suy nghĩ về chữ Nhân

M

minh_minh1996

Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới kinh tế, phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói xã hội Việt Nam hiện nay là một xã hội của những sự chuyển đổi toàn diện và sâu sắc.
Điều đó tác động đến mỗi thành viên trong xã hội, làm phong phú đa dạng thêm đồng thời cũng phức tạp thêm lối sống của mỗi người, đặc biệt ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của lớp trẻ. Hội nghị BCHTW Đảng khóa VII đã khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn phụ thuốc vào lực lượng thanh niên”. Đây là lực lượng lao động chủ yếu đã và sẽ thực hiện quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời là lứa tuổi rất năng động nhạy bén với những cái mới. Vì vậy, việc định hướng những giá trị đúng đắn và xây dựng mô hình nhân cách tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới là một việc làm cần thiết.
Thực tiễn cho thấy trong mấy năm gần đây, thang giá trị của xã hội đang có sự thay đổi nhanh chóng. Chính sự thay đổi một số giá trị dẫn đến sự thay đổi đặc điểm nhân cách của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới. Định hướng giá trị là yếu tố quan trọng nhất của cấu trúc bên trong nhân cách. Chúng ta đang trong quá trình vận động và chuyển đổi trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, không thể không có sự chuyển đổi thang giá trị, biểu định hướng giá trị trong việc kế thừa và duy trì các giá trị truyền thống và hình thành những giá trị chuẩn mực mới, tiếp cận thời đại. Những giá trị truyền thống gia đình, tình nghĩa, đề cao cái tâm, chữ tín và đạo hiếu, lễ nghĩa vẫn được duy trì nhằm hạn chế, khắc phục tính ích kỷ, thờ ơ thậm chí là lạnh lùng của một số người dưới tác động của cơ chế thị trường. Tính cộng đồng vẫn được quan tâm nhưng bên cạnh đó một số giá trị phẩm chất cá nhân ngày càng được đề cao như: Học vấn, sức khoẻ, sáng tạo, tự lập, tự trọng, tinh thần khám phá, chí tiến thủ,… Mục tiêu, yêu cầu của mô hình nhân cách tuổi trẻ Việt Nam cần phải có sự kết hợp những giá trị chuẩn mực truyền thống và mô hình phát triển của con người Việt Nam XHCN như mục tiêu Đại hội Đảng IX, X đề ra gồm có: Lòng yêu nước, yêu CNXH, đạo đức lối sống, tính cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lập, tự cường xây dựng đất nước…
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, tuổi trẻ Việt Nam là một lực lượng đáng kể, lực lượng nòng cốt để thực hiện các chiến lược, mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Vì vậy, những chủ nhân tương lai của đất nước phải không ngừng rèn luyện và học tập để có thể tiến kịp cùng thời đại. Bên cạnh những đặc điểm mang tính truyền thống của nhân cách con người Việt Nam như: Cần cù, sáng tạo, tiết kiệm, thật thà, giữ chữ tín, đoàn kết, chung thủy... Tuổi trẻ Việt Nam cần chú ý nâng cao trình độ học vấn có tư duy kinh tế, biết tính toán hiệu quả công việc. Trong thời buổi cơ chế thị trường, mọi hoạt động của con người đều hướng tới hiệu quả và muốn đạt được mục đích đó đòi hỏi mỗi người phải có năng lực và trình độ hiểu biết thực sự. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ không ngừng phấn đấu học tập, một lúc học hai trường đại học, khi ra trường luôn có nguyện vọng học lên cao để nâng cao trình độ. Điều này cũng rất cần thiết vì biết nhiều nghề, thạo một nghề cũng là một đặc điểm đáng chú ý của nhân cách con người thời đại mới. Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng chạy theo bằng cấp cũng còn phổ biến. Để giải quyết tốt vấn đề này cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành các cấp.
Nền kinh tế và xã hội Việt Nam đã nhiều khởi sắc và đạt nhiều thành quả đáng kể. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Với đặc điểm luôn biến động của cơ chế thị trường mỗi người phải hết sức năng động, đặc biệt với thanh niên cần có sự chấp nhận mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thanh niên Việt Nam đã có nhiều cơ hội thử thách trên các lĩnh vực: kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục… Nhiều dự án, đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến do lực lượng thanh niên tiến hành thực hiện đã có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Thanh niên Việt Nam đã khẳng định sức trẻ và tiềm năng sáng tạo không chỉ trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, chúng ta liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế như: Toán, vật lý, công nghệ thông tin, các giải đấu thể thao,…
Thanh niên phải đi đầu đấu tranh chống tệ nạn xã hội. Hiện nay, tệ nạn xã hội đang tấn công và hủy hoại cuộc sống và nhân cách của một số người. Thanh niên, học sinh rất dễ bị lôi kéo sa vào tệ nạn xã hội. Do vậy, lực lượng thanh niên cần có sự nhận thức về tác hại, hậu quả của tệ nạn xã hội. Đồng thời biết cách phòng tránh và đấu tranh để xây dựng xã hội Việt Nam thực sự trong sạch và lành mạnh.
Xu hướng quốc tế hoá đang diễn ra trên toàn cầu. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều tiện ích và nâng cao hiệu quả công việc, cũng như trong lĩnh vực giải trí. Để sẵn sàng nắm bắt những thời cơ thuận lợi và sự thay đổi đang diễn ra trên thế giới, mọi người cần sử dụng tốt ngoại ngữ và vi tính, đó là những công cụ phục vụ đắc lực không thể thiếu được trong công việc của mỗi người, đặc biệt là lớp trẻ luôn đi đầu trong việc tiếp cận cái mới.
Một đặc điểm quan trọng đối với nhân cách tuổi trẻ Việt Nam hiện nay là cần có bản lĩnh chính trị vững vàng. Điều đó thể hiện ở lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, việc tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng mang sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ trên cơ sở bản lĩnh chính trị vững vàng, tuổi trẻ mới tự tin dấn thân vào các hoạt động xây dựng phát triển đất nước. Trước âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hoà bình" của kẻ địch, lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam cần tỉnh táo, kiên quyết chống lại những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội.
Trên đây là những đặc điểm chính về năng lực và phẩm chất của thanh niên trong thời kỳ mới. Như vậy, mô hình nhân cách tuổi trẻ Việt Nam thời kỳ mới cần được nghiên cứu, kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, con người Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Việt Nam nói riêng cần không ngừng trau dồi tri thức và rèn luyện về mọi mặt để có bản lĩnh vững vàng ngang tầm với nhiệm vụ mới, góp phần xây dựng xã hội “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 
N

niemkieuloveahbu

Trong bản sắc văn hóa của dân tộc ta, có biết bao những nét đẹp truyền thống mà chỉ có thời gian mới làm sáng lên giá trị nhân văn của tinh hoa văn hóa được chắt lọc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Theo lời dạy của ông cha ta "Ôn cố tri tân" tức là ôn xưa để hiểu nay. Nhân dịp đầu năm xin có vài dòng suy ngẫm về một đạo lý của tổ tiên ta "Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy".

Cụm từ thật đơn giản, nhưng càng đọc, càng tỉnh tâm suy ngẫm, ta càng cảm nhận được một ý nghĩa sâu xa về một đạo đức làm người được đúc kết từ xa xưa tổ tiên mình. Có thể thấy cụm từ "Công cha", "Ơn thầy" tựa hai đầu của chiếc đòn gánh cho mỗi đời người. Điểm trung gian của chiếc đòn gánh ấy chính là cụm từ "Nghĩa mẹ".

Trước hết, con phải "biết ơn cha", vì có công ch

a lao khổ nuôi dạy mới nên người. Đồng thời con phải ghi nhớ "nghĩa mẹ", vì nhờ có mẹ thường xuyên đùm bọc, chăm bẳm, thương yêu mới trưởng thành. Nhưng con người chỉ có sự tự tin vào cuộc đời, vào con đường thành công của sự nghiệp khi có sự dạy bảo của người thầy giáo, vì trong các quan hệ xã hội thì người thầy giáo là người giúp cho ta có được vốn tri thức toàn diện để làm người. Người xưa đã dạy: Học để có được chữ "nhân", học để làm người, học để hiểu cuộc đời mà đối nhân xử thế - "Nhân bất học bất tri lý". Cụm từ "nghĩa mẹ" phản ánh tình cảm ruột rà máu thịt, không thể dứt bỏ, khó bày tỏ được giữa mẹ và con. Từ "nghĩa" trong từ điển tiếng việt là dạng tình cảm đặc biệt, rất sâu nặng của con người. Tình cảm đó càng cảm nhận được bằng nỗi đau lìa cành, rách lá:

Chiều chiều ra đứng hiên sau
Ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Nói về công ơn cha mẹ, ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Núi Thái Sơn - một ngọn núi cao nhất đã đi vào huyền thoại của người Trung Hoa. Người cha có thể sẵn sàng chịu mọi khổ cực nhằm mục đích mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời của mỗi người con. Nỗi vất vả, cực nhọc của người làm cha được ví như núi đá "Thái Sơn". Núi đá "Thái Sơn" là biểu tượng cho sự trường tồn muôn thuở về sự nhọc nhằn của phận làm cha. Đó là sự vĩnh hằng, vĩ đại về công sức của người cha đối với con.

Mỗi con người đều phải trải qua bổn phận làm con, nhờ công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ mới nên người. Nhưng muốn thành danh trên cuộc đời thì nhất thiết phải cần đến sự dạy bảo của người thầy giáo - "Không thầy đố mày làm nên", "Nhất tự vi sư bán tự vi sư".

Từ "thầy giáo" ở đây theo quan niệm của thuở xa xưa không những là người thầy trên trường lớp, mà còn là những người cao tuổi đứng ở ngôi trưởng lão, những người già, những thợ cả dẫn dắt cộng đồng bằng những kinh nghiệm trong cuộc sống, hiểu được những hiện tượng thiên nhiên thay đổi v.v...

Sự truyền đạt kinh nghiệm thông qua nhiều con đường: Do mỗi người tự chắt lọc trong cuộc sống, do được người đời chỉ dẫn hoặc được học qua trường lớp. Những người muốn thành đạt trong cuộc sống, nhất thiết phải trải qua quá trình "tầm sư học đạo". Hoàng đế Quang Trung khi đã lên ngôi mà vẫn một tuần dành ra một buổi để nghe một viên quan giỏi sử sách phụ đạo về lịch sử nước Tàu và lịch sử nước Việt, đặc biệt vị Hoàng đế áo vải này rất biết trọng dụng người tài. Trong lần kéo đại binh ra Bắc dẹp giặc, vua đã ghé vào vấn an bậc đại trí sĩ Nguyễn Thiếp, mặc dù ông này không mấy mặn mà với triều đại Tây Sơn. Ở Việt Nam, có không ít những tấm gương biết trọng đạo lý "Kính thầy". Chu Văn An - người thầy giàu trí tuệ và lòng nhân ái được cả nước tôn vinh, khi qua đời được đưa vào thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

Thời gian trôi qua nhanh, cha mẹ nuôi con không quản nhọc nhằn, thầy giáo dạy bảo học trò không quản khó khăn. Thầy giáo là người cha, là người mẹ thứ hai có công khai trí cho lớp lớp người kế tiếp nhau. Mỗi dịp xuân về, dân gian ta có tục lệ ơn thầy, ơn cha mẹ:

"Mồng một tết cha
Mồng ba tết thầy".

Tết thầy không cầu kỳ, rất đơn giản - chỉ đôi bánh chưng xanh, tượng trưng cho trời đất và sự sống; với trầu tượng trưng cho chất men và sắc màu của cuộc đời giàu ân nghĩa. Trò đến tết thầy cũng là dịp đầu năm chúc thầy trường thọ dạy bảo nên người. Mỗi con người, mỗi cuộc đời đều phải chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên, quy luật xã hội nhưng khi trở thành người hữu ích hoặc may mắn đều cảm nhận được đạo lý "Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy" bằng chính sự trải nghiệm của riêng mình.

Nguồn: vietbao.vn
 
Top Bottom