Bài ca dao diễn tả nỗi nhớ thương da diết, bồn chồn của một cô gái đang yêu. Trạng thái yêu thương, mong nhớ, giận hờn nhất là trong tình yêu trai gái là những trạng thái tình cảm trừu tượng nhưng con người luôn mong muốn được giãi bày, chia sẻ. Ca dao có rất nhiều cách diễn tả các trạng thái tình cảm phong phú, tinh tế thẳm sâu trong tinh thần con người. Có nỗi nhớ thương được diễn tả trực tiếp: “Tôi thương người ấy nhiều nhiều – Người ấy thương lại bao nhiêu mặc lòng”. Có nỗi nhớ được so sánh trực tiếp bằng sự cụ thể hóa, vật chất hóa các trạng thái tình cảm vốn ở dạng trừu tượng “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi – Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” này lại có nét riêng, độc đáo trong cách diễn tả. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét: “Tôi cho đây là một trong những bài ca dao hay nhất Việt Nam” (tạp chí Văn nghệ, số 1, 1982).
Nét độc đáo của bài ca dao này là lối biểu đạt vừa giản dị, kín đáo vừa tinh tế, sâu sắc. Nghệ thuật nhân hóa, việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ và sự lựa chọn hàng loạt các biểu tượng “khăn, đèn, mắt” đã góp phần diễn tả tâm trạng cô gái đang yêu.
Bài ca dao sử dụng năm lần câu hỏi thì ba lần vang lên điệp khúc hỏi “khăn”, từ “khăn” xuất hiện liên tiếp sáu lần ở vị trí mở đầu dòng thơ. Trong ca dao giao duyên, “khăn” hay được nhắc đến bởi nó là vật thể quen thuộc thường quấn quýt bên người: khi gội đầu, khi chùi nước mắt hoặc là kỉ vật thiêng liêng gợi hình bóng, lưu giữ “hơi hương” của người thương, trai gái trao tặng khăn cho nhau kín đáo gửi gắm lời thề nguyền, ước hẹn:
- Gửi khăn gửi áo gửi lời,
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa.
- Nhớ khi khăn mở trầu trao,
Miệng thì cười nụ biết bao nhiêu tình.
Ở bài ca dao “Khăn thương nhớ ai”, biện pháp nhân hóa quen thuộc được sử dụng tài tình. Nỗi nhớ thương của nhân vật trữ tình được gửi gắm kín đáo qua các vật thể quen thuộc, gần gũi với cuộc sống con người. Lựa chọn biểu tượng “khăn” để gửi gắm nỗi nhớ đã là sự lựa chọn chính xác, song điều đáng chú ý ở đây là sự biểu hiện trạng thái của cái khăn. Khăn không nằm yên một chỗ mà luôn vận động trong các trạng thái đa chiều, đối lập: rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt,… Trạng thái vận động của khăn biểu trưng cho nỗi nhớ thương bồn chồn, khắc khoải, ngồi đứng không yên của nhân vật trữ tình. Nhiều bài ca dao đã diễn tả sinh động nỗi lòng tương tư, sầu muộn của những kẻ đang yêu: “Nhớ ai nhớ mãi thế này – Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”, “Đêm nằm lung chẳng dính giường – Mong cho đến sáng, ra đường gặp em”.
Cô gái hỏi “khăn” rồi hỏi “đèn”. “Đèn” là hình ảnh biểu tượng của thời gian về đêm với sự ngóng đợi, đợi chờ. Nếu “khăn rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt” xô lệch trong không gian đa chiều thì “đèn” biểu trưng cho sự chuyển hóa của thời gian. Nỗi nhớ từ ngày chuyển sang đêm thường được biểu trưng bằng hình ảnh ngọn “đèn” trong ca dao:
- Đèn thương nhớ ai mà đèn chẳng tắt,
Ta thương mình nước mắt nhỏ sa.
- Đêm khuya thắp chút dầu dư,
Tim lan cháy lụn, sầu tư một mình.
- Đêm qua thắp đọi dầu đầy,
Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi.
Và cuối cùng cô gái hỏi “mắt”:
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Nếu những câu hỏi dồn dập trên đây hỏi “khăn”, hỏi “đèn” thể hiện qua biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, thì tâm trạng nhân vật trữ tình đến lúc này được bộc lộ trực tiếp. Dường như cô gái không kìm giữ được tiếng lòng thổn thức của mình nữa mà nỗi nhớ được trào dâng theo sự bộc lộ tự nhiên. Sự lựa chọn hình tượng để biểu đạt tâm trạng thật hợp lí, nhất quán. Từ “khăn” đến “đèn” rồi đến “mắt”. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tác giả dân gian đã dùng phép hoán dụ, lấy “mắt” để chỉ nhân vật trữ tình. “Đèn” không tắt vì thương nhớ, làm sao mà “mắt” có thể ngủ yên khi “khăn”, “đèn” cũng thao thức, khắc khoải, cũng chính là những hình ảnh biểu đạt cụ thể nhất của tình yêu.
Đại từ phiếm chỉ “ai” được sử dụng trong bài ca này rất phù hợp với lối biểu đạt tâm trạng kín đáo của con người. Thể thơ bốn chữ gọn, chắc chuyển tải những câu hỏi dồn dập. Lối gieo vần thiên về thanh trắc “đất”, “vắt”, “mắt”, “tắt” khá độc đáo đan xen với thanh bằng “ai” tạo nên sự đối xứng nhịp nhàng.
Hai câu cuối nói về nỗi lo âu chính đáng của người con gái trong xã hội cũ:
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…
Đến đây ta hiểu vì sao cô gái dằn vặt, nhớ thương, phấp phỏng nhường ấy. Ngoài nỗi nhớ thương, cô còn lo cho tình yêu, cho duyên phận. Một cô gái tinh tế, kín đáo, có tình yêu ngập tràn và sâu sắc thế thì làm sao không lo âu cho duyên phận của mình khi trong xã hội xưa, mỗi lần nghĩ đến thân phận của mình là người phụ nữ lại cất lên tiếng hát than thân ướt đầm nước mắt.
Biện pháp nhân hóa với hệ thống biểu tượng được chọn lọc, cách diễn tả tài tình, giàu sắc thái biểu cảm là những biện pháp nghệ thuật nổi bật của bài ca dao. Thiên nhiên là chất liệu nghệ thuật đắc lực giúp cho sự biểu đạt tình cảm đầy hiệu quả. Năm lần lặp lại năm câu hỏi chỉ thay bằng ba hình tượng khác nhau “khăn”, “đèn”, “mắt” theo sự bộc lộ tình cảm tăng dần. Đại từ phiếm chỉ “ai” quen thuộc giúp cho lối nói ẩn dụ diễn tả được đối tượng cần hướng tới vừa mơ hồ vừa gợi cảm. Chỉ mười dòng thơ, mỗi dòng bốn chữ cùng với cặp lục bát cuối bài, các câu hỏi tu từ dồn dập đã diễn đạt thật tài tình nỗi nhớ thương, bồn chồn, da diết của cô gái.