Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
TÔN TẪN, BÀNG QUYÊN ĐẤU TRÍ
Ngụy Huệ Vương học theo Tần Hiếu Công, muốn tìm nhân tài như Thương Ưởng. Ông ta bỏ ra nhiều tiền bạc để chiêu mộ hào kiệt trong thiên hạ. Lúc đó có người trong nước tên là Bàng Quyên đến xin gặp, trình bày kế sách làm nước giàu, binh mạnh. Ngụy Huệ Vương rất hài lòng, liền phong Bàng Quyên làm đại tướng.
Bàng Quyên đúng là tướng tài, ngày ngày thao luyện binh mã, trước hết đánh mấy nước nhỏ giành hết thắng lợi sau đó lại đánh bại cả nước Tề. Đến lúc đó, Ngụy Huệ Vương càng tín nhiệm Bàng Quyên.
Bàng Quyên tự cho mình là người tài giỏi nhưng ông biết rằng bạn học của mình là Tôn Tẫn, người nước Tề còn giỏi hơn mình. Theo truyền thuyết thì Tôn Tẫn là dòng dõi của Tôn Vũ nước Ngô khi trước, chỉ riêng Tẫn nắm được “Binh pháp Tôn Tử” do tổ tiên truyền lại.
Ngụy Huệ Vương cũng nghe danh tiếng của Tôn Tẫn nên có lần nói với Bàng Quyên về Tôn Tẫn. Bàng Quyên cử người mời Tôn Tẫn tới cộng sự với mình cùng phục vụ nước Ngụy. Ngờ đâu Bàng Quyên nuôi ý xấu, ngầm gièm pha với Ngụy Huệ Vương là Tôn Tẫn tư thông với Tề nên Huệ Vương nổi giận đưa Tôn Tẫn ra xử tội, thích chữ vào mặt và tháo hai xương bánh chè của Tôn Tẫn.
Có một sứ thần nước Tề sang thăm Ngụy ngầm cứu được Tôn Tẫn đem về Tề.
Đại tướng nước Tề là Điền Kỵ nghe nói Tôn Tẫn là một tướng tài liền tiến cử với Tề Uy Vương, Uy Vương cũng đang cải cách để làm cho đất nước giàu mạnh. Sau khi đàm luận về binh pháp với Tôn Tẫn, ông cảm thấy rất hứng thú và lấy làm tiếc là không được gặp Tẫn sớm hơn.
Năm 354 trước Công nguyên, Ngụy Huệ Vương phái Bàng Quyên tiến đánh nước Triệu, bao vây quốc đô Hàm Đan của Triệu. Năm sau, Triệu cầu cứu với Tề, Tề Uy Vương muốn phong Tôn Tẫn làm đại tướng để đem quân cứu Triệu nhưng Tẫn từ chối: “Tôi là người đã tàn phế vì hình phạt, nếu làm đại tướng thì chỉ khiến người khác chê cười, đại vương nên cử Điền Đại Phu (tức Điền Kỵ) làm đại tướng.
Tề Uy Vương liền cử Điền Kỵ làm đại tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, mang quân đi cứu Triệu, Tôn Tẫn ngồi trong cỗ xe được che kín để bày mưu giúp Điền Kỵ.
Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ: “Hiện nay Ngụy đã mang hết quân tinh nhuệ đi đánh Triệu, trong nước chỉ còn lại binh lính già yếu, hết sức trống rỗng. Tốt nhất là ta đem quân đánh vào đô thành Đại Lương của Ngụy, Bàng Quyên nghe tin, nhất định sẽ phải bỏ Hàm Đan để về cứu viện. Ta sẽ chờ ở giữa đường đánh một trận thì nhất định sẽ giành thắng lợi”.
Điền Kỵ làm theo kế đó, quân của Bàng Quyên vừa hạ được Hàm Đan bỗng nghe tin Tề đánh Đại Lương liền vội vã đem quân về. Vừa đến Quế Lăng (nay ở Tây bắc Trường Đản, Hà Nam) thì gặp quân Tề, hai bên giao chiến và Bàng Quyên đại bại.
Quân Tề đắc thắng kéo về, thành Hàm Đan được cứu thoát. Lịch sử gọi mưu mẹo đó của Tôn Tẫn là “Vây Ngụy cứu Triệu”
Năm 341 trước Công nguyên, nước Ngụy lại phái quân đánh nước Hàn, Hàn lại cầu cứu Tề. Lúc đó, Tề Uy Vương đã mất, con là Tề Tuyên Vương phái Điền Kỵ, Tôn Tẫn đem quân cứu Hàn, Tôn Tẫn lại dùng phương pháp cũ, không đi cứu Hàn mà trực tiếp đánh vào nước Ngụy.
Bàng Quyên được tin cấp báo từ trong nước, đành phải rút quân về, lúc đó quân Tề đã vào đến đất Ngụy.
Nước Ngụy dùng số lớn quân do thái tử Thân chỉ huy chống lại quân Tề. Lúc đó, quân Tề bắt đầu rút lui; Bàng Quyên quan sát khu vực doanh trại của quân Tề, thấy rất rộng lớn. Ông sai đếm số bếp của quân Tề, thấy có tới mười vạn cái thì rất hoảng sợ.
Hôm sau, Bàng Quyên đuổi theo tới vị trí đóng quân thứ hai của quân Tề, sai đếm số bếp thì chỉ còn năm vạn cái. Ngày thứ ba, Bàng Quyên lại đuổi tới vị trí doanh trại vừa rút bỏ của quân Tề; đếm số bếp thì chỉ thấy còn lại hơn hai vạn cái. Bàng Quyên yên tâm, cười nói: “Ta đã biết quân Tề đều là kẻ nhát gan, mang mười vạn quân sang Ngụy, mới có ba ngày đã trốn chạy hai phần ba”. Ông thúc giục quân Ngụy đuổi theo quân Tề suốt ngày đêm.
Đuổi tới Mã Lăng (nay ở Đông Nam huyện Đại Danh thuộc tỉnh Hà Bắc) thì trời vừa tối. Đường xá ở Mã Lăng rất chật hẹp, hai bên đường đều là chướng ngại vật. Bàng Quyên nôn nóng muốn đuổi kịp ngay quân Tề, liền thúc giục quân Ngụy đi gấp trong đêm; bỗng quân lính phía trên báo về: ‘’Đường xá đều bị cây cối ngăn chặn cả”.
Bàng Quyên lên xem, quả thấy cây cối đều bị chặt ngả, chỉ còn lại một cây lớn không bị chặt. Xem xét kỹ thấy vỏ cây đã bị lột bỏ, bên trong lờ mờ thấy hàng chữ nhưng vì trời tối không đọc rõ.
Bàng Quyên bảo binh lính đốt đuốc lên soi thì thấy hàng chữ đó là: “Bàng Quyên sẽ chết dưới gốc cây này”.
Bàng Quyên hoảng sợ liền ra lệnh lui quân nhưng đã muộn, xung quanh tên bắn như mưa làm quân Ngụy chết ngổn ngang; bốn phía bỗng vang lên tiếng hô giết, quân Tề ào ạt xông tới.
Thì ra Tôn Tẫn lập mưu, cố ý mỗi ngày giảm số bếp nấu cơm để đánh lừa khiến Bang Quyên tưởng nhầm rằng quân Tề ngày càng giảm nên chủ quan dẫn quân đuổi theo. Tôn Tẫn tính toán biết vào thời gian đó Bàng Quyên sẽ đến Mã Lăng nên mai phục sẵn quân cung nỏ, dặn dò quân sỹ khi thấy có ánh lửa thì cùng bắn xuống; Bàng Quyên hết đường chạy đành rút kiếm tự sát.
Quân Tề thừa thắng đánh tan quân Ngụy, bắt thái tử Thân của Ngụy làm tù binh.
Từ đó về sau, tiếng tăm của Tôn Tẫn truyền ra khắp các nước chư hầu. Tác phẩm “Binh pháp Tôn Tẫn” do ông viết ra còn lưu truyền tới ngày nay.