Triết lý vô chiêu thắng hữu chiêu trong Tiếu ngạo giang hồ

P

phamminhkhoi

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tinh thần ấy hoàn toàn phù hợp với nguyên lý của Độc cô cửu kiếm: lấy vô chiêu thắng hữu chiêu. Ở Tiếu Ngạo Giang Hồ, Phong Thanh Dương xuất hiện như một bóng ma thoạt đến thoạt đi. Trong võ lâm, người ta đã tưởng vị tiền bối thuộc kiếm tông của Hoa Sơn đã về trời từ lâu. Độc cô cửu kiếm tưởng đã thất truyền, không ngờ vẫn còn đó, ngay trong lòng người.

Xưa nay, các cao thủ chạy đi tìm một định chế cho môn phái, thiết lập hệ thống tinh diệu các kiếm thức, tưởng như vậy là đưa võ học tới mức siêu việt. Nhưng họ đâu có ngờ, càng đặt ra nguyên tác luật lệ, con người càng mất hết sự sáng tạo phóng khoáng, nguồn tự do thiêng liêng và đi gần về những cưỡng chế phi nhân.
Bây giờ chân lý của Phong Thanh Dương đơn giản lắm: Người sử kiếm pháp chứ không phải kiếm pháp sử người.

Những kẻ đầu tiên gầy dựng môn phái, phát minh kiếm thức muốn minh chứng sức mạnh siêu việt của con người, xác định giá trị sáng tạo vốn là niềm hãnh diện của nhân loại giữa vũ trụ chim muông cỏ cây đất đá. Bàn tay này đây biết lấy đá thành vật bén chém đẵn gỗ, bàn chân này đây biết lội qua sông sâu nước lũ và vượt núi hiểm trở chất ngất. Từ rừng hoang con người biến thành đồng xanh. Từ thác ghềnh, con người biết dẫn nước vào ruộng cằn, vào ao nuôi cá, để hơn thế nữa, biết xếp đặt biến chế những cử động vụng về vô nghĩa thành chưởng pháp, kiếm thức. Con đường sáng tác mời gọi những cuộc phiêu lưu không ngừng, chờ đón sự hăm hở, nghĩa là luôn đòi hỏi sự biến hoá. Bản chất đó là cái động, cái tự nhiên. Triết lý gọi nó là dịch. Tôn giáo gọi nó là vô chấp. Mới nghe Phong Thanh Dương nói, ai cũng tưởng đó là những lời phóng nghiệm, phẫn nộ, phủ nhận hết, phủi tay rồi cười ha hả mà đi. Nhưng đọc kỹ hơn, chúng ta mới thấy Kim Dung đã gửi gắm vào đấy tất cả niềm tin, cho đó là lối giải quyết cho mối băn khoăn dày vò tất cả chúng ta. Phong Thanh Dương nói:

- Đáng tiếc là bọn họ không hiểu rõ chiêu số là phần tĩnh, người phát chiêu mới là phần động. Chiêu số tĩnh phá giải kỳ tuyệt đến đâu mà khi gặp chiêu số động liền chịu bó tay, thì chỉ còn đường để mặc cho người ta tru lục. Vậy ngươi phải nghĩ luôn luôn đến chữ động. Học và sử đều cần hướng về chiêu số động, nếu cứ ì ra như cục đất thì có thuộc đến hàng ngàn hàng vạn chiêu số tĩnh, mà gặp phải tay cao thủ chân chính là bị họ phá giải sạch sành sanh.

Phong Thanh Dương dặn thêm:
"Nhất thiết ngươi nên thuận theo tự nhiên. Chỗ nào không làm được thì đừng làm. Chỗ nào phải thôi thì thôi ngay. Không thể cho dính liền lại thành một xâu thì bỏ quách.
Tóm lại, đừng có chút nào miễn cưỡng".
(trang 601, 602 Tiếu ngạo giang hồ)

Đúng là lời thuyết giáo của môn đồ Lão Đam hay Trang Chu. Cái tinh thần trầm mặc mà rộn rã, siêu thoát mà tích cực tham dự, phóng khoáng và bao la của triết lý Hoa nam lồng trong nguyên tắc luyện kiếm. Thái độ sống hợp lý nhất theo Phong Thanh Dương là hoà đồng trọn vẹn vào cảnh ngộ, thích nghi tự nhiên, đến nỗi không còn có lấy một chút câu thúc cưỡng ép nào từ thiên nhiên, xã hội hay bản thân. Quan niệm ấy giống như lời khuyên của Lão:

Nếu gặp trời nóng hãy đổ mồ hôi

Gặp lạnh thì hãy run lên.

hay thấp thoáng trong hầu hết tư tưởng nho gia và đạo gia xưa nay. Sống trong một môi trường hoàn toàn khác, bị đưa đẩy vào những thế đứng bất trắc không lối thoát, Kim Dung vẫn còn giữ được nguyên vẹn truyền thống tư tưởng đông phương.

Cái động trong Độc cô cửu kiếm là cái dịch của triết lý. Tất cả đều chuyển vận. Thuận lẽ chuyển dịch là thuận thiên mệnh. Định chế, khuôn mẫu, luật lệ, tập tục... chỉ là những cố gắng vô vọng của xã hội loài người, muốn ôm lấy vầng trăng sáng hay ngăn dòng nước chảy. Quán thông căn bản của Độc cô cửu kiếm là không để tâm bận rộn về những chiêu thức khô cằn mà giữ cho tâm hư, tâm không, thuận tay đưa kiếm, thuận thời đánh ra, khỏi cần lo âu đến công hay thủ. Chiêu thức tự nhiên mà đến như hoa nở mùa xuân, rồi cũng tự nhiên mà tiêu như hoa tàn mùa hạ. Rồi, Lệnh Hồ Xung chưa kịp nghĩ, không kịp nghĩ, tự nhiên thế kiếm biến chiêu như cây kết trái khi hoa vừa tàn, để rồi lại biến mất như lá thu rơi.

Cứ như vậy, cứ như vậy, hư chiêu tự nhiên biến thành tuyệt chiêu, và cả người sử kiếm linh hoạt hào khởi phát động chiêu thức theo ý mình tung tăng hớn hở.
Chúng ta nghĩ đến cái sảng khoái tuyệt diệu của Đông Pha trên sông Xích Bích:
Gió hiu hiu mặt nước như tờ

Trăng chênh chếch đều non mới ló

Thuyền một lá xông ngang gành bạch lộ

Buông chèo hoa len lói chốn sơn cương
(Nguyễn Công Trứ)

Thật vậy, Lệnh hồ xung cũng đứng trước những đe doạ sinh mệnh trầm tọng như Tô thức. Thác gành nhiều sóng ngầm đá nhọn, sương lại bao phủ mặt sông. Tô Thức thuận lòng trời, hiểu lẽ dịch nên hớn hở như người quên đời một mình mà bay lên tiên, xông ngang qua gành không sợ thác lũ đá ngầm, và tuy sương trắng bao phủ đây đó vẫn dám một chiếc thuyền nhỏ, một túi trăng gió, len lỏi giữa những sườn núi lạ. Lệnh Hồ Xung cũng đã phải đứng trước cái chết kề cận trong tơ tóc, nhưng chàng mặc tình uyển chuyển thư thái với Độc cô cửu kiếm, không bận tâm các tuyệt học võ lâm. Những địch thủ giao đấu với Lệnh Hồ Xung đều sửng sờ, không biết trả đòn thế nào trước những chiêu thức kỳ dị này. Bị thói quen mài dũa tê liệt cả động năng nên khao khát tìm những định chế câu thúc, người ta không thể hiểu được, không thể tưởng tượng nổi trong võ học lại có những chiêu đơn giản vụng về, sai cả ước lệ, như cục đá chưa mài hay một khóm hoa dại bên bờ suối. Nhưng đối diện với thế kiếm trầm tĩnh mà huyền hoặc, vụng về thô thiển mà tinh diệu, họ không biết phải làm gì bây giờ. Trong Độc cô cửu kiếm, cái tĩnh chứa không biết bao nhiêu cái rắc rối, giống như cảnh vật vũ trụ qua mắt một nhà đạo học:

Hoa nở luống hay tin gió

Đầm thanh còn thấy dáng trăng
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Thành ra muốn khỏi có ngộ nhận, có lẽ phải đổi yếu quyết của Độc cô cửu kiếm VÔ CHIÊU THẮNG HỮU CHIÊU thành ra HƯ CHIÊU THẮNG HỮU CHIÊU. Chữ HƯ theo quan niệm TÂM HƯ của Lão Trang. Nếu dùng chữ VÔ, phải hiểu nghĩa chữ VÔ theo câu kinh Phật: ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SINH KỲ TÂM. (1)
Chúng ta tin với một tinh thần tích cực sinh động như vậy, sau khi thụ giáo Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung phải thắng mọi trở ngại, san bằng mọi giả tạo, lột trần hết nguỵ kế núp bóng sau màn sương đạo đức nhân nghĩa hay công ích.
Lệnh Hồ Xung đã thành công thực.

Dùng Độc Cô cửu kiếm, chàng đã đâm mù mười mấy tên đệ tử Tả Lãnh Thiền hèn nhát bịt mặt để ra tay hạ sát thầy trò Hoa Sơn.

Chàng đã cương quyết ngăn cản không cho hai tên đồ đệ Võ Đang và Thiếu Lâm trên Ngũ Bá Cương vào uy hiếp Doanh Doanh.
Chàng đã khẳng khái dùng Độc cô cửu kiếm viện trợ Hướng Vân Thiên khi hữu sứ bị mấy trăm kiếm khách cả chính lẫn tà bao vây tiêu diệt. Chàng ngang nhiên lên trà đình uống rượu với Hướng Vân Thiên, nổi hào khí tuyên bố:
- Giữa đường thấy chuyện bất bằng rút dao tương trợ là lẽ thường.

Chàng đã dùng vô chiêu đánh bại Nhạc Bất Quần trên núi Thiếu Thất.

Trong những lúc gay cấn, khi những tên nguỵ quân tử mặc áo xanh tú tài nói điều nhân nghĩa mà âm mưu đê hèn, khi chính tà không phân biệt, Lệnh Hồ Xung lại dùng Độc cô cửu kiếm để giải quyết. Thực vậy, bọn Tung Sơn bịt mặt giết hại đồng môn trong Ngũ Nhạc Kiếm phái là bọn chính giả trá. Bọn kiếm khách vì muốn giết Hướng Vân Thiên mà liên lạc hợp tác với đồ đệ Đông Phương Bất Bại là bọn chính giả trá. Nhạc Bất Quần là tên nguỵ quân tử. Những kẻ làm nhơ danh chính phái, làm mờ ranh giới thiện ác, đáng bị trừng trị bằng Độc cô cửu kiếm.

Kim Dung đã cho chàng lãng tử của mình lấy tinh thần vô chấp phóng khoáng, cảm hoá bọn cố chấp bảo thủ.

Nhưng, có thực Lệnh Hồ Xung đã thắng?

Có thực Kim Dung đã tìm ra một phương pháp giải quyết mối băn khoăn nguyên thuỷ?

Những người đọc có ý thức, cùng đứng trong những thế tranh chấp đau lòng, bơ vơ liên tục như người Việt chúng ta với cuộc chiến hiện nay, có thể xem kinh nghiệm của Lệnh Hồ Xung là một giải pháp thoả đáng?

Chúng ta ngần ngừ không dám trả lời. Như vậy là phải!

Vì dù bản tính thế nào chăng nữa, Lệnh Hồ Xung vẫn là một người tầm thường như tất cả chúng ta. Làm sao ƯNG VÔ SỞ TRỤ, tiến đến một trạng thái đạt đạo TÂM HƯ? Làm sao lòng rỗng không, hình lại có thể khiến như tro nguội (2).

Lệnh Hồ Xung không thể quên quá khứ, thoáng trong chớp mắt không nhớ gì đến kiếm pháp Hoa Sơn hay công dưỡng dục của Nhạc Bất Quần, mối tình với Nhạc Linh San, mỗi lần tâm không hư, Lệnh Hồ Xung lại tỏ ra bối rối trước đối phương. Những lúc chàng chiến thắng vẻ vang, sử dụng tuyệt diệu được Độc cô cửu kiếm, là những lúc bất cần đời, đứng gần hố thẳm gai ốc của tuyệt vọng, nghĩa là ở cái thế chẳng đặng đừng.

Lúc phái Hoa Sơn sắp bị đại nạn trước bọn Phong Bất Bình ở miếu Dược vương, Lệnh Hồ Xung thấy rõ cái chết kế cận bên mình. Chỉ cần một loé kiếm nữa là hết còn lo âu về bệnh hoạn, đau xót vì bị ngờ vực.

"Lệnh Hồ Xung buông tiếng thở dài đưa luồng nhãn quan về phía Nhạc Linh San để nhìn lần cuối cùng. Trước khi lâm tử, hắn chỉ mong được nàng lộ vẻ tha thiết tới một chút đặng an ủi nỗi lòng. Quả nhiên, cặp mắt sáng ngời của nàng tỏ ra cực kỳ quyến luyến thiết tha. Lệnh Hồ Xung đang vui mừng thì dưới ánh lửa, hắn thấy bàn tay nhỏ bé mềm mại của Nhạc Linh San buông thõng xuống, nắm lấy bàn tay chàng trai khác, chàng trai đó chính là Lâm Bình Chi. Lòng hắn se lại".
(trang 790 quyển 5)

Sững sờ tuyệt vọng cùng cực, quên cả lòng tham sinh, Lệnh Hồ Xung mới sử được các vô chiêu của Độc cô cửu kiếm, đâm mù mắt mười mấy tên đồ đệ Tung Sơn.
Lúc được Phương Chứng đại sư chùa Thiếu Lâm cho biết mình đã bị sư phụ trục xuất khỏi Hoa Sơn, lại biết bệnh tình hết cơ cứu vãn (đến danh y Bình Nhất Chỉ cũng bó tay) Lệnh Hồ Xung liều thân, không còn tha thiết gì nữa. Không thèm nhận làm đồ đệ Phương Chứng để học Dịch cân kinh chữa bệnh:

"Lệnh Hồ Xung ra khỏi chùa Thiếu Lâm rồi ngửa mặt lên trời cười rộ một hồi. Tiếng cười chất chứa đầy vẻ thất vọng thê lương, chàng lẩm bẩm: Người chính phái coi ta như thù địch. Kẻ phái tà cũng muốn giết được ta mới vừa lòng. Chắc Lệnh Hồ Xung này không sống qua được bữa nay. Thử xem người hạ sát mình là ai?"
(trang 198 quyển 6)

Ở vào thế cùng, Lệnh Hồ Xung tìm một cách tự vẫn và có cách nào ngang tàng hào hùng cho bằng liều thân bênh vực Hướng Vân Thiên. Không ngờ trong lúc tuyệt vọng như vậy, Lệnh Hồ Xung lại sử được vô chiêu.

Thế thì bản chất cao ngạo liều lĩnh, thích hợp với thái độ vô chấp, giải pháp Độc cô cửu kiếm chỉ có thể thực hiện khi con người bị đẩy vào tận cùng của nghịch cảnh. Bị tình phụ, bị sư nương sư phụ nghi ngờ, tin rằng chính mình đã lỡ tay giết Lục Đại Hữu, Lệnh Hồ Xung tự nhận là một thứ "cô hồn vô chủ, miếu lớn không nhận, chùa nhỏ không thu, hoang sơn dã quỷ", hết còn tha thiết gắn bó với bất cứ điều gì của đời. Nhờ vậy mà mới sử dụng được Độc cô cửu kiếm.

Với những điều kiện bi đát như vậy, dễ gì con người tầm thường chúng ta có thể lấy vô chấp để thắng cố chấp.

Chúng ta ngần ngừ là phải, vì lấy ngay kinh nghiệm Lệnh Hồ Xung, sự ngộ đạo không phải do trạng thái siêu thoát thăng hoa như ước vọng Lão Trang mà do ở chỗ chịu đựng tận cùng bi đát.
Giải pháp vô chiêu thắng hữu chiêu cũng lãng đãng huyền hồ như hình bóng Phong Thanh Dương mà thôi.

Cho dù có đến tận cùng vực thẳm, con người vẫn khó quên hết thành kiến khó phá hết định chế để chấp nhận vô chiêu.
 
Top Bottom