CLB Khu vườn ngôn từ Sưu tầm: Nhớ con sông quê hương-Tế Hanh

Kyanhdo

Học sinh tiêu biểu
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
22 Tháng sáu 2017
2,357
4,161
589
19
TP Hồ Chí Minh
THPT Gia Định
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

(cùng nghe ngâm thơ nhé)
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Hình ảnh cô em đôi má ửng hồng...

Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng "miền Nam"
Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết...
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương
Năm xuất bản: 6-1956 - Nguồn: Tế Hanh, Lòng miền Nam, NXB Văn nghệ, 1956
Hoàn cảnh: Bài thơ được sáng tác khi tác giả tập kết ra miền Bắc sau cuộc kháng chiến chống Pháp.
2IeeaCHG.jpg

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20-6-1921, tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ học trường làng, trường huyện sau ra học tại trường Quốc học Huế. Tế Hanh được biết đến nhiều với các tác phẩm như Nhớ con sông quê hương, Quê hương - hai bài thơ từng được đưa vào chương trình học phổ thông.
Ông là một trong những nhà thơ thành công trong cả phong trào Thơ mới và sau cách mạng tháng Tám với những bài thơ tinh tế và giàu cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước.
Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngàogiành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, Tế Hanh đã trải qua các công tác văn hóa, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên giáo dục trong ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã ca ngợi ông "Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi..."
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã từng giành nhiều tình cảm khi viết về ông như: "Trong thơ Việt Nam tiền chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mặc Tử hoặc Nguyễn Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu. Nhưng ông vẫn có chỗ của mình. Tập Nghẹn ngào từng được giải thưởng Tự Lực văn đoàn. Từ sau 1945, ông vẫn làm thơ đều đều, những tập thơ mỏng mảnh, giọng thơ không có gì bốc lên nồng nhiệt, nhưng được cái tình cảm hồn nhiên, và tập nào cũng có một ít bài đáng nhớ, khiến cho ngay sau Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu người ta nghĩ ngay đến Tế Hanh." (Vương Trí Nhàn, Cây bút đời người).
Những tập thơ tiêu biểu của ông bao gồm: Hoa niên (1944); Tập thơ tìm lại (1945 ); Hoa mùa thi (1948); Nhân dân một lòng (1953); Lòng miền Nam (1956 ); Gửi miền Bắc (1958); Tiếng sóng (1960); Bài thơ tháng bảy (1961), Hai nửa yêu thương (1963); Khúc ca mới (1966); Đi suốt bài ca(1970), Câu chuyện quê hương (1973); Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông (1980); Bài ca sự sống (1985), Tế Hanh tuyển tập (1987); Thơ Tế Hanh (1989 ); Vuờn xưa(1992); Giữa anh và em (1992); Em chờ anh (1993 ); Tuyển tập Tế Hanh (tập II, 1997).
Năm 1947, Tế Hanh làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung bộ, năm 1948, ông ở trong Ban phụ trách liên đoàn văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ ủy viên thường vụ chi hội Văn nghệ Liên khu V.
Năm 1957 khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là Ủy viên thường vụ Hội khóa I, II, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986).
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Bình Dương như một ốc đảo nằm sâu trong đất liền ba bên bốn bề đều tiếp giáp với sông nước.
Từ thị trấn Châu Ổ về Bình Dương cứ nhằm hướng ngã ba Lý Bình đi một mạch chừng vài cây số qua những cánh đồng xanh, qua chiếc cầu mới bắc ngang dòng sông Dâu - một nhánh sông đổ ra sông Trà Bồng - là tới xã Bình Dương.
Nhưng nhiều du khách không chọn con đường này mà chờ khi chiều xuống ra bến sông sau chợ Châu Ổ xuôi đò dọc về Bình Dương, để sống lại cảm giác mà nửa đầu thế kỷ trước ông Hai Phố (tên tục của nhà thơ Tế Hanh) đã viết: “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã. Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang” (Quê hương - Tế Hanh).
anh_1_xuoi_dong_song_tra_ve_binh_duong_1440238931_avfh.jpg

Phía ngoài mé sông, một bờ kè vắt dài để bảo vệ khu dân cư sau mỗi mùa mưa lũ. Một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư mua sắm thuyền con vịt để cho trẻ trong làng mỗi chiều bơi dọc dòng sông, để người làng sau một ngày vất vả trên đồng ra ghế đá ngắm con trẻ dạo trên sông và mình thì thỏa thuê đón làn gió mát từ sông thổi đến.
Con thuyền trôi trên dòng sông lượn lờ qua khúc quanh nơi đồi Châu Má. Kia rồi, thôn Đông Yên, thôn Mỹ Huệ vẫn “bờ tre ríu rít tiếng chim" kêu. Những rặng tre xanh soi bóng xuống sông chiều và mặt nước vẫn “chập chờn con cá nhảy” (Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh).
Đến khoảng đầu thôn Đông Yên, chiếc cầu tre lắt lẻo của ngày xưa biến mất, thay vào đó là chiếc cầu mới bằng sắt bắc ngang sông. Còn chợ Hôm - ngày xưa là bến đỗ - nơi dân làng sau một đêm ra khơi đánh bắt "tấp nập đón ghe về”, giờ được tu sửa xây dựng lại khá khang trang.
anh_8_con_thuyen_tren_ben_tro_ve_nam_1440238932_qvxe.jpg

Phía trước đình Đông Yên, xưa nơi cuối mùa đánh bắt, ngư dân tổ chức lễ Hoàng Nguyên tạ ơn trời biển, tổ chức hát bá trạo (tức hò kéo chài) mô phỏng công cuộc lao động trên biển có pha chút huyền thoại về cá ông (cá voi) cứu người, giờ đã xây dựng một cổng làng khá lớn.Con đường quê ngày xưa mang theo tự bạch của ông Hai Phố “Tôi con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không chạy khắp làng” (Lời con đường quê - Tế Hanh) giờ cũng đã được bêtông hóa. Những ngôi nhà thấp bé của ngày xưa ấy giờ thay vào đó là những ngôi nhà tầng khang trang.
Người quê tự hào quê mình có ông Hai Phố nên cổng làng cũng được trích dẫn đôi câu thơ: "Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng. Rướn thân trắng bao la thâu góp gió"... (Quê hương - Tế Hanh).
anh_7_cau_tre_bat_qua_thon_dong_min_1440238932_ywms.jpg

Len lỏi trong con hẻm nhỏ dừng chân trước ngôi nhà xưa của ông Hai Phố, dấu xưa in đậm trên mái ngói, vòm cây. Nơi đây, ông Hai Phố cất tiếng khóc chào đời, lớn lên đi học ở Huế, rồi tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc vẫn nhớ về quê hương.Quả làng quê biển sản sinh ra thi sĩ tài hoa ai mà chẳng tự hào, ai mà chẳng muốn ghi ơn?
Trong nắng chiều buông, ngôi nhà xưa cửa đóng then cài, những câu thơ trong bài thơ Vườn xưa bất chợt hiện về trở thành nỗi nhớ mênh mông.
Từ thôn Đông Yên đi ngược ra sông, du khách sẽ nhận ra chiếc cầu tre nối liền giữa thôn Đông Yên với thôn Đồng Min. Cầu làm bằng những đoạn tre già gắn xuống lòng sông sâu.
Theo vòng xe, theo nhịp chân người, chiếc cầu tre rung lên bần bật với những âm thanh kẽo kẹt từ những thanh tre trên cầu.
Nhiều người ở xứ này gọi đây là “chiếc cầu ký ức”, bởi thời ông Hai Phố cắp sách cho đến bây giờ cầu cũng được làm bằng vật liệu như thế. Cứ mùa hạ về dân làng lại chặt tre đóng cọc và trước khi mùa mưa bão tới, khi sông Trà Bồng nước sắp dâng cao, dân làng nhanh tay tháo dỡ và một bến đò được hình thành để nối đôi bờ sông.
Phải chăng trong cuộc vươn lên, người Bình Dương giữ chiếc cầu tre này là giữ một chút hình quê, một mảnh hồn làng từng đi vào thơ ca giai thoại?
Sông Trà Bồng trước khi đổ ra cửa Sa Cần cứ lượn lờ quanh những cồn bãi. Từ thôn Đông Yên theo con đường bêtông, một bên là sông xanh, một bên là cánh đồng lúa và hoa trái, những hàng quán hiện ra.
Nơi đây, dân trong vùng gọi là Bãi Dương, có nhiều món ăn nồng vị biển. Du khách tha hồ thưởng thức từ lúc trời chiều cho đến khi đêm xuống trăng lên./
 
Last edited:
Top Bottom