Da là cơ quan rộng lớn nhất của cơ thể, da bao bọc toàn bộ những phần tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Ở người cân nặng 68kg, da chiếm đến 4kg & có thể trải rộng một diện tích khoảng 1.7 mét vuông. Da có chức năng bảo bọc cơ, xương, dây thần kinh, mạch máu & tất cả mọi thành phần bên trong cơ thể. Mí mắt, lòng bàn tay, gan bàn chân, da đầu, cùi chỏ, đầu gối là những nơi dày lên của da.
Lông & tóc thực chất là những loại biến thể của da. Lông mọc khắp nơi trên cơ thể trừ một số chổ như gang bàng chân, lòng bàn tay, môi & mí mắt. Lông tăng trưởng nhiều trong mùa hè nhiều hơn ở mùa đông, nhanh hơn vào ban ngày và chậm hơn khi đêm xuống.
Cũng như lông & tóc, móng cũng là một loại biến thể từ da. Móng tay & móng chân có chức năng bảo vệ những đầu mút thần kinh nhạy cảm. Đó là lý do tại sao Bạn cảm thấy rất đau mỗi khi bị tổn thương ở các móng và việc rút móng tay móng chân là một cực hình mà bọn đô hộ đã áp dụng cho các tù binh chúng bắt được. Móng ở người không đóng vai trò trong việc tìm tìm kiếm thức ăn như ở động vật, song nó có chức năng bảo vệ khỏi các chấn thương và giúp cầm nhặt đồ vật nhỏ dễ dàng hơn. Hãy tượng tượng Bạn sẽ khó khăn như thế nào mỗi khi muốn tháo nút gút hoặc cào gãi những chổ ngứa ngáy mà không có móng tay. Tình trạng sức khỏe của móng có thể cho biết tình hình sức khỏe chung, một số bệnh lý (nhất là các bệnh tim mạch) thường có những dấu hiệu bất thường ở móng.
Mô tả da & chức năng của da:
Da rất cần thiết cho sự sống của con người. Da bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hại như các hóa chất độc hai cũng như các sinh vật nhỏ bé muốn xâm nhập vào cơ thể. Da cũng kiểm soát & hạn chế quá trình mất các chất dịch duy trì sự sống cho cơ thể như máu & nước. Từ việc này, cơ thể luôn được duy trì ở một thân nhiệt nhất định mặc cho sự biến động nóng lạnh của thời tiết bên ngoài. Da cũng giúp các cơ quan bên trong không bị tổn thương khi không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu không có hệ thần kinh dưới da, chúng ta sẽ không cảm nhận được tình trạng nóng, lạnh hoặc những cảm giác xúc giác khác. Nói cách khác, da là thành phần chủ yếu trong cảm nhận xúc giác cho cơ thể. Da có thể thay đổi để đáp ứng với từng trạng thái vận động & cảm xúc. Ví dụ, mỗi khi lạnh hoặc rơi vào tâm trạng rùng rợn, Bạn sẽ có các biểu hiện như các cơ co cứng lại, gần như tất cả các sợi lông dựng đứng lên & da thì sần sùi như da gà (dân gian thường gọi là nổi da gà).
Cứ từng cm vuông da chứa hàng trăm tế bào da, hàng chục lổ chân lông với các tuyến mồ hôi, nhiều tuyến bã nhờn, nhiều đầu dây thần kinh & nhiều mạch máu nhỏ li ti. Da được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp biểu bì (hay còn gọi là lớp thượng bì), lớp hạ bì & các mô dưới da (da còn gọi là bì).
Lớp thượng bì là những gì Bạn có thể sờ & nhìn thấy được trên da, lớp này mỏng như tờ giấy và bao phủ bảo vệ hầu hết mọi nơi trên cơ thể. Lớp thượng bì có 4 lớp tế bào và thường xuyên bị bong ra và tạo mới liên tục. Các lớp tế bào trong lớp thượng bì được hình thành từ 3 loại tế bào, bao gồm:
Lớp tế bào biểu bì tạo hắc tố: sản xuất ra melanin, chất nhuộm màu cho da. Hầu hết mọi người đều có một lượng tế bào biểu biểu tạo hắc tố tương đương nhau, tuy nhiên, da của người da đen sản xuất nhiều chất melanin hơn. Quá trình nhiễm nắng (phơi nắng) làm gia tăng sản xuất melanin, khi ấy da Bạn có vẻ đen hơn lúc bình thường, cháy nắng hoặc nổi nhiều tàng nhang hơn.
Lớp tế bào sừng, sản xuất ra chất keratin (chất sừng), là một loại protein đặc biệt cấu tạo nên lông, tóc & móng
Các tế bào Langerhans, giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng hàng ngày
Lớp thượng bì thường được thay mới hoàn toàn trong chu kỳ 28 ngày, do vậy các vết cắt đứt da hoặc những vết bầm dập có khả năng lành lặn nhanh hơn.
Ngay bên dưới lớp thượng bì là lớp hạ bì, lớp này bao gồm các mạch máu, đầu dây thần kinh & mô liên kết. Lớp hạ bì có chức năng nuôi dưỡng cho lớp thượng bì.
Nếu không có các phân tử mô liên kết của lớp hạ bì, có lẽ da sẽ không căng giãn & đàn hồi trở về vị trí ban đầu được. Có hai loại phân tử ở lớp hạ bì bao gồm collagen & elastin, mối liên kết giữa các phân tử này rất linh hoạt làm cho da có thể dễ dàng dịch chuyển bởi các tác động lên nó.
Ở người cao tuổi, một số mô sợi chất chứa elastin biến mất trong cấu trúc da làm cho gia trở nên nhăn nheo.
Lớp hạ bì còn chứa các tuyến bã nhờn. Các tuyến này nằm xung quanh các lổ chân lông & nang lông, chúng tiết ra các chất bã nhờn có tác dụng bôi trơn cho da & lông, tóc. Các tuyến bã nhờn này được tìm thấy nhiều ở vùng da mặt, vùng lưng trên & vùng ngực.
Bình thường, lượng bã nhờn chỉ được tiết ra đủ cho nhu cầu của cơ thể. Ở một giai đoạn khi mà có những sự biến động của nội tiết tố (thường thấy khi tuổi dậy thì, khi hành kinh, ...), các tuyến bã nhờn bị kích thích tăng tiết quá nhiều gây ra tình trạng da nhờn & mụn (mụn là những cục đặc quện do chất nhờn quá đặc kết dính với các tế bào da bị chết). Ngược lại, nếu tuyến bã nhờn tiết ra quá ít chất nhờn sẽ làm cho da bị khô & nứt nẻ.
Lớp dưới cùng của da là lớp mô dưới da, lớp này được hình thành từ các mô liên kết, tuyến mồ hôi, mạch máu & các tế bào chứa mỡ. Lớp này có chức năng giúp cơ thể giảm bớt chấn thương do va chạm & giữ ấm cho cơ thể.
Có hai loại tuyến tiết mồ hôi. Một loại tuyến có ở khắp mọi nơi trên cơ thể, tiết ra mồ hôi nhằm duy trì thân nhiệt & đào thải các chất bài tiết. Loại tuyến thứ hai phát triển khi tuổi dạy thì, các tuyến này thường thấy ở nách và vùng mu. Mồ hôi ở các nơi này đậm đặc hơn & có thể gây ra mùi của cơ thể. Ở người khỏe mạnh, bình thường lượng mồ hôi tiết ra khoảng nửa lít mỗi ngày. Lượng mồ hôi tăng nhiều hơn khi gi tăng hoạt động, sốt hoặc tiết trời oi bức.