Sử 8 [su 8]­cam nghi về chiến tranh

T

thanhhung2805

Chiến tranh chẳng đem lại lợi ích gì cho nhân dân ngoài đau khổ, chết chóc và tang hoang. Nhà cửa bị phá hủy. Người chết. Đất đai đầy dấu vết bom đạn. Khắp nơi là những quả bom, mìn còn sót lại, sẵn sàng nổ và cướp đi sinh mạng của những người còn sống bất kỳ lúc nào. Chiến tranh làm nền kinh tế kiệt quệ, giáo dục trì trệ và đình đốn, sản xuất thì cầm chừng hay không còn khả năng sản xuất. Gia đình ly tán. Những nỗi đau do chiến tranh còn ám ảnh dai dẳng suốt không chỉ đời những người sống trong thời kỳ đó mà còn ám ảnh cả thế hệ sau đó. Những người mất thân nhân từ năm 45 đến giờ vẫn chẳng tìm được. Những liệt sĩ hy sinh đến giờ vẫn chẳng rõ tung tích bia mộ nằm đâu. Những người mất tích thì mãi chẳng có gì cho người thân họ biết rằng còn sống hay đã chết...
Chiến tranh là đau khổ, nhưng nếu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quê hương, bảo vệ tự do độc lập thì chúng ta sẵn sàng trả giá để bảo vệ những thứ quý giá ấy. Chính điều đó đã làm nên một nước VN tự hào vì không khuất phục kẻ thù xâm lược, làm nên một Liên Xô chiến thắng phát xít, làm nên một Israel độc lập kiên cường, làm nên một Ba Lan không bao giờ cúi đầu làm nô lệ.
Chiến tranh có thể tàn khốc, có thể đau thương nhưng khi cần thiết, chúng ta không bao giờ trốn chạy chiến tranh mà luôn đương đầu với chúng.

Nguồn: yahoo hỏi đáp.
 
T

tuananh1203

Cách đây chưa lâu, tôi được xem trên Blog của nhà báo Vũ Mạnh Cường clip về trận Hải chiến Trường Sa 14-3-1988 – ngày mà để giữ hải đảo của Tổ Quốc, 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh và vĩnh viễn yên nghỉ giữa biển khơi. Mắt tôi nhòe đi trước bức hình đen trắng đơn sơ của người Trung úy Hải quân chụp chung với vợ và những dòng chữ trong thư anh viết về trước ngày cùng đồng đội bước bào trận chiến khốc liệt. Trái tim nhỏ của tôi nhói thắt cảm giác bất lực trước cảnh từng loạt đạn nổ và cả hàng người ngã đổ xuống biển mặn mòi. Và tôi, một kẻ chỉ biết về các cuộc chiến qua sách vở, qua những câu chuyện kể, ngồi thẫn thờ trước cảm nhận khôn cùng về những nỗi đau của chiến tranh. Nỗi đau mà dù nhiều thập kỷ trôi qua vẫn còn chưa thể nguôi quên với nhiều người.
(hình: sưu tầm)

Câu chuyện của mẹ
Tôi có một người bác, người con trai duy nhất của bác là anh Vinh, đi chiến trường B (phía Nam) năm 1971 khi 17 tuổi. Để rồi một năm sau đó bác gái gần như điên dại khi nhận giấy báo tử của anh ấy.

Người cha bây giờ hơn 80 tuổi, mắt đă mờ, hè năm kia ông mới nói với ba tôi (em trai ông) rằng người ta đó gửi cho ông thông tin về nơi chôn cất anh Vinh mấy năm rồi nhưng ông chỉ giữ trong lòng. Phần vì thấy mình đã già yếu; mà với ông cái địa danh Vĩnh Long ở tận miền Nam nghe quá đỗi xa xôi; thông tin thời chiến tranh ai dám chắc là nó chính xác hay không; Anh lại đă hy sinh gần 30 năm rồi. Bác tôi lặng lẽ giấu mọi người, nghĩ đành để anh yên nghỉ trong đó, mình mang theo lỗi với con đến khi chết.
Biết chuyện, lập tức ba mẹ tôi, cùng một người chú nữa, cả ba đều đă ngoài 60 tuổi, vào Vĩnh Long thăm phần mộ của anh ấy, và quyết định đem anh ấy về lại mảnh đất tuổi thơ. Người Việt tin vào tâm linh, tin rằng ngay cả sau khi chết người ta vẫn rất muốn được 'nằm' ở nơi gần gũi với người thân, họ hàng.

Cuối năm đó đi học xa về tôi được nghe mẹ kể chuyện về chuyến đi. Trong mắt Người có giọt nước mắt xót thương, lại có niềm hạnh phúc an ủi như làm xong một việc nghĩa với cháu, với người thân.

Mẹ kể em trai tôi (đang sống ở Sài Gòn) đi cùng 3 người già xuống Vĩnh Long, bốc hài cốt của anh trong một nghĩa trang vào giữa đêm (mẹ nói việc này 'theo các cụ nói' phải làm khi trời tối). Bốc xong tất cả ngồi chờ trời sáng đem theo bọc hài cốt đón xe về Sài Gòn. Ở Sài Gòn, ba người già mang theo bọc hài cốt nghỉ ở khách sạn chờ đến tối lên tàu về Bắc, không về nhà con cháu vì kiêng. Mẹ giở cho tôi coi những bức hình chụp dọc suốt chuyến đi - đi đến đâu hai người chú già cũng thay nhau ôm theo 'cháu'. Chỉ vào bức hình có chiếc bọc được gói ngay ngắn để nâng niu ở một phần giường ngủ trong phòng khách sạn, mẹ bảo: "Đây, nghỉ ở khách sạn thì đặt 'anh ấy' ở trên giường của chú, ngủ với chú, từ khi được đón, 'anh ấy' chẳng bao giờ bị lẻ loi".

Mẹ gọi chiếc bọc là 'cháu', là 'anh ấy' như nói về người cháu mẹ yêu quý còn đang sống vậy... Mẹ mơ màng như nói với chính mình: Thương quá, khi đi nó mới có 17 tuổi đầu. 18 tuổi nó đã mất. Mấy chục năm nằm trong đó một mình, bố mẹ chú thím ở hết ngoài này không biết ở đâu để thăm nom. Thằng bé cao và đẹp trai lắm, lúc nào cũng tươi như hoa...

Tôi luôn có cảm xúc đặc biệt mỗi khi nhớ về câu chuyện của mẹ. Về tình yêu thương. Về niềm tin tâm linh khi người ta làm việc nghĩa với người đã khuất. Về quê, tôi đă vào nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho anh – cảm thấy không khí thật dịu, chắc hồn người đă khuất cũng thanh thản lắm vì đă được trở về yên nghỉ giữa mảnh đất quê hương, gần bên những người ruột thịt.

Nhìn về phía bên kia chiến tuyến
Khi tôi nói 'không thù hận với những người bên kia chiến tuyến', nhiều người sẽ nói "vì bạn chưa từng trực tiếp chứng kiến những nỗi đau mất mát". Nhưng với những người tôi đã gặp, nhừng gì tôi đã thấy, tôi luôn tin rằng, chỉ có những người/ những quyền lực gây ra chiến tranh mới đáng bị nhiều đời lên án, còn số đông những người tham gia cuộc chiến đơn giản vì họ không có nhiều lựa chọn, hoặc vì phục vụ cho đất nước họ hay cho lý tưởng mà họ đã tin. Họ không gây ra mà là nạn nhân của chiến tranh.

Tôi lại vừa xem lại clip Hải chiến Trường Sa 1988, và ngay lúc này nước mắt tôi vẫn đang tan chảy. Cảm nhận từng có khi tôi gặp những người từ cả hai phía cuộc chiến ở miền Nam năm xưa, cảm giác ghê sợ sự lạnh lùng của những loạt đạn TQ và nỗi xót đau mất mát một chiều của tôi đối với cuộc chiến gìn giữ Trường Sa gần đây - tất cả đan chéo - làm tôi bất giác đặt dấu hỏi với chính những điều mình đang định viết.

Nhưng tôi vẫn tin, khi tạm đi xuyên qua nỗi đau, người ta có thể vượt qua được hận thù để nhìn rộng hơn, qua 'phía bên kia'. Những người có thân nhân tham gia vào cuộc chiến ấy cũng có những mất mát đớn đau. Cũng có những người mẹ, người vợ thấp thỏm ngày đêm khi chồng, con họ đi vào nơi bom đạn và máu đổ, đau xé ruột khi chồng/ con họ không trở về hoặc trở về với một cơ thể không còn lành lặn...

Và có cả những nỗi đau sau chiến tranh...

Khi mới hết phổ thông, những năm 84 – 85, tôi đă từng ngạc nhiên và không thể hiểu được khi đọc một bài báo về một bạn ở phía Nam, thi đỗ thủ khoa đại học ba năm liền mà không được vào đại học. Lý do chỉ vì trong lý lịch có người thân phục vụ cho 'chế độ cũ'. Thời đó báo mà đưa được câu chuyện ấy như một câu hỏi ra công chúng (đến tận một đứa trẻ con như tôi) chắc phải là một sự 'xé rào' lớn lắm. Khi ấy tôi c̣òn quá nhỏ nên không thể hiểu, và vì không hiểu nên nhớ câu chuyện đó đến tận bây giờ.

Suy cho cùng, người bạn thủ khoa ấy (nếu không nhầm thì sinh vào khoảng những năm 65 – 68, tức là mới chỉ 7 – 10 tuổi ở thời điểm năm 75) đã có lỗi gì? để rồi những cơ hội học hành / phát triển / một cuộc sống tốt đều bị chặn mất?
Sự thiệt thòi 'sau chiến tranh' ấy – đâu phải ai ở phía chiến thắng cũng được biết, và hiểu?

Những năm sau 1975 đến đầu 1980s, nhiều người phải ra đi bằng cách 'trốn' trên các con tàu/ thuyền, biết trước sẽ là gian nan, cướp bóc, chết chóc... Ra đi vì mong muốn một cuộc sống sung sướng hơn cũng có, ra đi vì cuộc sống ở lại không có nhiều cơ hội cho họ do đã từng phục vụ hoặc có người thân phục vụ trong chế độ trước 75 cũng không ít. Và, rất nhiều những mất mát đau thương trên con đường 'di tản' của họ, đâu phải ai ở phía chiến thắng cũng được biết, và hiểu?

Có một cặp vợ chồng người Nam, mà họ và tôi đă đi qua những bức rào của ký ức chiến tranh, của những người 'đến từ 2 phía của cuộc chiến', vượt qua những thành kiến Bắc – Nam, để có thể cởi mở và trở nên thân thiết ở một thành phố của Úc xa xôi. Hai người cũng gần tuổi ba mẹ tôi, xưng hô với tôi là chú thím. Người chồng từng làm công chức cho chính quyền Sài Gòn cũ, đi cải tạo sau năm 75 suốt mấy năm, thất nghiệp sau đó...
Và vì không có nhiều sự lựa chọn cho những người 'chiến bại', vì cuộc sống, họ phải đi vượt biên trái phép (lúc đó VN mình 'đóng cửa', có con đường đi 'có phép' nào cho họ?).
Họ đi tàu lén lút, đi mà phó thác mình cho biển cả, cho số phận, gian khổ, mất sạch của cải vì bị cướp, rồi bị đưa vào một trại tị nạn của Thái Lan, nơi mà những người đàn ông bị bắt lao động cực nhọc, bị đánh đập dã man (chính chú bị đánh đến điếc một bên tai), phụ nữ trẻ bị lôi đi hãm hiếp hàng ngày...
Chú chỉ ngồi im khi thím kể cho tôi nghe từng chuyện. Dường như vẫn còn nguyên sự khiếp đảm trên khuôn mặt chú và trong giọng kể của thím về quãng đời khủng khiếp ấy.
Sau hai năm ở trại tị nạn Thái Lan, nhờ có người nhà bảo lãnh – vợ chồng chú thím rời qua Úc sống một cuộc sống hiền lành đến bây giờ. Và dù cuộc sống bên đó thanh bình với họ, họ vẫn luôn đau đáu về Việt Nam với một tình yêu mà chỉ có những ai đã từng sống cạnh những người tha hương mới cảm nhận được.

Thím nói với tôi: "Vì vậy mà thím không mua nhà bên này. Thím đă mua được một miếng đất ở quê thím. Thím chỉ mong khi già yếu sẽ về VN và chết ở quê nhà".

Thế đấy.

Chiến tranh khắc nghiệt là vậy.

Tôi viết bài này, không có ý gì khác, chỉ là cảm xúc sâu sắc rất thật của bản thân, qua những gì được nghe, được thấy, những gì mình đã đi, đă biết, đã thấm hiểu... Những đớn đau, mất mát... từ những người, những gia đình ở hai phía của cuộc chiến.

Thế, để thấy mình may mắn biết bao nhiêu, hạnh phúc được sống một cuộc sống thanh bình, trong khi vẫn còn những người lính ngày đêm đối diện với hiểm nguy, vẫn còn những người vợ, người mẹ ngày đêm cầu nguyện cho họ bình yên, và mong họ trở về.

Tôi chắc là đa phần những người lính xưa kia và hôm nay, dù đứng ở chiến tuyến nào, chắc chắn đều mong muốn tột bậc được sống một cuộc sống trong bình yên không chiến tranh.
net
 
Top Bottom