Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là do đường lối đấu tranh và sách lược đúng đắn của đảng Bolshevik mà lãnh đạo là Lenin, biết lợi dụng sức mạnh quần chúng đang chịu nhiều khổ cực do chiến tranh đế quốc. Ngoài ra, cuộc cách mạng cũng biết lợi dụng hoàn cảnh quốc tế thuận lợi khi các nước đế quốc đang tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, không có điều kiện can thiệp vào nước Nga.
Với những người Cộng sản và các phong trào Giải phóng dân tộc, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản tiến hành, thắng lợi của cuộc cách mạng đã hình thành nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, đưa nước Nga đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra Cách mạng Tháng Mười Nga còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế và ở các nước thuộc địa, mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức[cần dẫn nguồn].
Nhà nghiên cứu văn hóa P.B. Churbanov tuyên bố Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng ấy diễn ra là tất yếu và, trong thời điểm lịch sử đó, không ai ngoài những người Bolshevik có thể giữ vững được chính quyền. Học giả Ia. A. Kesler, tác giả của rất nhiều cuốn sách về đề tài chính trị và lịch sử, cũng đồng tình với ý kiến ấy, rằng Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ là tất yếu, hợp với quy luật phát triển của lịch sử, bởi lẽ, từ thời điểm đó hình thức tồn tại kiểu chế độ Nga hoàng đã lỗi thời, không còn hướng phát triển. Giáo sư tiến sĩ Sử học, chính trị gia B.Ph. Slavin với bài phát biểu có nhan đề đầy hứa hẹn nhiều điều thú vị “Cách mạng: huyền thoại và hiện thực”, đã khẳng định rằng chính biến tháng Mười là đỉnh cao của việc giải quyết các vấn đề xã hội chính trị mà vào giai đoạn đó, chính quyền Nga hoàng mục nát không thể giải quyết được. Cuộc cách mạng này đã đưa nhân dân đến với sự bình đẳng giữa các công dân trong xã hội, sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc.[1].
Tựu trung, trong một loạt những ý kiến ủng hộ và ca ngợi cuộc Cách mạng Tháng Mười, đều vang lên một kết luận dường như là chân lý: “Trong chiến tranh, người chiến thắng là kẻ trong thời điểm lịch sử cụ thể ấy đang nắm giữ chân lý. Và thời điểm năm 1917 xa xưa, Hồng quân đã thắng.”[1].
Trên quan điểm của những người theo chủ nghĩa chống cộng tại Nga, triết gia Ivan Shmelev gọi đấy là “Cuộc tàn sát”, còn Vasilii Rozanov thì gọi nó là Vụ cướp bóc. Một số chính khách Nga thì phát biểu rằng, với tư cách con chiên của Giáo hội Chính Thống giáo Nga, họ coi ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười như một ngày quốc tang.[1].
Năm 1927, trong cuốn sách sách giáo khoa lý luận chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam[2] - “Đường Kách mệnh”, nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969) giới thiệu tính chất và kinh nghiệm những cuộc cách mạng đã diễn ra trong lịch sử thế giới. Đặc biệt, đối với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, ông nêu rõ:
Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự.[3]
Năm mươi năm sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh nhớ lại:[3]
“
Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười.
”
—Hồ Chí Minh
Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, tiến hành vào ngày 12 tháng 1 năm 2008, trung tâm Phân tích Levada đã đưa ra các số liệu: 57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga. 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga. 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Số người cho rằng Cách mạng tháng mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%; những người cho là một tai họa đối với họ là 15%.
Ngày 11 tháng 4 năm 2009, sau 3 năm gián đoạn, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga từ đầu năm 2010. Văn kiện này đã được Đuma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông qua ngày 27 tháng 3 và 1 tháng 4 năm 2009[4].