Rừng xà nu...các bạn giúp mình với

V

vietphuonga1

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Vi sao noi "RUNG XA NU" la mot thien truyen mang y nghia va ve dep cua mot khuc su thi trong van hoc hien dai.

Rừng xà nu” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành (bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc) và của văn học thời chống Mĩ. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Khuynh hướng này đã chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn trong giai đoạn văn học này.

Đọc “Rừng xà nu” những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai… tạo nên ấn tượng sâu sắc nơi độc giả. Nổi bật hình ảnh cây xà nu được lặp đi lặp lại gần hai mươi lần một hình tượng đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Hình tượng ấy đã tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi và lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô-man bất khuất, kiên cường. Qua tác phẩm, cây xà nu, rừng xà nu đã được Nguyễn Trung Thành miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết với ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời văn có cánh” trong một cảm xúc thật say mê và mãnh liệt. Cây xà nu trong truyện xuất hiện rất nhiều lần và dường như rất quen thuộc với con người nơi núi rừng Tây Nguyên, nó tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của người dân nơi đây trong cuộc chiến đấu chống Mĩ thật anh dũng của họ.

Tác phẩm “Rừng xà nu” là một bản anh hùng ca về cuộc đời anh dũng, đau thương, bất khuất của Tnú cũng như của tất cả dân làng Xô-man. Câu chuyện ấy được kể trên nền tảng chính của hình tượng cây xà nu – một hình tượng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tượng trưng và khái quát. Những cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn sống, vừa là nhân chứng, vừa tham gia bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi vất vả, đau thương dưới tầm đạn kẻ thù. Nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn tràn đầy sức sống, vẫn vươn mình lên cường tráng vượt lên mọi thương đau. Cây xà nu là một hình ảnh mang tính chất tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giải phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của dân làng Xô-man.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây” và kết thúc vẫn là “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Hình ảnh ấy như một nét nhạc trầm hùng, một bản đàn dạo, là cái “phông” cho cả một câu chuyện khiến thiên truyện càng mang đậm tính sử thi và lãng mạn hơn. Rừng cây xà nu được xem như là biểu tượng cho con người Xô-man. Với hình ảnh nhân hóa, Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cây xà nu như những con người, chúng cũng có “vết thương”, biết “ham ánh sáng” và “ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”. Cây xà nu còn là một hình ảnh so sánh với con người “ngực căng bằng cây xà nu”. Rừng xà nu năm tháng đứng dưới tầm đại bác kẻ thù chịu đựng biết bao tàn phá, cũng như những đau thương mà dân làng phải gánh chịu trước ách kìm kẹp của giặc. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. “Cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình nhựa ứa ra, tràn trề”… rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Hình ảnh đó gợi lên lòng căm thù và kết tụ một ý chí phản kháng.

Nhưng hơn hết vẫn là sức sống mãnh liệt đầy sức trẻ của rừng xà nu bạt ngàn. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắc như những mũi lê” “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Thế mới biết sức trẻ của cây xà nu mãnh liệt đến dường nào! Sức trẻ ấy còn mang tính tượng trưng cho thế hệ trẻ của làng Xô-man. Đó là những Mai, Dít, Tnú, Heng, những con người luôn gắn bó với cách mạng, bất khuất từ tuổi thơ, lớn lên trong lửa đạn, trưởng thành trong đau thương và sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì tự do của dân tộc.

Bên cạnh đó, sức sống bất khuất kiên cường của cây xà nu còn được tạo bởi hàng vạn cây ở những đồi xà nu nối tiếp nhau tới chân trời ở tấm ngực lớn của rừng ưỡn ra che chở cho làng. Đó là những cây xà nu thật vững chắc, xanh tốt đã vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”, một cây ngã xuống tức thì bốn năm cây con lại mọc lên cứ thế trở thành cả một rừng cây xà nu nối tiếp đến chân trời. Những cây xà nu, rừng xà nu ấy là hình ảnh của dân làng Xô-man kiên cường chống giặc, bất chấp mọi hi sinh, một lòng đi theo Đảng, đi theo kháng chiến hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là những cụ Mết, anh Xút, Tnú, Mai, Dít, anh Brơi… mà tiêu biểu là hình ảnh cụ Mết. Nhà văn đã ví cụ “như một cây xà nu lớn”. Hơn ai hết, cụ là người hiểu rất rõ sự gắn bó của cây xà nu và mảnh đất đang sống, hiểu được sức mạnh tiềm tàng bất khuất của rừng xà nu cũng như của dân làng Xô-man. Chính cụ Mết đã nói với Tnú “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “cây mẹ chết cây con lại mọc lên”.

Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm và ý chí quật khởi của dân làng Xô-man. “Đứng trên đồi cây xà nu gần con nước lớn, cả vùng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuẩn bị dao, mác, vụ, rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “Không có gì đượm bằng nhựa cây xà nu… Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… máu anh mặn chát ở đầu lưỡi…”.

Giọng điệu sử thi của “Rừng xà nu” bắt đầu từ câu chuyện kể của cụ Mết dưới ánh lửa xà nu, một câu chuyện phảng phất phong vị anh hùng ca. Và cây xà nu không chỉ gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng mà còn gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của người Xô-man, của các dân tộc Tây Nguyên.

Hình tượng cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới những lớp ý nghĩa rất khác nhau qua cách viết vừa gợi vừa tả của tác giả. Qua hình tượng này người đọc không chỉ thấy rõ sức sống kiên cường, mãnh liệt của dân làng Xô-man, của con người Tây Nguyên nói riêng mà còn là của dân tộc Việt Nam nói chung trong những tháng năm chống Mĩ.
 
Last edited by a moderator:
B

buimaihuong

Rừng xà nu được viết ra vào giữa năm 1965, trong những ngày bắt đầu cuộc chiến tranh

cục bộ của Mĩ ở miền Nam nước ta. “Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm

trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hứng, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất

còn trực tiếp với đế quốc Mĩ” [1]. Tuy kể về những sự kiện xảy ra trước đó mấy năm

nhưng truyện ngắn này đã tiếp được hơi thở hào hùng của thời hiện tại, và hiện thực

được mô tả mang đậm ý nghĩa phổ quát. Chuyện làng Xô Man trở thành chuyện của cả

“Đất nước đứng lên” trong cuộc đối đầu lịch sử.

Hình tượng lớn lao bao trùm toàn bộ tác phẩm là hình tượng những cây xà nu. Chính nó

đã đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn cũng như sự sinh động, chân thực như cuộc

đời. Và trước hết nó khơi lên nguồn cảm hứng dạt dào ở người viết, trở thành điểm tựa

điểm gợi tứ để nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân

dân. Không phải ngẫu nhiên mà có một câu văn được lặp lại gần y nguyên đến hai lần ở

phần đầu và phần kết thúc của tác phẩm: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết

tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp chân trời”. Đấy là một


điệp khúc trầm hùng làm nền cho toàn bộ câu chuyện. Tác giả chưa bao giờ để gián

đoạn mạch kể về rừng xà nu. Cây xà nu khi thì tách ra, khi thì hòa nhập với con người.

Tả cây xà nu tác giả ưa dùng thủ pháp nhân hóa, còn khi là con người ông lại thường

xuyên liên hệ, so sánh với cây xà nu. “Xà nu”, “xà nu” – tác phẩm trùng trùng điệp điệp

với những “xà nu” và đó chính là điểm khá cơ bản quy định chất thơ hào hùng của nó

(thơ, như có người nhận xét, là một kết cấu trùng điệp đầy âm vang).
 
P

pokemon_011

Rừng xà nu được viết ra vào giữa năm 1965, trong những ngày bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ ở miền Nam nước ta. “Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hứng, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất còn trực tiếp với đế quốc Mĩ” [1]. Tuy kể về những sự kiện xảy ra trước đó mấy năm nhưng truyện ngắn này đã tiếp được hơi thở hào hùng của thời hiện tại, và hiện thực được mô tả mang đậm ý nghĩa phổ quát. Chuyện làng Xô Man trở thành chuyện của cả “Đất nước đứng lên” trong cuộc đối đầu lịch sử.

Hình tượng lớn lao bao trùm toàn bộ tác phẩm là hình tượng những cây xà nu. Chính nó đã đem lại cho tác phẩm sức khái quát lớn cũng như sự sinh động, chân thực như cuộc đời. Và trước hết nó khơi lên nguồn cảm hứng dạt dào ở người viết, trở thành điểm tựa điểm gợi tứ để nhà văn suy ngẫm về mạch sống của đất nước và sức sống của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà có một câu văn được lặp lại gần y nguyên đến hai lần ở phần đầu và phần kết thúc của tác phẩm: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp chân trời”. Đấy là một điệp khúc trầm hùng làm nền cho toàn bộ câu chuyện. Tác giả chưa bao giờ để gián đoạn mạch kể về rừng xà nu. Cây xà nu khi thì tách ra, khi thì hòa nhập với con người. Tả cây xà nu tác giả ưa dùng thủ pháp nhân hóa, còn khi là con người ông lại thường xuyên liên hệ, so sánh với cây xà nu. “Xà nu”, “xà nu” – tác phẩm trùng trùng điệp điệp với những “xà nu” và đó chính là điểm khá cơ bản quy định chất thơ hào hùng của nó (thơ, như có người nhận xét, là một kết cấu trùng điệp đầy âm vang).

Hãy trở lại với đoạn mở đầu của truyện ngắn. Nhà văn đã đem hết bút lực của mình ra để tả một khu rừng xà nu. Đấy không phải là một khu rừng xà nu chung chung mà là khu rừng xát cạnh làng Xô Man, kế bên con nước lớn (nguồn sống của con người) và lọt trong tầm đại bác của đồn giặc. Ngay từ đầu ta đã thấy rừng xà nu phải đối diện với những thử thách ác liệt, dữ dội. Thương tích là không thể tránh khỏi: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ngang như một trận bão”. Nhưng sức sống mãnh liệt của cây xà nu mới là điều tác giả muốn nhấn mạnh: “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nẩy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Chúng khỏe vì chúng tha thiết với mặt trời: “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tấp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”. Thật là một đoạn miêu tả sống động, giàu chất tạo hình nhưng không chỉ có ý nghĩa tả thực. Rừng xà nu, đấy chính là một ẩn dụ về con người: con người đau khổ, con người bất khuất, con người khát khao tự do, con người của truyền thống anh hùng lớp trước lớp sau liên tục đứng lên bảo vệ phẩm giá của mình … Thêm nữa, rừng xà nu ở đây còn là một hình tượng tượng trưng, một biểu tượng cho con người Tây Nguyên, cho cả một dân tộc hiệp sĩ : “rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Trong hành động ưỡn tấm ngực lớn chứa đựng biết bao nhiêu là kiêu hãnh, nó biểu thị một phẩm chất phóng khoáng, hào hiệp và là một hành động tự nguyện do xác định được đúng vị trí đứng đầu bão táp của mình. Để diễn tả một nội dung phong phú như vậy qua hình tượng cây xà nu, tác giả đã sử dụng một giọng văn thiết tha pha chút cường điệu. Nhiều lúc như không nén nổi những xúc động đang tràn ngập vì yêu thương, vì yêu thương và cả kính trọng nữa, nhà văn đã thốt lên những lời nhận xét trực tiếp, để lộ cái tôi của mình “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nẩy nở khoẻ như vậy”, “Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế”. Hàng loạt động từ, trạng từ gây cảm giác mạnh được huy động cho mục đích miêu tả: ào ào, ứa, tràn trề, ngào ngạt, long lanh, gay gắt, bầm, ngã gục, lao thẳng, phóng, vượt, ưỡn .v.v. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng rất đắt cái nhìn của điện ảnh để cho sự vật hiện lên động và nét hơn. Ống kính của ông khi thì lùi ra xa để ghi lấy toàn cảnh rừng xà nu, khi lại rà sát, soi kỹ dáng vươn lên kiêu dũng của những cây xà nu con. Có lúc tác giả quay chếch ống kính để trước mắt ta, màn ảnh như chao đảo: một cảnh tượng tuyệt vời nên thơ, tráng lệ hiện ra: “ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp …”.

Mạch cảm xúc đã được khơi lên. Hướng đi của ngòi bút đã được hình dung. Điểm “neo” những ấn tượng và quan sát phong phú đã được xác định với một cái làng cụ thể. Từ đây toàn bộ câu chuyện cứ thế mà tuôn chảy và hiện rõ trước mắt người viết, người đọc mồn một từng chi tiết từng hình ảnh.

Chuyện làng Xô Man được bắt đầu từ thời điểm hiện tại: “Ba năm đi lực lượng bữa nay Tnú mới có dịp ghé về thăm làng. Thằng bé Heng gặp ở con nước lớn dẫn anh về” đấy là những lời kể cô đúc hé lộ một lịch sử và báo hiệu một đổi thay. Quả thực làng Xô Man đã đổi thay nhiều lắm so với ngày Tnú ra đi. Khắp núi rừng đâu cũng có cạm bẫy chờ sẵn “chờ đón” quân thù. Một lớp người mới trưởng thành đứng ra gánh vác công việc kháng chiến. Sinh hoạt trong một làn vui tươi và có quy củ. Tất cả toát lên một vẻ hồ hởi tự tin khiến cho Tnú không khỏi có chút ngỡ ngàng. Phải nói rằng sự lựa chọn thời điểm bắt đầu câu chuyện hết sức thích hợp. Tất cả phải từ hôm nay và cho hôm nay, cũng y như mục đích kể chuyện tại nhà Ưng của cụ Mết. Đó là sự chuẩn bị tinh thần để bước vào một thử thách to lớn mới. Những lời nhắc nhở trầm vang như tiếng chiêng, cồng của cụ Mết: “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ …” cũng chính là lời nhắn gửi của độc giả, trước hết là độc giả của thời kỳ lịch sử ấy.

Ra đời trong một thời điểm hào hùng của lịch sử, lại kể về những sự việc có tầm vóc thời đại, giọng điệu trần thuật có màu sắc anh hùng ca đã được sử dụng rất đắc địa. Lời kể của tác giả đã hoà lẫn với lời kể của cụ Mết và dòng hồi tưởng của Tnú một cách hết sức tự nhiên. Cái bi tráng của một giai đoạn cách mạng cùng khí thế chiến đấu bừng bừng của buôn làng Tây Nguyên ngày nổi dậy đã được tái hiện với đúng “chất” của nó. Trên dài đất cao nguyên hùng vĩ này từng có người dân sống nghẹt thở dưới ách áp bức, khủng bố bạo tàn của Mĩ Diệm.

Khắp nơi đều có dấu vết tội ác của chúng. Thiên nhiên bị tàn phá. Nhân dân bị chém giết. Chúng “đi trong rừng xà nu như con beo” với những “lưỡi lê dính máu”. Quả là chúng đang làm chủ cả núi rừng, nhưng là cách làm chủ của beo sói. Khi kể chuyện Tnú hồi nhỏ đi liên lạc bị giặc bắt, có đến ba lần tác giả nói đến vết dao trên lưng em. Đó là một chi tiết nghệ thuật tiêu biểu tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù. Ngay tấm lưng nhỏ bé, non trẻ “rộng chưa bằng bề ngang của cái xà lét mẹ để lại” dường như sinh ra để cha mẹ vuốt ve cũng phải hứng chịu những sự vùi dập tàn bạo, phũ phàng nhất. Ở một đoạn khác, khi nói đến tình thế bị o ép dữ dội của dân làng Xô Man trước ngày khởi nghĩa, tác giả đã có dụng ý mô tả môt loạt âm thanh kinh khủng, đó là tiếng cười sằng sặc, giần giật của thằng Dục ác ôn, tiếng roi vun vút, tiếng gậy sắt nện hừ hự xuống thân người …

Nhưng sự việc đã diễn ra theo đúng quy luật có áp bức có đấu tranh, và một chân lí cách mạng dần dần được làm sáng tỏ: “chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Rừng xà nu không chỉ chuyện làng Xô Man trong đau thương mà chủ yếu là chuyện làng Xô Man đứng dậy. Tác giả đã rất thành công khi xây dựng chân dung một tập thể anh hùng. Họ gồm những cụ Mết, anh Tnú, chị Mai, cô Dít, bé Heng … mỗi người mỗi vẻ nhưng đều giống nhau ở sự gan góc, ở lòng trung thành với cách mạng. Sự gan góc, trung thành ấy không biểu hiện ồn ào. Nó ít lời mà dồn nén biết bao dữ dội. Tnú bị bắt, cụ Mết chỉ nói: “Tnú đừng làm xấu hổ làng Xô Man”. Tnú trả lời bằng bằng một cái nhìn. Giặc cởi trói cho Tnú để em chỉ chỗ người cộng sản, Tnú để bàn tay lên bụng mình nói “Ở đây này”. Rồi đôi mắt của Mai, cái nhìn của Dít .. rõ ràng đó là cái im lặng của những người đã chịu nhiều đau khổ, cái im lặng đầy sức mạnh, đầy đe dọa với quân thù, nó báo trước sự bùng nổ ghê gớm của lòng căm giận. Trong tác phẩm còn có một đoạn rất đáng chú ý khác nói về sự dũng cảm của Dít trước quân ác thú. Có thể nói trong khoảnh khắc, Dít đã lớn rất nhiều, thoạt đầu Dít khóc thét lên khi bị chúng bắn dọa. Nhưng đến viên đạn thứ mười, Dít đã chùi nước mắt, bình thản nhìn về bọn giặc. Đây là một chi tiết giàu tính tượng trưng. Không thể nói sự thay đổi đó của Dít như nói về một sự trấn tĩnh bình thường. Trong tình thế khó khăn con người phải tự lớn vượt lên mau chóng nếu không sẽ bị đè bẹp. Dềnh dàng là chết. Điều đó đúng với cả làng Xô Man, cả Tây Nguyên và cả cách mạng miền Nam ngày ấy.

Trong nhiều nguyên nhân tạo nên sức quật khởi của làng Xô Man mà tác giả có ý thức nêu lên, nguyên nhân thuộc về truyền thống lịch sử đã được biểu hiện qua một hình tượng sinh động: cụ Mết. Đúng là tác giả viết trong một bài hồi ức: “Ông là cội nguồn. Là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên còn trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn sành sỏi và tự giác hơn của thế hệ sau”. Để tả cụ Mết tác giả thường mượn những đặc tính của cây xà nu làm đối tượng so sánh: ngực cụ “căng như một cây xà nu lớn”, còn bàn tay “nặng như sắt” của cụ thì “sần sùi như vỏ cây xà nu” tiếng nói của cụ cũng thật đặc biệt: “nặng trịch”, “ồ ồ” “dội vang trong lồng ngực” tưởng như tiếng âm vọng của núi rừng. Đúng là không thể hình dung nổi cuộc sống chiến đấu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà lại thiếu hình ảnh cụ Mết. Riêng đối với phương diện hình thức nghệ thuật của tác phẩm, hình ảnh đó tạo nên màu sắc Tây Nguyên đậm đà trên từng trang viết và tạo những điểm nhấn góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề, những điểm nhấn gắn liền với các câu nói mang ý nghĩa tông kết, giáo dục và kêu gọi của cụ: “Nghe rõ chưa, các con rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bây còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo! …” có thể nói thêm: nếu thiếu hình ảnh cụ Mết, tác phẩm sẽ thiếu đi một cơ sở quan trọng để sử dụng cái giọng trầm hùng vang vọng rất sử thi như nó đã có.

Nhiều đêm bên bếp lửa trong nhà ưng, cụ Mết đã kể cho con cháu nghe chuyện về anh Tnú. Đó là câu chuyện của thời hiện tại nhưng đã được lịch sử hoá bởi nó quá tiêu biểu cho hành trình số phận của các dân tộc Tây Nguyên thời đánh Mĩ. Cuộc đời của Tnú đã trải qua biết bao thử thách khốc liệt ngay từ thuở còn thơ. Chính những thử thách ấy đã hun đúc nên một con người mang nhiều phẩm chất tốt đẹp: gan dạ, trung thưc, một lòng một dạ gắn bó với cách mạng. Khi lớn lên, hạnh phúc riêng vừa đánh chết ngay trước mắt anh mà anh không làm gì được. Bản thân anh bị giặc bắt và bị chúng đốt cụt mười đầu ngón tay. Từ nỗi đau thương và căm thù đó, anh tham gia lực lượng quân giải phóng góp phần bảo vệ quê hương, trở thành niềm tự hào của buôn làng, thánh tấm gương cho cụ Mết dùng để giáo dục thế hệ sau. Khắc hoạ nhân vật Tnú, tác giả rất chú ý miêu tả hai bàn tay của anh – hai bàn tay biết kể với chúng ta về số phận một con người. Nhìn chung, với nhân vật Tnú cũng như với hầu hết các nhân vật khác, tác giả thường nhắc đi nhắc lại một đặc điểm nỗi bật nào đó của họ. Phải chăng ở đây có dấu vết của cách giới thiệu nhân vật trong sử thi? Dù sao đây cũng là một trong những đặc điểm hình thức khá nổi bật của truyện ngắn này.

Rừng xà nu là trải nghiệm một đời văn, một đời chiến sĩ được nhốt chặt trong một khuôn khổ hẹp. Niềm xúc động thiêng liêng về hình ảnh kì vĩ của tổ quốc giữa những ngày thử thách đã thôi thúc Nguyễn Trung Thành viết nên thiên truyện này. Đó là một tác phẩm rất cô đọng nhưng cũng hết sức bay bổng, gợi nên những cảm xúc vừa trầm lắng vừa say mê. Một tác phẩm xuất sắc khá xứng tầm với thời đại đánh Mĩ oanh liệt, hào hùng.
 
Top Bottom