Sách (REVIEW) Mãi mãi tuổi 20

VânHà.D

Cựu TMod Cộng đồng|Cựu Phụ trách box "Sách"
HV CLB Địa lí
Thành viên
2 Tháng chín 2018
1,591
6,066
576
Bình Dương
THPT BẾN CÁT
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Hello cả nhà yêu dấu ♡♡♡. Chúc mọi người một buổi chiều vui vẻ. Lâu lắm rồi mới có dịp ngồi viết review. Cuốn sách mà mình viết review đó là cuốn " Mãi mãi tuổi 20 - Nguyễn Văn Thạc". Do mình không dùng máy tính nên mình viết tay đăng lên, chữ xấu mong các bạn đừng chê.

"Cảm nhận của riêng tớ về cuốn sách

20200820_164251.png 20200820_164320.png
20200820_164656.png 20200820_164403.png 20200820_164426.png
Hiện tại là giờ giải lao nên tớ đăng cảm nhận của mình để mọi người cùng đọc và tớ sẽ sưu tầm thêm một số bài cảm nhận về cuốn sách này đăng sau.

@Võ Thu Uyên

Có nhiều cuốn sách để lại ấn tượng thương nhớ trong lòng người đọc và cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc là một trong những cuốn sách như thế, cuốn sách đã chạm tới trái tim nhiều người và lấy đi nhiều nước mắt của không ít độc giả. Bởi sự chân thật và tình cảm chân thành, nỗi khát khao cống hiến những trăn trở suy nghĩ của tuổi hai mươi với bao ước mơ hoài bão mà liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc gửi gắm vào cuốn nhật ký đã làm lay động lòng người chạm vào trái tim của người đọc.
Mãi mãi tuổi hai mươi cuốn nhật ký thời chiến tranh

“Mãi mãi tuổi hai mươi” là cuốn nhật ký thời chiến tranh kể về những câu chuyện trong quân ngũ của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, những câu chuyện rất đỗi bình thường diễn ra hàng ngày nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Thạc chàng sinh viên đã từng đạt giải nhất học sinh giỏi văn lớp 10 toàn Miền Bắc trở nên sinh động đến lạ.
Chỉ là sự chuyển giao giữa hai mùa thôi nhưng qua ngòi bút của Thạc trở nên tinh tế:”Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sầu đông chưa nở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngỏ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không ?”
Cuộc sống đời thường qua mỗi chặng đường hành quân được tái hiện một cách sinh động

Dưới ngòi bút của Thạc tất cả hình ảnh một vùng quê miền Bắc được tái hiện một cách thực tế nhẹ nhàng mà nên thơ, những câu chữ mộc mạc được viết ra nhưng vẫn lay động lòng người đến lạ để thấy một tình yêu quê hương tha thiết xen lẫn niềm tự hào của tác giả.” Tự hào lắm khi được lang thang trên trên đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn ai hạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở ra cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người….”
Bước ra khỏi trang sách sống cuộc đời của một người lính thấy mình sống trách nhiệm hơn

Mỗi chặng đường hành quân, hay mỗi lần dừng chân nghỉ lại đâu đó tác giả đã ghi chép lại một cách tỉ mỉ và cẩn thận xem đó là những cột mốc đánh dấu cuộc đời mình, tuổi hai mươi như một trang sách mở từng cánh cửa bước ra với cuộc đời thực tế. Dẫu đôi lúc còn chút bỡ ngỡ vì mất thăng bằng cũng phải thôi bởi “Mười mấy năm sống dưới bầu không khí thanh bình, mình chưa biết rằng, mình đã sống một đời cho cách mạng”.
Chính những chặng đường hành quân đi qua mỗi miền quê đã giúp Thạc sống gần gũi hơn với cuộc sống thực tế đưa chàng sinh viên bước ra khỏi trang sách đến với cuộc đời cách mạng đầy hy sinh gian khổ những cũng rất đỗi tự hào để thấy mình sống có trách nhiệm hơn chính bản thân và cho quê hương và cho đất nước “ Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ khi nào? Có lẽ là từ ngày 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước”.từ khi nào? . “Hơn cả khi trên phập phồng tờ quyết định .
Vui sướng, tự hào, cảm động làm sao khi trên người ta là bộ quân phục xanh màu lá. Anh sinh viên quen màu trắng áo của cánh cò, quen màu xanh da trời tháng nắng…. Mình trút bỏ không thương tiếc, và trìu mến khoác lên mình màu xanh ấy. Màu xanh của núi đồi thảo nguyên, của ước mơ và hi vọng. Màu xanh bất diệt của sự sống”.
Tình yêu trong sáng, mãnh liệt dẫu muôn trùng xa cách

Một chàng sinh viên trở thành một anh lính trẻ mang trong mình tình yêu đầu tiên trong sáng và mãnh liệt mà Thạc dành cho Như Anh người con gái đầu tiên làm trái tim Thạc rung động xao xuyến nhớ nhung. Tình yêu của họ là một tình yêu đẹp, một tình yêu được xây dựng nên từ sự ngưỡng mộ chờ đợi sự hi sinh thầm lặng dành cho nhau để lại trong lòng nhau nỗi nhớ nhung vời vợi cách xa. “Nghĩ về Hà Nội là nghĩ về N.Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương đêm mùa hè, của đêm mùa thu … Ta gặp nhau làm gì nhỉ ? Ta nắm tay nhau làm gì nhỉ? Ta siết chặt trong nỗi xúc động làm gì….N.Anh bé nhỏ yêu dấu đêm nay ở đâu… Thương N.Anh thật nhiều mà không biết nói sao, không biết làm sao cả.”
Tình yêu gói gọn trong nỗi nhớ sự chờ đợi cách xa nhưng vẫn đẹp đẽ và đây hi vọng của hai con người ở hai phương trời xa cách “Chờ Thạc, Như Anh nhé. Chờ Thạc, như cô gái VN chung thủy trọn đời với người yêu đi chiến đấu. Chờ Thạc, như cô gái trong bài thơ của Tế Hanh: Em chờ anh không biết có thời gian…Họ cùng hi vọng cùng chờ đợi đến một ngày gặp lại để có thể trả lời câu hỏi : Hạnh phúc là gì? Tình yêu tuổi hai mươi thời chiến tranh giản dị nhưng rất đỗi mãnh liệt, họ hi sinh hạnh phúc riêng tư để đặt tình yêu Tổ quốc, tình yêu dân tộc lên trên hết .Đó là cái đáng trân trọng của lớp lớp thệ hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, họ đã hi sinh hạnh phúc riêng tư và hi sinh bản thân mình.
Cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” là những dòng nhật ký rất đỗi chân thật ghi lại một thời chiến tranh bom đạn ác liệt đánh dấu những bước chân hành quân của người lính qua những miền quê yêu dấu. Sự thật và tình cảm chân tình bao giờ cũng lắng đọng trong lòng người một cách trọn vẹn nhất mà chẳng cần những lời nói hoa mỹ phô trương.
Tôi viết những cảm nhận này hi vọng góp phần nhỏ bé trong tâm nguyện của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc “Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng.” . “Nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn những dòng vui vẽ đông đúc.
Các bạn thân mến, hôm nay, chúng ta những thế hệ thanh niên được sống trong hòa bình chúng ta được sung túc hạnh phúc hơn tại sao chúng ta không có những hoài bão ước mơ của tuổi trẻ để viết tiếp những dự định , ước mơ đang dang dở của thế hệ cha anh đã ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc này của đất nước này. Nếu bạn đang còn do dự đang còn mất phương hướng hay bạn đang còn chìm đắm ngủ quên trong cuộc sống êm đềm bạn hãy đọc “ Mãi mãi tuổi hai mươi” để thức tỉnh tâm hồn mình

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã ra đi mãi mãi ở tuổi hai mươi tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Những dòng nhật ký anh để lại góp phần phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta, phản ánh một thế hệ thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…”

(Thanh Thảo)
M%C3%A3i-m%C3%A3i-tu%E1%BB%95i-20-reviewsachonly.jpg


“Chuyện đời”.


Bản thảo gốc có tên “Chuyện đời” là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilong màu xanh, tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen. Anh bắt đầu viết từ ngày 2/10/1971 tức là 28 ngày sau nhập ngũ và dừng lại vào ngày 3/6/1972 khi chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư được Thạc gửi về cho anh trai từ ngã ba Đồng Lộc.
Anh hi sinh chưa đầy 2 tháng sau đó, khi chưa tròn 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Thục đã thay mặt gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi bản thảo gốc về Nhà xuất bản Thanh Niên với mong muốn cho xuất bản cuốn nhật ký này, góp phần để bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ có thể tự hào về một thế hệ thanh niên đi trước mà vững bước hướng tới tương lai.
Tác phẩm được nhà thơ Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu đến độc giả, xuất bản năm 2005.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” là một cuốn nhật ký đầy đặn đúng nghĩa, tuôn ra từ ngòi bút của chàng thanh niên giỏi văn đất Hà thành, viết về chuyện người, chuyện đời, theo dòng suy nghĩ và sự kiện trên những miền quê, những chặng đường hành quân.
Cuốn nhật ký dang dở.

Bởi là nhật ký nên chân thật và chân thành.
Anh chỉ là anh.
Là cậu sinh viên khoa Toán – Cơ, rời ghế nhà trường lên đường chống giặc Mỹ. Là người con xa nhà, đọc “Bầm ơi” mà nhớ mẹ. Là chàng trai lòng đầy lãng mạn, nhớ cô bạn gái thân thiết nơi hậu phương. Là cậu thanh niên yêu thơ văn, viết rất nhiều và rất hay, nhưng vẫn không hài lòng mà cho rằng ngòi bút mình cứ tắc, cứ ngắc ngoải. Là anh lính binh nhì, giác ngộ lý tưởng cách mạng, khát vọng lên đường vì ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc.
Đó chính là anh – anh bộ đội cụ Hồ.
“Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng đề trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”

Anh viết cái kết mở cho tương lai, cho ngày trở lại hoặc không bao giờ.
Giờ đây khi đất nước đã sạch bóng quân thù và đang trên đà phát triển, ai sẽ thay Thạc viết tiếp? Với mong muốn của người đã đi xa mãi mãi, cuốn nhật ký mở ra những trang trống, cho thế hệ bây giờ và sau này, tự hào tiếp bước cha anh.
%E1%BA%A2nh-nha.7354-M%C3%A3i-m%C3%A3i-tu%E1%BB%95i-20-reviewsachonly.jpg

Ảnh: nha.7354
Lời tiên tri về ngày toàn thắng.

Ngày 18/9/1971, trong một lá thư gởi cho người bạn gái thân thiết là Như Anh (Phạm Thị Như Anh, trong nhật ký là P. hoặc Như Anh), Thạc viết:
“Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó còn trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ và bài toán.
30-4-1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”

Ngày nay, toàn thể nhân dân Việt Nam đều biết đó là ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng lúc Thạc viết những lời trên thì chưa có một điều gì có thể khẳng định chắc chắn ngày chiến thắng của toàn quân toàn dân ta cả. Vậy mà thực sự anh đã viết nó ra. Đúng năm, đúng tháng, đúng cả ngày.
Chẳng thể lý giải, chỉ có thể xem như một sự tiên cảm diệu kỳ. Và cả đất nước đã dùng chiến thắng cuối cùng để thay anh trả lời câu hỏi về hạnh phúc, như lời tri ân đầy trân trọng yêu thương
Mùi cỏ cháy.

“Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được người đồng đội của anh – cũng là con người từng xuất hiện trong cuốn nhật ký – nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sử dụng làm chất liệu để viết nên kịch bản bộ phim “Mùi cỏ cháy”, ra mắt khán giả năm 2012 và được trao 4 giải Cánh diều vàng.
“Mùi cỏ cháy” tái hiện một phần khốc liệt và dữ dội của trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị trong sự kiện Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Suốt 81 ngày đêm hứng chịu mưa bom lửa đạn, những gương mặt mười tám, hai mươi sao mà dũng cảm, sao mà kiên cường.
Hình ảnh anh Thạc hiện lên trong Thăng, anh lính binh nhì và về sau là người lính thông tin, với lá thư gửi người bạn gái nơi hậu phương:
“Chống Mỹ cứu nước là thời đại oanh liệt của dân tộc. Trong buổi bình minh của cách mạng, ai sẽ là người đi vào mờ sáng? Có tôi, và hơn 1000 sinh viên các trường đại học nhập ngũ lần này. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa qua những áng văn, những bài thơ.
Tháng 4 năm 1975 sẽ trả lời cho bạn: Hạnh phúc là gì?”

Còn Hoàng là bóng dáng thời trai trẻ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – người duy nhất còn sống sót trong nhóm bạn thân Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình tình yêu Hà Nội, lên đường chiến đấu với niềm khát khao chung của dân tộc: Bắc Nam sum họp, đất nước thống nhất.
“Mùi cỏ cháy” lay động khán giả màn ảnh rộng bởi những mẩu chuyện có thật về bi kịch chiến tranh và hy sinh của tuổi trẻ thời chiến mang theo khát vọng gia đình, tình yêu, tình bạn. Tiếng gọi “Mẹ ơi!” vang vọng và lặp đi lặp lại trên dòng Thạch Hãn, nước sông nhuộm một màu máu đỏ lòa trong đêm đen, nấm mồ chôn người lính vừa đắp đã bị pháo địch làm nổ tung, nơi quê nhà chiếc chổi lông gà mẹ cầm rơi xuống đất – một điềm báo làm run rẩy tâm can đấng sinh thành… những chi tiết đắt giá lấy biết bao nước mắt người xem. Đau đớn thay cho một dân tộc đã từng bị dằn xéo như thế! Tự hào thay những trái tim quả cảm anh hùng!
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”

(Lê Bá Dương)
%E1%BA%A2nh-sky.obsessed___-M%C3%A3i-m%C3%A3i-tu%E1%BB%95i-20-reviewsachonly.jpg

Ảnh: sky.obsessed___
Tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Nguyễn Văn Thạc (14/10/1952 – 30/7/1972) là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị sáng 30/7/1972, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc được giao nhiệm vụ bảo đảm liên lạc cho trung đoàn 101, sư đoàn 325.
Theo Nguyễn Quang Minh, chiến sĩ cùng tiểu đội với anh Thạc sau này có kể lại:
Loạt đạn pháo của địch rơi đúng chỗ Thạc. Một mảnh pháo chém ngang hai đùi của anh, máu chảy ướt đẫm ống quần. Máu ra nhiều lắm. Mấy anh em vội xúm lại băng bó rồi khiêng Thạc lên trạm phẫu tiểu đoàn, với hi vọng “còn nước còn tát”. Nhưng Thạc đã tắt thở trong vòng tay của đồng đội. Như nhiều người lính hi sinh ngoài chiến trường, thi hài của anh được chôn cất ngay tại mặt trận.
Sau giải phóng, hài cốt anh được tìm kiếm và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm, Hà Nội.
Mong hương hồn anh thanh thản.
Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến một cuộc đời đã dừng lại mãi mãi ở tuổi hai mươi vì Tổ quốc.
Cảm ơn anh Nguyễn Văn Thạc! Xin cảm ơn những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Xin cảm ơn những con người đã góp công cho hòa bình độc lập ngày hôm nay. Các anh sống mãi trong lòng dân tộc!
 
Last edited:
Top Bottom