Tết và phong tục Tết ở châu Âu { Sưu Tầm }

N

ngochaomobile

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.


tet1.jpg

Đối với mọi quốc gia, Tết năm mới luôn là dịp lễ hội quan trọng, vui vẻ và thiêng liêng nhất. Nó quy tụ những tục lệ độc đáo, thể hiện tích cực phong cách của con người cùng bản sắc riêng của dân tộc. Nó cô đọng những giá trị của cuộc sống trong niềm lạc quan với hiện tại và mơ ước tốt đẹp về tương lai...

Anh: Trước kia, Tết năm mới ở Anh vào ngày 1 - 3, từ năm 1752, nó chuyển sang ngày 1-1 dương lịch như nhiều nước châu Âu và châu Mỹ. Trong đêm giao thừa, mọi người đánh bài đến tận 12 giờ rồi mỗi người viết ba điều ước tốt lành trên một mảnh giấy lụa riêng, đốt mảnh giấy ấy lấy tro hoà tan vào cốc sâm banh mới và uống cạn - tin rằng làm như thế thì ít nhất sẽ có một điều ước trở thành hiện thực.

Ba Lan: Dịp Tết, thanh niên Ba Lan thường tụ tập thành hội, kéo đến từng nhà hát vang bài Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn, những người theo sau thì hoá trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ! Nhiều nơi còn giữ tục lệ: các cô gái cầm gậy gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro.

teta2.jpg
Bungari
: Tết ở Bungari không thể thiếu cành thông trang trí (tượng trưng cho sức sống bền lâu) cùng món bánh mì đen chấm muối (thức ăn truyền thống). Mọi người tặng quà cho nhau. Trẻ con cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà, đập nhẹ vào lưng người lớn, vừa đập vừa chúc mừng năm mới, người bị đập phải mừng tuổi bằng tiền, bị đập càng nhiều càng may mắn! Trong bữa ăn đầu tiên của ngày mồng 1 Tết, nhà nào cũng bày một cái bánh nướng to, nhân giấu sẵn đồng tiền và hoa hồng, ai ăn được phần bánh có đồng tiền thì sẽ giàu sang, còn ăn được phần bánh có hoa hồng thì sẽ hạnh phúc trong tình yêu.


Đan Mạch: Ở Đan Mạch, mọi nhà đều gom giữ các mảnh vỡ của các đồ vật. Đêm giao thừa, người ta lặng lẽ đem những mảnh vỡ đó đặt trước cửa nhà bạn mình như một lời chúc may mắn. Sáng ra, cửa nhà ai có nhiều mảnh vỡ chứng tỏ người ấy nhiều bạn bè và rất được bạn bè quý mến.

Đức: Xưa kia, Tết ở Đức trùng với lễ Phục sinh, từ năm 1310 trùng với Noel và từ năm 1691 mới chuyển sang ngày 1-1 dương lịch. Chiều ngày 31-12, nam giới tụ tập ở các quán, ăn uống và chơi cờ bạc đến tận đêm. Lúc giao thừa, người ta bắn pháo mừng, đem nấu chì đổ vào cốc nước rồi nhìn hình dạng miếng chì trong nước và đoán vận hạn năm tới của mình. Các nông dân cắm mảnh sành lên vỏ cây như một lời cám ơn những gì cây cối đã cho họ trong năm qua.

Italia: Đêm giao thừa, người Italia ăn nho, bánh, tổ chức nhiều cuộc vui rồi xuất hành với quan niệm: nếu gặp người già, người gù thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại - sẽ xui xẻo nếu gặp phải trẻ con, tu sĩ! Khi chúc Tết nhau, thường phải kèm theo bài hát, câu hát năm mới. Thời tiết 12 ngày đầu năm được coi là tương ứng với thời tiết 12 tháng trong năm.

Hunggari: Trong bữa ăn đầu năm của người Hunggari, nhất thiết phải có món súp cá chép và thịt thỏ hoặc thịt hươu cao cổ. Họ cho rằng ăn súp cá, mọi buồn phiền trong năm cũ sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước; còn thịt hươu, thịt thỏ sẽ tăng cường sinh lực để năm mới sống và làm việc mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Dịp Tết, họ kiêng ăn thịt gà, vịt, ngan, ngỗng cùng các loài chim khác vì sợ chúng mang hạnh phúc của mình bay đi!

Hy Lạp: ở Hy Lạp, lúc giao thừa, người mẹ trong gia đình bước ra sân lấy quả lựu đập mạnh vào tường nhà. Năm mới, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc nếu hạt lựu văng tung toé khắp sân.

Nga: Trước đây, Tết ở Nga vào tháng 3, từ năm 1700 mới chuyển sang ngày 1-1 dương lịch theo lệnh của Nga hoàng Piốt Đại đế I. Mọi nhà đều bày những cây thông năm mới tuyệt đẹp và làm món bánh nướng cổ truyền. Suốt đêm giao thừa, người ta ăn uống, múa hát, chúc sức khoẻ và tặng quà cho nhau.

Pháp: Từ năm 1564, người Pháp đón Tết vào ngày 1-1 dương lịch. Tại miền đông nước Pháp, lúc giao thừa người ta ngậm đồng tiền vàng với hy vọng sẽ phát đạt, giàu sang trong năm mới. Tại miền tây nước Pháp, có tục lệ: thanh niên nam nữ dắt nhau vào rừng tìm cây tầm gửi trong buổi chiều cuối năm - anh chàng nào tìm thấy, mang về trước tiên thì được coi là “vua tầm gửi” và suốt ngày mồng 1 Tết được quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi qua nhà mình! ở thủ đô Pari, người ta cho rằng trong lần xuất hành đầu năm mà gặp 1 hoặc 3 người lính thuỷ thì sẽ may mắn... Mâm cỗ Tết khá thịnh soạn và khó thể thiếu hai thứ: quả hồ đào (tượng trưng cho sự tốt lành) và củ hành (gia vị chủ yếu). Người Pháp còn dự báo thời tiết năm mới qua những lát hành trộn muối ngâm dấm.

Séc và Xlôvakia: Tết ở Séc và Xlôvakia vào cuối tháng 3 dương lịch. Tại Xlôvakia, các chàng trai cầm bình nước tìm đến những cô gái họ yêu quý để té nước như một cách chúc năm mới và bày tỏ tình cảm, còn các cô gái cũng chuẩn bị những quả trứng (đã luộc hoặc hút hết ruột) vẽ nhiều màu để tặng lại những chàng trai tới thăm mình. Tại Séc, có tục lệ tìm công dân đầu năm do cửa hàng bách hoá thiếu nhi tiến hành, theo đó những em bé sinh vào mồng 1 Tết sẽ được công nhận là “công dân đầu năm” và được tặng những giải thưởng lớn.

Tây Ban Nha: Lúc giao thừa mỗi người ăn 12 quả nho hoặc nuốt 1 hạt nho lấy may. Nhiều lễ hội truyền thống độc đáo của người Tây Ban Nha cũng được cử hành trong dịp Tết như hội đấu bò tót và lễ đẩy vua xuống nước!

Xcốtlen: Trước đây, Tết ở Xcốtlen vào tháng 3, từ năm 1600 chuyển sang ngày 1-1 dương lịch. Đêm giao thừa, người ta đốt hình nộm rơm tượng trưng cho năm cũ (ngư dân thì đốt thuyền cũ). Khách đến xông nhà thường mang theo chai Visco và bánh kiều mạch để phân phát cho mọi người cùng thanh củi hoặc than để ném vào bếp lò đang cháy của gia chủ. Dân miền núi thì có tục lệ dùng cây nhựa ruồi đập vào nhau đến chảy máu với quan niệm cứ mỗi giọt máu chảy ra thì người bị đánh sẽ sống lâu thêm một tuổi!
 
Top Bottom