Dàn ý chi tiết:
1, Mở bài
-Chủ nghĩa nhân văn là một nội dung xuyên suốt của văn học trung đại Việt Nam.
-Tư tưởng nhân văn không chỉ thể hiện ở cảm hứng xót thương đồng cảm với số phận của con người mà còn biểu hiện ở cảm hứng ngợi ca.
-Nằm trong suối nguồn của tư tưởng dân tộc, văn bản “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung) đã ngợi ca vai trò vị trí của con người, đặc biệt là những người tài đối với đất nước.
2, Thân bài
a, Thân Nhân Trung (1418-1499)-tác giả của văn bản “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”- là một trí thức nổi tiếng thời hậu Lê. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1469. Ông nổi tiếng văn chương, được vua Lê Thánh Tông ban chức Tao đàn phó nguyên súy.
b, Văn bản “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” ra đời trong bối cảnh phục hưng văn hóa, phát triển giáo dục, khuyến khích nhân tài ở triều Lê
+Từ năm 1439 trở đi, nhà nước phong kiến triều Lê đặt ra lễ xướng danh, yết bảng, ban mũ áo, cấp ngựa, đãi yến và vinh quy bái tổ cho những người đỗ đạt cao.
+“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” trích trong “Bài kí đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba” do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 thời Hồng Đức.
+Đây là một trong 82 bài văn bia ở Văn Miếu (Hà Nội). Văn bia (văn kí khắc trên bia đá) nhằm ghi chép những sự việc trọng đại hoặc tên tuổi cuộc đời của những người có công đức lớn để lưu truyền cho đời sau.
c, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được viết theo thể văn nghị luận trung đại.
d, Với cách lập luận kiểu diễn dịch bằng cách so sánh và nghệ thuật đối, ngay từ đầu, tác giả đã nêu lên một chân lí hiển nhiên, rõ ràng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
-Hiền tài là những người tài cao học rộng và có đạo đức
-Nguyên khí là khí chất ban đầu làm nên sự sống còn và phát triển của sự vật.
-Như vậy đối với sự sống còn và phát triển của đất nước, dân tộc, người hiền tài đóng vai trò vô cùng quan trọng, quý giá, không thể thiếu.
-Hiền tài có quan hệ chặt chẽ với sự thịnh suy của đất nước:
+ “Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao.”
+ “Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”
→Có thể thấy hiền tài có vai trò quyết định đối với vận mệnh đất nước, quyết định sự thịnh suy, tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc.
e, Bởi “kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế” nên “các đấng thánh đế minh vương” luôn luôn “lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”.
-Các nhà nước phong kiến Việt Nam- các triều đại Lí, Trần, Lê đã thể hiện sự quý trọng hiền tài, khuyến khích hiền tài, đề cao kẻ sĩ, “quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng” :
+ Các vị vua ghi danh, ban chức tước cho người hiền: “đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật”
+Hiền tài còn được khắc tên, bày tiệc mừng “nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long Hổ, bày tiệc Văn hỉ”
+Chẳng những thế, minh quân triều Lê còn cho “dựng đá đề danh” hiền tài “đặt ở cửa Hiền Quan” (Quốc Tử Giám).
→Những việc làm ấy, những chính sách ấy đã thể hiện được sự quan tâm, trân trọng của các thánh đế minh vương đối với người hiền, có tác dụng khuyến khích hiền tài.
g, Đặc biệt là việc dựng đá đề bia khắc tên những người đỗ Tiến sĩ có ý nghĩa vô cùng to lớn:
-Trước tiên, việc làm đó đã khuyến khích được người hiền ra giúp nước, khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ rèn giũa danh tiết gắng sức giúp vua.
-Đồng thời việc làm này cũng có tác dụng ngăn ngừa điều ác, kẻ ác khiến cho ý xấu bị ngăn chặn, lòng thiện tràn đầy; kẻ ác thấy đó làm răn, người thiện xem đó mà cố gắng.
-Đối với đất nước, việc khắc bia Tiến sĩ có tác dụng “dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai”, góp phần làm cho hiền tài nảy nở, đất nước hưng thịnh, phát triển “rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu vừa để củng cố mệnh mạch cho nước nhà
h, Với nghệ thuật lập luận chặt chẽ, sâu sắc; kết cấu logic đầy sức thuyết phục và sự vận dụng linh hoạt các kiểu câu, đặc biệt là câu hỏi tu từ, "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" xứng đáng làm một văn bản nghị luận xuất sắc thời trung đại.
3. Kết bài:
-"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" là một trong những áng văn nghị luận xuất sắc thời trung đại.
-Tác phẩm thể hiện tư tưởng đúng đắn và sáng ngời của thời đại Lê Thánh Tông: coi trọng, tôn vinh hiền tài, khuyến khích phát triển giáo dục.
-Những tư tưởng đúng đắn mới mẻ trong bài đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.