Trích Diễm thi tập

L

liknight_kamihame

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Thơ văn không lưu truyền hết ở đời là vì nhiều lí do.
Đối với thơ văn , cổ nhân ví như khoái trá..... gấm vóc ở trên đời. Phần người có miệng có mắt........không lưu truyền hết ở trên đời.
Tư liệu tham khào: Viện văn học Việt Nam.
http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=245&menu=118&t=1
Các bài viết nói về Hoàng Đức Lương và quan niệm thơ văn của ông
 
L

liknight_kamihame

Tư Liệu tham khào

Đoàng Đức Lương vốn người xã Cửu Cao, huyện Gia Lâm, trú quán tại làng Ngọ Kiều (Ngọ Cầu), nay là thôn Ngọ Cầu, xã Như Quỳnh, Gia Lâm, Hà Nội. Hiện chưa rõ năm sinh năm mất. Năm Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Mười năm sau (1488) được cử đi sứ Trung Quốc cùng phái đoàn với Đàm Văn Lễ (1452-1505). Làm quan đến chức Tham nghị, Hộ bộ Tả thị lang.

Nói đến Hoàng Đức Lương là phải nói đến bộ sách Trích diễm thi tập. Đây là bộ sách được ông biên soạn xong vào năm Hồng Đức thứ 28 (1497). Bộ sách khép lại cả một thời kỳ dài sưu tập thơ văn Lý - Trần từ Phan Phu Tiên với Việt âm thi tập đến Dương Đức Nhan với Tinh tuyển chư gia luật thi. Ý nghĩa của Trích diễm thi tập xưa nay từng được đánh giá rất cao, ở chỗ sau chính sách hủy diệt văn hóa tàn khốc của nhà Minh hồi đầu thế kỷ XV, thì đến thập niên cuối thế kỷ, Hoàng Đức Lương đã có công tìm kiếm, lưu chép cho hậu thế đến 15 cuốn (trên thực tế chỉ còn 6 cuốn) về thi ca các triều đại trước Lê sơ. Sau này nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu khác từ cổ đến cận, hiện và đương đại cũng đã phải dựa vào đó rất nhiều để tiếp tục bồi đắp vốn văn chương cổ. Do đó, ngoài ý nghĩa văn học sử, Trích diễm thi tập còn có ý nghĩa to lớn đối với văn hóa, văn hiến nước nhà.

Quan trọng nữa là bài Tựa viết ở đầu sách. Giới nghiên cứu và bạn đọc về sau đều hết sức tán thưởng lời Tựa Trích diễm thi tập. Ở thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã trích dẫn một đoạn dài trong Lệ ngôn của Toàn Việt thi lục. Đến thế kỷ XX, bài Tựa cũng được dịch và giới thiệu nhiều lần. Lý do nào đã khiến lời Tựa của Hoàng Đức Lương được chú ý như vậy?
Trước hết, tác giả nêu bật được một quan niệm về thơ bằng cách dùng hình ảnh so sánh thú vị: “Đối với thơ ca, người xưa thường ví với nem chả, hoặc ví với gấm vóc. Nem chả là vị rất ngon ở đời, gấm vóc là mầu rất đẹp ở đời. Phàm người có miệng, có mắt, ai cũng quý trọng, mà không vứt bỏ khinh thường. Có điều là: sắc đẹp của thơ lại ở ngoài mọi sắc đẹp, mắt thường không thấy được; cũng vậy, vị ngon của thơ lại ở ngoài mọi vị ngon, miệng thường không nếm thấy. Chỉ có thi nhân mới có thể thấy được sắc đẹp đó, nếm được vị ngon đó”(1). Như thế Hoàng Đức Lương cho rằng thơ là phải đẹp, mà phải “ở ngoài mọi sắc đẹp”, nghĩa là cái đẹp thông thường theo quan niệm của người đời là không thể so được. Lão Tử thường nói: “Thiên hạ tri mĩ vi mĩ tư ố hĩ” (Cái gì thiên hạ biết là đẹp, tức là đã không còn đẹp nữa rồi). Vậy, vẻ đẹp của thơ phải là vẻ đẹp mang tính vĩnh cửu, nó không bị biến chất, không bị mọi thứ tư duy thông thường xâm thực. Thơ không theo quy luật chung của cái đẹp thông thường. Thơ đã thế, người làm ra thơ cũng là loại người đặc biệt khác thường mới có thể “thấy” và “nếm” được thơ. Ở đây, theo quan niệm của Hoàng Đức Lương thì thi nhân vừa là người sáng tác, vừa là người thưởng thức, phê bình. Quan niệm như thế nên khi làm sách Hoàng Đức Lương chỉ Trích diễm, tức là chỉ chọn lựa cái hay, cái đẹp. Xem qua có vẻ như tác giả đã “tuyệt đối hóa” vai trò của thơ và của thi nhân, nhưng ngẫm kỹ thì dường như ông đã có lý. Thơ đối với cổ nhân đúng là một địa hạt đặc biệt, sau này Ngô Thì Sĩ cũng cho rằng kẻ phàm không vào thơ được(2). Hơn nữa, quan niệm của Hoàng Đức Lương còn tiến một bước xa trên con đường nhận thức thơ. Khi viết Tựa cho Việt âm thi tập vào năm 1433, Phan Phu Tiên cho rằng: “Trong lòng có chí hướng gì ắt thể hiện ra lời nói, cho nên thơ là để nói lên cái chí của mình. Lời xướng họa giữa vua tôi đời Đường - Ngu và câu ca dao dân gian thời Liệt quốc, mặc dù trong đó dấu vết thời thịnh trị và loạn lạc không giống nhau, nhưng cảm xúc phát ra từ trong lòng thì chỉ là một”(3). Thì đó vẫn chỉ là một cách diễn đạt khác của quan niệm “thi dĩ ngôn chí” (thơ là để nói chí). Quan niệm đó đúng và sau Phan Phu Tiên, thơ vẫn là như vậy.
 
L

liknight_kamihame

Nhưng rõ ràng, cạnh việc nói chí thì thơ bao giờ cũng là địa hạt của xúc cảm thẩm mĩ, của cái đẹp. Có thể Hoàng Đức Lương còn đi xa hơn cả quan niệm của chúng ta hiện nay khi ông cho rằng cái đẹp của thơ còn “ở ngoài mọi sắc đẹp” như đã nói trên.

Tiếp theo, bài Tựa còn đưa ra quan niệm về sự tiếp nhận, lưu truyền văn học, về thi học và phần nào là vấn đề tự do văn học. Sự tiếp nhận văn học, nói như ngôn từ hiện nay, thì ở người xưa là việc thẩm bình, cái mà tác giả đã gọi là nếm và thấy. Tức là yêu cầu người tiếp nhận phải có cả năng khiếu và năng lực, cũng có ý chỉ người tiếp nhận phải ở một trình độ cao, phải có một tầm đón nhận tương xứng. Biết sáng tác thơ và hiểu thơ là khó, nhưng tác giả vẫn muốn công việc sưu tập của mình “cốt được truyền bá rộng” di sản thơ Lý - Trần. Hẳn là có khao khát muốn bồi bổ, nâng cao năng lực tư duy, năng lực thẩm mĩ cho các thế hệ người đọc bằng thơ. Khái niệm thi học mà Hoàng Đức Lương dùng có ý chỉ cách học, phép làm thơ, nhưng cũng có thể hiểu là việc nghiên cứu tìm hiểu thi ca (Đức Lương thi học duy thị Đường chi bách gia - Thi học của Đức Lương tôi, duy chỉ dựa vào các thi gia đời Đường). Lê Quý Đôn rất tinh tường khi nói về Hoàng Đức Lương là người cực thích thi học (“khốc hiếu thi học”). Do đó, có thể thấy ngay từ thế kỷ XV, Hoàng Đức Lương đã nói đến vấn đề thi học, một trong những vấn đề cốt tử của thi ca. Khái niệm thi học bấy giờ nghĩa có thể chưa rộng như ngày nay, nhưng quả là cái gốc rễ thì đã thấy rõ. Bài Tựa cũng nêu ra một thực tế: “Qua sách vở thời Lý - Trần truyền lại đến ngày nay, chỉ thấy sách nhà chùa là nhiều. Thật ra, đâu có phải vì các nhà Nho học không giỏi bằng các nhà Phật học. Mà chính là trong nhà chùa không có sự cấm đoán in sách, cho nên mới có bản khắc truyền về sau. Còn thơ ca của các nhà Nho nếu như chưa được nhà vua cho phép, thì không được in ra để lưu hành” (4). Đó là sự chặt chẽ và lề luật quá nghiêm khắc đương thời. Toàn bộ thơ văn phải qua tay kiểm duyệt của một ông vua. Mặc dù nhà vua có cả một đội ngũ để giúp việc, nhưng việc “dắt bò qua cổ chai” đó đã khiến thơ văn mất hẳn sinh sắc. Người sáng tác lúc nào cũng nơm nớp húy phạm, nơm nớp câu chuyện “văn tự ngục”. Thể chế đã luôn câu thúc và kiềm chế sự hồn nhiên và hồn toàn của văn thơ, khiến văn thơ buộc phải có hình hài và đặc tính khu biệt. Nghĩa là phải tìm ra rất nhiều hình thức thể hiện khác nhau để che đậy, giấu đi điều muốn nói.

Sau cùng bài Tựa của Hoàng Đức Lương cũng đề cập đến thực trạng của tư liệu thơ văn ngay ở thời của ông (thế kỷ XV). Tác giả đã nêu ra bốn lý do khiến văn thơ mất mát: người sành thơ không nhiều là một, cái sự quá nghiêm khắc kia là hai; và hai lí do quan trọng nữa là: Không có người làm công việc sưu tập và nếu có cũng không làm đến nơi đến chốn. Ông cũng đề cập đến sự tàn phá của thời gian và “binh hỏa”, nhưng lỗi chủ yếu vẫn là con người; và ông cũng thể hiện tâm sự của mình: “Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi cho tiền nhân thời bấy giờ. Than ôi! Một nước văn hiến, trải mấy nghìn năm xây dựng, lẽ nào không có quyển sách nào để làm chứng tích, mà phải tìm đọc xa xôi qua thơ Đường, như thế chẳng đáng đau xót lắm sao”(5).

Tóm lại qua lời Tựa và qua Trích diễm thi tập có thể khẳng định Hoàng Đức Lương có tư cách một nhà sưu tập, phê bình văn học. Những ý kiến mà tác giả đề xuất còn có tác dụng gợi mở về lý luận thơ ca. Trong khi lý luận, phê bình văn học của ta ở vào thế kỷ XV còn khá nghèo nàn, thì đó là những đóng góp rất đáng quý.
 
L

liknight_kamihame

Nhưng Hoàng Đức Lương còn có tư cách một nhà thơ. Cuối Trích diễm thi tập tác giả có chép cả thơ của mình với lời chua khiêm nhường: “Thiết phụ dĩ chuyết tác, dụng vi gia đình chi huấn” (Trộm chép phụ vào đây những sáng tác vụng về của tôi, dùng làm lời dạy bảo trong gia đình). Khi soạn Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn có chép 25 bài thơ của Hoàng Đức Lương. Chưa rõ số bài đó có trùng với số bài mà Hoàng Đức Lương “chép phụ” không; nhưng xem kỹ thì 25 bài đó tính giáo huấn rất ít mà phần nhiều là những bài thơ tả cảnh tình, tỏ bày tâm trạng tác giả, những bài mà Lê Quý Đôn đã khen là: “Từ chương thanh lệ, tình cảnh kiêm đáo” (Từ chương đẹp sáng, cảnh tình kiêm đủ, sâu sắc).

Cảnh sắc trong thơ Hoàng Đức Lương thường là những nét chấm phá. Đây là một cảnh làng quê:
Tang ám tàm chính miên,
Thiềm đê yến sơ nhũ.
Lực quyện hà sừ quy,
Trú vĩnh cưu thanh ngọ.
(Thôn cư)

(Tằm ngủ dưới lá dâu mát,
Dưới mái hiên, én đang mớm con.
Sức mỏi thì vác bừa về nghỉ,
Chim cu gáy lúc đứng bóng)
(Ở làng quê)
Tác giả vừa có những quan sát tinh tế khi tả cảnh “én đang mớm con”, lại vùa có sự phác họa chung một không gian quê mang tính đặc trưng cho những vùng nông tang yên ả, thanh bình, nơi mọi vật đang sinh sôi, nảy nở. Vẫn cái cách như vậy, nhà thơ viết về cảnh Thụ hạ quan thư (Đọc sách dưới bóng cây):
Khai quyển lương âm ngọ,
Dung quang chiếu tự minh.
Tĩnh trung tâm dị động,
Lạc diệp tác thu thanh.

(Mở sách dưới bóng cây râm buổi trưa,
Ánh trời lọt chiếu xuống, dung mạo sáng tươi.
Giữa cảnh tĩnh lặng, lòng dễ xao động,
Lá rụng nghe như tiếng thu rơi)
 
L

liknight_kamihame

Cảnh này phông nền hẹp hơn cảnh Thôn cư, chỉ là dưới một gốc cây. Nhưng phải nói rất đẹp. Có gì đó thư thả, nho nhã mà đầy mơ mộng, lãng mạn. Rõ ràng là cái tiếng thu rơi ấy không phải đợi đến hơn 400 năm sau người ta mới được nghe: “Em không nghe mùa thu/ Lá thu rơi xào xạc...”; thêm nữa, tác giả còn nói được một quy luật tưởng như trái ngược của hồn thơ là càng ở trong cảnh tĩnh thì lòng người càng dễ xao động, tức là rất cần lắng sâu suy tư để nghe thấy từ những tiếng va rơi nhỏ nhất, nhẹ nhất. Đấy rất có thể là một trong những trải nghiệm thi ca.

Lại nữa, trong bài Du Phật Tích sơn Thiên Phúc tự (Du chơi chùa Thiên Phúc núi Phật Tích), người ta vẫn thấy cảm hứng nhàn nhã, thanh sạch, tĩnh lặng đó:
Thiềm hạ chẩm thạch miên,
Thụ lão thu âm tỗn.
Dữ nhân mộng vật kinh,
Không đình sơn diệp lạc.

(Dưới thềm gối lên đá ngủ,
Bên gốc cây già tiếng thu xạc xào.
Chớ làm động đến giấc mộng của người,
Sân vắng lá cây núi rơi)
Điểm đặc sắc là trong cảnh luôn có người, khi thì là một nông phu thanh thản làm mỏi vác bừa về, khi là một thư sinh nhàn hạ đọc sách, và ở bài vừa rồi là một kẻ thích phóng khoáng, thích đắm mình vào giữa cảnh vật. Đó chính là sự phân thân của chủ thể sáng tạo vào vai các nhân vật trữ tình để ngụ gửi tâm sự của mình. Rồi cũng đến lúc tác giả nói thẳng ra cái ước muốn quay về với thiên nhiên cảnh vật:
Lâm hác tiền duyên hữu,
Thanh sơn nhận trứ nhân.
Thử thời sơ thức diện,
Tha nhật dĩ tương thân.
(Chu quá Lai Quan giang)

(Thú lâm tuyền đã có tiền duyên định sẵn,
Núi xanh như nhận rõ người.
Lúc này là lúc mới biết mặt,
Hẹn ngày sau sẽ thân thiết nhau hơn)
(Thuyền qua sông Lai Quan)
Cảnh ở đây là lâm tuyền - rừng suối, nơi thường gắn với các bậc ẩn sĩ thích nhàn, thích lánh tục. Mà quả là thơ Hoàng Đức Lương từng nói đến chuyện quan trường với một giọng điệu chán chường, có gì đó như phải cam chịu:
Thắng địa du tuy biến,
Khai sơn diệc hữu thi.
Quan thân vô định tích,
Vị cảm dữ tăng kỳ.
(Du Kính Chủ sơn tự)

(Thắng cảnh du chơi tuy đã nhiều khắp,
Nhưng mỗi lần lên núi cũng vẫn có hứng thơ.
Thân làm quan tung tích vốn vô định,
Đâu dám hẹn kỳ hẹn nào với nhà sư)
(Du chơi chùa núi Kính Chủ)
 
L

liknight_kamihame

Sự hấp dẫn của cảnh núi non và cảnh Phật đã khiến tác giả ngậm ngùi cho thân phận làm quan của mình. Thế kỷ XV, nho đã lấn Phật, nho đã nguyên tôn. Phật đã lui về với chốn nguyên thủy sơn khê, thôn dã, lui về đúng chỗ; nhưng rõ là Phật vẫn có vị trí nhất định trong tâm tưởng nho sĩ. Cửa Phật cho cảm giác bình ổn, thanh thản còn chốn quan trường thì bấp bênh, vô định. Biết thế nhưng khó lòng từ bỏ thân phận mình và càng dấn vào hoạn lộ thì càng muốn rũ áo quay về. Thế nên khi Đề Hoài Âm miếu (Đề miếu Hoài Âm), tác giả viết:
Hạng Vương bất dụng ninh phi mệnh,
Hán Tổ thi ân khởi thị tâm.
Tảo thức công danh, phi thiện địa,
Chỉ ưng thùy điếu lão Hoài Âm.

(Hạng Vương không dùng, đâu vì không mệnh,
Hán Cao Tổ thi ân, há phải là tâm.
Nếu sớm biết công danh chẳng phải là nơi đất lành,
Thì chỉ được mong rủ cần câu đến già ở đất Hoài Âm)
Lời bình luận coi công danh là “phi thiện địa” đã bộc lộ tất cả nỗi lòng và bầu tâm sự. Cho nên, cũng giống như Đàm Văn Lễ, thơ Hoàng Đức Lương lúc nào cũng mang đậm dấu ấn tâm trạng rất riêng.

Có lúc nhà thơ Tự trào (Tự cười mình):
Tính tích thù kham tiếu,
Ngâm đa diệc bất công.
Dạ thâm tài đắc cú,
Mãnh khởi cấp hô đồng.

(Buồn cười cho tính ngông của mình,
Cứ ngâm nga nhiều cũng chẳng nên công phu.
Có lúc tận đêm khuya mới nghĩ được một câu,
Đã vùng dậy gọi ầm trẻ nhỏ lấy bút nghiên)(6)
Nhưng sự hồn nhiên, phác thực đó chỉ là thoáng qua, còn cái lắng đọng, cái chất chứa luôn luôn là nỗi sầu buồn dai dẳng.
Tác giả nói nỗi ly biệt:
Phàm viễn thượng hồi đầu,
Đạm quang yên chử lãnh.
Giang thượng đối bi quy,
Vãn đạp cô hồng ảnh.
Khứ ý tùy nhạn đoạn,
Ly tình trục thủy lưu...
(Thu giang tống biệt)

(Cánh buồm đã xa vẫn còn cố nhón chân ngoái đầu,
Chỉ thấy một màu nước bạc, sóng khói, bãi bờ heo lạnh.
Trên sông ôm nỗi sầu bi quay về,
Bóng chim hồng lẻ loi vẫy đạp trong bóng chiều tà.
Ý người đi theo cánh nhạn dứt dần,
Tình ly biệt trôi theo dòng nước chảy...)

(Tiễn biệt trên sông mùa thu)
Rồi khi gặp cảnh mưa gió:
Phong vũ tam canh dạ,
Cung tương tứ bích thu.
Thê lương ngâm huống vị,
Độc yểm tiểu song u.
(Phong vũ tự)

(Đêm mưa gió đến suốt canh ba,
Đàn dế bốn vách rỉ rả kêu tiếng thu.
Thơ ngâm ngẫm cảnh huống thê lương,
Một mình khép song cửa nhỏ âm u)
(Chùa mưa gió)
 
L

liknight_kamihame

là nỗi sầu cô độc trong một khung cảnh lạnh lẽo, âm u, khép kín; và bao phủ lên khung cảnh đó là một trời gió mưa; lại thêm những tiếng côn trùng báo rét kêu thê thiết. Hóa nên nhà thơ buồn bã đến mức không ngủ:
Đồng hạ trường minh tố,
Linh nhân chẩm vị an.
Tam canh thu ý khổ,
Lộ thấp thảo song hàn.
(Tất suất)

(Ở dưới giường cứ kêu mãi như tố khổ,
Khiến người trằn trọc ôm gối không yên.
Nửa đêm hơi thu sầu não,
Sương móc ướt lạnh cỏ cây bên song)
(Tiếng dế)

Và buồn bã đến mức rơi lệ:
Thể sấu sương ưng giác,
Khâm hàn thu diệc bi.
Bất từ song chúc tẫn,
Lệ tận hữu thùy tri.
(Trường Tín cung - II)

(Thân gầy yếu tiết sương xuống là biết ngay,
Chẳng lạnh chớm thu cũng đã sầu.
Chẳng đừng hai ngọn nến cùng cháy tàn,
Những giọt lệ rơi xuống có ai biết chăng?)
(Cung Trường Tín - Bài II)
 
L

liknight_kamihame

Trong đêm chớm lạnh, thân gày, chăn mỏng, mấy ngọn nến cứ leo lét cháy tàn, cháy tàn... và hình ảnh những giọt nến nhỏ xuống cứ như khích thêm vào. Rồi chúng được nhân cách hóa như là những giọt lệ của người gặp cảnh vô cùng trống vắng, đơn lẻ, thiếu tri âm. Nhưng duyên cớ nỗi buồn không chỉ có vậy. Tất cả những bài thơ đã dẫn đều có một chữ thu: Thu giang tống biệt, Cung tương tứ bích thu, rồi Tam canh thu ý khổ, và Khâm hàn thu diệc bi. Cảnh thu hay cảnh sắc mưa gió lạnh lẽo như mùa thu thường gợi tứ buồn, mối tương liên tâm - cảnh này, xưa nay đều thế. Huống nữa, dường như những bài thơ ấy tác giả đều viết trên đường đi sứ, xa nhà, xa nước:
Khứ gia tài nhị nguyệt,
Tiện hữu cố hương tình...
(Pha Điệp dịch trở lưu mạn thành)
(Xa nhà mới hai tháng,
Thấy nặng tình cố hương...)
Cho nên căn nguyên của nỗi buồn còn là nỗi nhớ nhà, nhớ quê và thân phận phải làm khách tha hương:
Khách lý đăng lâu nhật kỷ hồi,
Tiêu điều ý ngoại hữu thi lai.
Bất như huống thị phùng giai tiết,
Cưỡng bả tân niên tửu sổ bôi.
(Khách trung)
(Trong cảnh làm khách mỗi ngày mấy lượt lên lầu ngóng về,
Trọn nỗi tiêu điều, tứ thơ thường lại.
Cảnh huống chẳng như ý đó, lại thêm tết đến,
Đành ngậm ngùi gắng nâng mấy chén đón tân niên)
(Cảnh làm khách)
Cảnh quả thật như trêu người. Lúc lẽ ra được quây quần, đoàn tụ bên tổ ấm, người thân, lại là lúc tác giả phải lênh đênh nơi đất khách quê người. Cần nhớ rằng, bấy giờ là thế kỷ XV, người đi xa nhớ nhà không có cách gì khác là chỉ ngày ngày lên lầu ngóng trông về nơi mình ra đi, ngóng về cái phương trời không bao giờ nhìn thấy được. Do đó, cái cách ấy cũng chỉ là để cho vợi bớt, cho nguôi ngoai, còn thực tế là bất lực. Nghịch cảnh ấy càng khiến tâm trạng thêm trĩu nặng. Vậy nên thời gian càng dài, không gian càng xa thì nỗi sầu buồn cũng theo đó mà nhân gấp lên.

Có thể thấy thơ Hoàng Đức Lương thể hiện mấy mạch cảm hứng khá rõ: 1- Về thiên nhiên cảnh vật tĩnh lặng, đẹp sáng, trong lành; 2- Về tâm sự thích nhàn ẩn, chán quan trường; và 3- Là một tâm trạng gặp cảnh sinh tình, khắc sâu nỗi buồn nhớ nhà nhớ nước.

Hoàng Đức Lương cũng là tác giả nằm ngoài hội Tao đàn. Ông góp thêm một tiếng nói nữa vào dòng thơ phi quan phương thời bấy giờ. Vừa là nhà sưu tập, phê bình, Hoàng Đức Lương cũng là một nhà thơ với những thi phẩm đẹp, sở trường về tứ tuyệt, nhất là tứ tuyệt ngũ ngôn./.
 
L

liknight_kamihame

Tiếp theo Lik sẽ nói về : Xung quanh bài thơ đề từ Truyện kiều của Phạn Quí Thích.....
 
L

liknight_kamihame

Trong đa số các bản Kiều Nôm cổ, phần mở đầu thường có một bài thơ bắt đầu bằng câu: Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường... Bài thơ không được ghi rõ đề mục nên cho tới nay, xung quanh bài thơ, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề như:

- Tên gọi của bài thơ vốn là thế nào?
- Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ và ý nghĩa của bài thơ đối với vấn đề xác định thời điểm sáng tác Truyện Kiều.

Dưới đây chúng tôi xin trình bày ngắn gọn một số tư liệu về các vấn đề này.

1. Về tên gọi của bài thơ

1.1. Như đã giới thiệu ở trên, các văn bản Truyện Kiều cổ thường không ghi rõ đề mục của bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường...”:

- Bản Duy Minh Thị/1872 chỉ ghi Hoa Đường Phạm tiên sinh soạn rồi sau đó khắc bài thơ.
- Bốn bản: Liễu Văn Đường/1866,/1871, Quan Văn Đường/1879, Thịnh Mĩ Đường/1879 thì ghi hai chữ Thi vân rồi khắc bài thơ; cuối bài thơ mới đến dòng Lương Đường Phạm tiên sinh soạn.
- Bản Abel des Michels/1884 thì có hai nét đặc biệt là: a) ở bản Nôm có ghi Thi vân như các bản miền Bắc nhưng để hai chữ Hoa Đường như ở bản Duy Minh Thị/1872; b) ở bản Pháp văn thì giới thiệu đây là Bài tựa bằng thơ chữ Hán của giáo sư Hoa Đàng Phàm (Préface en vers chinois du professeur Hoa Đàng Phàm)(1).
- Bản Nọa Phu/1870 không dùng Thi vân nhưng cuối bài thơ ghi một dòng dài hơn bình thường: Lê triều tiến sĩ Lương Đường Phạm Lập Trai đề.
- Đến bản Kiều Oánh Mậu/1902 thì thay Thi vân bằng hai chữ Đề từ và ở cuối bài cũng ghi một dòng không giống đa số các bản khác: Hoa Đường Lập Trai Phạm Quí Thích đề.

Từ thực tế trên, nhất là từ ảnh hưởng của bản Kiều Oánh Mậu, dần dần hai chữ Đề từ được một số người coi như là cái tên mà tác giả đặt ra cho bài thơ.

1.2. Nhưng rồi giới nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ cái “tên” Đề từ và cố gắng đi tìm tên thật của bài thơ.

Năm 1998, trong bài báo Không có “bản Phường” với nghĩa là bản Truyện Kiều do Phạm Quí Thích đưa in đăng trên Tạp chí Văn học (số 1) và tạp chí Sông Hương (số 1) sau này được tập hợp lại trong các cuốn Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận (2001, 2003); Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều- bản Liễu Văn Đường 1871 (2006), PGS.TS. Đào Thái Tôn đã cung cấp một thông tin quan trọng. Đó là việc nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi đã phát hiện trong cuốn Lập Trai tiên sinh di thi tục tập (kí hiệu A.2140), bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường...” với tiêu đề Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm(2).

1.3. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang còn một chút băn khoăn vì theo Di sản Hán Nôm Việt Nam- Thư mục đề yếu (sau đây gọi tắt là Thư mục đề yếu) thì cuốn A.2140 chỉ là một cuốn do “học trò của Nguyễn Văn Siêu sưu tầm, Nguyễn Văn Siêu viết bài chí”(3) mà Nguyễn Văn Siêu thì chỉ là một người học trò của Phạm Quí Thích, mất sau Phạm Quí Thích khoảng gần 50 năm. Khoảng thời gian gần 1/2 thế kỉ đó và việc sao đi chép lại có còn bảo đảm được tính chân xác 100% của cái tên đang tìm không?

Do vậy, trong thời gian qua, chúng tôi đã vào thư viện Viện Hán Nôm rà soát lại tất cả các tác phẩm của Phạm Quí Thích. Và may mắn sao, ngoài bản kí hiệu A.2140 nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi đã phát hiện, chúng tôi còn tìm được bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm trong một bản nữa, bản Lập trai Phạm Tiên sinh thi tập, kí hiệu A.400. Bản này được Thư mục đề yếu giới thiệu là “Phạm Lập Trai soạn. Ngô Duy Viên sơ duyệt. Bùi Tồn Am phủ chính (biên tập)”(4). Cả ba vị họ Phạm, họ Ngô, họ Bùi đều là những bậc đại khoa cuối triều Lê. Phạm Quí Thích (1759-1825) và Bùi Tồn Am (1744-1818) lại là hai danh sĩ đồng thời, đều nổi tiếng về văn học. Vậy rõ ràng bản A.400 là một bản được biên soạn ngay khi tác giả còn sống.

Chuyện cái tên của bài thơ đến nay có thể nói là không còn gì để nghi ngờ nữa. Còn hai chữ Đề từ, theo chúng tôi, có thể tạm giải thích lai lịch như sau: về mặt ngôn ngữ, từ động từ soạn chuyển sang động từ đề và chuyển sang nghĩa tựa. Rồi từ động từ đề đẻ ra danh từ Đề từ, đó là chuyện có thể hiểu được. Còn về mặt tâm lí đối với người mua sách thì hai chữ đề từ có phần oai hơn hai chữ thi vân (thơ rằng). Về tâm lí những người buôn sách, PGS.TS. Đào Thái Tôn đã phân tích, chúng tôi tự thấy không có gì phải bàn thêm(5).
 
L

liknight_kamihame

2. Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm và ý nghĩa của bài thơ đối với vấn đề xác định thời điểm sáng tác Truyện Kiều

2.1. Trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Thuỵ Khuê về vấn đề nghiên cứu Kiều của cố học giả Hoàng Xuân Hãn, có đoạn Cụ nhắc tới một tập thơ của Phạm Quí Thích trong đó có bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường...” và mối quan hệ của nó với việc xác định thời điểm sáng tác Truyện Kiều: “Cụ Phạm Quí Thích, người đề thơ đầu tiên về Kiều, còn để lại nhiều tập thơ. Có một tập cụ kể chuyện đi từ Bắc vào Huế, vì vua Gia Long mời cụ ra làm quan. Lần đầu vào Huế, cụ làm thơ vịnh những xứ sở đã đi qua.

Khi cụ tới Quảng Trị, chỗ gọi là Liên Hồ (Hồ Sen), cách độ một ngày thì tới Huế, cụ làm một bài thơ gọi là Đề từ Quyển Kiều, Đoạn trường tân thanh đấy: “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường!”. Do đấy thì biết rằng cụ có bản Nôm Kiều ở trong tay năm ấy, tôi nhớ đầu đời Gia Long, năm 1805-1806 quãng ấy. Rồi cụ mang đi đường để đọc, từ ngoài Bắc vào Huế (...). Cụ nằm trong cáng đọc quyển Kiều, chắc đến Quảng Trị đọc xong, cụ làm bài thơ Đề từ quyển Kiều ấy. Cho nên mình biết rằng quyển Kiều có trước đời ấy khá lâu, trước khi cụ Nguyễn Du đi sứ về. Những cớ ấy là chứng chắc chắn quyển Kiều làm từ trước”(6).

Tuy học giả Hoàng Xuân Hãn không nói rõ tập thơ của Phạm Quí Thích mà Cụ nhắc tới là tập nào, và do trả lời phỏng vấn theo trí nhớ nên theo chúng tôi, có thể Cụ có đôi chút nhầm lẫn(7) nhưng đoạn nói chuyện kể trên đã gợi ra một hướng đi quan trọng. Đó là cần tìm hiểu xuất xứ bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường...” (Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm) vì dựa vào hoàn cảnh cũng như thời điểm sáng tác của bài thơ có khả năng sẽ chứng minh được Nguyễn Du đã sáng tác Truyện Kiều trước khi đi sứ Trung Quốc về.

2.2. Dựa vào việc học giả Vũ Thế Khôi phát hiện bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm trong Lập Trai Tiên sinh di thi tục tập (kí hiệu A.2140) và đặc biệt là việc tái phát hiện bài thơ này trong Lập Trai Phạm tiên sinh thi tập (kí hiệu A.400, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm), một tập thơ đã được biên soạn ngay khi Phạm Quí Thích còn sống, theo chúng tôi, có thể cho rằng, bài thơ được sáng tác trong dịp Phạm Quí Thích vào Nam năm 1811 vì:

a) Bộ Thư mục đề yếu đã nói rõ bản A.400 gồm “66 bài thơ của Phạm Quí Thích làm trong dịp vào Nam: đề vịnh, cảm tác, tặng đáp bạn bè”(8). Đọc nội dung các bài thơ, chúng tôi cũng thấy, toàn bộ tập thơ là những bài được sắp xếp theo trình tự một cuộc hành trình từ Bắc vào Huế, từ bài 1 (Sơn giao) tả cảnh “xuất đô thành” đến các bài: Bài 4: Quá Tam Điệp sơn; Bài 5: Quá Sùng Sơn; Bài 8: An Dương Vương miếu; Bài 10: Quá Hoành Sơn; Bài 11: Linh Giang (Sông Gianh); Bài 12: Quá Linh giang; Bài 14: Quá Lí Hòa. (Để tiện cho việc miêu tả, chúng tôi tự đánh số các bài thơ theo thứ tự trình bày trong tập Lập Trai Phạm tiên sinh thi tập (kí hiệu A.400, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Tam Điệp, Sùng Sơn là các địa danh ở Thanh Hóa, miếu An Dương Vương là một địa danh ở Nghệ An, Hoành Sơn là ngọn núi phân giới Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay, Linh Giang và Lí Hòa là các địa danh ở Quảng Bình. Địa danh Liên Hồ (hồ sen) mà học giả Hoàng Xuân Hãn nhắc tới, chúng tôi hiện chưa tìm được trong tập thơ. Nhưng trong hai bài thơ liền ngay sau bài Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm, bài 26 và 28 (hai bài này trong tập A.2140 được chép liền nhau) có nhắc tới cảnh hồ nước với các hình ảnh “xuân thủy lục”, “ngư ông” (bài 26) và cảnh ngắm hoa sen (bài 28: Quan hà hữu cảm). Có thể đây chính là những cảnh có liên quan đến địa danh Liên Hồ mà học giả Hoàng Xuân Hãn nhắc tới?).

Bài Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm là bài thứ 25 trong tập, sau bài Quá Linh Giang (bài 12) và hai bài nhắc tới địa danh Lí Hòa ở Quảng Bình (bài 13, 14) nhưng trước bài tả cảnh đi qua Văn Miếu, chúng tôi ngờ là Văn Miếu ở Huế (bài 32) và các bài nói đến chuyện tác giả làm thơ xướng hoạ với các quan trong triều (bài 38, 39, 40). Vậy nếu căn cứ vào trình tự các bài trong tập thơ thì bài Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm phải được sáng tác trên đường Phạm Quí Thích vào Huế.

b) Theo Đại Nam thực lục chính biên, Phạm Quí Thích chỉ vào Huế một lần vào năm 1811. Năm 1812 thì vua cho phép ông giải chức vì ông bị ốm(9).

2.3. Nếu bài thơ Thính đoạn trường tân thanh hữu cảm đã được sáng tác vào năm 1811 thì rõ ràng Truyện Kiều phải được sáng tác trước đó. Cùng với những nguồn tư liệu được công bố gần đây về việc Nguyễn Lượng, một người đã có những dòng bình Kiều, mất vào năm 1807(10); Mai đình mộng kí hoàn thành vào năm 1809, dưới ít nhiều ảnh hưởng của Truyện Kiều(11)... chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần gạt bỏ giả thuyết Truyện Kiều được sáng tác sau khi Nguyễn Du đi sứ về (1813-1814) để nghĩ tới một thời điểm sáng tác sớm hơn./.
 
Top Bottom