Ông chỉ nói gở! Thôi, hai cháu qua nhà bà, bà nấu chè nóng cho mà ăn.
Nói xong, bà dìu Linh và Đạt về nhà. Ra đến cửa, bà quay lại nói với ông Hai:
- Chú đi đào cho tôi một bụi môn sáp để tôi nấu chè môn cho các cháu của tôi.
- Dạ.
 
V

vananhkc

Ông Hai vác cuốc bươn bả đi ra vườn. Những bụi môn sáp trồng dọc theo bờ suối xanh mượt. Ông Hai bập nhát cuốc xuống nền đất xốp, gốc môn bật lên chùm chi chít củ, mỗi củ nhỏ bằng cái trứng gà so, nhưng nấu lên dẻo quánh, thơm ngào ngạt. Trong vườn nhà bà Tám lúc nào cũng trồng củ sắn, củ môn. Bây giờ không ai ăn cơm độn nữa nên ít người trồng củ môn, củ sắn. Bà Tám giàu có nhất vùng Nông Doanh này, con cháu thành đạt mang về không biết bao nhiêu cao lương mỹ vị nhưng bà thích ăn cơm độn. Cứ cuối tuần, bà bảo ông Hai đào sắn trong vườn cho bà độn cơm. Trong nhà ai cũng cười, chỉ có Linh là thích ăn cơm độn sắn với bà, vừa ăn bà vừa kể chuyện cơ cực hồi xưa. Bà nói hồi nhỏ ăn cơm độn riết rồi thành quen, bây giờ ăn cơm trắng không thấy nhạt, thành ra lâu lâu phải ăn bữa cơm độn cho đỡ nhớ. Với lại ăn cơm độn để còn biết thương người nghèo! Bà bảo con Linh tính dễ cảm động, lớn lên sẽ khổ. Bà thương Linh nhất nhà. Bình thường, Linh rất hay giành ăn với Đạt, lần nào Đạt cũng phải nhường Linh, nhưng bữa chè hôm ấy, Linh cứ ép Đạt ăn thật nhiều...
D
Miên man với chuyện ngày xửa, ngày xưa, Linh mỉm cười một mình. Mưa đã ngớt dần, trời đã hửng nắng, những hạt mưa trở nên tròn trĩnh lấp lánh như thủy tinh rơi nhẹ trên những chiếc lá xanh. Cầu vồng xuất hiện cuối chân trời. Linh rất thích những giọt nước mưa rơi muộn màng sau mỗi cơn mưa, những hạt mưa chứa màu nắng. Linh gọi đó là những giọt nắng. Hôm mới về, Linh nói ý nghĩ này với anh Đạt, anh Đạt cười bảo: “Linh giống con Hương quá!”. Linh giận anh Đạt cả buổi chiều hôm ấy. Linh giận không phải vì anh Đạt so sánh Linh với Hương trong lúc Hương đang “có vấn đề” về thần kinh mà Linh giận vì anh Đạt lúc nào cũng nhắc tới Hương mỗi khi nói chuyện với Linh.
- Linh ơi! Linh...
Đạt kêu ở cuối vườn.
- Dạ!
Linh xỏ chân vào đôi guốc chạy ra vườn. Đạt quì trên nền đất, hai bàn tay nâng con chim sẻ ướt sũng run rẩy trong lòng bàn tay. Linh chạy ra, anh Đạt chìa tay về phía Linh:
- Cho Linh nè!
Linh đưa tay đón con chim, tủm tỉm cười. Đạt hỏi:
- Linh cười gì thế.
- Sao hôm nay anh không gọi Linh bằng mày nữa?
- Tao quên, à mà không, lớn rồi gọi mày tao kỳ quá.
- Ừ, anh đừng gọi Linh bằng mày nữa nhé, Linh cũng không thích thế!
Hai đứa đi chậm chậm dọc theo bờ suối. Tóc Linh bay lòa xòa trong gió. Khu vườn và bầu trời sau cơn mưa sạch bong. Nhìn con chim trong tay của Linh, Đạt khẽ nói:
- Ngày nhỏ, Hương cũng thương chim sẻ lắm.
Linh ngước nhìn Đạt, nhưng đôi mắt Đạt xa xăm tận phương nào. Linh kéo tay áo Đạt:
- Đạt, Đạt, anh nghĩ gì vậy?
- À, Đạt nhớ chuyện ngày xưa...
- Chuyện gì vậy?
- À, chuyện của Hương ấy mà.
- Anh kể chuyện của Hương cho em nghe đi...
 
V

vananhkc

5.

Từ nơi Đạt ở đi về phía bờ sông khoảng năm cây số. Con đường từ làng trái cây ra sông chạy ngang qua cánh rừng cao su khoảng hơn một cây số thì bắt đầu vắt qua cánh đồng xanh mơn mởn. Từ đây trở đi đất trắng chứ không đỏ như nơi Đạt ở. Đi hết cánh đồng, gặp chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua một dòng kênh thì đến cù lao bưởi. Cù lao nằm giữa hai nhánh sông trồng toàn bưởi. Mỗi độ xuân về, hoa bưởi nở trắng, hương bưởi thơm dịu dàng chứ không gắt như hương sầu riêng. Cuối làng Bưởi giáp với dòng sông là ngôi nhà thờ cổ. Bên trong nhà thờ có rất nhiều chim sẻ, chim sẻ làm tổ chi chít trên nóc nhà thờ và tháp chuông. Đi học về, Đạt cùng đám bạn băng qua cánh đồng chạy xuống làng Bưởi để bắn chim. Có hôm Đạt mang về cả xâu chim sẻ. Nhiều bữa, Đạt đi một mình, bắn chim xong, lao xuống sông vùng vẫy thỏa thích. Có hôm đám bạn trai không đứa nào ở nhà, Đạt xách ná đi lững thững về phía cánh đồng. Vừa ra khỏi nhà, Hương ló đầu ra khỏi hàng rào dâm bụt, nhìn Đạt bằng đôi mắt trong veo:
- Anh Đạt xuống làng Bưởi hả, cho em theo với.
Đạt gật đầu:
- Ừa, mày muốn đi thì đi!
Hương cười toe toét và chạy theo Đạt. Hai đứa trẻ chạy băng băng qua cánh đồng. Tóc Hương đen nhánh bay xòa trong gió, tóc Đạt vàng hoe màu nắng, khét lẹt. Đến làng Bưởi, mặc Đạt lo bắn chim, Hương thơ thẩn nhặt hoa bưởi. Hương bảo hoa bưởi nấu nước gội đầu thơm lắm. Khi Hương nhặt hoa bưởi đầy hai túi, Đạt bắn cả chục con chim sẻ. Những chú chim sẻ tội nghiệp bê bết máu nằm la liệt dưới sân nhà thờ cổ. Đạt mê mải theo dõi những cặp chim sẻ đang âu yếm. Đạt muốn tập bắn một “viên đạn” hạ hai con chứ không chỉ từng con một như bọn thằng Tùng.
Véo... Viên đạn đất sét rời ná thun. Hai chú chim sẻ bay vụt. Đang bực bội vì bắn hụt, Đạt nghe tiếng thút thít, quay lại, bắt gặp Hương đang nâng con chim sẻ nhỏ trên bàn tay bé bỏng, đôi mắt đẫm lệ. Đạt bực mình nạt:
- Khóc cái gì mà khóc, mỗi ngày tao bắn cả chục con chim.
- Em đâu ngờ nó chết thê thảm như thế này? Anh ác quá!
Thấy Hương khóc nức nở, Đạt pha trò:
- Thôi nín đi, về nhà tao nướng thịt chim sẻ cho ăn. “Chời” ơi, thịt chim sẻ mà nướng muối ớt ăn ngon hết biết luôn.
Ngước cặp mắt trong veo, khẽ chớp hàng mi cong vút để những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má trắng hồng, Hương nói với Đạt:
- Không bao giờ em ăn thịt những con vật bé bỏng này đâu!
- Cầu Chúa phù hộ cho tâm hồn bé bỏng của con.
 
V

vananhkc

<FONT size=24><FONT size=14>Một giọng nói khàn đục phát ra phía sau lưng, hai đứa trẻ giật mình quay lại. Đạt sững người trước vị linh mục già nua. Áo choàng đen, bộ râu trắng như cước dài tận ngực, ông chắp hai tay ngước nhìn tháp chuông, nơi những con chim sẻ làm tổ. Nếu Đạt nhớ không lầm thì ngôi nhà thờ cổ này đổ nát từ lâu chưa kịp trùng tu và bên trong là nơi trú ngụ của các loài chim. Chưa bao giờ Đạt thấy có vị linh mục nào vào nhà thờ này. Sao hôm nay xuất hiện ông linh mục già ở đây, hay ông từ trời xuống? Cách đây hai ngày, sau buổi cầu kinh trở về, Đạt có nghe bà Tám nói hiện bà cùng những người trong họ đạo đang quyên tiền trùng tu lại nhà thờ cổ, rồi mới rước cha về kia mà, sao nhà thờ chưa trùng tu mà đã có linh mục về đây. Vị linh mục vẫn ngước đôi mắt thành kính nhìn lên bầu trời. Hương gạt nước mắt, đứng lên chắp hai tay trước mặt:
- Con lạy cha!
Vị linh mục nhìn Hương bằng đôi mắt hiền từ và cất giọng ấm áp:
- Con thật nhân hậu, con gái ạ.

<FONT size=24>Hương đưa mắt nhìn Đạt. Đạt buộc lòng tiến lại gần vị linh mục, miệng lí
 
Last edited by a moderator:
V

vananhkc

mình thấy truyện này rất hay và cực ý nghĩa.
Các bạn đọc và cho ý kiến,vẫn chưa hết đâu
Nếu muốn đọc típ thì mình sẽ post
Mong nhận đc sự ủng hộ của các bạn yêu văn
Thank!!!!!!!!
 
H

hoasakura

chữ nhỏ quá chị vân anh ơ đọc đau hết cả mắt hix ...........................
 
V

vlong11

Nếu bạn copy-paste thì không nên tách một hồi ra làm 2 reply. Như thế chẳng khác nào bạn câu bài rồi...
 
V

vananhkc

hok phải vậy.tại bài dài quá cho phép nên phải làm vậy.mỗi bài gửi hok quá 12000 kí tự mà.nếu hok tách ra thì hok gửi đc.
 
D

dathaolinh

Dạ Thảo Linh nè

Cám ơn các bạn đã đưa truyện của Dạ Thảo Linh lên mạng, sẽ gởi cho các bạn một số truyện của tác giả này, mình khá ngưỡng mộ nhà văn này, vì trùng tên mà...
 
Top Bottom