tập làm văn số 5 giúp mình nha

G

ghknc5

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

đề 1 giới thiệu 1 đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
đề 2 giới thiệu 1 danh lam thắng cảnh ở quê hương em ( bắc ninh nha)
đề 3 thuyết minh về 1 văn bản 1 thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị , báo cáo, thể thơ lục bát, ..)
đề 4 giới thiệu 1 loài hoa (hoađào,hoamai,..) hoặc 1 loài cây ( như chuối,cây na,..)
đề 5 thuyết minh 1 cách làm đồ dùng học tập )
đề 6 giới thiệu 1 sản phẩm, 1 trò chơi mang bản sắc Việt Nam ( như chiếc nón lá,chiếc sáo dài, trò chơi thả diều,..)
đề 7 thuyết minh về 1 giống vật nuôi.
 
H

hocgioi2013

Suốt quãng đời cắp sách đến trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước… và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì tôi yêu quý nhất là cây bút bi, một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!
Hồi còn ở cấp một, tôi dùng bút máy viết mực và chữ tôi khá đẹp, nhưng khi vào cấp hai thì nó lại gây cho tôi khá nhiều phiền toái. Tôi phải vừa viết vừa nghe Thầy, cô giảng bài với tốc độ khá nhanh nên bút máy không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chữ viết lộn xộn và lem luốc rất khó coi! Lúc ấy thì Ba mua tặng tôi một chiếc bút bi với lời khuyên: “con hãy thử xài loại bút này xem sao, hy vọng nó có ích với con”. Kể từ đó tôi luôn sử dụng loại bút này để rồi hôm nay có dịp nhìn lại, tìm hiểu đôi điều về nó.

Chiếc bút bi đầu tiên, được một nhà báo Hungary làm việc tại Anh tên Laszlo Biro giới thiệu vào năm 1938. điều khiến Ông nghĩ ra việc sáng chế ra loại bút này là vì những cây bút máy luôn gây cho Ông thất vọng, chúng thường xuyên làm rách, bẩn giấy tờ, phải bơm mực và hay hư hỏng… Vào ngày 15 tháng 6 năm 1938 ông Biro được nhận bằng sáng chế Anh quốc. Từ khi bút bi được ra đời nó đã được cải tiến nhiều để phù hợp với người dùng và đã trở nên thông dụng khắp thế giới. Tuy có khác nhau về kiểu dáng như chúng đều có cấu tạo chung giống nhau. Bút bi có ruột là một ống mực đặc, đầu ống được gắn với một viên bi nhỏ có đường kính khoảng từ 0,7 đến 1 milimet, được coi như là ngòi bút. Khi ta viết mực được in lên giấy là nhờ chuyển động lăn của viên bi này và loại mực dùng cho bút khô rất nhanh.

Con người thường ít nghĩ đến những gì quen thuộc, thân hữu bên mình. Họ cố công tính toán xem trung bình một đời người đi được bao nhiêu km hay một người có thể nhịn thở tối đa bao nhiêu phút nhưng chắc chưa có thống kê nào về số lượng bút họ dùng trong đời! Một cây bút cũng giống như cơ thể con người vậy, ruột bút là phần bên trong cơ thể, đầu bi chính là trái tim và mực chứa trong bút được ví như máu, giúp nuôi sống cơ thể. Còn vỏ bút giống như đầu, mình, tứ chi vậy… chúng phải cứng cáp thì bút mới bền, hoạt động tốt cũng như tạo cho người sử dụng cảm giác thoải mái. Màu sắc và hình dáng bên ngoài giống như quần áo, làm tăng thêm vẽ đẹp cho bút. Các chi tiết của bút dù quan trọng hay thứ yếu đều góp phần tạo nên một cây bút. Như một kiếp tằm rút ruột nhả tơ, âm thầm giúp ích cho đời để rồi khi cạn mực, chúng bị vứt bỏ một cách lạnh lùng. Mấy ai nhớ đến công lao của chúng!

Bước vào năm học mới, các nhà sản xuất bút bi như Bến Nghé, Đông Á, Thiên Long, Hán Sơn… đã lần lượt cho ra đời hàng loạt mẫu mã từ đơn giản cho đến cầu kỳ như bút bấm, bút xoay, bút hai màu, ba màu… đủ chủng loại khác nhau nhằm đáp ứng như cầu người sử dụng. Các cậu nam sinh thì chỉ cần giắt bút lên túi áo đến trường nhưng nhiều bạn gái lại thích “trang điểm” cho bút các hình vẽ, hình dáng xinh xắn lên thân hay đầu bút còn được đính thêm con thú nhỏ ngộ nghĩnh… Thế là những chiếc bút bi lại theo chân trò nhỏ đến trường, giúp các cô, cậu lưu giữ những thông tin, kiến thức vô giá được thầy cô truyền đạt lại với cả tấm lòng!

Có cây bút vẻ ngoài mộc mạc, đơn giản song cũng có cây được mạ vàng sáng loáng. Nhìn bút, người ta biết được “đẳng cấp” của nhau, nhưng nhìn vào nét chữ người ta mới đoán được tính cách hay đánh giá được trình độ của nhau. “Một chiếc áo cà sa không làm nên ông thầy tu”, một cây bút tuy tốt, đắt tiền đến cỡ nào cũng chỉ là vật để trang trí nếu vào tay kẻ đầu rỗng mà thôi! Bút là vật vô tri, nên nó không tự làm nên những câu chữ có ý nghĩa nhưng nếu trong tay người chủ chuyên cần, hiếu học nó sẽ cho ra đời những bài văn hay, những trang viết đẹp. Để trở thành người chủ “tài hoa” của những cây bút, người học sinh cần rèn luyện cho mình thói quen vở sạch, chữ đẹp và luôn trau dồi kiến thức học tập… hãy biến chúng thành một người bạn thân thiết, một cánh tay đắc lực trong việc học tập bạn nhé!

Cùng với sách, vở… bút bi là dụng cụ học tập quan trọng của người học sinh, vì vậy chúng ta cần phải bảo quản bút cho tốt. dùng xong phải đậy nắp ngay để tránh bút rơi làm hư đầu bi, bộ phận quan trọng nhất của bút. Đặc biệt là luôn để bút ở tư thế nằm ngang giúp mực luôn lưu thông đều, không bị tắc. Một số loại bút bi có thể thay ruột khi hết mực và mình xin mách các bạn một mẹo nhỏ là nếu để bút bi lâu ngày không xài bị khô mực thì đừng vội vứt bỏ mà chỉ cần lấy ruột bút ngâm trong nước nóng độ 15 phút… cây bút của bạn có thể được phục hồi đấy!

Có thể nói rằng bút bi là một trong những phát minh quan trọng của con người. Ngày nay cứ 1 giây lại có 57 cây bút bi được bán ra trên thế giới, chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng của nó. Khoa học tiến bộ, nhiều công cụ ghi chép tinh vi hơn, chính xác hơn lần lượt xuất hiện nhưng bút bi vẫn được nhiều người sử dụng bởi nó rẽ và tiện lợi. Cầm cây bút bi trên tay, nắn nót từng chữ viết cho người thân yêu, chúng ta mới gửi gắm được trong đó bao nhỉ.
nguồn hocmai.vn
 
H

hocgioi2013

chọn loài hoa Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là hoa sen.
Nếu chọn trang phục Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là chiếc áo dài.
Nếu chọn nhạc khí Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là cây đàn bầu…
Cũng như thế, nếu chọn trong nền thơ ca phong phú của ta một thể thơ làm đại diện dự cuộc giao lưu thơ toàn cầu, hẳn đó phải là Lục bát.
Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thi ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất. Có thể nói, người Việt sống trong bầu thi quyển lục bát. Dân ta nói vần nói vè chủ yếu bằng lục bát. Dân ta đối đáp giao duyên, than thân trách phận, tranh đấu tuyên truyền chủ yếu bằng lục bát. Và dân ta hát ru các thế hệ, truyền nguồn sữa tinh thần của giống nòi cho lớp lớp cháu con cũng chủ yếu bằng lục bát… Lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải toả tâm sự, kí thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn. Gắn với tiếng Việt, gắn với hồn Việt, thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc này.
2.Thân bài:
a.Định nghĩa:
Lục Bát là loại thơ Sáu Tám, một câu sáu và một câu tám. Bài thơ lục bát luôn đươ.c bắt đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát. Lục Bát là thể thơ thông dụng nhất, vì cách làm và gieo vần tương đối đơn giản.
Lục= sáu chữ --- chữ 2 Bằng, 4 trắc, 6 Bằng
Bát= tám chữ --- chữ 2 bằng, 4 trắc, 6 bằng, 8 bằng

Trong thơ lục bát, chữ thứ sáu của câu Lục, vần với chữ thứ sáu của câu Bát. Chữ thứ tám của câu Bát vần với chữ thứ sáu của câu Lục kế tiếp và cứ theo quy luật đó cho đến hết bài thơ.

x B x T x B(v)
x B x T x B(v) x B(v)

v= vần

ví dụ:
Ngồi chờ hết cả đêm nay(v1)
Chỉ mong anh được xuân này(v1) bình yên(v2)
Cớ sao anh lại không lên(v2, 3)
Vô tình anh lại bõ quên(v3) tim này


Những giai đoạn sau, trong bước phát triển nào của thơ, người ta cũng luôn thấy sóng đôi hai phong cách này. Ví như đầu thời Thơ mới, là cặp Tản Đà và Á Nam Trần Tuấn Khải, đằng nghiêng về cổ điển, đằng nghiêng về dân gian. Giữa thời Thơ mới là cặp Nguyễn Bính - đượm chất dân gian và Huy Cận - đậm màu cổ điển… Đến thời sau này thì hai phong cách ấy thường hoà vào nhau, mà chất dân gian thường trội hơn, đồng hoá cả chất cổ điển. Nổi lên nhiều cây bút sáng giá: Tố Hữu, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ… Cứ thế, qua các thời, lục bát luôn như một dòng sông, mà các dòng chảy của nó cứ sóng sánh và quyện hoà để làm giàu cho nhau, làm nên cái diện mạo bền bỉ mà luôn mới mẻ của lục bát.

e.khuynh hướng sử dụng thơ lục bát:
Trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, dường như đang có hai thái độ trái ngược đối với lục bát. Lắm kẻ thờ ơ, hoài nghi khả năng của lục bát. Họ thành kiến rằng lục bát là thể thơ quá gò bó về vần luật, về thanh luật, về tiết tấu; nó đơn điệu, nó bằng phẳng, quê mùa. Họ vội cho rằng lục bát chỉ biểu hiện được những cảm xúc quen thuộc của người Việt truyền thống. Còn tâm sự đầy những suy cảm tinh vi phức tạp của người hiện đại thì lục bát khó chuyển tải. Họ lầm tưởng rằng lục bát sẽ khó theo kịp nhịp biến hoá đầy bấn loạn của tư duy thơ hiện đại. Thậm chí, có người còn coi lục bát như một rào cản đối với những lối tư duy nghệ thuật tân kì. Và, họ từ chối lục bát để một mực chạy theo những thể khác. Thực ra, mọi vẻ đẹp cùng bíến thái mơ hồ nhất của thiên nhiên, mọi biến động phức tạp khôn lường của đời sống, mọi tầng sống sâu xa huyền diệu nhất của tinh thần cá thể, mọi khuynh hướng tư duy nghệ thuật, dù truyền thống hay tối tân, đều không xa lạ với lục bát. Vấn đề là người viết có đủ tài để làm chủ được lục bát hay không.
Vì thế mà có xu hướng ngược lại, nhiều người đã nhận thấy ở lục bát những ưu thế không thể thơ nào có được. Họ đã tìm về lục bát. Họ ý thức rõ, từ xưa đến nay, lục bát luôn là thể thơ đầy thách thức. Sự gò bó có thể là một khó khăn bất khả vượt đối với ai đó, nhưng lại là một thách thức đầy hấp dẫn đối với những tài năng thơ thiết tha với tiếng Việt, thiết tha với điệu tâm hồn Việt. Họ nâng niu, chăm chút. Họ làm mới, họ cách tân, để gửi gắm tấc lòng của con người hôm nay vào thể thơ hương hoả của cha ông. Họ dùng lục bát như một phương tiện tâm tình gần gũi, để nói những gì sâu sắc nhất của tâm tư. Trong thực tế, lục bát với người này là sở trường, với người kia là sở đoản. Nhưng, về thái độ, thì sẽ là không quá lời khi bảo rằng: trân trọng lục bát cũng là một thước đo về văn hoá thơ với một người thơ Việt.
Nhờ những tấm lòng và tài năng ấy mà thế kỉ XX vẫn chứng kiến một cuộc chạy tiếp sức hào hứng không biết đến mệt mỏi của lục bát. Đọc thơ lục bát thế kỉ qua, có thể thấy rõ rệt, càng về sau, dáng điệu lục bát càng trẻ trung, hơi thở lục bát càng hiện đại hơn so với hồi đầu. Điều đó là bằng chứng khẳng định lục bát vẫn trường tồn, lục bát vẫn gắn bó máu thịt với tâm hồn Việt trên con đường hiện đại.

3.kết bài:
khẳng định lại sức sống mãnh liệt của thơ lục bát:
Chừng nào tre còn xanh, sen còn ngát, chừng nào tà áo dài còn tha thướt, tiếng đàn bầu còn ngân nga, chừng ấy những điệu lục bát vẫn tiếp tục sinh sôi trên xứ sở này.
Lục bát mãi mãi là một tài sản thiêng liêng của nền văn hoá Việt.
Chừng nào thế giới còn chưa thấu tỏ vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy họ chưa thực sự hiểu vẻ đẹp của thơ Việt.
Và, chừng nào ta còn chưa làm cho thế giới tiếp nhận được vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy nền thơ Việt vẫn còn chưa thực sự làm tròn sứ mạng của mình.
nguòn6 hocmai.vn
 
H

hocgioi2013

Đào đỏ, mai vàng là hoa ngày tết. Màu đỏ thắm tươi biểu tượng cho sự vui mừng và niềm tin thắng lợi; màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang. Tại nước Việt màu vàng còn tượng trưng cho vua chúa. Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành. Thổ nằm ở vị trí trung tâm, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Không ngạc nhiên dân Việt chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam.
Nói đến hoa Mai, không biết từ lịch sử nào trong nhân gian Mai được chia thành mấy loại như Hà Hoa mai (cánh mai giống cánh hoa sen ôm tròn lấy nhụy) nh Đàn Hương mai (mai vàng màu sậm, nhiều hoa, hương thơm nồng, nở sớm), Ban Khấu mai (cánh hoa cong cong, không nở xòe như các loại khác), Cẩu Đăng mai (hoa nhỏ không có hương thơm),….
Tuy nhiên, theo phong tục thông thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến hai loạị là Mai Tứ Quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại Mai có mười cánh, bông nhỏ hương thơm.
Khi chọn mua một cành mai về trưng trong ba ngày Tết, người ta cũng thường để ý đến những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng… . Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Một nhành mai cũng cần có các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẩm, lá non vừa nhú.
Ngoài ra những người chơi mai chuyên môn còn phân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có các nhà ấy biết mà thôi. Thí dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm đương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành từ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông…v.v. Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phu, họ còn biết lam sao để một cành mai nở đúng vào dịp Tết.
Do sự nhân cách hóa mà con người đã đặt vào cây mai khi đem bày trong nhà trong ba ngày Xuân. Phong tục á Đông nói chung, Việt nam nói riêng rất trọng sự tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài thành nề nếp. Và mỗi cuộc chơi đều mang theo nhiều ý nghĩa cao siêu.
Ngoài những cành mai bình thường bày bán trong các chợ tết, các chủ nhân các gốc lão mai thường bỏ công sức ra chăm sóc cây mai sao để có được những cành mai thật đẹp, theo yêu cầu thị hiếu của các bậc danh nho. Tất nhiên các gốc mai nầy giá đáng cả triệu.
Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.
Ngoài các loại mai vàng kể trên, ở Nam bộ, còn một loại mai trắng, còn có tên gọi là Nam Mai mà đó là cây Mù u. “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, vì xa em mà thành điệu nhớ não lòng” Mù u bông trắng, năm cánh, lá mù u to bản dày kích thước chừng bàn tay người lớn. Thân mu u là thân mộc, mù u có trái tròn không ăn được, hột mù u ép làm dầu thắp đèn, nhiều khói ít sáng.
Nhắc đến cây đào, cây mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành …., nhắc đến mùa xuân, niềm tin và hạnh phúc
nguồn hocmai.vn
 
H

hocgioi2013

LỌ BÚT
Nguyên vật liệu:
- Thước thẳng, compa
- 2 miếng giấy catton
- Hồ dán giấy
- Giấy màu hoặc giấy gói quà (để trang trí)
Cách làm
- Cắt 1 miếng hình chữ nhật: chiều dài 20cm, rộng 10 cm
- Dùng giấy màu hay giấy gói quà dán 2 mặt của bìa giấy lại
- Dùng hồ dán miếng catton vừa cắt thành 1 cái ống có chiều cao là 10cm
- Cắt 1 miếng catton hình tròn đường kính từ 6-7cm
- Dùng giấy màu hay giấy gói quà dán 1 hay cả hai mặt của miếng catton hình tròn
- Dùng hồ dán miếng catton hình trụ và hình tròn lại với nhau
- Trang trí (Bạn có thể dán những cái nơ hay bông hoa mà mình yêu thích lên lọ
Yêu cầu thành phẩm :
Lọ bút sẽ có chiều cao là 10cm , chu vi của miệng lọ là 20cm, đường kín đáy lạ là 6-7cm
Lọ bút được trang trí theo phong cách của bạn và được dùng trong cuộc sống hằng ngày
nguồn hocmai.vn
 
H

hocgioi2013

Tò he, nếu ai chưa một lần được nghe và nhìn thấy chắc chắn không khỏi thắc mắc “Tò he là gì?”. Tò he là một đồ chơi rất dân dã, thô sơ, mộc mạc làm bằng thủ công nhưng lại rất sinh động, bắt mắt bởi hình dáng và màu sắc.

Xưa, Tò he là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa: chơi, ăn, cúng, lễ…Cái tên “Tò he” cũng tồn tại trong dân gian từ khá lâu, và người làm nghề có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên- Hà Tây). Người dân xã Xuân La có câu ca: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ 3 chim cò” để chỉ những nghề phụ của địa phương. “Chim cò” ở đây chính là nghề nặn Tò he. Tuy không phải nghề bí truyền nhưng hiện nay chỉ người dân Xuân La mới biết làm thứ đồ chơi này. Người đầu tiên đưa nghề nặn Tò he về làng là ông Vũ Văn Sai. Là người hay đi đây đó, khi sang Trung Quốc thấy những đồ chơi này hấp dẫn trẻ em, ông đã học về làm rồi truyền cho người dân trong làng. Ban đầu, người ta gọi là nghề chim cò vì trước đây đa phần người trong làng chỉ nặn những con chim, con cò để bán, sau gọi là nghề nặn chiến sĩ vì lúc đó người ta chỉ nặn những anh bộ đội, chị dân công. Về sau, người làng có sáng kiến gắn thêm những chiếc kèn vào đó để thu hút sự chú ý của trẻ em. Từ đó, nó mới có tên gọi là Tò he”.

Để nặn một tác phẩm tò he, công việc đầu tiên là phải chuẩn bị chất liệu gồm: bột gạo chín pha màu phẩm. Bột gạo được pha theo tỷ lệ 1 kg gạo tẻ với 1 lạng gạo nếp, trộn đều ngâm nước cho bở rồi đem giã hoặc xay thành bột, sau đó đem luộc hoặc đồ chín rồi bỏ ra thấu nhanh tay cho quyện, dẻo. Nếu vào những mùa nóng hoặc trời hanh khô, phải cho bột nếp nhiều hơn mới giữ được độ dẻo lâu. Khi bột đã thấu, mới cho tiếp các phẩm màu vào. Ngoài các màu chính như đỏ, vàng, xanh, đen, nếu cần những màu trung gian như hồng, ghi, cam… thì pha chế từ các màu cơ bản trên, rồi trộn vào bột. Màu sắc của bột làm tò he trước đây được chế từ những màu thực vật của cây cỏ, hoa lá trong thiên nhiên, nên có thể ăn được. Màu đen đốt ở rơm ra. Màu vàng chế từ hoa hòe, hoặc củ nghệ già. Màu đỏ lấy từ thân cây gỗ vang, hoặc chiết suất từ hoa hiên, quả dành dành… Màu xanh chàm lấy từ là chàm. Tất cả những màu trên, sau khi chiết suất, được pha thêm ít bột, rồi cho lên bếp quấy từ từ cho chín tới, vừa để diệt khuẩn, vừa giữ độ bền màu. Ngoài bột là vật liệu chính ra, người làm tò he còn phải chuẩn bị thêm một số phụ trợ khác như vòng nứa (nếu làm “bánh vòng”), que tre (nếu làm chim cò hoặc chiến sĩ) để làm đài hoặc làm cốt.

Đồ nghề để tạo tác cũng rất đơn giản gồm: một con dao bài con, một chiếc lược chải tóc và một miếng sáp ong.Khi nặn đôi tay linh hoạt và khéo léo… Để tạo vân xoắn, bột màu được vê thành sợi nhỏ, quấn sát vào nhau theo chiều từ trong ra ngoài của lòng bàn tay. Các kỹ thuật ngắt bột, vê, dán phải chính xác thì sản phẩm mới sắc nét, có hồn
Ngày nay việc làm tò he đơn giản hơn. Thay vì giã bột, người ta dùng máy xay cho nhuyễn sau đó để khô rồi đem luộc. Khi luộc chín, họ để nguội rồi đem nhuộm màu. Người ta cũng dùng các loại màu công nghiệp để làm cho tiện, màu sắc cũng phong phú hơn. Người nặn tò he hiện nay cũng kiêm luôn nghề bán hàng. Họ không nặn sẵn tò he mà đi tới đâu nặn tới đó theo yêu cầu của khách hàng. Giá của mỗi con tò he cũng dao động từ 2.000-5.000 đồng.

Tò he cụ bán mấy đồng, con mua một chiếc cho chồng con chơi.
Chồng con đánh hỏng thì thôi, con mua chiếc khác con chơi một mình.

Người ta yêu Tò he ở cái mộc mạc, đậm tính dân tộc của tò he, ở tính thủ công từ những đôi tay khéo léo.

Ngày nay, sở dĩ Tò he chưa được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài là vì nhựơc điểm của chất liệu tạo ra chúng: bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt. Mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày(tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản). Một số nghệ nhân nghĩ ra cách thử nặn tò he bằng bột đao. Tò he làm bằng bột đao có thể để được rất lâu (khoảng 1năm) mà không sợ nứt, mốc. Nhưng nhược điểm là rất khó nặn và không đẹp bằng tò he làm từ chất liệu bột gao. Hơn nữa, khi nặn xong phải đem luộc lại – mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, thợ nặn phải làm trước ở nhà rồi mới đem bán. Chính điều này làm mất đi cái hay của tò he – người mua được chứng kiến tận mắt bàn tay khéo léo của thợ nặn
nguồn sưu tầm
 
H

hocgioi2013

Trong chúng ta, chắc chẳng có ai không biết đến mèo, loài vật đáng yêu được nuôi rộng rãi trong gia đình. Nhưng các bạn có chắc là mình hiểu rõ về loài mèo chưa ? Nếu chưa, mời các bạn cùng tôi đến trò chuyện với chị mèo Thông Thái đằng kia
Sau khi chào tôi, chị mèo hào hứng kể rằng họ mèo nhà chị có nguồn gốc từ mèo rừng. Mèo bắt đầu được thuần hóa và nuôi ở Ai Cập sau đó lan nhanh sang châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, mèo bắt đầu được nuôi từ khoảng hai nghìn năm trước đây.
Quả đúng như chị mèo Thông Thái nói, họ nhà chị ai ai cũng có vẻ ngoài nhanh nhẹn, tràn đầy sức sống. Đầu mèo tròn, nhỏ và ở phía trước hơi nhô ra, đó là mõm mèo. Trông mèo nhỏ bé thế nhưng hàm răng nó lại có tới ba mươi chiếc. Trong số này, ngoài bốn chiếc răng nanh sắc nhọn thì hầu hết đều nhỏ xíu. Kỳ lạ nhất là đôi mắt mèo, đôi mắt trong veo như hai hòn bi ve. Đồng tử mèo có khả năng co dãn cực tốt. Ban ngày, đồng tử thu nhỏ đến đêm mới dãn ra. Thế là mèo ta có thể nhìn rõ trong đêm tối. Thân hình nhỏ bé của mèo được nâng đỡ bởi bốn chân chắc khỏe. Vì nằm trong nhóm động vật bậc thấp nên mèo vẫn có một cái đuôi dài. Mỗi chân mèo đều có bốn ngón, dưới những ngón chân có vuốt cực sắc này là đệm thịt giúp mèo đi lại nhẹ nhàng.

Chắc chẳng có em bé nào mà lại không biết đến câu hát : “Meo meo meo, rửa mặt như mèo...” hay “mèo con ra bể nước, bàn chân nó vuốt vuốt, xoa mấy sợi râu cước...”. Hình ảnh chú mèo liếm láp lòng bàn chân trước bên phải của mình cho thật sạch rồi lấy chính chân đó cọ cọ vào mặt mình đã khắc sâu vào tâm trí trẻ thơ. Một tập tính nữa mà ai cũng biết ở mèo đấy là bắt chuột. Bọn chuột xấu xí chuyên đi ăn vụng mỗi khi nghe thấy tiếng “meo meo” của mèo là hồn vía chạy đi đâu hết cả, chỉ còn biết bạt mạng chạy. Cộng thêm với đôi râu và đôi tai nhạy như ra đa mà trời đã ban cho, mèo lại càng bắt được nhiều chuột.

Nghe chị mèo nói đến đây, tôi đã thấy khoái loài mèo lắm rồi, bèn giục : “Chị ơi, chị kể cho em nghe về sự sinh trưởng của mèo đi”. Chị mèo mỉm cười rồi tiếp : “Mèo con được một tháng tuổi đã được mẹ dạy cho những kỹ năng bắt chuột cơ bản như chạy, nhảy, rình mồi, vồ mồi. Trong thời kỳ này, mèo mẹ sẽ dẫn mèo con đi quanh nhà để chúng “tìm hiểu” mọi thứ. Lớn hơn một chút, khoảng từ bốn đến năm tháng tuổi là có thể tự săn mồi. Mèo từ mười đến mười hai tháng tuổi là có thể sinh sản được. Lúc này, mèo cái có bộ lông mới mượt hơn, dày hơn bình thường. Cơ thể mèo lúc này phát ra một mùi đặc biệt và có tiếng kêu khác thường để hấp dẫn các chàng mèo đực. Sau khi giao phối, mèo cái lại sống đơn độc như trước và tự nuôi con. Mỗi lứa, mèo mẹ đẻ khoảng hai đến sáu con. Mèo con mới đẻ mắt nhắm nghiền, khoảng một tuần sau mới mở mắt”.

Rồi chị đố chúng tôi kể được tên thật nhiều loài mèo. Hừm, để xem nào. Mèo mun lông đen tuyền từ đầu tới gót này. Mèo mướp với bộ lông xám tro, mèo vàng lông vàng óng nữa. Có lẽ giống mèo đông đúc nhất, được nuôi phổ biến nhất là mèo tam thể. Loài này lông có màu đen, vàng, trắng pha lẫn với nhau. Nghe chúng tôi kể, chị gật gù : “Họ nhà người cũng am hiểu về họ nhà mèo ghê”.

Chị còn kể cho chúng tôi về nỗi kinh hoàng của họ nhà chị. Xưa, người ta dùng ruột mèo để căng dây vợt tennis (Nói đến đây, mặt chị hơi nhăn lại). Và bây giờ người ta còn ăn thịt mèo nữa. Nghe đâu, Chính phủ đã cấm bán và ăn thịt mèo. Song mấy người bạn chị bảo ở dưới Thái Bình, số quán nhậu “tiểu hổ” vẫn ở mức hàng trăm. Và cứ mỗi ngày, lại có hơn một ngàn anh chị em cô bác mèo “ra đi” tại đây. Chị lắc đầu “Cứ đà này, chẳng mấy chốc, bọn chuột dưới đó lại nổi loạn cho xem”. Vì mèo là “khắc tinh” của chuột mà.

Các bạn có muốn góp tay ngăn chặn nạn chuột không ? Hãy nuôi một chú mèo trong nhà nhé. Theo kinh nghiệm của chị mèo Thông Thái thì mèo con dưới hai tháng tuổi nên cho ở với mẹ. Khi lớn lên thì cho tập ăn cơm trộn cá, trộn thịt hoặc thậm chí cả rau nữa. Mèo là loại động vật có xuất xứ từ sa mạc nên rất ưa hơi ấm. Chính vì thế nên mèo rất hay trườn mình cọ vào chân người. Lúc đó, bạn hãy ôm mèo vào lòng, ủ ấm cho nó hoặc mang nó ra nắng sưởi ấm nhé ! Thấy chưa, mèo ta đã lim dim đôi mắt và grừ grừ khoan khoái rồi kìa. Mèo cũng rất thích chơi với các em bé từ bốn tuổi trở lên. Đây là thời kỳ hình thành nhân cách của các em nên nếu trong gia đình nuôi một chú mèo thì trẻ nhỏ sẽ sớm biết yêu động vật. Thật đáng tiếc nếu bạn bị dị ứng với lông mèo vì khi đó bạn chỉ có thể ngắm nó từ xa chứ đừng nuôi mà cũng đừng âu yếm vuốt ve nó. À, các bạn nhớ đem mèo đi tiêm phòng mỗi năm một lần và thường xuyên tắm hoặc bắt rận cho mèo nhé. Để mèo luôn khỏe mạnh và sạch sẽ mà.

Ối, vì trời nắng ấm quá nên chị mèo Thông Thái đã ngủ quên mất rồi. Thôi, chúng ta sẽ để yên cho chị ấy ngủ nhé. Tôi chắc rằng lần sau chị ấy sẽ kể cho chúng ta rất nhiều chuyện thú vị về loài mèo đấy. Vì loài mèo là bạn tốt của con người mà ! Tạm biệt !
nguồn hocmai.vn
 
Top Bottom