Nguồn gốc của Quan họ
Cho đến nay, tuy có nhiều công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về Quan họ nhưng chúng ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc của nó. Có rất nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của Quan họ, chúng ta có thể điểm qua các truyền thuyết được nhiều người nhắc đến như sau:
1. Lê Văn Hảo trong Bắc Ninh tỉnh khảo dị (bản chép tay, thư viện Paris) viết:
“Làng Viêm Xá kết nghĩa với làng Hoài Bão. Diêm Xá (1) mở hội thờ thần vào mồng 4 tháng Giêng và mồng 10 tháng Tám. Mỗi lần có hội, Diêm Xá mời một đoàn trai làng Hoài Bão sang. Sau khi tế lễ xong thì tổ chức ca hát. Bên Viêm Xá toàn là nữ, bên Hoài Bão toàn là nam. Trai gái hai làng hát đối đáp với nhau. Dân Viêm Xá quan niệm rằng năm nào làng không cử hành lễ hội như vậy thì trong làng sẽ xảy ra nhiều chuyện bất an, người vật bị ốm, mùa màng thất bát, buôn thua bán lỗ, dân làng cãi cọ nhau, trai gái sinh ra tật hư nết xấu. Vì vậy mà có hát Quan họ”.
2. Nguyễn Duy Kiện trên Việt Báo ngày 21/2/1940 viết:
“Đã lâu lắm từ thời thượng cổ, nhân dân hai làng Lũng Nhai và Tam Sơn giao hảo với nhau rất thân mật. Hễ làng nào có việc quan, hôn, tang, tế… thì báo cho làng kia biết để dân làng kia cử vài người đại biểu, đem đồ lễ sang viếng hoặc mừng nhà hữu sự. Làng Tam Sơn hằng năm cứ tháng Giêng có lễ vào đám thờ cúng thành hoàng, trong làng mở hội, các cụ bên Lũng Nhai lại sang chơi. Sáng ngày 13 tháng Giêng, họp nhau 5-7 cụ ông, 5-7 cụ bà và một số đông nam thanh nữ tú biết hát kéo nhau sang Tam Sơn. Bên Tam Sơn cũng cử một số người ra thù tiếp. Sau khi đã ngồi trên dưới thứ tự tại đình thì bắt đầu hát. Trai bên này hát, gái bên kia đáp, còn các cụ thì ngồi nghe. Từ thuở ban sơ cổ đại, hai làng cứ theo tục này mà di truyền. Đó cũng là nguồn gốc của hát Quan họ”.
3. Trong Dân ca Quan họ Bắc Ninh (Lưu Hữu Phước – Nguyễn Văn Phú – Nguyễn Viêm – Tú Ngọc, Nhà xb Văn Hóa – 1962) có in lại 8 truyền thuyết về nguồn gốc Quan họ của nhóm tác giả Lưu Khâm – Nguyễn Đình Tấn – Nguyễn Viêm, một trong những truyền thuyết đó như sau:
“Ông Tập ở Viêm Xá (Võ Giàng) cho biết: Cách nay 12 đời có hai người làm quan thị vệ trong triều, một người quê ở Diềm (2), một người quê ở Bịu (2). Hiện nay ở Diềm còn di tích lăng mộ, ở Bịu không còn. Hồi còn quan hai người có chơi với nhau, đến khi về hưu thì giao ước kết bạn đi lại, nếu ở làng ai có vui như cưới xin, khao lão thì mời cả hai họ về dự. Thời đó nhân dân vẫn có hát Đúm, nhưng từ khi hai họ này kết bạn thì người ta đem những câu hát Đúm vào để ca hát trong những ngày vui đó. Từ đó lưu truyền tục lệ này. Cứ hội Diềm tháng 8, hội Bịu tháng 1, người ta lại tụ họp, ngồi chung quanh một ngọn đèn lớn để ca hát và Quan họ do đó sinh tên (hai họ nhà quan hát với nhau) và từ đấy gọi ‘Quan họ’ thay thế cho hát Đúm”.