Lịch sử Trái Đất trải dài khoảng 4,55 tỷ năm, từ khi Trái Đất hình thành từ Tinh vân mặt trời cho tới hiện tại. Bài viết này đưa ra một khái quát chung, tóm tắt những lý thuyết khoa học được nhiều người công nhận hiện tại.
Trong bài này, để giúp độc giả dễ tưởng tượng, toàn bộ lịch sử Trái Đất được miêu tả trong một khoảng thời gian tượng trưng bằng 24 giờ. Thời điểm bắt đầu là 0 giờ, chính xác vào 4,55 tỷ năm trước, và kết thúc, 24 giờ, ở thời điểm hiện tại. Mỗi giây tượng trưng trong khoảng thời gian này tương đương với khoảng 53.000 năm.
Vụ nổ lớn và nguồn gốc của vũ trụ, được ước tính đã xảy ra khoảng 13,7 tỷ năm trước[1], tương đương với việc ta lấy mốc của nó là ba ngày trước đây - hai ngày trước khi chiếc đồng hồ của riêng chúng ta (hệ mặt trời) bắt đầu chuyển động.
rái Đất được hình thành cùng với Hệ Mặt Trời từ khi Hệ Mặt Trời ban đầu tồn tại như một đám mây bụi và khí lớn, quay tròn, gọi là tinh vân Mặt Trời. Tinh vân này gồm hydro và heli được tạo ra từ Vụ Nổ Lớn, và những nguyên tố hóa học nặng hơn khác được tạo ra từ các ngôi sao đã chết. Sau đó, vào khoảng 4,6 tỷ năm trước (mười lăm đến ba mươi phút trước khi chiếc đồng hồ tưởng tượng của chúng ta bắt đầu chạy), có thể một ngôi sao ở gần đó bắt đầu trở thành một siêu tân tinh. Vụ nổ gây sóng chấn động về hướng tinh vân Mặt Trời và làm nó bị nén vào. Vì đám mây tiếp tục quay, lực hấp dẫn và quán tính làm đám mây trở nên phẳng như hình dạng một cái đĩa, vuông góc so với trục quay của nó. Đa phần khối lượng tập trung ở giữa và bắt đầu nóng lên. Lúc ấy, khi trọng lực làm cho vật chất cô đặc lại xung quanh các hạt bụi vật chất, phần còn lại của đĩa bắt đầu tan rã thành những vành đai. Các mảnh nhỏ va chạm vào nhau và tạo thành những mảnh lớn hơn..[2] Những mảnh nằm trong tập hợp nằm cách trung tâm khoảng 150 triệu kilômét tạo thành Trái Đất. Khi Mặt Trời ngày càng đặc lại, nó nóng lên, phản ứng hạt nhân bùng nổ và tạo nên gió Mặt Trời thổi bay đa phần những vật chất ở trong đĩa vẫn còn chưa bị cô đặc vào những tập hợp vật chất lớn hơn.
Trái đất buổi ban đầu, ở thời gian Liên đại Hỏa Thành hay Thái Viễn Cổ, rất khác biệt so với Trái đất của chúng ta ngày nay. Trái đất không có các đại dương và cũng không có ôxi trên khí quyển. Hành tinh luôn bị bắn phá bởi các tiểu hành tinh và các vật chất khác còn sót lại sau khi hình thành nên hệ mặt trời. Cuộc bắn phá dữ dội này, cộng với sức nóng từ sự phân chia kích hoạt phóng xạ, sức nóng còn sót lại, sức nóng từ áp lực co ngót, làm cho hành tinh ở giai đoạn này hầu như bị nấu chảy ra. Những vật chất nặng chìm vào tâm trong khi những vật chất nhẹ hơn nổi lên bề mặt, tạo ra nhiều lớp của Trái đất (xem “Kết cấu Trái đất”). Khí quyển ban đầu của Trái đất có thể gồm những vật liệu bao quanh bên ngoài từ tinh vân mặt trời, đặc biệt là các khí nhẹ như hydro và heli, nhưng gió mặt trời và chính nhiệt lượng của Trái đất có thể đã thổi bay khí quyển đó. Bề mặt dần lạnh đi, tạo nên vỏ cứng trong vòng 150 triệu năm (khoảng 12:45 buổi sáng theo đồng hồ của chúng ta)[5]. Hơi nước thoát ra từ lớp vỏ khi các khí gas bị núi lửa phun lên, tạo cho Trái đất một khí quyển thứ hai. Nước được cung cấp thêm từ những cuộc va chạm của sao băng. Hành tinh lạnh đi. Các đám mây được tạo thành. Mưa tạo nên các biển trong vòng 750 triệu năm (3,8 tỷ năm trước, khoảng 4:00 giờ sáng theo đồng hồ của chúng ta), nhưng cũng có thể sớm hơn. (Những bằng chứng gần đây cho thấy các đại dương có thể đã bắt đầu được tạo nên từ 4,2 tỷ năm trước — 1:50 sáng theo đồng hồ của chúng ta.)[6] Khí quyển mới có lẽ có chứa amoniac, metan, hơi nước, carbon dioxít, và nitơ, cũng như một lượng nhỏ các chất khí. Hoạt động núi lửa tăng lên, và vì không có một lớp ozone để ngăn cản, bức xạ tia cực tím thâm nhập khắp bề mặt Trái đất.