"Sổ tay từ - ngữ lóng tiếng Việt - (Lao Động)
1. Tiếng lóng là một hiện tượng ngôn ngữ học xã hội khá phức tạp và theo chúng tôi, ở nước ta chưa được để tâm nghiên cứu và khai thác một cách thoả đáng. Đến nay, như chúng tôi biết, mới chỉ có cuốn "Tiếng lóng Việt Nam" của tác giả Nguyễn Văn Khang in từ năm 2001.
Nhiều vấn đề lý thuyết chưa được giải quyết và cập nhật, khối lượng khá lớn từ, ngữ lóng chưa được thống kê, xử lý và "giải mã" đầy đủ.
2. Tập sách "Sổ tay từ - ngữ lóng tiếng Việt" này của chúng tôi cố gắng tập hợp thật nhiều những từ, ngữ lóng đã và hiện có trong tiếng Việt. Chúng tôi chưa dám gọi đây là Từ điển trước hết vì những người biên soạn không phải là những nhà ngôn ngữ học nên không giải quyết được vấn đề lý thuyết cơ bản: Tiếng lóng là gì?
Và sở dĩ chúng tôi nói chủ quan là vì chúng tôi không hoàn toàn căn cứ theo những định nghĩa tiếng lóng đã có trong các sách nghiên cứu tiếng Việt; chúng có khá nhiều nhưng cũng chưa hoàn toàn thống nhất và có chỗ không còn hợp với thực tế phát triển của ngôn ngữ hiện đại.
Chẳng hạn, trước đây các nhà ngôn ngữ cho rằng "Tiếng lóng là một thứ tiếng ước lệ có tính chất bí mật, một lối nói kín của bọn nhà nghề dùng để che giấu những ý nghĩ, việc làm của mình cho người khác khỏi biết." (Lưu Vân Lăng) (1), "Nó không phải là công cụ giao tế của xã hội mà chỉ là một số từ với ý nghĩa bí hiểm của một nhóm người với mục đích không cho người khác biết" (Nguyễn Văn Tu) (2), v.v...; nhưng theo chúng tôi, ngày nay tiêu chí "bí mật" không còn là nhất thiết đối với một bộ phận khá lớn tiếng lóng nữa. Hoặc quan niệm tiếng lóng có nghĩa xấu, tập trung chủ yếu vào các nhóm xã hội giang hồ, lưu manh, tù tội, mại dâm, buôn gian bán lận... cũng cần phải được xem lại.
Thực tế tiếng Việt hiện đại cho thấy, tiếng lóng ngày càng mở rộng hơn, được nhiều nhóm xã hội sử dụng hơn, ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhất là đối với giới trẻ đô thị và chúng còn được sử dụng nhiều trong tầng lớp trí thức, doanh nhân...
Hầu như nhóm xã hội nào có cái gì chung về sinh hoạt hay công việc... thì đều có tiếng lóng của riêng mình. Có thể thấy rằng có bao nhiêu nhóm xã hội thì có bấy nhiêu kiểu tiếng lóng khác nhau. Cho nên ở đây, để tiện lợi cho công việc, chúng tôi quan niệm Tiếng lóng là loại ngôn ngữ riêng của một nhóm xã hội nhằm tạo ra sự tách biệt với những người không liên đới; sự tách biệt này có thể là nhằm mục đích giữ bí mật, nhưng cũng có thể chỉ nhằm tạo ra một nét riêng cho nhóm xã hội mình.
3. Từ đó chúng tôi cho rằng tiếng lóng có những đặc điểm sau:
- Tiếng lóng là một phương ngữ xã hội (vì chúng do các nhóm xã hội tạo ra, chủ yếu được sử dụng trong nhóm xã hội ấy; sự thay đổi của chúng phụ thuộc vào bối cảnh xã hội).
- Tiếng lóng chỉ được dùng trong giao tiếp không nghi thức và có giá trị trong một phạm vi xã hội hạn hẹp.
- Tiếng lóng có tính chất lâm thời, chúng là một hiện tượng ký sinh vào tiếng Việt, xuất hiện và mất đi, thay đổi thường xuyên, không ngừng.
4. Về thái độ đối với tiếng lóng, đến nay tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng tiếng lóng là hiện tượng không lành mạnh và kiên quyết gạt nó ra khỏi ngôn ngữ văn hoá. "Những tiếng lóng này không làm cho ngôn ngữ phong phú thêm lên mà chỉ làm cho nó bị tê liệt với số lượng từ đông đảo, nay sinh mai chết"(3); "Khác biệt ngữ, tiếng lóng có nghĩa xấu(4).
Quan điểm thứ hai thì đề nghị chấp nhận những từ lóng "tích cực" nhằm bổ sung cho ngôn ngữ toàn dân: "Không lên án toàn bộ song cũng không chấp nhận tất cả"(5); "Những tiếng lóng không thô tục, mà chỉ là những tên gọi có hình ảnh của sự vật, hiện tượng nào đó có thể được dùng phổ biến, dần dần thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân. Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, tiếng lóng được dùng làm một phương tiện tu từ học để khắc hoạ tính cách và miêu tả hoàn cảnh sống của nhân vật"(6).
Nhưng mặc các nhà nghiên cứu tranh luận, trong thực tế cuộc sống thì thứ ngôn ngữ ấy vẫn nảy sinh và mất đi một cách không ngừng, ngày càng phát triển, được nhiều tầng lớp xã hội sử dụng, được những người viết đưa vào tác phẩm văn học, báo chí của mình như một phương tiện tu từ học nhằm phản ánh sinh động đời sống xã hội và tính cách nhân vật, làm tăng giá trị biểu đạt của tác phẩm.
Những từ lóng sinh ra, tồn tại chính thức trong một phạm vi xã hội hạn hẹp, nhưng không ổn định, nhiều từ dần dần biến mất (hoặc chúng không còn được sử dụng nữa; hoặc chúng được giải mã, đi vào vốn từ chung của toàn dân, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày và trong các văn bản hành chính, các ấn phẩm báo chí hay các tác phẩm văn học).
Bên cạnh những từ lóng bị biến mất thì hàng ngày, hàng giờ, trong các nhóm xã hội lại xuất hiện thêm những từ lóng mới. Dù được chấp nhận hay bị phản đối thì tiếng lóng của người Việt vẫn là một bộ phận của ngôn ngữ tiếng Việt, và có thể nói, thuộc loại năng động nhất. Trong xu hướng bình dân, dân chủ hoá mọi hoạt động xã hội, văn chương, nghệ thuật hậu hiện đại, tiếng lóng càng có vị trí và vai trò quan trọng cần được quan tâm.
*****
(*) "Sổ tay từ - ngữ lóng tiếng Việt" Nam Hồng - Lê Thị Yến (NXB Công an Nhân dân - Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản 2008).
(1) Lưu Vân Lăng, Khái luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, 1960, tr.75.
(2) Nguyễn Văn Tu, Từ vựng học tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục, H., 1968, tr.132.
(3) Hoàng Thị Châu, Tiếng Việt trên khắp miền đất nước, Nxb KHXH, H., 1989, tr.57.
(4) Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn, Ngôn ngữ học: Khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm (tập 2), Nxb KHXH, H., 1986, tr.177.
(5) Ý kiến của Trịnh Liễn phát biểu trong Hội nghị "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ" được tổ chức tại Hà Nội tháng 10.1979.
(6) Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 2002, tr.64-65.
P.V (Lao Động)
----------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỊA CHỈ TÌM MUA SÁCH (Tại Hà Nội: Số 5 phố Đinh Lễ)