tái hiện kiến thức trọng tâm của 3 tác phẩm văn học nước ngoài

H

harushinj

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Bao giờ trong cấu trúc đề thi cũng có khoảng 2 điểm cho phần tái hiện kiến thức. Phần này tương đối dễ nên được coi là phần gỡ điểm, để mất 2 điểm phí lắm!
Học kì II chủ yếu là hỏi về văn học nước ngoài bao gồm 3 tác phẩm chính: "Thuốc"-Lỗ Tấn, "Số phận con người" - Sô-lô-khốp, "Ông già và biển cả"-Hemingway. HsJ xin đóng góp 1 số ý chính về các vấn đề chính liên quan đến 3 tác phẩm này, hi vọng có ích cho mọi người!!!
-----------------------------------------------------------------------
Thuốc - Lỗ Tấn
Câu 1: Khái quát về tác giả Lỗ Tấn.
* Cuộc đời:
- Lỗ Tấn (1882-1936) tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi thành Chu Thụ Nhân, tên chữ là Dự Tài, quê ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
- Ông xuất thân trong một gia đình quan lại sa sút. Năm ông 13 tuổi, cha ông lâm bệnh và vì không có tiền chạy chữa nên qua đời. Từ đó Lỗ Tân ôm mộng học nghề y.
- Ngày nhỏ, Lỗ Tấn theo học ở trường làng, sớm bộc lộ sở trường văn học. Vì điều kiện gia đình nên Lỗ Tấn rất gần gũi với nhưng con em dân nghèo, ông hiểu và đắm mình trong tình cảm chân thành của họ.
- Lớn lên, Lỗ Tấn đến Nam Kinh theo học nghề Hàng hại, sau đó là nghề Khai mỏ với mong muốn được đi đây đi đó để mở mang tầm mắt và làm giàu cho đất nước. Trong thời gian này, dù thất vọng nghề nghiệp nhưng những kiến thức Tây học mới mẻ ở đây đã giúp ông mở rộng tầm nhìn, đặc biệt là sự thay đổi nếp sống, nếp nghĩ: ông bắt đầu hoài nghi truyền thống, hướng đến sự cải cách, căm thù sự trì trệ.
- Ông tiếp tục theo học ngành y với mong muốn có thể chữa bệnh cho người nghèo và đã được sang Nhật học. Tại Nhật, trong một lần đi xem phim, ông thấy những người dân Trung Quốc khỏe mạnh hăm hở đi xem người Nhật chém một người Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp cho quân Nga. Ông đau khổ và nhận ra: "chữa bênh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân". Ông bỏ nghề y và chuyển sang viết văn.
- Từ đó đến cuối đời, Lỗ Tấn tích cực hoạt động văn nghệ và tham gia các phong trào yêu nước ở TQ hồi đầu thế kỉ XX.
- Ngày 19/10/1936, sau một thời gian lâm bệnh, Lỗ Tấn từ trần ở Thượng Hải, thọ 55 tuổi. Bất chấp sự đàn áp của chính quyền Tưởng Giới Thạch, nhân dân và văn nghệ sĩ đã tiễn đưa ông, họ phủ lên quan tài ông lá cờ đỏ mang dòng chữ "dân tộc hồn" (linh hồn của dân tộc).
- Năm 1981, toàn thế giới đã kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Lỗ Tấn như một danh nhân văn hóa.
*Sự nghiệp văn học
- Lỗ Tấn để lại một khối lượng tác phẩm khổng lồ: 20 tập sách, mỗi tập 600 trang, có nhà nghiên cứu đã gọi là "trước tác đẳng thân" (sách cao bằng người).
- Tác phẩm chình:
+ Các tập truyện ngắn: "nhật kí người điên", "Gào thét", "Bàng hoàng", "chuyện cũ viết lại".
+ Các tập tạp văn: "nấm mồ", "cỏ dại", "gió nóng", "hai lòng".
+ Truyện vừa: "AQ chính truyện".
*Quan niệm và phong cách nghệ thuật
- Lỗ Tấn chủ trương dùng ngòi bút của mình phanh phui các căn bệnh tinh thân của quốc dân và lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa. Ông đã dũng cảm chỉ ra cho họ những bước đi sai nhịp trên con đường tiến vào tương lai.
- Bề ngoài ngôn ngữ, thái độ của Lỗ Tấn có vẻ lạnh lùng, phê phán nghiêm khắc nhưng ẩn bên trong là một trái tim nhiều trăn trở xúc động, thiết tha vì đất nước, vì con người. Có người đã ví ông như chiếc phích nước: trong nóng ngoài lạnh.
Câu 2: Hoàn cảnh sáng tác và giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm "Thuốc".
- Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, Trung Quốc bị các nước đế quốc xâu xé. Xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến, nửa thuộc địa, tình trạng đất nước ngày càng đen tối. Thế nhưng nhân dân lại cam phận chịu nhục. Đó là căn bện đớn hèn, tự thỏa mãn, cản trở nghiêm trọng con đường giải phóng dân tộc. "Thuốc" ra đời đúng vào hoàn cảnh ấy như một lời cảnh tỉnh những ai còn đang ngơ ngác trước thời cuộc, chỉ ra cho họ thấy rằng Trung Quốc đang như một con bệnh trầm kha, chỉ có tiêu diệt sự đớn hend đó mới có cơ hội cứu được con bệnh thập tử nhất sinh ấy.
- "Thuốc" được tác giả viết ngày 25/4/1919, đăng trên tạp chí Tân thanh niên đúng vào dịp phong trào Ngũ tứ nổ ra.
*Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:
- Tác phẩm tập trung vào hai chủ đề, đó là sự tê liệt của quần chúng và bi kịch của người cách mạng tiên phong, từ đó đặt ra câu hỏi: làm thế nào để tìm ra phương thuốc chữa bệnh đớn hèn, ngu muội của dân tộc? Lời giải đáp cho câu hỏi đầy day dứt ấy được kín đáo gửi gắm trong tác phẩm: cần phải làm một cuộc cách mạng thực sự - cuộc cách mạng của quần chúng và vì quần chúng.
- "Thuốc" có cốt truyện khá giản dị mà sâu sắc; các chi tiết,hình ảnh, ngôn từ đều đa nghĩa, có giá trị biểu tượng.
Câu 3: Giải thích ý nghĩa nhan đề "Thuốc".
"Thuốc" là một nhan đề đa nghĩa:
- Trước hết nó được hiểu theo đúng nghĩa đen: đó là thứ thuốc chữa bệnh lao của những người TQ lạc hậu, u mê: chiếc bánh bao tẩm máu người chết chém. Vì tin vào một phương thuốc quái đản, phản khoa học nên con bệnh đã bị chết trong một không khí ảm đạm của nước Trung Hoa lạc hậu.
- Nhưng không chỉ có vậy, "Thuốc" còn hàm ý nói đến một vấn đề sâu xa hơn, khái quát hơn: Đất nước Trung Hoa đang lâm vào tình trạng "thập tử nhất sinh" vì sự u mê, đớn hèn và lạc hậu, mông muội về chính trị xã hội của quần chúng, những người cách mạng tiên phong thì bị rơi vào bi kịch không ai hiểu, không ai ủng hộ, cần phải tìm ra một phương thuốc để kịp thời cứu Trung Quốc thoát khỏi tình trạng này.
Câu 4: Ý nghĩa một số chi tiết, hình ảnh đặc sắc trong tác phẩm:
a. Hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu:
Đây là hình ảnh có quan hệ mật thiết với nhan đề, và đó cũng là hình ảnh đa nghĩa.
+ Tầng nghĩa thứ nhất: Nghĩa đen: Đó là phương thuốc chữa bệnh lao, một phương thuốc quái gở, thứ mà ông bà Hoa Thuyên xem là "tiên dược" cứu mạng con nhưng cuối cùng nó đã chết => thứ thuốc của những người dân u mê, lạc hậu...
+ Chiếc bánh bao tẩm máu - liều thuốc bằng máu của một người cách mạng - một người xả thân vì nghĩa, đổ máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc... nhưng dân chúng lại dửng dưng mua máu người cách mạng để chữa bệnh. Với hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu, Lỗ Tấn đã đặt ra vấn đề hết sức hệ trọng là ý nghĩa của sự hy sinh, là cái nhìn mông muội của người dân TQ lúc bấy giời về người làm cách mạng. Tên truyện vì thế mang tầng nghĩa thứ hai: Phải tìm một phương thuốc khác làm cho quần chúng giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng.
b.Ý nghĩa của chi tiết: Nghĩa địa người chết chém bên trái; nghĩa địa người chết vì bệnh, chết ngèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn... mộ dày khít như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ:
- Không hề có sự phân biệt giữa những người làm cách mạng hy sinh vì đất nước với những kẻ trộm cắp giết người. Vô hình cung những người chiến sĩ cách mạng cũng bị xem là "giặc".
- Mặt khác số người bị chết chém hoặc chết tù cũng nhiều như số người bị chết vì đói. Một con số gợi lên thực trạng xã hội đen tối, tàn bạo của đất nước Trung Hoa cũ.
- Hình ảnh con đường mòn không chỉ là ranh giới tự nhiên mà nó còn là ranh giới vô hình của lòng người, của định kiến xã hội, chia rẽ quần chúng.
c.Vòng hoa trên mộ Hạ Du
- Hình ảnh này cho ta thấy: Nhất định đã có người hiểu Hạ Du, hiểu được lí tưởng cách mạng và sự hy sinh cao cả của anh. Đó là dấu hiệu của sự gần gũi, thấu hiểu, đồng tình giữa quần chúng và người làm cách mạng.
- Qua hình ảnh này Lỗ Tấn thể hiện niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng của cách mạng và đất nước Trung Hoa.
d. Không gian và thời gian nghệ thuật:
- Thời gian nghệ thuật của truyện được khuôn vào hai thời điểm: mùa thu và mùa xuân. Mùa thu là mùa lá vàng rơi để tích nhựa cho mùa xuân đâm chồi nảy lộc. Cái chết của hai người con do sự u mê của mọi người cũng như hai chiếc lá lìa cành để tích nhựa cho mùa xuân. Mùa xuân là mùa của sự hồi sinh, nó thắp lên một niềm hi vọng về sự thay đổi. Với kết cấu này thì dù không biểu hiện rõ nhưng tác giả đã gieo vào lòng người một niềm tin, một niềm hi vọng về một cuộc sống mới mẻ hơn, đỡ u ám hơn cho đất nước và nhân dân Trung Hoa.
- Không gian: một quán trà, một pháp trường, một nghĩa địa: không gian ảm đạm, chết chóc, bế tắc, tù hãm chính là hình ảnh xã hội Trung Hoa đương thời được thu nhỏ.
---------------------------------------------------------------------- (hết tác phẩm "thuốc")
còn nữa
 
H

harushinj

hihi! cảm ơn bạn ủng hộ. Tiếp nè!!!
________________________________________________
Tác phẩm “Số phận con người” của Sô-lô-khốp
Câu 5: Vài nét về tác giả Sô-lô-khốp.
*Cuộc đời:
- Mi-khai-in A-lếch-xan-đrô-vích Sô-lô-khốp (1905-1984) là nhà văn vĩ đại của Liên Xô. Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở thị trấn Vi-ô-sen-xcai-a, một địa phương thuộc tỉnh Rô-xtốp trên vùng thào nguyên sông Đông.
- Khi nội chiến Nga bùng nổ, Sô-lô-khốp tham gia nhiều công tác cách mạng và tích cực hoạt động Văn nghệ tại địa phương.
- Năm 1923, ông lên thủ đô chấp nhận làm đủ mọi nghề để sinh sống và thực hiện giấc mơ viết văn. Nhưng ở đây ông đã không thể viết được một tác phẩm nào vì cảm thấy thiếu quê hương.
- Năm 1925, ông trở lại quê hương và bắt đầu viết tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm”
- Trong thời kì chiến tranh vệ quốc (1942-1945), với tư cách là phóng viên mặt trận, Sô-lô-khốp khoác áo lính xông pha chiến trường. Đây là thời kì ông viết nhiều tác phẩm nổi tiếng.
- Sau chiến trành, ông vẫn chủ yếu tập trung vào sáng tác. Năm 1965, ông được tặng giải thưởng Nô-benvề văn học.
*Sự nghiệp văn học: đồ sộ
Các tác phẩm chính:
- Tiểu thuyết: Sông Đông êm đềm; Đất vỡ hoang; Họ đã chiến đấu vì tổ quốc.
- Các tập truyện ngắn: Truyện sông Đông, Thảo nguyên xanh.
*Đặc điểm phong cách nghệ thuật
- Nét nổi bật trong tác phẩm của ông là việc tôn trọng sự thật: Ông không né tránh những sự thật dù khắc nghiệt trong khi phản ánh nhứng bức tranh thời đại rộng lớn, những cảnh đời, số phận đau thương.
- Tác phẩm của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất bi và chất hùng, chất sử thi và chất tâm lí.

Câu 6: Hoàn cảnh sáng tác và giá trị nội dung (chủ đề), nghệ thuật của tác phẩm “Số phận con người”. .
* Hoàn cảnh sáng tác:
- Truyện ngắn “SPCN” được tác giả công bố lần đầu tiên trên báo “Sự thật”, số ra ngày 31-12-1956 & 1-1-1957. Truyện có ý nghĩa khá quan trọng đối với toàn bộ sự phát triển của nền văn xuôi Xô Viết: Đây là tác phẩm đầu tiên trong văn học Xô Viết nhà văn tập trung thể hiện hình tượng con người bất hạnh sau chiến tranh, nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực.
* Giá trị nội dung:
- SPCN tập trung khám phá nỗi bất hạnh của con người trong chiến tranh. Tuy viết về nỗi đau thương, mất mát trong chiến tranh, tác giả vẫn giữ vững niềm tin vào tính cách Nga kiên cường và sự bao dung, tin rằng họ sẽ vượt qua được số phận của mình.
* Giá trị nghệ thuật”
- Nghệ thuật kể chuyện ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đựng tầm khái quát sử thi rộng lớn.
- Nhân vật được miêu tả giàu cá tính, đời sống tâm lí sinh động.

Câu 7: Tóm tắt truyện ngắn “SPCN” của Sô-lô-khốp.
Nhân vật chính là Anđrây Xô-cô-lôp. Anh có cuộc đời đau khổ. Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Xô-cô-lôp nhập ngũ, rồi bị thương, sau đó anh lại bị đọa đày trong trại tập trung của bọn phát xít. Khi thoát được về với Hồng quân, anh nhận được tin vợ và 2 con gái đã bị bom giặc sát hại. Người con trai duy nhát của anh cũng nhập ngũ và đang cùng anh tiến đánh Beclin. Nhưng đúng ngày chiến thắng, con trai anh đã bị kẻ thù bắn chết. Niềm hi vọng cuối cùng của Xô-cô-lôp tan vỡ.
Kết thúc chiến tranh, Xô-cô-lôp giải ngũ, xin làm lái x echo một đội vận tải và ngẫu nhiên anh gặp chú bé Vania, bố mẹ đều chết trong chiến tranh, chú bé sống bơ vơ không nơi nương tựa. Anh nhận Vania làm con, chú bé thơ ngây tin rằng Xô-cô-lôp chính là bố đẻ mình. Xô-cô-lôp yêu thương chăm sóc chú bé thật chu đáo và xem nó như một nguồn vui lớn. Tuy vậy, Xô-cô-lôp vẫn ám ảnh bởi một nỗi đau buồn, nhiều đêm “thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt”. Vì nỗi đau buồn mất vợ mất con cho nên anh thường phải thay đổi chỗ ở. Dù thế, Xô-cô-lôp luôn cố giấu không cho bé Vania thấy tâm trạng đau khổ của mình.

Câu 8: Tựa đề “Số phận con người”
Có 2 ý chính:
- Mỗi người thường có một số phận riêng, số phận con người thường không bằng phẳng mà luôn gập ghềnh, trắc trở.
- Con người cần phải có lòng nhân hậu và nghị lực vững vàng để cùng nhau vượt qua số phận, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Tác phẩm “Ông già và biển cả” của Hemingway

Câu 9:Những nét chính về nhà văn Hemingway
* Cuộc đời:
- Ơ-nít Hê-minh-uê (1899-1961) sinh ra trong một gia đình trí thức tại bang I-li-noi. Ông là nhà văn Mĩ nổi tiếng thế giới.
- Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm phóng viên.
- Năm 19 tuổi, ông tham gia đội lái xe cứu thương của Hội chữ thập đỏ trong chiến tranh thế giới I ở Italia. Sau đó, ông bị thương và trở về Hoa Kì.
- Ông thất vọng về xã hội đương thời, tự nhận mình thuộc “thế hệ mất mát”, không hòa nhập với cuộc sống đương thời. Hê-minh-uê sang Pháp, vừa làm báo, vừa sáng tác.
- Đại chiến thế giới lần thứ II nổ ra, ông tham gia Đội quân Quốc tế chống Phát xít tại Tây Ban Nha. Thời gian này đã giúp ông nhận thức lại ý nghĩa của cuộc sống. Đây là thời điểm ông viết được nhiều và hay nhất.
- Tháng 7-1961, ông đã tự sát vì cảm thấy mình không còn đủ sức để viết tiếp “một áng văn xuôi trung thực và giản dị về con người”.
* Sự nghiệp:
Nổi tiếng với các tiểu thuyết:
+ “Mặt trời vẫn mọc” (1926)
+ “Giã từ vũ khí” (1929)
+”Chuông nguyện hồn ai” (1940)
+”Ông già và biển cả”
* Quan niệm nghệ thuật
- Những tác phẩm của ông đều nhằm ý dồ “viết một áng văn xuôi trung thực và giản dị về con người”.
- Ông quan niệm: tác phẩm nghệ thuật như một “tảng băng trôi” (1 phần nổi, 7 phần chìm). Trong tác phẩm, xuất hiện trên phần nổi của ngôn từ không nhiều, lối viết giản dị. Song phần chìm của nó rất lớn, bởi đã gợi lên nhiều tầng ý nghĩa mà người đọc sẽ rút ra được tùy theo thề nghiệm và cảm hứng trước hình tượng – đó là biểu hiện của nguyên lí sáng tác “tảng băng trôi” do nhà văn đề ra. Với nguyên lí này, ông để lại một dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới nói chung.
=> với những đóng góp trên, ông được giải Pi-lit-dơ của nước Mí (1952) và giải Nô-ben văn học (1954).

Câu 10:Hoàn cảnh ra đời và giá trị của đoạn trích
* Hoàn cảnh ra đời:
Tác phẩm được hoàn thành vào năm 1952, và là tác phẩm thành công vang dội cuối cùng của Hemingway. Vì vậy nó được coi là “khúc hát cuối cùng của con thiên nga”.
* Giá trị của đoạn trích
- Thông qua hình ảnh ông lão đánh cá đơn độc, dũng cảm săn đuổi con cá lớn nhất đời, tác giả xây dựng một biểu tượng về
+ vẻ đẹp của ước mơ và hành trình gian khổ của con người để biến ước mơ thành hiện thực. Vì vậy tác phẩm là một bài ca ca ngợi vẻ đẹp của Con Người.
+ hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy gian truân của người nghệ sĩ.
- Đoạn trích tiêu biểu cho nguyên lí “tảng băng trôi” của Hemingway: Từ hình ảnh giản dị, chân thực chuyển hóa thành lớp nghĩa hàm ẩn rộng lớn.
________________________________________________(hết).
 
H

harushinj

hiz! chẳng thấy ai có ý kiến j cả! tài liệu của tớ hok có ích ak`????
 
2

251192

rất có ích,thank chị,em để dành sang năm dùng nếu trúng đề thì biết ơn chị lắm lắm hihi
 
C

conu

Tài liệu này rất bổ ích cho việc ôn thi tốt nghiệp, khá cô đọng và bao quát, cảm ơn em đã có đóng góp cho box Văn, chúc em ôn thi tốt và đạt điểm cao trong 2 kì thi quan trọng sắp tới.
 
T

trangnguyenxuantrang

cám ơn

cảm ơn bạn nha cái nảy rất hay làm 2 điểm văn là quý lắm rồi
 
Top Bottom