VAI TRÒ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC ĐỐI VỚI VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (1920-1930) (01/02/2013)
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, mở ra trang sử mới chói lọi của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu khách quan của lịch sử, gắn liền với công lao vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đến nay, 80 năm đã trôi qua, nhưng việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự vận động ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị khoa học. Đặc biệt, qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về Đảng, từ đó phấn đấu, rèn luyện để bước vào hàng ngũ của Đảng quang vinh.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu công cuộc xâm lược nước ta. Tuy nhiên, phải mất gần 30 năm, thực dân Pháp mới áp đặt được ách thống trị lên đất nước ta.
Tháng 7/1885, Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn chỉ huy nghĩa quân mở cuộc tấn công quyết liệt vào đồn Mang Cá, nơi đặt khu sứ quán của thực dân Pháp ở Huế, mở đầu phong trào Cần Vương. Năm 1895, cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, đồng nghĩa với việc kết thúc phong trào Cần Vương sau mười năm kéo dài mạnh mẽ. Đến đây, phong trào cứu nước theo khuynh hướng phong kiến hoàn toàn thất bại, mất vai trò trên vũ đài chính trị.
Trong thời gian này, song song với phong trào Cần Vương, phong trào nông dân chống thực dân Pháp cũng phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất là phong trào nông dân Yên Thế (1884-1913), mặc dù, kết cuộc phong trào bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, nhưng cũng đã trở thành nổi ám ảnh của kẻ thù trên bước đường cai trị đất nước ta.
Sau khi thành lập chính quyền thuộc địa ở nước ta, thực dân Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa, lần thứ nhất (1897-1914) và lần thứ hai (1919-1929). Bằng chính sách thống trị tàn bạo, khai thác và bóc lột dã man của thực dân Pháp đã làm cho cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội Việt Nam bị biến đổi sâu sắc. Với hai giai cấp ban đầu: nông dân và địa chủ phong kiến, đến nay xã hội Việt Nam xuất hiện thêm nhiều giai tầng mới: giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản. Từ đó, làm cho các mâu thuẫn trong lòng xã hội Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết một cách nhanh chóng. Đó là, mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến; mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.
Bước sang đầu thế kỷ XX, hoà trong xu thế chung của thời đại, nhiều trào lưu chính trị và tư tưởng mới ở nước ngoài dần dần được truyền vào nước ta. Điển hình là tư tưởng của Cách mạng tư sản Pháp (1789); cuộc cải cách Minh Trị (1866-1869) ở Nhật Bản; cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, với chủ nghĩa Tam dân tiến bộ; tư tưởng dân tộc, dân quyền của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi… Tất cả các trào lưu tư tưởng trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào đấu tranh yêu nước ở Việt Nam lúc bấy giờ. Cụ thể là phong trào Duy Tân (1906-1908) của Phan Chu Trinh; phong trào Đông Du (1905-1908) và tổ chức Việt Nam Quang phục hội (1912-1916) của Phan Bội Châu; phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) do Lương Văn Can và Nguyễn Quyền đứng đầu; Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học đứng đầu. Tuy nhiên các phong trào cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở trên đều có một kết cuộc chung, đó là thất bại.
Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào cứu nước theo khuynh hướng phong kiến và dân chủ tư sản ở Việt Nam đều lần lượt thất bại, chấm dứt vai trò lịch sử. Với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là vì: chưa tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc; phong trào diễn ra tự phát; phương pháp cách mạng sai lầm; hạn chế về mặt ý thức hệ của những người lãnh đạo phong trào… Cách mạng Việt Nam đang gặp khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngọn cờ lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn đang để ngỏ, chờ một giai cấp tiến bộ, với đường lối đúng đắn đủ khả năng để giương cao ngọn cờ ấy.
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, giỏi Nho học, nên ngay từ nhỏ anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có ý chí đuổi thực dân, giải phóng đồng bào. Thất bại của phong trào chống thuế ở Huế (1908) và các phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, đã giúp cho Nguyễn Tất Thành hiểu được bản chất dã man và sức mạnh của bộ máy chính quyền thực dân. Mặc dù rất khâm phục những hoạt động cứu nước của các vị tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành đã tự chọn con đường cứu nước riêng của mình, bằng cách đi ra nước ngoài, đến với các nước phương Tây, xem sự thật đằng sau tư tưởng Tự do, Bình đẳng và Bác ái là gì, tìm học con đường đấu tranh thích hợp để sau này trở về giúp đồng bào mình tự giải phóng.
Từ năm 1911 đến năm 1917, chỉ với túi hành trang là lòng yêu nước sâu sắc, nghị lực phi thường và đôi bàn tay cần cù lao động vốn có của người dân Việt Nam đã giúp Nguyễn Tất Thành vượt lên trên tất cả những khó khăn, gian khổ để bôn ba tìm hiểu nhiều nơi trên thế giới. Cuộc hành trình dài sáu năm này đã giúp Người nhận thức rõ về cuộc sống của thế giới bên ngoài, phân biệt được đâu là bạn, đâu là kẻ thù.