PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ TÌNH BÀ CHÁU QUA BÀI THƠ TIẾNG GÀ TRƯA
☺BÀI LÀM☺
Xuân Quỳnh là cây bút xuất sắc trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam vào những năm chống Mỹ. Các tác phẩm của bà thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và tình yêu quê hương, đất nước. Tình cảm quê hương thường rất sâu kín trong mỗi con người mà nhiều khi chỉ cần một sự việc bất ngờ, tình cảm ấy sẽ trỗi dậy quyết liệt. “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh có lẽ được ra đời trong trường hợp như thế. Bài thơ đã để lại trong em nhiều ấn tượng mạnh mẽ.
Tiếng gà trưa đã gợi lên trong lòng người chiến sĩ bao nỗi nhớ cồn cào, da diết về tuổi thơ hạnh phúc bên người bà thân thương. Bởi vậy, tiếng gà trong chiến tranh khốc liệt có sức lay động lớn đối với tâm hồn những người cầm súng. Nó như một đòn bẩy tiếp sức cho từng bước chân người chiến sĩ như về với mái ấm gia đình, với người bà ở quê hương:
Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng.
Những điệp từ, những yếu tố màu sắc, những hình ảnh liệt kê, ví von đã miêu tả một cách sống động vẻ đẹp của đàn gà trong tâm tưởng. Hình ảnh đàn gà đối với chúng ta rất đỗi tầm thường nhưng với người lính trẻ thì đó là cả một tuổi thơ vô cùng đẹp đẽ và cao quý. Dưới ánh nắng chói chang của buổi trưa, những cô gà mái mơ, mái vàng càng rực rỡ hơn tạo nên bức tranh đồng quê với những gam màu tươi sáng, vui vẻ. Trong bức tranh đó, dường như nổi bật nhất là hình ảnh đứa cháu nhỏ đang say sưa chỉ đếm đàn gà quấn quýt bên người bà trong niềm hạnh phúc gia đình giản dị, đầm ấm mà vô cùng thiêng liêng. Đoạn 2 của bài thơ đã giúp em cảm nhận được hơi ấm của tình cảm giữa người với người, đặc biệt là tình bà cháu. Âm thanh giản dị của đồng quê cùng với hình ảnh người bà đã hòa cùng từng nhịp tim, từng dòng chảy cảm xúc khiến người chiến sĩ quên đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc đời:
“Có tiếng bà vẫn mắng:
Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng.”
Nhớ bà, cháu nhớ từng cử chỉ, lời nói bà thế mẹ thay cha dạy dỗ, bảo ban cháu. Làm sao cháu quên được, bà ơi! Tiếng mắng yêu của bà vì tội “ nhìn gà đẻ”. Làm sao có thể quên được! Lời mắng ấy mới âu yếm, đáng yêu biết mấy, bởi lúc nào bà cũng muốn cháu mình được xinh đẹp. Đứa cháu thơ dại vì tò mò nên cứ đứng nhìn mãi cảnh cô gà cục tác đẻ trứng. Nhưng thỉnh thoảng, cháu lại rón rén vào trong lấy gương soi, lo lắng không biết có đốm trắng nào thình lình xuất hiện trên gương mặt mình không. Giờ đây, nhớ lại kỉ niệm ấy, lòng càng da diết nhớ bà hơn.
“ Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp.”
Thương lắm hình ảnh bà chắt chiu từng quả trứng, bà nhẹ nhàng cẩn trọng và nâng niu. Tình cảm của người bà đôn hậu dành hết cho con, cho cháu. Bà trong “Tiếng gà trưa” là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam dịu hiền, đảm đang, tần tảo vì người khác. Bao nhiêu hi vọng bà gửi trong bàn tay chịu thương chịu khó. Bởi vì một ngày nào đó, ổ trứng sẽ nở thành đàn gà đáng yêu.
“Cứ hàng năm hằng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới”
Đoạn thơ sử dụng nhiểu động từ đã thể hiện thật rõ nét nỗi lo lắng đến mất ăn mất ngủ của bà, sợ đàn gà bị mắc toi mỗi khi trời sương muối. “Để cuối năm bán gà, cháu được quần áo mới”, dường như cái giá lạnh của mùa đông càng làm nỗi ưu tư của bà thêm nặng trĩu. Bà không lo cho sức khỏe của bà mà lo cho cháu yêu, sợ phải nhìn thấy vẻ thất vọng của cháu nếu cuối năm không may được một bộ đồ tết mới. Bà dành dụm, chăm sóc cho đàn gà luôn khỏe mạnh để có thể thực hiện được ước mơ của đứa cháu nhỏ.
“Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt”
Thế là niềm mong mỏi của bà đã được thực hiện: cuối năm, bà được ngắm cháu xúng xính trong bộ quần áo mới. Những câu cảm thán và lối liệt kê đã miêu tả bộ quần áo thật tỉ mỉ. Từ màu sắc đến âm thanh, từ kích thước đến kiểu dáng, tất cả đã diễn tả một cách đầy đủ niềm vui rộn ràng trong lòng cháu. Nhìn thấy cháu hạnh phúc, tung tăng như một chú hươu con, làm lòng bà cũng thấy náo nức theo. Ôi! Món quà tuổi thơ “cái áo cánh trúc bâu”, “cái quần chéo go” là những món quà không quá đẹp, quá đắt tiền nhưng với cháu, đó là món quà đẹp nhất vì nó chứa đựng cả một biển trời yêu thương của bà. Những kỉ niệm bà cháu của tác giả bài thơ làm em bồi hồi nhớ về những kỉ niệm với bà của mình. Nhớ mỗi lần bị sốt, bà thức đêm vì em. Nhớ mỗi sáng đi học, bà dắt em tới trường…Bây giờ, em mới thực sự cảm thấy thấm thía tình bà cháu. Thơ của Xuân Quỳnh thật kì diệu, những chi tiết tuy hết sức đời thường nhưng lại làm cho người đọc phải suy ngẫm.
Hình ảnh bà và tiếng gà trưa mang thật nhiều ý nghĩa. Tiếng gà từng mang đến hạnh phúc và giấc mơ hồng của trẻ thơ:
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng”
Đoạn thơ còn thể hiện niềm khát khao về một cuộc sống hòa bình, không có chiến tranh trên quê hương người lính trẻ. Cứ tưởng rằng tiếng gà trưa chỉ đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ. Nhưng thật bất ngờ và thú vị khi những hồi ức ấy đã khẳng định, làm sâu sắc thêm những tình cảm trong hiện tại. Từ tình yêu bà nảy nở thành tình yêu quê hương, yêu tổ quốc. Đó là một chuỗi tình cảm liền mạch khiến bài thơ càng cảm động, có sức gợi thắm thía:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.”
Điệp từ “vì” đã nhấn mạnh mục đích cao đẹp, lớn lao của cuộc chiến đấu, giải phóng nửa phần đất nước, là động lực thúc giục người lính trẻ cầm chắc cây súng, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Tiếng gà trưa làm sáng lên trong tâm hồn tình yêu xóm làng, quê hương, yêu bà, yêu gia đình. Trái tim người lính trẻ luôn vững vàng niềm tin về một ngày mai có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Đoạn thơ giúp em cảm thấy biết ơn thế hệ đi trước, những giải phóng quân thời chống Mỹ đã đấu tranh vì hòa bình cho chúng em được sống trong niềm vui, hạnh phúc ngày hôm nay và mai sau.
Tiếng gà trưa là một bài thơ hay, tha thiết, ngọt ngào. Tiếng gà chính là tiếng gọi của quê hương, là tình hậu phương của anh bộ đội trong kháng chiến. Cảm ơn nhà thơ đã cho chúng em hiểu được những tình cảm tuy giản dị mà rất đỗi thiêng liêng. Những tình cảm mà trong cuộc sống hiện đại rất dễ bị quên lãng. Qua đó, em còn hiểu được ý chí quyết tâm chiến đấu vì quê hương của các bậc cha anh, từ đó cố gắng học tập và sống cho xứng đáng.
PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ BÀI THƠ CẢNH KHUYA
BÀI LÀM
Trăng là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nhạc họa. Từ cổ chí kim, các thi nhân đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để ca ngợi vẻ đẹp tuyệt diệu của trăng. Em cũng vậy, yêu trăng biết mấy nhưng vốn thơ văn lại ít ỏi, không thể diễn tả hết được tình cảm đối với trăng. Vì vậy, em tìm đến thơ của Bác Hồ. Hoài Thanh đã nói: thơ Bác đầy trăng. Thật vậy, trăng trong thơ Bác để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong em. Tiêu biểu là bài thơ “cảnh khuya”:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Đọc bài thơ, em càng thấy rõ tâm hồn thi sĩ của Bác dù bận trăm công ngàn việc ở chiến khu, lo toan đủ bề nhưng vẫn dành thời gian cho thơ ca, cho trăng, cho thiên nhiên.
Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ở núi rừng Việt Bắc được thể hiện rõ nét ở hai câu thơ đầu:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Cảnh vật thật đẹp và thanh bình. Có suối, có trăng, có hoa và cổ thụ…Mọi thứ càng trở nên thơ mộng hơn nhờ biện pháp so sánh một cách tài tình, độc đáo. Ví tiếng suối như tiếng hát của con người làm nổi bật lên ý nghĩa cảnh rừng chiến khu. Âm thanh trong trẻo, du dương như một bản nhạc giao hưởng ngân nga gợi nhiều cung bậc đều đặn, miên man, đem dến cho tâm hồn em một âm hưởng ngọt ngào mà sâu lắng. Em cảm nhận được rừng Việt Bắc mang hơi ấm tình người và tràn đầy sức sống của quân dân ta trong kháng chiến. Dường như sự mệt mỏi không tồn tại nơi đây mà chỉ còn lại sự lạc quan, yêu đời. Phải là người yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên lắm thì Bác mới cảm nhận hết vẻ đẹp thu hút của thiên nhiên như thế. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh của Bác rất đặc sắc, tiếng suối nghe êm đềm gợi sự thanh vắng của cảnh khuya.
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Ba hình ảnh trăng, hoa, cổ thụ chan hòa “lồng” vào nhau, thể hiên tình đoàn kết, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn của bộ đội ta ở chiến khu. Trăng soi qua kẽ lá, vẽ lên mặt đất muôn vàn bông hoa nhỏ li ti. Ở đây, ba hình ảnh tuy khác biệt nhưng gắn bó, đan xen vào nhau, làm tôn lên vẻ đẹp cho nhau. Cách tả, cách nhìn của nhà thơ đối với thiên nhiên, tạo vật thật trìu mến, ấm áp yêu thương. Cả không gian được ánh trăng sáng bao trùm. Nghệ thuật lấy tối tả sáng: “bóng cổ thụ lồng hoa” cũng là bút pháp Đường thi tinh tế, điêu luyện thể hiện nét thâm thúy trong lối viết của Bác Hồ. Hiên lên trước mắt em là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, nét vẽ nhẹ nhàng, gam màu tươi mát, sự phối sắc tài tình, mỹ cảm. Hai câu thơ hiện đại pha chút cổ điển gợi em nhớ đến những vầng cổ thi dạt dào của Nguyễn Trãi trong bài Côn Sơn ca:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Cả hai nhà thơ đều ví tiếng suối như với âm nhạc phần nào bộc lộ phong thái ung dung, tự tại của mình. Nếu trong Côn Sơn ca, tiếng suối như một bản nhạc đàn cầm không lời thì trong Cảnh khuya, tiếng suối là tiếng người hát với một giọng nhẹ nhàng, trầm ấm. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được dùng trong cả hai bài thơ nhưng lại mang phong cách riêng gây ấn tượng sâu đậm ở người đọc.
Sang hai câu cuối nói lên tâm trạng của Bác. Cảnh khuya thật hữu tình, vị lãnh tụ lặng ngắm rồi lại thốt lên:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Phải chăng người chưa ngủ đó là Bác? Nghệ thuật so sánh tạo dấu ấn mạnh mẽ và đậm nét. Ba chữ “người chưa ngủ” thể hiện niềm thao thức của nhà thơ vói một tình yêu thiên nhiên, yêu non nước mãnh liệt. Cấu trúc bài thơ rất đặc biệt, từ “chưa ngủ” ở cuối câu chuyển được đưa lên đầu câu hợp:
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Cảnh khép lại, tình mở ra. Nghệ thuật điệp liên hoàn như liên kết bài thơ thành một chuỗi cảm xúc liền mạch, ý thơ phát triển, giàu nhịp điệu của tâm tình trong đêm khuya thanh vắng. Hai câu thơ diễn tả một cách bình dị mà chân thật, nhẹ nhàng mà thắm thiết tình yêu thiên nhiên thiết tha, yêu nước sâu nặng của lãnh tụ. Ở đây, em có thể cảm nhận được tâm hồn thi sĩ chan hòa với lí tưởng chiến sĩ ở Bác. Điều tâm nguyện ấy luôn luôn là một mục đích thúc giục tinh thần chiến đấu sôi sục trong lòng Bác Hồ. Em chợt liên tưởng đến một đoạn thơ trong bài “Đi thuyền trên sông đáy” của vị lãnh tụ:
Lòng riêng, riêng những bàng hoàng
Lo sao khôi phục giang san tiên rồng.
Dường như Bác không ngừng suy nghĩ đến vận mệnh nước nhà. Chính vì thế mà đồng bào Việt Nam ai ai cũng yêu mến và cảm phục Bác. Câu thơ cuối như một chân lí sáng ngời để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Đọc bài thơ, em vừa say sưa ngắm nhìn bức tranh thủy mặc Bác vẽ, vừa khâm phục phẩm chất cao quý trong tâm hồn Bác. Cảnh khuya như một đóa hoa tươi thắm, đậm đà hương sắc góp phần làm đẹp cho nền thơ ca kháng chiến. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa của hiên đại và cổ điển. Tình yêu nước mặn mà hòa quyện cùng tình yêu thiên nhiên nồng nàn là cốt cách của Bác. Càng đọc, em càng thấy vị lãnh tụ vĩ đại và to lớn hơn.
Nhớ cảm ơn nhé