Sinh học
Thiên địch là kẻ thù tự nhiên của sâu hại cây trồng. Là những sinh vật sống trên cây và những vùng xung quanh cây, không gây hại cho cây trồng, có khả năng bắt mồi ăn thịt hay kí sinh trên những loài địch hại (những sinh vật gây hại cây trồng), gồm: côn trùng bắt mồi, côn trùng kí sinh, vi sinh vật gây hại, những loài vi sinh vật đối kháng với vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng và các động vật khác có khả năng ăn địch hại. Trong hệ sinh thái các loài sinh vật, có nhiều mối quan hệ qua lại, trong đó có quan hệ dinh dưỡng: loài này làm thức ăn cho loài kia, các loài nối với nhau thành những chuỗi dinh dưỡng. Sâu hại cây (cây chủ) lấy cây làm thức ăn (cây kí chủ), một số loài sinh vật khác (TĐ) sử dụng sâu hại (vật chủ - vật mồi) để làm thức ăn. Dựa theo hình thức sử dụng sâu hại làm thức ăn, người ta chia thành: TĐ bắt mồi ăn thịt như bọ rùa, ruồi giả dạng ong, tò vò, chuồn chuồn, chim, vv.; TĐ kí sinh như ong mắt đỏ, ruồi kí sinh, giun tròn, virut... gây bệnh. Trong bảo vệ thực vật, TĐ có vai trò điều chỉnh số lượng quần thể các loài địch hại trên cây trồng. Việc sử dụng các loài TĐ để điều hoà số lượng sâu hại được gọi là biện pháp phòng trừ sinh học (x. Phòng trừ sinh học). Đây là biện pháp góp phần quan trọng trong đấu tranh sinh học và bảo vệ môi trường, vì vậy bảo vệ các loài TĐ trên các cánh đồng cũng là nhiệm vụ của nhà nông. TĐ là một bộ phận không thể thiếu trong biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM