Gợi ý:
Tế Hanh là nhà thơ có mặt trong phong trào Thơ Mới chặng cuối. Thơ Tế Hanh là một hồn thơ lãng mạn. Tế Hanh được biết đến nhiều nhất như một nhà thơ của quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương. Cái làng chài ven biển có dòng sông bao quanh, nơi Tế Hanh được sinh ra, luôn đau đáu trong nỗi nhớ thương của Tế Hanh, gợi những nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ông, giúp ông viết nên những vần thơ hay nhất, đẹp nhất. Quê hương là một trong những vần thơ như vậy.
Tám câu thơ đầu: Cảnh dân chài bơi thuyền đi đánh cá.
- Đoàn thuyền ra khơi trong một buổi bình minh đẹp, khoáng đạt: bầu trời cao rộng, trong trẻo được điểm bởi những tia nắng hồng rực rỡ. Chỉ một câu thơ: Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, tác giả đã vẽ được một không gian rộng lớn, vô tận.
- Nổi bật giữa không gian êm ả ấy, đoàn thuyền băng mình ra khơi với khí thế dũng mãnh của một con tuấn mã. Hình ảnh so sánh và một loạt các động từ mạnh đã làm toát lên sức sống mạnh mẽ và vẻ đẹp hùng tráng, bất ngờ của những con người lao động.
- Hình ảnh cánh buồm căng gió vốn mang một vẻ đẹp lãng mạn, có thể quan sát được, bất ngờ được so sánh với hồn làng là những gì lớn lao, thiêng liêng, phi vật thể. Sự so sánh này không làm cho cánh buồm được miêu tả cụ thể hơn nhưng nó đã gợi nên một vẻ đẹp mới, lớn lao, thiêng liêng, vừa thơ mộng, vừa hùng tráng. Biểu hiện linh hồn làng chài bằng hình ảnh cánh buồm trắng no gió biển khơi là một sáng tạo độc đáo của Tế Hanh.
- Với âm điệu mạnh mẽ, sôi nổi, bằng những hình ảnh so sánh độc đáo, tám câu thơ đầu vừa vẽ ra một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, vừa khắc hoạ đậm nét bức tranh lao động khoẻ khoắn, đầy sức sống của người dân nơi biển cả.
2. Tám câu thơ tiếp theo: Cảnh thuyền cá về bến.
- Cảnh dân chài đón thuyền cá về bến cũng là một bức tranh lao động náo nhiệt, đầy ắp niềm vui và sự sống.
- Bốn câu thơ miêu tả người dân chài và con thuyền nằm nghỉ trên bến sau chuyến ra khơi là những câu thơ đặc sắc nhất, tinh tế nhất của bài Quê hương. Hình ảnh người dân chài vừa nổi bật với vẻ đẹp ngoại hình rắn rỏi, vạm vỡ: "làn ra ngăm rám nắng", vừa gợi mở vẻ đẹp của một tâm hồn mộc mạc, đằm thắm, mặn mà - vẻ đẹp của biển cả. Đó là một vẻ đẹp vừa chân thực vừa lãng mạn. Hai câu thơ vừa tả thực vừa gợi cho người đọc những liên tưởng sâu xa, thú vị.
- Hai câu thơ tả chiếc thuyền nghỉ ngơi trên bến cũng là một sáng tạo độc đáo của Tế Hanh. Tác giả không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận thấy "sự mệt mỏi say sưa" của con thuyền. Con thuyền vô tri đã trở thành một tâm hồn tinh tế không kém chủ nhân của nó. Sau bao ngày tháng lênh đênh, miệt mài trên biển, giờ đây, nó đang nằm và lắng nghe chất muối mặn mòi của biển thấm dần vào từng thớ vỏ, như một người lao động đang nằm và ngẫm nghĩ lại cả chặng đường vất vả, những giọt mồ hôi mà mình đã đổ xuống để có được thành quả lao động như ngày hôm nay.
- Trong cách miêu tả của Tế Hanh, ta thấy có sự gắn bó làm một giữa thiên nhiên cuộc sống với tâm hồn con người nơi đây. Và dù tác giả không biểu lộ trực tiếp tình cảm của mình nhưng trong cách miêu tả của ông, người đọc cảm nhận được sợi dây tình cảm thiêng liêng sâu nặng nối liền tâm hồn ông với thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây. Không phải là một người con yêu dấu của quê hương, không yêu quê hương bằng tình yêu máu thịt và không có sự tinh tế tài hoa của một nhà nghệ sĩ thì không thể viết được những câu thơ sâu xa, xúc động như vậy.
3. Khổ thơ cuối: Tình cảm nhớ thương quê hương của tác giả.
- Quê hương được viết trong xa cách, trong niềm thương nhớ khôn nguôi của tác giả. Nỗi nhớ được nói lên một cách giản dị, tự nhiên, chân thành mà sâu sắc. Tế Hanh nhớ tất cả, từ màu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi... rồi cuối cùng hội tụ lại ở cái mùi nồng mặn. Cái mùi nồng mặn, trong tâm tưởng nhà thơ, chính là hồn thơm, hồn thiêng của quê hương. Những tưởng không có cách nào diễn tả tình yêu và nỗi nhớ quê giản dị mà sâu sắc, xúc động hơn nữa vậy.
4. Vài nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.
- Tuy phần lớn số câu thơ là câu miêu tả, song toàn bộ hình ảnh miêu tả đó đều nằm trong dòng tưởng nhớ, trong tình yêu quê hương da diết của chủ thể trữ tình. Vì vậy, miêu tả chỉ là một yếu tố phục vụ cho biểu cảm. Hơn nữa, tình cảm của một người con xa quê, nhớ quê luôn đầy ắp sau mỗi câu chữ, hình ảnh; thổi linh hồn vào từng câu chữ, hình ảnh làm cho bức tranh quê hương mang một vẻ đẹp lớn lao, bất ngờ và đầy lãng mạn.
- Nét nghệ thuật đặc sắc nhất của bài thơ Quê hương là ở sự sáng tạo hình ảnh thơ. Bài thơ khá phong phú hình ảnh. Các hình ảnh ở đây vừa chân xác, cụ thể, vừa độc đáo, bay bổng, lãng mạn, có khả năng gợi ra những trường liên tưởng phong phú ở người đọc.
Nguồn:tổng hợp