Trên thực tế tiếng khóc của hài nhi biểu thị sự kiến lập vận động hô hấp của nó. Hài nhi sau khi sinh ra nếu không khóc tức là không thở, là ngạt thở. Thai nhi bình thường (khi chưa sinh ra) nằm trong bụng mẹ không tự hô hấp. Ôxy và các chất bổ cần thiết đều từ máu của mẹ chuyển đến thông qua dây rốn và rau. Nhưng sau khi ra đời, tình hình đã khác. Hài nhi rời khỏi bụng mẹ sống độc lập phải dựa vào sự hô hấp của mình để hấp thụ ôxy và thải ra khí CO2, phải tuần hoàn máu toàn thân, phải tự mình ăn uống để hấp thu dinh dưỡng.
Không khí đi vào phổi là nhờ phổi co và giãn. Sự co giãn của phổi là nhờ lồng ngực mở rộng và co lại. Khi lồng ngực mở ra thì phổi cũng giãn ra. Do đó, áp lực trong phổi thấp hơn áp lực không khí, không khí bên ngoài nhân đó đi vào phổi. Ngược lại, khi lồng ngực thu nhỏ thì phổi cũng thu nhỏ, áp lực trong phổi cao hơn áp lực không khí, khí trong phổi bị dồn ra. Khi thai nhi đang ở trong bụng mẹ, trong phổi không có không khí. Hai lá phổi lúc đó còn là một tổ chức đặc, nhưng đã đầy trong ngực; vì khi đó lồng ngực đang ở trạng thái co lại nên rất nhỏ.
Sau khi ra đời, vì tư thế thay đổi, tay chân được duỗi ra làm cho lồng ngực bỗng nhiên giãn ra, nở to, phổi cũng nở to, lúc đó hài nhi sẽ hít vào hơi đầu tiên. Sau khi hít vào, không khí từ khí quản đi vào tế bào, các cơ hít lập tức giãn ra, còn các cơ thở thì co lại, lồng ngực tự mở ra lại thu nhỏ về trạng thái cũ, khiến cho không khí trong phổi bị ép ra. Do không khí bên ngoài có áp lực nhất định nên khi chất khí từ trong phế bào đi ra ngoài qua khí quản, các cơ của đầu yết hầu sẽ co lại, hai dây thanh đới nằm trong yết hầu bị chất khí làm rung động, bật ra tiếng kêu như tiếng khóc.
Hài nhi lúc vừa ra đời phần nhiều ở trạng thái thiếu ôxy, khí CO2 trong máu khá nhiều. Điều này kích thích và làm hưng phấn trung khu thần kinh hô hấp, khiến trẻ hít vào từng ngụm không khí. Vì vậy, trẻ em sau khi sinh đều khóc một trận, chờ đến lúc hoạt động hô hấp có nhịp bình thường thì sẽ hết khóc.