Vui cười TÔI TRƯỢT ĐẠI HỌC

minhngoccc

Học sinh mới
11 Tháng tư 2023
2
0
16
21
Bình Thuận
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Cũng nhờ lần trượt đại học năm đó, tôi đã có được bài học: Trong cuộc đời, mọi thứ đều có giá của nó; để sau này, tôi luôn phấn đấu vượt qua hoàn cảnh

Có lẽ, ai đã từng trải qua kỳ thi đại học đều không thể dễ dàng quên được những ngày tháng cuối cùng của tuổi học trò đáng nhớ ấy. Với tôi, lại càng không thể quên, vì tôi đã nếm trải đầy đủ mùi vị của sự cố gắng, lòng quyết tâm, sự lo lắng hồi hộp và nỗi buồn, thất vọng khi trượt đại học.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền đất đồng chiêm trũng. Quê tôi, bà con sống bằng nghề làm ruộng. Từ bé, tôi đã hết sức thấm thía cuộc sống khó khăn và vất vả của nhà nông. Chiến tranh gian khổ, ác liệt "tất cả cho tiền tuyến", khí thế cách mạng được lan truyền trong các tầng lớp nhân dân, nên dù có vất vả đến đâu thì muôn người vẫn thấy vui, tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lớn lên một chút, đã ý thức được việc phải cố gắng học hành để sau này thoát khỏi cuộc sống khó khăn, để trở thành người có ích cho đời, cho xã hội. Cha tôi là một nông dân chính hiệu, ông thường căn dặn chúng tôi rằng: "Dù có khổ đến đâu thì cũng cố gắng mà học cho có cái chữ để sau này sống cho bớt khổ". Lời nói của cha như là kim chỉ nam trong tâm trí của tôi, thôi thúc tôi phải cố gắng học tập hơn nữa để sau này có tương lai tươi sáng hơn những người nông dân ở chốn quê lúc bấy giờ.
Minh họa: Hoàng Đặng

Vào cấp ba, tôi ấp ủ ước mơ thi đỗ đại học. Tôi nuôi ước mơ ấy bằng sự nỗ lực, lòng quyết tâm, niềm mê say, hứng thú; với tâm niệm mình sẽ đỗ vào một trường đại học như mong muốn. Nhưng mong muốn và quyết tâm đôi khi không thắng nỗi hoàn cảnh. Cha mẹ tôi rất quan tâm, muốn tạo điều kiện, dành nhiều thời gian cho tôi học hành. Tuy nhiên, làng tôi ngày đó nhà ai cũng nghèo, biết sự học là rất quan trọng nhưng không dễ dàng thực hiện. Cả nhà tôi, cha mẹ và anh chị suốt ngày dài tận canh khuya "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cũng khó lo đủ cho tám miệng ăn. Tôi đi học, sáng nhịn đói, trường cách nhà hơn ba cây số, gần một giờ chiều mới đi bộ về qua cánh đồng dân làng cấy gặt. Mẹ dặn với tôi: "Con về ăn cơm xong ra phụ mẹ!". Về đến nhà, mệt mỏi nhưng phải ráng ăn lưng cơm độn với rau mắm rồi vội vã ra đồng lao động hết mùa này sang mùa khác. Tối về ăn uống xong cũng đã gần khuya, ngồi vào bàn học, vừa mệt mỏi vừa nghe tiếng đập lúa từ sân vọng vào, tôi không thể yên lòng. Lại ra sân phụ mẹ, giúp cha. Đôi lúc cha bảo: "Để cha làm, con vào học đi!", nhưng thương cha, tôi không nỡ. Lại thêm vào nữa là tài liệu học tập thì thiếu thốn, mùa hạ nóng như đổ lửa, mùa đông rét cắt da thịt… Cuối cùng, ý chí, nghị lực của tôi không vượt qua thực tiễn của chính mình.
Mùa thi đại học đến, tôi dành hết mọi sức lực, trí lực chạy đua với thời gian, tôi gần như thức trắng đêm để nhồi nhét mọi kiến thức vào đầu. Tiếng con gà gáy mỗi buổi sáng không còn là tín hiệu báo thức. Chỉ đến khi mẹ giục giã, tôi mới vội rời bàn. Nhưng những cố gắng ngắn ngủi, ít ỏi ấy không thể bù đắp được lỗ hổng kiến thức của 3 năm qua. Rời phòng thi không tự tin vào chính mình và kết quả đúng như thế. Tôi trượt đại học!...
Tôi buồn, tôi muốn chạy trốn. Tôi ru rú trong nhà không muốn đi đâu, không muốn gặp ai. Cuộc sống thì vẫn phải tiếp tục, tôi được cha mẹ, anh chị động viên. Tôi nghe ra, nỗi buồn trượt đại học cũng qua, lại bước vào cuộc sống như bao bạn bè trượt đại học khác.
Đã bốn mươi mấy năm trôi qua, tôi đi làm, học đại học, học sau đại học, nay đã về hưu với những thành công nhất định. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy mình đã có những lúc thiếu bền bỉ, thiếu nghị lực. Tuy nhiên, cũng nhờ trượt đại học năm đó, tôi đã có được bài học: Trong cuộc đời, mọi thứ đều có giá của nó; để sau này, tôi luôn phấn đấu vượt qua hoàn cảnh.
 
Top Bottom