TLV số 7

O

obama_pro9x

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

đề bài: phân tích truyện ngắn "chuyện chức phán sự đền tăn viên" của Nguyễn Dữ. Từ đó nêu nên cảm nhận của bản thân em về sự phát triển của thể loại truyện nhắn thời kỳ trung đại
các nhà văn tương lai làm hộ e nhanh nhá.e đang rất cần.thanks all
 
T

tomcangxanh

Người xưa từng răn dạy rằng "cây ngay không sợ chết đứng", "ở hiền thì gặp lành". Những người chính trực, ngay thẳng thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp. Tiếp thu tinh thần ấy, với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, trí tưởng tượng vô cùng phong phú, Nguyễn Dữ đã viết Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Sự xuất hiện của Truyền kì mạn lục cùng với các tập truyện truyền kì khác như Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh)… đã mang đến cho văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam một bước phát triển mới, rất đáng tự hào. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên kể chuyện Ngô Tử Văn đốt đền, qua đó thể hiện những nội dung tư tưởng sâu sắc.

Sự xen lẫn các yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo đã mang đến cho truyện một sức hấp dẫn riêng. Ngô Tử Văn là nhân vật chính của tác phẩm, được tác giả giới thiệu theo cách kể chuyện quen thuộc của văn học trung đại, bao gồm tên tuổi, quê quán và tính cách. Tử Văn là người khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc vẫn khen là một người cương phương. Tính tình cương trực của Tử Văn đã nổi tiếng cả vùng Bắc, và chính tính cách là mấu chốt của câu chuyện. Tử Văn đã dám làm việc mà mọi người đều kính sợ, không ai dám làm, đó là đốt đền. Theo quan niệm của dân gian, đốt đền là một chuyện động trời, là động đến thần thánh. Tử Văn cũng biết đều đó nhưng chàng không sợ. Hành động của Tử Văn xuất phát từ tính cách "vốn ghét sự gian tà". Chàng đốt đền bởi hồn ma tên tướng giặc trong đền đã "hưng yêu tác quái", đã làm hại dân lành. Hành động này của Tử Văn khẳng định tính tình ngay thẳng và quyết tâm trừ gian tà của chàng. Để trừ gian tà, chàng đã dám làm việc động trời như vậy. Hành động của chàng không phải là hành động ngang ngược của một kẻ vô đạo. Tử Văn là người đọc sách thánh hiền nên chàng hiểu rõ việc mình làm, Tử Văn "tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền". Những hành động tiếp theo của Tử Văn đều chứng tỏ chàng là một người ngay thẳng, không chịu khuất phục tà gian. Trước những lời đe doạ của hồn ma tên tướng giặc, Tử Văn "vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên", trước không khí đáng sợ ở âm phủ, trước lời mắng chửi và đe doạ của Diêm vương, Tử Văn vẫn bình tĩnh khẳng định "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian". Tính tình cương trực đã giúp Tử Văn chiến thắng kẻ ác, chàng đã vạch trần được tội ác của hồn ma lưu vong, đã lấy lại được ngôi đền cho Thổ thần, và trở thành một viên quan phán sự ở Minh ti.

Đối lập với sự ngay thẳng của Tử Văn là sự gian trá, xảo quyệt của viên Bách hộ họ Thôi, một tên tướng giặc bại trận phải bỏ thân nơi đất khách. Không nơi nương tựa, không người cúng tế, hồn ma lưu vong của tên tướng giặc đã cướp ngôi đền của Thổ thần lại còn tác oai tác quái, gây hoạ cho dân lành. Hắn còn xảo trá tới mức đút lót, doạ nạt những thần xung quanh. Khi Tử Văn đốt đền, hắn dùng lí lẽ đạo Nho để buộc tội, lấy oai linh quỷ thần để doạ nạt. Tử Văn không sợ thì hắn xuống tận Diêm Vương để cầu cứu. Sự nham hiểm của kẻ xâm lược, bản chất của kẻ cướp nước còn được thể hiện rõ hơn ở hành động và lời buộc tội Tử Văn trước Diêm Vương. Khi có nguy cơ bị vạch mặt thì hắn giở trò lấp liếm. Nếu như Tử Văn là đại diện của chính nghĩa, của lẽ phải, của tinh thần quật cường không chịu khuất phục trước uy quyền dù chàng chỉ là một hàn sĩ áo vải thì viên tướng giặc họ Thôi là điểm hội tụ bản chất xấu xa của kẻ xâm lược. Mặc dù truyện được viết từ thế kỉ XVI, khi văn xuôi tự sự Việt Nam chưa có nhiều thành tựu đáng kể, nhưng nhân vật của truyện đã được xây dựng với những nét tính cách nhất quán và trở thành những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho những loại người khác nhau. Qua hai nhân vật này tác giả đã thể hiện tư tưởng yêu nước sâu sắc : ca ngợi tinh thần yêu chính nghĩa của con người Việt Nam, vạch trần và phê phán bản chất xấu xa của bọn cướp nước. Người chính trực dù chết vẫn chính trực, kẻ tiểu nhân khi về cõi âm vẫn xảo trá đê tiện.

Đặc điểm nổi bật của truyện truyền kì là ẩn đằng sau những yếu tố kì ảo hoang đường, những yếu tố phi hiện thực là cái nhìn, quan điểm, thái độ của nhà văn về hiện thực. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên tuy chủ yếu nói về chuyện thần thánh ma quỷ đầy vẻ hoang đường nhưng lại thể hiện những nội dung hiện thực rất rõ ràng. Nội dung hiện thực được thể hiện ở lai lịch của nhân vật, bối cảnh thời gian và không gian của câu chuyện. Chính những yếu tố này làm tăng sức thuyết phục cho câu chuyện, khiến cho câu chuyện đáng tin hơn. Ngô Tử Văn có tên tuổi, quê quán rõ ràng. Thời gian, tình tiết câu chuyện cũng rất cụ thể, "Năm Giáp Ngọ, có người ở thành Đông Quan…" đã trông thấy Tử Văn ngồi trên xe quan phán sự và "đến nay con cháu Tử Văn hãy còn, người ta truyền rằng đó là "nhà quan phán sự"". Lai lịch của viên Thổ quan và tên tướng giặc họ Thôi cũng gắn với những yếu tố thực của lịch sử. Thổ công là người "làm chức Ngự sử đại phu từ đời vua Lí Nam Đế, vì chết về việc cần vương mà được phong ở đây…", còn tên tướng giặc họ Thôi là "viên tướng bại trận của Bắc triều, cái hồn bơ vơ ở Nam quốc", là viên bộ tướng của Mộc Thạnh…

Sử dụng xen kẽ các yếu tố hiện thực và các yếu tố hư cấu một cách tự nhiên với giọng kể khách quan đã tạo nên sức hấp dẫn rất riêng của truyện truyền kì, đồng thời làm toát lên giá trị hiện thực của tác phẩm.

Nguyễn Dữ viết Truyền kì mạn lục vào khoảng thế kỉ XVI, thời điểm không mấy sáng sủa của hiện thực Việt Nam. Nhà Lê suy tàn, chính quyền rơi vào tay nhà Mạc nhưng cũng chẳng được bao lâu, nội chiến liên miên, xã hội xảy ra rất nhiều vấn đề. Và bóng dáng của xã hội ấy đã được thể hiện trong một số lời đối thoại của nhân vật. Đoạn đối thoại giữa viên Thổ công với Tử Văn : "sao ngài không kiện… lại đi khinh bỏ chức vị, làm một người áo vải nhà quê ?". Thế kỉ XVI, đã có rất nhiều người có tài, có nhân cách, bất lực trước hiện thực mà chọn cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã, trong đó có Nguyễn Dữ. Câu trả lời của viên Thổ quan không phải không có yếu tố hiện thực. "Trần sao âm vậy", cõi âm trong tác phẩm là cõi dương thời ấy : "Rễ ác mọc lan, khó lòng lay động. Tôi đã định thưa kiện, nhưng mà có nhiều nỗi ngăn trở : Những đền miếu gần quanh, vì tham của đút, đều bênh vực cho nó cả…". Chỉ một chi tiết nhỏ, tác giả đã phê phán được thói đời, những kẻ có chức, có quyền cấu kết với nhau để hại dân lành, người hiền. Lời nói của Diêm Vương cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa vạch trần sự dối trá của những kẻ cầm cân nảy mực, vừa thể hiện thái độ đối với giặc xâm lược : "Lũ các ngươi chia toà sở, giữ chức sự, cầm lệnh chí công, làm phép chí công, thưởng thì xứng đáng mà không thiên vị, phạt thì đích xác mà không nghiệt ngã, vậy mà còn có sự dối trá càn bậy như thế ; huống chi về đời nhà Hán, nhà Đường buôn quan bán ngục, thì những mối tệ còn nói sao xiết được !". Những chi tiết nhỏ tưởng như vô tình đan cài vào câu chuyện nhưng lại chứa đựng giá trị hiện thực rất quan trọng. Đó chính là sự khéo léo và công phu của người kể chuyện. Sức hấp dẫn của câu chuyện còn được thể hiện ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện đầy kịch tính. Những tình tiết của truyện được dẫn dắt khéo léo và tạo nên nhiều bất ngờ thú vị. Nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ đối thoại, phát triển tình tiết… đều thể hiện một trình độ kể chuyện rất hiện đại, khéo léo, vượt xa trình độ văn xuôi trung đại.

Chủ đề nổi bật của truyện vẫn là ca ngợi sự chính trực ngay thẳng. Ngô Tử Văn là tấm gương tiêu biểu cho những người trí thức nước Việt khảng khái, cương trực, dũng cảm chống lại cái ác để trừ hại cho dân. Sự chiến thắng của Tử Văn là sự chiến thắng của lẽ phải, của công lí, thể hiện niềm tin của nhân dân lao động vào lẽ phải. Ngô Tử Văn tuy không được sống lâu nhưng đã bất tử cùng với câu chuyện, đã để lại tiếng thơm muôn đời và trở thành quan phán sự ngự ở đền Tản Viên. Chủ đề ấy còn được thể hiện rõ ở lời bình cuối truyện. Người kể chuyện muốn khẳng định rằng, người chính trực như Ngô Tử Văn mới xứng đáng là người cầm cân nảy mực. Đó cũng là ước muốn chung của nhân dân trong thời buổi xã hội đầy những chuyện ngang tai trái mắt. Bên cạnh đó, tác phẩm còn chĩa mũi nhọn phê phán vào bọn xâm lược và vạch trần mặt trái của xã hội.

Giá trị của Truyền kì mạn lục là ở nội dung hiện thực sâu sắc và cảm hứng ca ngợi những giá trị đạo đức truyền thống. Những con người có bản tính tốt đẹp như Vũ Thị Thiết, như Ngô Tử Văn đều được trở về sống ở thế giới thần thánh, họ đã được thưởng xứng đáng cho phẩm cách tốt đẹp của mình. Tập truyện đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt của nhân dân lao động xưa, niềm tin vào chân lí bất diệt của sự sống "ở hiền gặp lành".

 
T

tomcangxanh

Có thể nói, chất truyền kỳ, chích quái là một trong những đặc điểm độc đáo của văn học trung đại vùng Viễn Đông mà trong đó truyền kì mạn lục là đỉnh cao thể loại, bao gồm cả truyện ngắn CCPSĐTV . Ở Việt Nam, loại truyện mang tính chất trên có sự phát triển khá đặc biệt và theo những quy luật riêng. Chất truyền kỳ trong tác phẩm cũng có độ đậm nhạt khác nhau ở những thời kỳ phát triển khác nhau của văn học cho đến tận cuối thế kỷ XIX và những năm đầu của thế kỷ XX.

1. Truyện truyền kỳ là thể loại văn xuôi độc đáo của văn học vùng Viễn Đông. Trong đó yếu tố kỳ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu của mỗi tác phẩm và trong toàn bộ sự phát triển của thể loại. Một trong những nguồn gốc quan trọng của truyền kỳ là văn học dân gian và văn xuôi lịch sử nhưng truyền kỳ cũng tách khỏi truyền thuyết, truyện cổ tích và văn xuôi lịch sử bằng những đặc điểm thể loại của mình, qua ngôn ngữ, bút pháp, kết cấu và đặc biệt là khả năng mô tả đời sống nội tâm nhân vật. Tất cả được phản ánh thông qua quan điểm nghệ thuật sáng tạo của nhà văn.

2. Để thấy được vai trò quan trọng của Truyền kỳ mạn lục trong sự phát triển của thể loại truyện truyền kỳ, chúng tôi đã cố gắng trình bày lịch sử phát triển trong truyện ngắn Việt Nam trung đại để qua đó có thể, trong một mức độ nào đó, thấy được bức tranh toàn cảnh của thể loại truyện ngắn Việt Nam qua các giai đoạn phát triển. Ở Việt Nam truyện ngắn xuất hiện từ thế kỷ XIII qua những tư liệu chúng ta đã có. Những điều kiện lịch sử xã hội và văn học của giai đoạn này cũng như những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học Trung Quốc đã thúc đẩy sự xuất hiện của thể loại này ở Việt Nam. Trong thời kỳ ban đầu truyện ngắn mang nặng tính chức năng, yếu tố nghệ thuật còn ít, nhà văn nhiều khi viết truyện với tư cách của một nhà sử học.

Tác phẩm ngoài giá trị văn học còn có chức năng tôn giáo và hành chính, ảnh hưởng của văn học dân gian và văn xuôi lịch sử còn hết sức nặng nề. Nhà văn đóng vai trò người sưu tập và hiệu đính các tập truyện và các nhân vật trong các truyện được xây dựng với bút pháp của sử ký và thần thoại. Nhân vật trong các truyện chủ yếu là những nhân vật lịch sử có thật và những nhân vật thần thoại và nửa thần thoại. Đó là giai đoạn ban đầu khi nhà văn bắt đầu có những sáng tạo nhất định trong quá trình sáng tác nhưng có thể nói sự sáng tạo độc lập còn yếu.

Thánh Tông với Thánh Tông di thảo và đặc biệt Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục đã làm những bước tiến vượt bậc trong sự phát triển thể loại và trong một chừng mực nhất định đã vượt ra khỏi khuôn khổ của giai đoạn trước. Nguyễn Dữ đã xuất hiện với tư cách của một người sáng tạo độc lập, có khả năng hư cấu cốt truyện và tạo ra những nhân vật của riêng mình. Có thể nói Truyền kỳ mạn lục đã thoát khỏi những ảnh hưởng thụ động của văn học dân gian và văn xuôi lịch sử cũng như văn học nước ngoài. Ở đây chúng ta có thể thấy sự tác động qua lại lẫn nhau giữa hai truyền thống. Đó là sự phát huy tiếp tục những thành tựu của truyện ngắn dân tộc mà Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp và Thánh Tông đã tạo lập cũng như những thành tựu của văn học dân gian.

Mặt khác Nguyễn Dữ cũng đã kế thừa một cách sáng tạo những đỉnh cao của truyện ngắn truyền kỳ khu vực đặc biệt là của văn học Trung Quốc. Chính vì vậy ở một mức độ nào đó có thể nói rằng thành tựu ở đỉnh cao của Truyền kỳ mạn lục không chỉ có giá trị giới hạn trong văn học Việt Nam mà còn là một trong những thành tựu của văn học Viễn Đông, trong những nước ảnh hưởng văn học và ngôn ngữ Hán.

Mặc dù được viết bằng bút pháp truyền kỳ nhưng người đọc Truyền kỳ mạn lục vẫn cảm nhận được quá khứ lớn lao của dân tộc khi tiếp cận những câu chuyện mang tính truyền kỳ này. Ở đây những câu chuyện đậm chất kỳ mặc dù mang cốt cách riêng nhưng không làm mất sự gắn bó với đời sống hiện thực. Nguyễn Dữ tạo cho thể loại truyện truyền kỳ một sự ghi chép đơn giản đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật độc đáo đem lại sự hấp dẫn kỳ lạ và sự sáng tạo lớn lao cho thể loại văn học này.

Nguyễn Dữ đã kết hợp được trong mình các giá trị văn hóa, văn học, các yếu tố nội dung hình thức bằng năng lực của một nhà văn "bậc đại gia". Ông đã tiếp thu được tinh hoa văn học từ nhiều khu vực, của nhiều dân tộc, với bộ phận văn học dân gian phong phú, của khu vực văn hóa Đông Nam Á và Ấn Độ thời trung đại, đặc biệt là văn học và thể loại truyện ngắn truyền kỳ Trung Quốc cùng với truyền thống truyện ngắn đã hình thành từ thế kỷ XIII-XIV của Việt Nam. Xuất thân là một nhà nho nhưng Nguyễn Dữ đã thể hiện tinh thần tự do tư tưởng phần nào vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của văn học chính thống, hồn nhiên hòa nhập với những trào lưu khác đang nẩy nở và đầy biến động trong xã hội. Đối với thời cuộc và vương triều phong kiến, Nguyễn Dữ sống ẩn mình nhưng trong văn chương ông lại thể hiện mình là người năng động sáng tạo. Tác phẩm của Nguyễn Dữ có cả "hai xu hướng dân chủ hóa và thẩm mỹ hóa, vừa phổ cập vừa nâng cao", ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng dân chủ, tự do, phóng khoáng của Đạo giáo. Hai mặt đối lập này chỉ có thể thống nhất được nhờ những tài năng lớn.

3. Truyền kỳ mạn lục tạo ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa thể loại truyện ngắn với văn học dân gian và văn xuôi lịch sử, cũng như đã mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển ý thức nghệ thuật của nhà văn. Tác phẩm đã thể hiện sự chuyển tiếp giao thoa giữa nhiều vấn đề khác nhau trong sự phát triển của truyện ngắn trung đại: giữa truyền thống văn học dân gian và khả năng sáng tạo độc lập của nhà văn, giữa thói quen ảnh hưởng một cách thụ động của văn học dân gian và quá trình dần dần thoát khỏi ảnh hưởng đó. Đó cũng chính là quá trình quá độ khi truyện ngắn trung đại thoát khỏi ảnh hưởng lớn lao của văn xuôi lịch sử và văn học dân gian tự sự để làm bước chuyển sang văn xuôi mang tính nghệ thuật cao và mang tính sáng tạo cá thể của nhà văn.

Ở đây diễn ra quá trình biến đổi về chất trong quan hệ giữa truyện ngắn trung đại và văn học dân gian. Truyện ngắn một mặt dần thoát khỏi ảnh hưởng thụ động của văn học dân gian, mặt khác lại tích cực tiếp thu những yếu tố thúc đẩy quá trình nghệ thuật của tác phẩm. Đó là hai quá trình diễn ra song song có tính chất đối nghịch nhau trong Truyền kỳ mạn lục.

Việc sử dụng những tư liệu của văn học dân gian của Nguyễn Dữ so với các tác giả trước đó còn được thể hiện ở trình độ cao hơn khi ông thời sự hóa nguồn tài liệu này và khiến nó gần gũi hơn với con người. Những chi tiết, yếu tố của truyền thuyết, cổ tích mờ nhạt dần và những vấn đề của đời sống hiện thực thay thế dần vị trí của những yếu tố cũ này. Đó chính là quá trình thể hiện sự tiến bộ của truyện ngắn.

Quá trình từ khi nhà văn xuất hiện như một con người tập hợp và hiệu đính những tập truyện đến thời gian mà họ có khả năng tự sáng tạo là một quá trình không đơn giản trong sự hình thành phong cách của nhà văn. Con đường tiến triển từ Lý Tế Xuyên, Trần Thế Pháp, Lê Thánh Tông tới Nguyễn Dữ là một bước tiến lớn lao trong toàn bộ lịch sử truyện ngắn Việt Nam trung đại. Mà nếu ta xem xét một cách kỹ lưỡng sự phát triển của truyện truyền kỳ Việt Nam thì phần nào thấy rõ sự đứt quãng, tính không liên tục trong quá trình phát triển của thể loại này. Điều đó có thể giải thích được nếu gắn Nguyễn Dữ sự phát triển của văn học các nước khu vực Viễn Đông, ở đó có thể thấy rõ những ảnh hưởng sâu sắc của văn học Trung Quốc đặc biệt là Cù Hựu đối với Nguyễn Dữ cũng như những đóng góp trong quá trình phát triển thể loại truyền kỳ của Nguyễn Dữ đối với Việt Nam và khu vực Viễn Đông.

4. Kết cấu của mỗi truyện truyền kỳ dựa cơ bản trên sự thống nhất giữa hai yếu tố kỳ và thực. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển cái kỳ đóng vai trò chủ đạo, yếu tố thực chỉ có vị trí thứ yếu trong tác phẩm. Trong thời kỳ này cái kỳ mang đặc tính hồn nhiên gắn với cái siêu nhiên trong thần thoại. Các nhân vật sống trong không khí kỳ quái đậm đặc. Cái kỳ trong giai đoạn này là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau: tín ngưỡng dân gian, tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo), truyền thuyết, văn xuôi lịch sử cũng như sự vay mượn từ văn học nước ngoài.

Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một bước tiến mới theo khuynh hướng ngày càng mở rộng dần khả năng sáng tạo, mở rộng vai trò ảnh hưởng của yếu tố thực và sự tác động qua lại của nó với yếu tố kỳ đã có sự biến đổi cơ bản. Cái kỳ đã trở thành hạt nhân tự sự, được hư cấu bởi chính tác giả. Cái thực đã trở thành đối tượng và mục tiêu phản ánh của nhà văn và đóng vai trò chủ yếu trong tác phẩm bên cạnh yếu tố kỳ. Điều đó xuất phát từ ý thức và nhu cầu của nhà văn trong việc phản ánh cho được những sự kiện mang tính thời sự.

Nguyễn Dữ đã thành công trong việc đưa hiện thực đời thường vào trong tác phẩm, đưa những con người bình thường (học trò, người phụ nữ, những người nghèo khổ) những nhân vật tưởng như rất xa lạ với văn học giai đoạn trước vào tác phẩm và biến họ thành những nhân vật văn học có đời sống sinh động. Nhân vật trong truyện của Nguyễn Dữ có hành động, có nội tâm phong phú, nó rất gần gũi với hiện thực cuộc sống. Có sự gắn bó mật thiết giữa đời sống và tác phẩm như vậy chính là nhờ Nguyễn Dữ đã kết hợp được nhuần nhuyễn hai yếu tố kỳ và thực. Nguyễn Dữ đã sử dụng yếu tố kỳ so với Lê Thánh Tông ở trình độ cao hơn bởi những vấn đề được ông phản ánh gần gũi với con người hơn. Và cái thần kỳ trong tác phẩm của ông cũng là sự giao thoa của nhiều quan điểm xã hội khác nhau, trong đó Nho giáo tất nhiên đóng vai trò của kẻ phán xét. Ở đây những tư tưởng của Đạo giáo vẫn chiếm một vị trí nổi bật, sâu xa. Nguyễn Dữ cũng tìm thấy phần nào trong tư tưởng và huyền thoại của Đạo giáo một cái gì đó gần gũi với quan điểm sáng tác của mình.

Nhà văn đã tìm thấy trong Đạo giáo lối thoát trong việc giải quyết những bế tắc của xã hội. Các nhân vật của ông đã tìm đến thế giới thần tiên và bức tranh về cái thế giới tưởng tượng đó thể hiện lý tưởng về một xã hội công bằng, nơi cái ác bị trừng trị và cái thiện có cơ hội chiến thắng. Qua đó nhà văn đã phản ánh sự phức tạp trong đời sống hiện thực của thế kỷ XVI, đặc biệt là những mâu thuẫn trong thế giới quan của tầng lớp trí thức nho sĩ. Có thể nói trong giai đoạn này đã hình thành khuynh hướng văn học của những Nho sĩ ẩn dật mà Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn tiêu biểu. Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã thể hiện khả năng phản ánh hiện thực của thể loại. Nguyễn Dữ đã hướng việc phản ánh đến những vấn đề cơ bản trong đời sống xã hội. Các tác phẩm của ông đều giàu ý nghĩa xã hội.

Đời sống các nhân vật cùng nhiều biến đổi trong cuộc đời họ, trong số phận của họ được phản ánh trong truyện ngắn của Nguyễn Dữ đã thúc đẩy sự xuất hiện của những giá trị mang màu sắc thẩm mỹ mới trước đó chưa hề có trong truyện ngắn Việt Nam trung đại và cũng thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam. Lần đầu tiên trong sự phát triển của mình truyện ngắn đã có thể đem lại một bức tranh hiện thực đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc như thế, trong đó đặc biệt nổi bật là những trang viết về người phụ nữ, về những tầng lớp nghèo khổ nhất trong xã hội.

Rõ ràng Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã mở ra những khả năng lớn lao không chỉ cho sự phát triển của văn xuôi Việt Nam trung đại mà còn cho cả sự hình thành và phát triển văn xuôi Việt Nam hiện đại sau này.

 
Top Bottom