Truyện ngắn là gì ? Và kĩ thuật viết truyện ngắ

Status
Không mở trả lời sau này.
0

0973573959thuy

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.



TRUYỆN NGẮN LÀ GÌ? VÀ KĨ THUẬT VIẾT TRUYỆN NGẮN


Ngoài việc sáng tác truyện ngắn, tôi thường ham thích đọc truyện ngắn. Không phải vì truyện ngắn vốn ngắn nên cho phép mình có thể đọc một lèo, thay vì đọc truyện dài có khi phải mất cả tuần lễ hay cả tháng trời, mà vì truyện ngắn có nhiều nét độc đáo không thể tìm thấy trong tiểu thuyết hay truyện dài..
Chúng ta có thể tạm ví von như thế này: Khoái cảm khi đọc một cuốn tiểu thuyết hay tựa như cuộc sống hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Còn cái thú vị khi đọc một truyện ngắn hay tựa như những giây phút tuyệt diệu của một cặp tình nhân sánh bước bên nhau. Hai niềm hân lạc này hoàn toàn khác nhau: một bên ý nhị, đằm thắm và kéo dài. Còn một bên thì nồng nàn, tha thiết, tha thiết chẳng muốn rời xa.
Nhưng hạnh phúc lại mau chóng qua đi trong tiếc nuối. Vả lại đối với các nhà bình luận văn học và viết truyện ngắn chuyên nghiệp thì kỹ thuật viết tiểu thuyết và truyện ngắn hoàn toàn khác nhau. Văn của truyện ngắn có tính hấp dẫn ngay từ lúc mở đầu và không thể có chi tiết nào dư thừa, lạc lõng. Bút pháp của truyện ngắn có thể ví như dòng suối chảy thôi thúc. Bút pháp của truyện dài lại như dòng sông chảy lững lờ.
Ngoài ra truyện ngắn không có ý định đề cập đến cả cuộc đời của một nhân vật hoặc một giai đoạn lịch sử nào đó mà chỉ nhằm đưa ra một nét chấm phá của cuộc sống, một góc cạnh của cuộc đời khiến người đọc phải suy nghĩ, ngậm ngùi hoặc ray rứt như trong các truyện ngắn của John Steinbeck, Hemingway, Tchekop, Jane Joyce…
1 – Truyện Ngắn Là Gì ?
Theo hầu hết các Nhà nghiên cứu văn học thì truyện ngắn là một tác phẩm tướng tượng ngắn hơn một cuốn tiểu thuyết. Hầu hết truyện ngắn có thể đọc luôn một lúc. Truyện ngắn là một trong các thể loại lâu đời nhất của văn chương. Ngay từ kỷ nguyên 300. B.C., những câu chuyện đã được chép ra ở Ai Cập. Thánh kinh bao gồm những câu chuyện ngắn gọi là Parables dùng để dạy dỗ, đề cao luân lý, đức hạnh. Tại Ấn Độ, những mẩu chuyện đạo, thực chất là những truyện ngắn dùng để phụ giảng vào phần giáo lý rất thịnh hành dưới thời Đức Phật Thích Ca ( 500-400B.C.)
Trong số những truyện ngắn cổ điển nổi tiếng phải kể đến hai tuyển tập xuất hiện vào thời Trung cổ. Đó là cuốn The Decameron (khoảng 1349-1353) gồm một trăm truyện của Nhà Văn nước Ý và cuốn The Cantebury Tales (khoảng 1385-1400) là một tuyển tập gồm 24 truyện ngắn của Nhà thơ người Anh tên Geoffrey Chaucer. Bộ Liêu Trai Chí Dị (khoảng 1707 đời Khang Hy, Nhà Thanh ) cũng là một tác phẩm xuất sắc của Trung Hoa.
Suốt thế kỷ 19, có rất nhiều Nhà Văn bắt đầu coi truyện ngắn là một thể chuyên biệt của văn chương. Edgar Allan Poe, Nhà Văn kiêm phê bình gia của Mỹ có lẽ là một tác giả đầu tiên phân tích và coi truyện ngắn là một thể loại văn học riêng. Trong một vài bài viết, ông đã chỉ rõ những xúc động mạnh mẽ của tình cảm con người như nỗi sợ hãi, sự ngạc nhiên có thể đạt tới qua truyện ngắn.
Cuốn sách đầu tiên bàn về truyện ngắn là cuốn The Philosophy Of The Short Story (1901) của Brander Mathews, một phê bình gia Hoa Kỳ. Cuốn sách này chuyên chở nhiều ý tướng của Poe.
Các Nhà Văn viết truyện ngắn đã phát triển một số kỹ thuật văn chương trong đó phải kể lối kết thúc bất ngờ hoặc nhận thức trực giác ( surprise ending and epiphany ). Hầu hết lối kết thúc bất ngờ bao gồm một biến cố ngoài tiên liệu hoặc một sự giải thích để tiết lộ cho độc giả biết. Lối kết thúc này là đặc phẩm của O’Henry, một Nhà Văn chuyên viết truyện ngắn Hoa Kỳ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. ông đã sử dụng kỹ thuật này trong các truyện The Furnished Room (1904), The Gift Of The Magi (1905) và trong nhiều truyện ngấn khác. Còn nhận thức trực giác là một lời bình luận bất ngờ, một biến cố hoặc một biểu tượng có thể dùng bất cứ lúc nào trong câu chuyện để giải thích ý nghĩa của một diễn biến phức tạp. James Joyce, một Nhà Văn Ái Nhĩ Lan đầu thế kỷ 20 đã dùng kỹ thuật này trong các truyện ngắn của ông, trong đó có thể kể The Party (1888) và The Lady And The Dog (1899). Một số Nhà Văn về sau cũng bắt chước lối viết truyện ngắn này như các Nhà Văn Hoa Kỳ John Cheevor, John O’Hara và John Updike.
2- Những Thành Tố Của Một Truyện Ngắn (Bold):
Những thành tố của một truyện ngắn gồm: Nhân vật, bối cảnh, bố cục và chủ đề.
A) Bố Cục: Là sự sắp xếp những diễn biến của câu chuyện sao cho mạch lạc, hợp lý để câu chuyện hấp dẫn người đọc và đạt được tác dụng lớn nhất. Những thuật ngữ dưới đây sẽ cho biết bố cục (plot) gồm những gì và tại sao :
a- Sự Phơi Bầy ( Exposition ) : Tức là phần nhập truyện. Trong phần này người đọc sẽ gặp gỡ các nhân vật (characters), nhận được bối cảnh (ở đâu và lúc nào? Hoặc không gian và thời gian của câu chuyện), đồng thời bắt đầu theo dõi biến cố hoặc những xung đột (conflict) xẩy đến.
b- Đẩy Xung Đột Đi Tới ( Rising action ): Xung đột mỗi lúc một gay cấn hơn.
c- Điểm Bùng Nổ (Climax): Đây là điểm mấu chốt của câu chuyện. Đó cũng là điểm đột biến, là ngã rẽ của câu chuyện.
d- Xung Đột Giảm Dần (Falling action): Sau điểm bùng nổ, mọi diễn biến đi vào kết thúc.
e- Kết Cuộc (Resolution): Là sự kết thúc của câu chuyện.
B) Quan Điểm ( Point Of View ):
Người viết ở đây được gọi là người kể chuyện hay người tường thuật (narrator). Trong truyện ngắn, ông ta có thể chọn lựa đứng ở ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Nếu đứng ở ngôi thứ nhất thì truyện được kể lại bởi một nhân vật trong truyện. Do đó, tác giả thường dùng những từ: tôi hoặc chúng tôi. Nếu đứng ở ngôi thứ ba thì tác giả sẽ dùng các từ: chàng, nàng, nó, ông ta, hắn…
C) Văn Phong (Tone):
Ngoài bố cục, văn tài của mỗi người viết truyện còn được đánh giá qua văn phong được hiển hiện qua biệt tài làm cho văn chương của ông ta mang những nét châm biếm, hài hước, buồn man mác, cầu kỳ hoặc lãng mạn. . .Văn phong của một truyện ngắn hết sức quan trọng. Nó tựa như hương vị cà cuống của món bún thang, rau thơm và nước chấm của món chả giò, hương vị thơm tho của bát phở. .. .mà thiếu nó thì truyện ngắn sẽ trở nên lạt lẽo.
3- Nhận Xét Chung Về Truyện Ngắn :
Trong phần đề tựa cho Tuyển Tập Hay Nhất Thế Giới của Nhà xuất bản Bantam năm 1967, Roger B. Goodman đã viết như sau : ” Nhà Văn viết truyện ngắn chẳng khác nào một người câu cá đang theo đuổi một con cá hồi (salmon) rất tinh khôn. Muốn thế, ông ta phải sẵn sàng, đỉnh đạc và khéo léo . Con cá hồi tinh khôn ở đây không ai khác hơn là độc giả, là đối tượng có thể bị ông ta dẫn dụ cắn mồi và dính câu. Dụng cụ đầu tiên trong đám mồi của ông chính là nhan đề của câu chuyện, phải làm sao cho hấp dẫn người đọc. Nếu không thì giống như những con cá già buồn bực, chỉ ngửi rồi bỏ đi.
Nhưng cũng không giống người câu cá, Nhà Văn viết truyện ngắn không phải chỉ đơn thuần tạo sự chú ý nơi người đọc ông ta phải nắm lấy sự chú ý đó đồng thời còn phải mua vui cho độc giả. Bởi vì Nhà Văn thường viết về những con người, về nơi chốn và về những biến cố bất hạnh, không mấy vui hoặc xấu xa, cho nên công việc của ông ta cực kỳ khó khăn.
Truyện ngắn là một thể loại văn chương rất phong phú. Không một tư tưởng tình cảm nào của con người, không một đề tài nào quen thuộc hoặc xa lạ với truyện ngắn cả. Tài năng của Nhà Văn viết truyện ngắn là tấn công một cách sâu sắc và trực tiếp vào cốt lõi các vấn nạn của con người. Bởi lẽ tác phẩm của ông ta là con mắt nhìn một cách mới mẻ và sâu xa, là bàn tay điểm tô một cách mỹ thuật và có ý nghĩa.
Ngay khi nhìn vào bộ mặt của cuộc chiến tranh, nỗi thù hận. sự bất công hay suy đồi, người đọc bị lôi kéo bởi cái nhìn của Nhà Văn, bị dính vào những hình ảnh của cuộc đời mà ông ta mô tả rồi hi vọng làm giàu có những kinh nghiệm của con người cũng như nghệ thuật mà trong đó ông ta có tham dự một phần.
Tìm một định nghĩa chính xác cho truyện ngấn là điều vô vọng. Vì tính phong phú và đa dạng của nó, cho nên một số Nhà phê bình đã cắc cớ nói rằng : Truyện ngắn là một truyện ngắn. Và đó là là định nghĩa khái quát rõ nét nhất. Trong thể tiểu thuyết cho chúng ta thấy cảnh trí một xã hội đủ loại các mẫu người, khi truyện ngắn chỉ giới hạn vào một số nhân vật, thường không quá ba người. Trong khi tiểu thuyết thường tường thuật (miêu tả) một khoảng thời gian dài cùng rất nhiều biến cố trong cuộc sống của các nhân vật rồi cho thấy sự phát triển, sự lớn lên, sự đổi thay, qua đó bộc lộ cho chúng ta thấy những chi tiết và chiều sâu của nó.
Còn truyện ngắn luôn chỉ là một kẽ nứt trên bức tường biến cố và nhân vật, một góc của cả một khu vườn tình cảm của con người, là nơi mà người ta liếc sơ, nhìn vội vào điểm đột biến (khúc quanh) của một đời người. Chừng nào người đọc cười hay khóc với những gì mà Nhà Văn thấy hay nghe , cảm thấy bàng hoàng hay vui sướng, hoặc cảm thấy nhẹ nhõm hay thất vọng rồi độc giả thông cảm và hiểu biết, chừng đó mới có thể nói Nhà viết truyện ngắn đã thành công và người đọc đã được phục vụ đúng mức”.


Sưu tầm

 
V

vipsuperman9209

Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng lên. Có khi nhân vật đặt trước một vấn đề phải băn khoăn, suy nghĩ, lựa chọn, quyết định. Có khi chỉ là một cảnh sống làm việc bình thường, trong đó nhân vật biểu lộ ý chí tình cảm của mình. Có khi có những hành động mãnh liệt những tình tiết éo le. Có khi chỉ là một tâm trạng, một nỗi vui buồn, một ý tình chớm nở. Nhưng phải chọn khoảnh khắc mà nhân vật thể hiện đầy đủ nhất (trong khía cạnh cần thể hiện)

Nguyễn Minh Châu: Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường ván trên cái khoảng gỗ tron tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc.

…Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật của bố cục và sự hàm súc. Kỹ thuật viết truyện ngắn– nó có gì giống như kỹ thuật của người làm pháo: dồn nén tư tưởng vào trong một cái cốt truyện thật ngắn gọn, thật tự nhiên. Cho nên những người viết truyện ngắn bậc thầy đều cao tay trong kỹ thuật dựng truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ

Nguyên Ngọc: Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của từng người viết, nhất là cái chất quả quyết, đột ngột. Viết truyện ngắn phải có nghề lắm. Vả lại, phải viết về những cái mới, nhhững cái không dễ thấy, nhưng ở chiều sâu của nó, cuộc đời đang đặt ra. Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả biểu hiện sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả. Nếu không có gì để nói, làm sao anh nâng nổi ngòi bút của anh cho được.

Nguyễn Quang Sáng: Viết truyện ngắn là chơi bố cục, thú lắm. Theo tôi quan niệm, truyện ngắn phải có “chuyện” tức có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn. Yêu cầu bố cục đặt ra từ đấy. Học các nhà văn nước ngoài, truyện ngắn nước ngoài cũng trông vào bố cục. Như Môpatxăng, như truyện ngắn Nga, toàn là bố cục khiếp cả.

Nguyễn Kiên: Truyện ngắn là một trường hợp trong đời sống. Cũng như một vài người khác, có lúc tôi đã băn khoăn: truyện ngắn có thể viết về cả một đời người? Hay chỉ nói được một ngày, một giờ, tóm lại là một khoảng thời gian nào đó? Để ý xem truyện ngắn xưa nay, và bản thân làm thử, thì thấy truyện ngắn không bị một giới hạn nào cả. Vậy cái điểm tựa của nó là ở đâu? Tôi lại nói: mỗi truyện ngắn là một trường hợp. Trong quan hệ giữa con người với đời sống, có những thời gian nào đó, khoảnh khắc nào đó, một mối quan hệ nào đó được bộc lộ đặc biệt. Truyện ngắn phải nắm bằng được cái trường hợp ấy. Có khi cái trường hợp nói ở đây là một màn kịch đầy đủ. Có khi, nó chỉ là một biến chuyển tâm lý, một trạng thái tình cảm. Nhưng nhìn chung thì vẫn có thể gọi nó là một trường hợp, nhờ đó, tình cảm con người bộc lộ, cả hai quấn quyện lấy nhau, như trên đã nói.

Tô Hoài: Người viết truyện ngắn phải rèn luyện đến từng dấu phẩy. Và anh chỉ viết được những gì anh hiểu khá kỹ càng. Có thể nói truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải lương thiện rất mực.

Tôi cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết nhiều nết quý lắm. Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Nhà văn mình thường yếu, không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn đòi hỏi hoàn thiện, ở đây ta được rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy…Nếu ký nặng về phần sự thực để minh hoạ ý thì truyện ngắn đã đứng hẳn ở phía của người sáng tạo.

Một truyện ngắn hay, không chỉ có ý nghĩa ở chủ đề tư tưởng và nhân vật mà từng câu, từng chữ của truyện ấy sẽ tạo nên nội dung cái hay cho chủ đề tư tưởng và nhân vật. Mỗi chữ có sức mạnh riêng đồng thời sức mạnh hoà chung cả hai phía ấy dựng nên hồn chữ, hồn câu toàn bài…

Nguyễn Thành Long: Nhà văn phải luôn luôn để ý, ghi nhạn ngẫm nghĩ. Bắt tay một người con gái, ta không thể nói vắn tắt: “Tôi bắt tay cô ta”. Bàn tay ấy nồng ấm, hay lạnh, hay hờ hững, hay trơn như lươn.

Vũ Thị Hương: Trong nghệ thuật, tình cảm phải được đẩy đến cùng. Đã ghen là ghen hết mức, đã yêu phải yêu nồng nàn, khi giận người ta giận run lên.

Nguyễn Công Hoan: Khi tôi thấy một hiện tượng (một câu nói, một cảnh, một việc) làm cho tôi xúc động, nếu bản thân hiện tượng ấy chưa thành truyện ngắn được, vì nó chỉ có thân mà chưa có kết, thì lập tức thói quen nghĩ truyện ngắn của tôi kết ngay dược truyện ấy.

Lúc bấy giờ, tuỳ theo cái kết tôi vừa nghĩ ra để tâm vấn đề nói vui hay thảm, chua chát hay nực cười, tôi phỏng theo hiện tượng ấy mà sáng tạo ra truyện, theo hướng vấn đề ấy.

Khi một hiện tượng chỉ gói ghém một ý hay thì tôi dùng hiện tượng ấy làm kết một truyện. Ngay lập tức, câu chuyện tưởng tượng, bố trí sẵn sàng theo cái kết ấy, hiện ra trong óc tôi như mở gói ấy cho tôi trong thấy.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom