Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi, da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sỹ nông công thương binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.
Lá cờ đỏ sao vàng trong nhiều thập kỷ qua luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Tháng 7-1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ, do đ/c Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy - chủ trì được tổ chức tại nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) ở xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nhằm đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam kỳ, giành chính quyền về tay nhân dân. Tại hội nghị, có một ý kiến được nêu ra là, cuộc khởi nghĩa cần phải có một lá cờ để tập hợp, hiệu triệu quần chúng xông lên chiến đấu một mất một còn với kẻ thù thực dân xâm lược. Cũng trong hội nghị, có đồng chí nhớ lại, năm 1931, trong một lớp huấn luyện ở trong tù, đ/c Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản VN) - khi đề cập đến triển vọng của cách mạng nước ta, có nói là, sau khi giành được độc lập, sẽ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc kỳ sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở chính giữa với ý nghĩa là màu đỏ của nền cờ màu biểu tượng cho tính triệt để chiến đấu của cách mạng, ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc, gồm sĩ, nông, công, thương, binh. Sau khi thảo luận, hội nghị Xứ ủy quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của cuộc khởi nghĩa. Sau đó, Xứ ủy phân công cho đ/c Nguyễn Hữu Tiến sáng tác mẫu cờ và những lá cờ đỏ sao vàng được may bí mật tại hiệu may Ba Lễ -một cơ sở cách mạng - ở Sài Gòn.
Đêm 22 rạng 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ mãnh liệt. Ở tỉnh Mỹ Tho, cuộc khởi nghĩa nổ ra quyết liệt nhất là tại xã Long Hưng (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ trong cao trào khởi nghĩa, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện ở tại đây. Viết về sự kiện này, quyển "Mỹ Tho - Gò Công trong cuộc khởi nghĩa Nam kì (1940)" do Ban Tuyên giáo Tiền Giang xuất bản năm 2001 cho biết: "Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người tham dự tại đình Long Hưng để ra mắt nhân dân. Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình Long Hưng". Từ Long Hưng - Mỹ Tho, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp Nam kỳ trong những ngày cuối tháng 11-1940 lịch sử. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố dã man; nhưng lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu trong trái tim nhiệt tình cách mạng của mỗi người, động viên nhân dân ta vững bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tháng 5-1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, tiếp tục nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Cả Nghị quyết Trung ương 8 và Chương trình hành động của Việt Minh đều ghi là, sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Được biết, lá cờ đỏ sao vàng treo tại buổi lễ thành lập Việt Minh hiện được lưu giữ ở Bảo tàng cách mạng Việt Nam tại Hà Nội.
Ngày 16-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại hội đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng VN do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Liền sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư đến đồng bào cả nước, kêu gọi nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền; trong đó có đoạn: "Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!". Ngày 17-8-1945, một lá cờ đỏ sao vàng có diện tích đến 48 mét vuông (6m x 8m) đã được xuất hiện trước tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội, tạo nên sự phấn khích to lớn của quần chúng thủ đô. Ông Trần Lâm - một trong hai người trực tiếp treo lá cờ đó - kể lại: "Cuộc mít tinh bắt đầu, khi lá cờ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được kéo lên thì tôi và anh Nam cũng mở lá cờ đỏ sao vàng từ trên tầng hai buông xuống. Lá cờ to rộng, sáng chói, nổi bật trên cao. Sự kiện này làm đảo lộn tình thế. Tất cả những người dự cuộc mít tinh đều sững sờ. Trong tay họ đang cầm những lá cờ nhỏ tự nhiên giơ lên vẫy vẫy và hò hét như sấm". Như một luồng điện cực mạnh, cuộc tổng khởi nghĩa tháng tám lan nhanh ra cả nước trong rừng cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay khắp nơi.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945), bọn Tàu Tưởng và tay sai (Việt Quốc, Việt Cách) ra sức chống phá chính quyền cách mạng. Bọn chúng đòi ta phải nhân nhượng nhiều điều, trong đó có việc phải thay đổi Quốc kỳ, Quốc ca. Để giữ vững chính quyền nhân dân trong điều kiện nước ta vừa mới giành được độc lập, còn gặp vô vàn khó khăn; Đảng và Chính phủ ta đã thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với Tưởng và nhân nhượng bọn chúng một số việc, như đồng ý cho bọn Việt Quốc, Việt Cách 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử, cung cấp lương thực cho quân Tưởng...); nhưng ta kiên quyết không chấp nhận việc thay đổi Quốc kỳ, Quốc ca. Cuộc đấu tranh này diễn ra không kém phần gay go, quyết liệt. Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi bàn đến vấn đề Quốc kỳ thì có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt. Các đại biểu Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt cho rằng, cờ đỏ sao vàng là cờ của Việt Minh, chưa đại diện cho các đảng, phái ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch giơ tay xin phát biểu ý kiến. Cụ Nguyễn Văn Tố - Thường trực Quốc hội, điều khiển cuộc họp - mời Bác đến diễn đàn. Chỉ tay vào lá cờ sao vàng được treo trang trọng, rực sáng ở ngay phía sau Đoàn Chủ tịch, với giọng nói ấm áp, đôn hậu, nhưng kiên quyết; Người phát biểu:
Thưa Đoàn Chủ tịch! Thưa các vị đại biểu Quốc hội! Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Chính lá cờ đó đã cùng với phái đoàn chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu; từ châu Âu về châu Á; lá cờ đó đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì, trừ 25 triệu đồng bào cả nước thì không ai có quyền đòi thay đổi Quốc kì và Quốc ca. Màu cờ đỏ là tượng trưng cho xương máu của đồng bào ta đấu tranh chống đế quốc, phát xít để có độc lập, tự do. Đó là lá cờ của toàn dân; chứ không phải riêng của bất kỳ một đảng, phái nào...
Sau đó, các đại biểu Quốc hội nhất trí biểu quyết công nhận lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam độc lập. Bọn tay sai Tưởng, tuy có hậm hực, nhưng đành phải bất lực trước lý lẽ đanh thép của Bác và chính nghĩa của dân tộc. Đến tháng 11-1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta ghi rõ: Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là lá cờ đỏ sao vàng.
Lá cờ đỏ sao vàng luôn đi liền với mỗi chiến công của dân tộc ta. Chiều ngày 7-5-19954, trên nóc hầm của tướng Đờ Caxtơri, lá cờ đó đã tung bay kiêu hãnh, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước. Trưa ngày 30-4-1975, lá cờ đó lại phất phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lật đổ hoàn toàn chế độ tay sai đế quốc Mỹ ở Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay hàng chục năm qua và sẽ mãi mãi phất phới, vẫy gọi nhân dân ta tiến lên trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh theo định hướng XHCN. Lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - ngọn cờ đại nghĩa của dân tộc sẽ trường tồn với non sông gấm vóc Việt Nam.
TS SỬ HỌC NGUYỄN PHÚC NGHIỆP
net