U
uocmolamnhavan
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
Tựa sách:Muốn sống
Tác giả:Sally Nicholls
Ngôn ngữ:Tiếng Việt
Lĩnh vực:Văn học nước ngoài
Đối tượng đọc:Rộng rãi
Dịch giả:Trần Hữu Kham
Năm xuất bản:2008
Đơn vị xuất bản:NXB Trẻ
Số trang:249
Giá sách:44.000 VND
Mua tại:Các nhà sách trên toàn quốc
“MUỐN SỐNG” - CÂU CHUYỆN VỀ CON NGƯỜI VÀ TÌNH NGƯỜI
Cuốn sách được xuất bản năm 2008 bởi nhà xuất bản Trẻ.
Tác giả của nó là một cô gái trẻ mới 23 tuổi, người Anh. “Muốn sống” là sáng tác đầu tay và cũng là sản phẩm mang lại thành công lớn đầu tiên cho người sáng tạo - giải thưởng Waterstone’s Children’s Book Prize năm 2008 dành cho tác giả trẻ triển vọng.
Vậy cuốn sách viết gì?
Xin mượn lời nhân vật chính để tóm lược nội dung:
“Tôi bắt đầu viết quyển sách này vào ngày 7 tháng Giêng và kết thúc ngày 12 tháng Tư. Đây là tập hợp các bản kê, các câu chuyện, các hình chụp, các câu hỏi và các sự kiện. Đây cũng chính là câu chuyện đời tôi.
Năm điều nói về mình:
1. Tôi tên là Sam.
2. Tôi 11 tuổi.
3. Tôi sưu tầm các câu chuyện và các sự kiện lạ thường.
4. Tôi bị bệnh bạch cầu.
5. Khi bạn đọc mấy dòng này, có lẽ tôi đã chết.”
Vâng, cuốn sách là những câu chuyện xoay quanh một cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo đang đón chờ cái chết. Có vẻ hơi thiếu hấp dẫn? Nhưng hãy nghe Sally kể đã.
1. Câu chuyện về con người:
Bạn có để ý không? Nhân vật của chúng ta, Sam, cậu ấy viết một quyển sách gồm tập hợp các bản kê, các câu chuyện, các hình chụp, các câu hỏi và các sự kiện. Bạn có thắc mắc một đứa trẻ sắp chết sẽ viết cái gì, sẽ hỏi điều gì không?…
Trong vài tháng cuối đời ngắn ngủi, Sam không dành thời gian để ngồi đếm từng ngày hay quanh quẩn trong dưỡng đường với những thứ hóa - xạ trị. Cậu ở nhà học với một cô giáo đặc biệt cùng một người bạn tên Felix. Cậu bé ấy bị ung thư và là một người bạn thân thiết với Sam - dù hai đứa mới chỉ quen nhau ở bệnh viện. Hai cậu bé “đặc biệt” đã nhanh chóng ăn ý với nhau trong việc thỏa mãn khao khát hiểu biết và thử nghiệm cuộc sống của mình trước khi chết.
Là một đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, Sam biết rất rõ điều gì chờ đợi mình phía trước. Việc bác sĩ hứa nó không phải vào viện nữa và nếu phát bệnh thực sự thì có thể ở nhà là những tín hiệu để Sam nhận ra thực tế bệnh tình của mình. Nó không né tránh mà chỉ chấp nhận một cách đơn giản: “Đó là vì tôi sắp chết rồi”. Càng hiểu rõ điều đó, Sam càng mong muốn được tìm hiểu thêm về cuộc sống xung quanh. Đơn giản bởi vì trong con mắt một đứa trẻ 11 tuổi, nhiều câu trả lời của người lớn thật là “trớt quớt”, chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Đặc biệt, người lớn thường né tránh trả lời một cách chính xác điều mà họ không biết thay vì thừa nhận “Tôi không biết”. Nhất là câu hỏi về cái chết sắp tới, chẳng ai chịu trả lời, tất cả chỉ “ho húng hắng rồi đổi đề tài”. Thằng bé có tham vọng: “Nếu còn sống tới tuổi trưởng thành, tôi sẽ làm nhà khoa học. /…/ Tôi sẽ tìm ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi mà chưa có ai trả lời”.
Cùng với Felix, cô giáo Willis, Sam từng bước thực hiện mong ước của mình. Nó lập ra một bảng những câu hỏi không ai trả lời và đi tìm đáp án theo thế giới quan của mình:
Ví dụ: Câu hỏi số 1: Làm sao biết được mình đã chết? Điều đó có thể nhắc bạn đọc nhớ rằng mình đang đọc câu chuyện của một cậu bé khác thường. Đứa bé thật đáng thương! Nhưng Sam viết câu hỏi đó trong quyển sách bí mật của mình trước tiên. Vậy thì câu hỏi được đưa ra không phải để tìm sự thương hại, đó chỉ là một thắc mắc chưa có lời giải và Sam muốn tự mình trả lời. Nếu như thằng bạn viết Những trải nghiệm lúc gần chết - chống lại thì nó viết Những trải nghiệm lúc gần chết - ủng hộ. Dù chống lại hay ủng hộ thì cuối cùng cả hai đều muốn lên Thiên đàng, nhưng chỉ khi bị lũ yêu tinh chọc đinh ba vào người mới chịu. Bọn trẻ đem lại cho người khác một sự lạc quan thú vị. Dẫu bị bệnh tật và cái chết đe dọa, chúng vẫn không mất đi sự hồn nhiên, yêu đời và nghịch ngợm ở lứa tuổi của mình.
Câu hỏi số 2: Tại sao Chúa làm cho trẻ con bị bệnh?
Câu hỏi số 3: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó thật ra chưa chết, nhưng người ta lại tưởng chết rồi? Liệu họ có bị chôn sống hay không?
Câu hỏi số 4: Chết có đau đớn hay không?
Câu hỏi số 5: Người chết trông như thế nào? Hay sờ vào có cảm giác ra sao?
Câu hỏi số 6: Vì sao người ta thế nào cũng phải chết?
Câu hỏi số 7: Bạn đi về đâu sau khi chết?
Câu hỏi số 8: Thế giới có còn đó hay không, sau khi tôi đã ra đi?
Tám câu hỏi không ai trả lời có liên quan rất lớn tới cái chết và xoay quanh cái chết. Phải chăng chỉ đến khi lâm vào tình cảnh như Sam chúng ta mới đặt ra và có được câu trả lời? Chắc là thế. Nhưng cũng có thể không hẳn là thế. Những thắc mắc đó, rất có thể chúng ta đã từng nghĩ đến, đã từng muốn hỏi nhưng lại e ngại sẽ bị mắng, bị cho là ngốc nghếch hoặc thậm chí là dở hơi. Chẳng ai đang sống lại muốn đi giải đáp cho 8 câu hỏi này. Và nếu có lâm vào tình cảnh của Sam, chúng ta sẽ nghĩ về việc làm thế nào để được tiếp tục sống và né tránh cái chết. Điều đó không sai, con kiến còn muốn sống huống chi là con người. Nhưng dưới con mắt của một cô gái trẻ - tác giả để bệnh nhân 11 tuổi ấy tiếp nhận cái chết một cách nhẹ nhàng và tích cực nhất. Cái chết “chỉ là trở về cái chốn bạn từng ở trước khi sinh ra, và chẳng có ai sợ cái chốn trước khi mình sinh ra”. “… những cái cũ chết đi và những cái mới được sinh ra. Sao cũ hóa thành sao mới. Lá chết hóa thành cây con. Có lẽ đó là cái đang chết đi, hoặc có lẽ đó là cái đang sinh ra. Tất cả tùy thuộc vào cách nhìn của bạn”.
“Tất cả tùy thuộc vào cách nhìn của bạn”. Phải, tất cả tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Bạn không chấp nhận, bạn né tránh thì điều đó sẽ biến mất, sẽ trở nên tốt đẹp hơn ư ? Cách nhìn của tác giả là cách nhìn biện chứng của triết học duy vật. Và thấp thoáng bóng dáng triết lý sống của đạo Phật sống gửi thác về. Bình thản đón nhận, nhìn rõ sự việc và biết chấp nhận nó, bạn sẽ không đặt ra những câu hỏi đại loại như Tại sao lại là tôi?, Tôi đã làm gì sai?, Có những kẻ đáng chết hơn tôi mà?, Tôi còn bao nhiêu việc phải làm? ...
Ngoài những câu hỏi trên, Sam còn làm nhiều bản kê. Sau đây là các bản kê của cậu bé:
Số 1: Năm điều nói về mình
Số 2: Năm điều nói về bộ dạng tôi
Số 3: Những việc tôi muốn làm
Số 4: Những gì tôi ưa thích nhất
Số 5: Những cách thức để sống hoài, sống mãi
Số 6: Làm gì khi có người chết ?
Số 7: Năm điều nói về Ba
Số 8: Những sự kiện tuyệt chiêu về khí cầu
Số 9: Những chuyện đại tuyệt chiêu
Số 10: Bạn đi về đâu sau khi chết?
Số 11: Những điều tôi muốn xảy ra sau khi chết
Mỗi bản kê viết vào một thời điểm khác nhau nên chúng có thể giúp chúng ta hình dung được khá nhiều về tâm trạng, suy nghĩ của Sam. Có mong ước tưởng chừng như vặt vãnh, quá dễ thực hiện nhưng với Sam, để làm điều đó là cả một nỗ lực lớn, dường như trút cạn sức ra để làm vậy. Chẳng hạn như đi lên một cầu thang cuốn đi xuống và đi xuống một cầu thang cuốn đi lên. “Tôi đã rướn tới trước và trượt chân, trầy trụa và choáng váng, nhưng mà đắc thắng. Tôi đã leo lên được rồi!”. Điều đáng nói là Sam đã cố hết sức mình để thực hiện tất cả mọi điều cậu liệt kê trong cái bản kê số 3. Cứ lần lượt, bằng cách này hay cách khác, được trợ giúp từ Felix, người thân hay chỉ có mình, cậu bé đã chinh phục Những việc tôi muốn làm với sự bền bỉ và quyết tâm hiếm thấy ở một bệnh nhân thường phải truyền tiểu cầu, thường lâm vào tình trạng chảy máu cam hoặc mệt mỏi và đau nhức khắp cơ thể.
Và đến những ngày cuối cùng của đời mình, Sam vẫn không bỏ phí thời gian. Cậu làm những món quà nhỏ tặng cho mọi người. Dẫu chỉ là một con chim bằng đất sét tô màu hay một cái khung ảnh… món quà của Sam cũng sẽ khiến người được nhận không thể quên cậu. Đứa trẻ ấy đã muốn rằng sau khi chết: đám tang nên vui vẻ, mọi người nên kể chuyện cười thay vì chuyện buồn về nó. Mọi người được phép buồn, nhưng không được quá mức vì như thế sẽ không thể nhớ tới nó.