Tình cảnh lẻ loi

T

thuyhuong10a1

Last edited by a moderator:
B

boy_100

Khắc chờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Trong sự chờ đợi, người chinh phụ thấy một khoảng thời gian ngắn mà dài như cả năm trường, mối sầu trào dâng như biển lớn mênh mang. Những trạng từ "đằng đẵng", "dằng dặc" tạo nên âm điệu buồn thương, ngân xa như tiếng thở dài của người thiếu phụ đăm đắm chờ chồng. Rút cuộc, hình bóng người chinh phụ có xuất hiện trở lại thì trước sau vẫn là nỗi chán chường, buông xuôi, vui gượng "Hương gượng đốt", "Gương gượng soi", "Sắt cầm gượng gảy" mà không sao che đậy nổi một hiện thực bất như ý "hồn đà mê mải", "lệ lại châu chan" và "Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng"...

đoạn thơ tiếp theo (câu 17 - 28) là sự phản ánh nỗi lòng chinh phụ khi nhớ về người chồng. Có điều, nếu hình ảnh người chồng hiện diện như một ý niệm xa mờ thì bản thân nỗi nhớ mong cũng chỉ như một ảo giác. Sự gặp gỡ là điều không thể bởi tin tức mịt mờ, bởi khoảng cách về không gian, về địa danh có tính phiếm chỉ, biểu tượng của miền "non Yên", "đường lên bằng trời", "xa vời khôn thấu"... Các từ "thăm thẳm", "đau đáu", "thiết tha" gợi nhớ gợi thương, day đi dứt lại trong tâm can người chinh phụ. Sắc thái nỗi nhớ tăng tiến, rộng mở từ những suy tưởng dõi theo người chồng nơi phương xa đến sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa, đắng cay nối dài bất tận:

- Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
- Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Giống như tâm sự Thúy Kiều trong Truyện Kiều: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu - Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?", người chinh phụ có lúc thấy cảnh vật vô hồn, thê lương nhưng có khi lại cảm nhận cả khoảng không gian và cảnh vật như đang hối thúc, giục giã, đổi thay, không tìm thấy đâu sự hô ứng, đồng cảm giữa tình người với thiên nhiên:

Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Sương như búa, bổ mòn gốc liễu,
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.

Hình ảnh so sánh "sương như búa", "tuyết dường cưa" là sự cực tả những xao động của thế giới bên ngoài thông qua cách hình dung của chinh phụ, khi nàng bất chợt không còn chịu đựng nổi ngay cả vẻ bình dị đời thường và bột phát thành những ám ảnh dị thường. Đó là những tâm trạng khác biệt nhau cùng tồn tại trong một con người, sự phân thân trong cách cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống. Trong bản chất, chính tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã tạo nên những xung đột tình cảm khác biệt nhau và phổ vào thế giới tự nhiên tất cả những trái ngang, những thất vọng và cả niềm hy vọng mong manh, những giây lát yên tĩnh nhất thời và những cơn bão lòng dường như không thể nguôi khuây.
Bước vào đoạn cuối (câu 29 - 36), người chinh phụ vươn tới không gian thoáng rộng hơn với những hàng hiên, ngọn gió, bóng hoa, ánh trăng nhưng đó cũng chỉ là thiên nhiên lạnh lùng, thiếu hẳn niềm tin và hơi thở ấm áp của sự sống. Cảnh vật như tách khỏi con người và không thấy đâu hoạt động của con người. Tất cả chỉ đơn thuần là cảnh vật và vì thế càng tôn thêm vẻ lạnh lùng, đối lập với tâm tư con người và hình ảnh nhân vật chinh phụ đang khuất lấp, ẩn chìm đâu đó:

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu!

Đoạn trích nói về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cũng như toàn bộ tác phẩm Chinh phụ ngâm là tiếng kêu thương của người phụ nữ chờ chồng, nhớ thương người chồng chinh chiến phương xa. Tình cảnh lẻ loi đó được chiếu ứng trong sự cảm nhận về thời gian đợi chờ đằng đẵng, không gian trống vắng vây bủa bốn bề và cuộc sống hoá thành vô vị, mất hết sinh khí. Trên tất cả là tâm trạng cô đơn và sự ý thức về thảm trạng mất đi niềm tin, đánh mất niềm vui sống và mối liên hệ gắn bó với cuộc đời rộng lớn. Trạng thái tình cảm đó một mặt có ý nghĩa tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận và hệ quả tiếp theo là bao nhiêu số phận chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng, mặt khác xác nhận nhu cầu nói lên tiếng nói tình cảm và sự ý thức về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Không có gì khác hơn, đó chính là khả năng mở rộng diện đề tài, khai thác sâu sắc hơn thế giới tâm hồn con người, xác định nguồn cảm xúc tươi mới và khẳng định những giá trị nhân văn cao cả mà khúc ngâm đã đem lại, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương thế kỷ XVIII trong tiến trình phát triển chung của nền văn học dân tộc.

Nguồn : yahoo
P/s Lâu ko vào ủng hộ lamnun_98 chút.
 
Top Bottom