Internet - một trường học lớn
Nhờ Internet, các em có thể mở rộng "quan hệ" đến tất cả các bạn bè trên thế giới, Chat là một hình thức giao lưu kết bạn rất hay nếu như sử dụng nó đúng mục đích. Xét về mặt tích cực, Chat giúp ích rất nhiều cho HS trong cuộc sống, nhất là trong ứng xử giao tiếp, các em có cơ hội được trao đổi, thảo luận, bày tỏ ý kiến và học hỏi kinh nghiệm khi tham gia các diễn đàn. Chia sẻ buồn vui trên blog đang là "cơn sốt" không chỉ đối với các em nhỏ nói riêng mà cả người lớn cũng đang bị hút vào các trang nhật ký online. Internet là đòn bẩy giúp phát huy sức mạnh cộng đồng, trong đó có sức mạnh của những người trẻ, góp sức xây dựng và phát triển kinh tế tri thức.
Tiếp xúc với máy tính và Internet cách đây hơn một năm, em Nguyễn Thu Hà, học sinh trường Trần Phú tâm sự: "Internet thật hữu ích, tiết kiệm và giúp em học hỏi được rất nhiều. Mỗi khi đọc các website hay em đều lưu lại và giới thiệu mọi người trong nhà cùng xem. Kiến thức trên mạng quả là bao la và đó là lý do khiến người ta có thể ngồi hàng giờ lướt web...". Theo số liệu của một cuộc thăm dò gần đây, có hơn 70% học sinh tìm đến các phòng Internet bất cứ lúc nào rảnh, như trước hoặc sau giờ học, buổi tối... với mục đích chính là giải trí (chat 30%, game 10%, đọc truyện 10%, tìm bạn bốn phương 20%...). Chỉ khoảng 30% HS cho rằng có học hỏi được về tin học và ngoại ngữ từ cộng đồng web. Học ngoại ngữ trực tuyến giúp các em trau dồi khả năng đọc, viết một cách hứng thú và sinh động qua rất nhiều website. Còn tin học thì thật sự rất phong phú với các diễn đàn, trao đổi, vào đây các HS tha hồ mặc sức mà thắc mắc, nhờ các chuyên gia chỉ dẫn hoặc tìm hiểu các thông tin khác trong lĩnh vực IT.
Và nhiều tác hại đối với học đường
Chúng ta đã nghe câu chuyện một bé gái đã bỏ nhà ra đi để gặp một người nào đó mà em đã nói chuyện qua Internet. Ngoài ra chúng ta còn thấy có những cám dỗ qua internet, chẳng hạn như người ta lợi dụng để buôn bán những hình ảnh cuả các em bé trên mạng. Nhiều cô bé, cậu bé quên ăn, quên ngủ, mê mệt trong các trò chơi trực tuyến và trong thế giới ảo mà quên mất nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải học tập. Họ sống trong một thế giới ảo, hay nói cách khác là tâm hồn của họ đã lạc sang thế giới khác.
Hiện nay ở Trung Quốc có 2,5 triệu người nghiện Internet, chủ yếu là nam thanh niên. Họ bị cuốn vào các trò chơi trực tuyến. Bạo lực và tình dục trong các trò chơi ảnh hưởng sâu sắc lên thế hệ trẻ và nguy hiểm hơn khi nó diễn ra trong giai đoạn hình thành nhân cách. Trung Quốc đã cho xây dựng khoảng 30 bệnh viện để điều trị các vấn đề liên quan đến nghiện Internet. Tháng 1/2007, Chính phủ nước này ra lệnh cấm mở thêm các quán cà phê Internet trong năm 2007 để ngăn con số 14% giới trẻ nước này nghiện Internet không tiếp tục tăng, gây ra một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Theo nghiên cứu mới của ChinaNews, gần 33,5% trẻ vị thành niên phạm tội ở Bắc Kinh là do nghiện chơi các trò chơi trực tuyến.
Internet với HS có thể ví như một con dao hai lưỡi với những lợi hại khó lường, điều quan trọng là phải tạo cho các em có "sức đề kháng" với những ẩn họa trong các trang web. GS.TSKH Phan Đình Diệu, người đã cùng với các nhà khoa học khác đề nghị Chính phủ phê chuẩn việc cần phải tiếp nhận và hòa nhập với thế giới Internet rộng mở nói: "Tôi cho rằng, nếu thanh thiếu niên có những ham thích về khoa học, văn chương, thơ ca, có những đam mê khác lành mạnh hơn, thì những trò tệ nạn hay suy đồi xuất phát từ Internet ảnh hưởng tới thanh thiếu niên sẽ giảm đi. Với những hành động phạm pháp có tính tổ chức thì phải trị bằng luật pháp. Mức độ xử phạt như thế nào thì còn phải tùy vào sự phát triển của xã hội. Không buông lỏng nhưng không khắt khe quá, để giới trẻ không phạm pháp nhưng cũng không bị hạn chế tiềm năng phát triển.