L
liknight_kamihame
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
Trong Tự lực văn đoàn ngoài ba thành viên Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ, còn lại gồm hai nhóm có quan hệ thân thích họ hàng. Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam là ba anh em ruột. Khái Hưng và Trần Tiêu cũng có quan hệ anh em ruột thịt. Trong các thành viên mỗi người có một vẻ riêng. Trần Tiêu là người ít được báo chí nhắc đến nhưng ông có một sở trường riêng là cây bút có hạng về làng quê Việt Nam. Các tác phẩm chính của Trần Tiêu Con trâu (1940), Chồng con (1941), Sau luỹ tre (1942), Tập truyện ngắn (1942). Trần Tiêu quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) trong một gia đình quan lại. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học Trần Tiêu đi dạy học tư và viết văn. Sáng tác của Trần Tiêu nằm trong khuôn khổ hoạt động văn chương của Tự lực văn đoàn. Sau cách mạng tham gia hoạt động ở Hội đồng nhân dân xã trong một hai năm đầu kháng chiến chống Pháp. Nông thôn Việt Nam vốn là đề tài lớn thu hút sự quan tâm của nhà văn ở nhiều thời kỳ khác nhau. Vẫn còn đó những trang viết về làng quê Nam Bộ của Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình với những đặc điểm riêng của người nông dân Nam Bộ. Bước sang thời kỳ hiện đại những tác phẩm viết về làng quê như Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo của Nam Cao đều rất thành công. Hai nhân vật điển hình về nông dân là chị Dậu (Tắt đèn) và Chí Phèo (Chí Phèo) đều có sức sống với tính khái quát cao và tình riêng sinh động. Trần Tiêu được dư luận chú ý nhiều đến Con trâu, tác phẩm viết về cuộc đời vất vả của người nông dân mơ ước cuộc sống yên bình, đủ ăn đủ mặc. Trần Tiêu không thi vị hoá nông thôn như một số nhà văn lãng mạn của Tự lực văn đoàn, như những trang viết của Hoàng Đạo trong Con đường sáng hoặc nhiều truyện ngắn thơ mộng của Thạch Lam. Trần Tiêu có cái nhìn thực tế của một người sống gần gũi với làng quê. Ông cũng muốn khảo sát về phong tục tập quán của nông thôn, một công việc hứng thú được nhiều nhà văn yêu thích như Ngô Tất Tố, Tô Hoài. Trong bài viết Cha tôi - nhà văn Trần Tiêu, giáo sư Trần Bảng viết: “Cha tôi chỉ viết về quê mình. Những nhân vật trong truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn của ông đều lấy nguyên mẫu ở quê mình mà ông gọi chệch là làng Cầm. Những người ở làng Cổ sống xa quê hương đọc truyện ông đều có thể nhận ra ngay nhân vật mà ông miêu tả dù đã đổi tên là những ai ở trong làng. Ông sống hàng ngày với nhân vật của mình, yêu mến họ. Và không phải chỉ người mà cảnh vật xung quanh cũng trở thành nguồn vui sống của ông”(1). Tuy nhiên phong tục tập quán không tách khỏi các mối quan hệ hiện hành. Giai cấp phong kiến địa chủ, bọn cường hào cũng khai thác phong tục tập quán nhất là các hủ tục để kiếm lời. Người nông dân nghèo nhiều khi là nạn nhân của tục lệ làng. Trần Tiêu trong tác phẩm của mình ít đụng chạm đến những xung đột giai cấp do đó sự khảo sát thăm dò có thể thành công ở nhiều bình diện nhưng không dễ tìm ra cái đáy, mặt bản chất của vấn đề. Tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu được xem là thành công nhất của tác giả là một bức tranh chân thực, tỉ mỉ về làng quê Việt Nam mà nhân vật chính là gia đình bác Chính, người nông dân hiền lành, kiếm sống vất vả. Đời sống lên xuống theo mùa vụ, năm được mùa, năm mất mùa, rồi sưu thuế, tục lệ làm cho gia đình không ngóc đầu lên được. Bác Chính có một mơ ước là tậu một con trâu cái “con trâu là đầu cơ nghiệp” nhưng rồi điều mong ước ấy suốt đời không thực hiện được. Trần Tiêu đã khéo miêu tả một con trâu cái qua cách nhìn của bác Chính “Con trâu nằm gập hai chân trước, một chân sau hơi ruỗi để lộ bộ vú hồng phơn phớt lông tơ trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà triết học, cặp mắt lờ đờ nhìn đâu đâu”(2). Nhưng rồi nó đã nằm trong mơ ước và tâm trí của nhân vật “Từ hôm ấy không mấy chiều là bác không dừng chân đứng ngắm con trâu của cán Thân sau những buổi làm lụng vất vả. Bác mê nó như mê gái. Chiều nào không được gặp nó bác nhớ ngơ ngẩn như người thiếu thốn sự gì. Một con trâu cái. Ngoài vợ con ra nó sẽ là người bạn thân của bác, bao giờ cũng sẽ theo lệnh bác, cùng bác phơi mình dưới mưa rầm, nắng gắt để làm giàu cho bác, để vợ con bác được mát mày mát mặt”(3). Bác Chính lao vào công việc để có thể thực hiện mơ ước của mình. Công việc vất vả, sức lực có hạn và bác Chính đã ngã xuống trên ruộng cày và cuối cùng người nông dân nghèo khổ trước khi nhắm mắt còn lẩm nhẩm “con trâu cái, con trâu cái”...