TỪ THẰNG QUỶ NHỎ CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH NGHĨ VỀ NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA MỘT TÁC PHÂM VIẾT CHO THIẾU NHI
Trần Văn Toàn
1/ 1.1 Không sợ sai nhưng cũng không mấy thú vị khi phải đưa ra nhận xét: văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay có khả năng tác động đến nhân cách trẻ em không rõ nét như ở giai đoạn trước. Từ sau 1954 kéo dài đến 1986 những tiêu chuẩn về con người mới xã hội chủ nghĩa là định hướng chiến lược cho những sáng tác của văn học thiếu nhi. Vì đây là chủ trương và chính sách của Đảng và nhà nước nên đúng là có hiện tượng bao cấp tư tưởng trong những sáng tác về đề tài thiếu nhi; tuy nhiên, một chiến lược xây dựng nhân cách có bài bản của thời kì này cũng đã góp phần không nhỏ cho sự xuất hiện của một loạt những thành tựu trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Hà Ân, Tô Hoài ...
Những sáng tác cho thiếu nhi trong văn học Việt Nam hiện nay không đưa lại cho chúng ta cảm giác về một nền văn học thiếu nhi phát triển và có vai trò xã hội tương xứng với sự kì vọng của xã hội. Số lượng những cây bút chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều và cũng không có khả năng hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi. Tồn tại một nghịch lí: các nhà văn Việt Nam sống chật vật trong khi cả một mảng thị trường văn học thiếu nhi bị bỏ mặc cho những tác phẩm dịch làm mưa làm gió với đủ mọi đề tài từ chú mèo Đô-rê-mon qua thám tử nhí Conal đến Bảy viên ngọc rồng... Một cách công bằng thì phải kể đến sự thành công đặc biệt trong những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng hiện tượng này, theo tôi, là một ngoại lệ. Nghĩa là nó góp phần làm nổi bật qui luật hơn là phản biện qui luật.
Nguyên nhân của thực trạng văn học thiếu nhi nói trên, đương nhiên, là có nhiều, là phức tạp nhưng một nguyên nhân, mà theo tôi, có thể giữ vai trò chủ đạo là: cho đến nay chúng ta vẫn không hình dung được một cách đầy đủ và thấu đáo về mô hình của con người Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Những biến chuyển gấp gáp của đời sống xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế, một đường hướng phát triển ít nhiều có tính chất đối phó và tự phát đã khiến cộng đồng Việt cơ hồ “bỏ hoang”, nếu không muốn nói là thiếu hẳn một ý tưởng trong việc kiếm tìm một triết lí làm điểm tựa cho một hoạch định mang tầm chiến lược về nhân cách. Tôi không nghĩ rằng nhân cách con người là một cái gì đó tiên thiên. Nhân tính, đúng như những luận giải của M. Foucault, là một sản phẩm của văn hóa. Nó được tạo ra chứ không phải sinh ra. Văn học thiếu nhi, một trong những giá trị trong sự tồn tại của nó được nhìn nhận trong mối quan hệ với nhiệm vụ kiến tạo nhân cách này. Chưa ý thức hết, chưa có được một nhận thức chiều sâu về mô hình nhân cách của con người hiện đại đã khiến đội ngũ cầm bút không thể thực hiện tốt mục tiêu xây dựng và bồi đắp nhân cách cho thế hệ trẻ. Vậy nên, nếu những sáng tác của văn học thiếu nhi Việt Nam còn quá nhiều những thiếu hụt thì đó cũng là một hiện tượng hợp quy luật.
1.2 Việc tìm kiếm và xây dựng một triết lí từ đó kiến tạo một mô hình nhân cách của người Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nói một cách nghiêm khắc, là một tiền đề cần yếu để chúng ta có thể thảo luận về văn học thiếu nhi một cách khoa học nhưng, vì nhiều lí do, chúng tôi chưa thể giải quyết trong thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, đây là mục tiêu cần được giải quyết qua nhiều bước đi cụ thể.
Nhiệm vụ mà chúng tôi hướng đến trong tham luận của mình là thuộc về những bước đi khởi đầu, vì thế là rất cụ thể: từ một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Thằng quỷ nhỏ, tìm kiếm và lí giải xem thử điều gì đã khiến tác phẩm này hấp dẫn với thiếu nhi, khả năng tác động vào nhân cách trẻ thơ của tác phẩm là gì và được thực hiện như thế nào? Từ đó, hi vọng đưa ra một vài kinh nghiệm cho thực tế sáng tác.
Tôi chọn Nguyễn Nhật Ánh vì hai lí do chính: - thứ nhất, đây là tác giả có số đầu sách viết cho thiếu nhi bề thế nhất hiện nay và cũng là tác giả được thiếu nhi đặc biệt hâm mộ. Nguyễn Nhật Ánh đã làm được một điều mà văn học Việt Nam hiện nay nói chung là bất lực: kéo người đọc đến với trang sách. Với người nghiên cứu thì sự hâm mộ ấy có một hiệu quả hết sức thiết thực: tôi đọc Nguyễn Nhật Ánh qua những tác phẩm mà những fan hâm mộ anh đã Post lên mạng.
- Thứ hai, dường như trong dư luận chính thống, người ta vẫn chưa đánh giá đầy đủ về những gì mà Nguyễn Nhật Ánh đã làm được cho văn học thiếu nhi. Điều này cho thấy có những vướng mắc trong lí luận và phê bình về văn học thiếu nhi cần phải được thảo luận. Lí luận và phê bình không tạo ra tác phẩm hay nhưng từ trường hợp của Nguyễn Nhật Ánh cho thấy nó có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiếp nhận và sáng tác. Nói riêng về Thằng quỷ nhỏ, chúng tôi vẫn cho rằng chúng ta đã thiếu những công cụ cần thiết để nhận diện về chiều sâu đặc biệt của tác phẩm này.
2/ Nhan đề của tác phẩm là Thằng quỷ nhỏ. Trong tiếng Việt định danh này có hai cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất, tương đối phổ biến, nó giống như tiếng mắng yêu của một người lớn, hoặc giả là một biệt danh dành cho một cậu bé ngỗ nghịch. Đây cũng chính là suy nghĩ của cô bé Nga trong tác phẩm, khi lần đầu tiên, nghe nói về biệt danh thằng quỷ nhỏ. Chính điều này, đã khiến cô thoạt đầu tưởng nhầm Luận với những trò nghịch ngợm, quậy phá là người mang biệt danh này.
Nhưng chữ “quỷ” mà Nguyễn Nhật Ánh dùng để định danh cho nhân vật của mình lại có một hàm nghĩa khác, ít được sử dụng hơn: nó mang hàm nghĩa về sự kỳ dị trong nhân dạng. Quỳnh – người mang biệt danh thằng quỷ nhỏ - được miêu tả trong tác phẩm với những đặc điểm: hai vành tai to, mỗi khi Quỳnh có tâm trạng nó lại ve vẩy như cánh bướm; thêm vào đó, là chiếc mũi to, đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi. Những nét kỳ dị ấy vì gắn với gương mặt của nhân vật nên trở thành những khiếm khuyết không thể che giấu và nó trở thành dấu hiệu thường trực để nhận biết về nhân vật.
2.1 Cái nhân dạng tưởng như hoàn toàn bề ngoài ấy, trên thực tế, đã quyết định toàn bộ nhân cách và vị thế tồn tại của Quỳnh. Nhân dạng lạ lẫm với chúng bạn đã khiến cậu bé ấy phải chịu thân phận một kẻ lạc loài. Trong mắt mọi người Quỳnh chỉ là một thằng hề, để tiêu khiển để mua vui cho đám đông hồn nhiên, vô tâm:
“Bạn bè thường xúm quanh anh nhưng chỉ để trêu chọc hoặc bắt anh trổ những trò lạ. Bạn gái cũng vậy. Họ xem anh như trò tiêu khiển. Anh giúp họ giải buồn hoặc thỏa mãn tính hiếu kỳ hoặc lấp đầy những phút giây nhàn rỗi. Những lúc ấy, họ cười với anh, họ vỗ tay, thậm chí hò reo tán thưởng anh nhưng chẳng bao giờ họ trò chuyện tử tế với anh. Khi những trò khỉ của anh chấm dứt, họ vội vàng lảng đi chỗ khác như những khán giả nôn nóng về nhà để lo bữa cơm tối. Họ nhanh chóng quên mất anh. Và anh, anh hiểu tất cả những điều đó”.
Ngay cả với Hạnh, cô lớp trưởng luôn đúng mực ấy, người luôn đứng ra trấn áp những kẻ bày trò tai quái với Quỳnh thì giữa họ vẫn có một khoảng cách mênh mông:
“Bàn có hai người, nhưng mỗi người ngồi tít một đầu, chừa khoảng trống ở giữa”.
Những lớp học của Nguyễn Nhật Ánh, được viết từ những kí ức xưa cũ, luôn chật chội. Anh có riêng một câu chuyện dài với nhan đề: Bàn có năm chỗ ngồi. Vậy nên, cái bàn học chỉ với hai chỗ ngồi với khoảng trống ở giữa là một ngoại lệ. Cái ngoại lệ ấy, hẳn, có nguyên nhân từ sự dị thường trong ngoại hình của Quỳnh. Cái khoảng trống ấy là khoảng chân không ngăn cách Quỳnh với thế giới còn lại. Quỳnh như thuộc về một thế giới khác. Lạc lõng và lạc loài. Sự lạc loài ấy, cái khoảng cách ấy đã che khuất tất cả tồn tại đích thực của Quỳnh. Những bất hạnh trong cuộc sống của Quỳnh là một bí mật với cả lớp. Và cả những phẩm chất đẹp đẽ của Quỳnh dù vẫn hiện diện nhưng chẳng ai nhận thấy giá trị đích thực của nó. Những chiếc chân bàn lung lay trong lớp đã được đóng lại nhưng không ai đánh giá đúng ý nghĩa về đôi bàn tay khéo léo của Quỳnh. Trái tim nhân hậu của chú bé ấy mãi mãi chỉ là những bí mật của riêng Nga – người duy nhất, vì những ngẫu nhiên, đã nhận và chứng kiến những gì Quỳnh làm cho bạn bè, cho những đứa trẻ nghèo quanh nhà mình. Không ai muốn biết. Tất cả đều dừng lại trước một kẻ có ngoại hình lạ lẫm, kì dị.
2.2 Chẳng những thế, sự lạc loài khiến tất cả những tình cảm của một con người bình thường, nếu xuất hiện ở Quỳnh, thì trong mắt bạn bè đều là một cái gì khác thường, kệch cỡm. Tình cảm bạn bè của Quỳnh và Nga là đề tài cho những câu vè quái ác của Luận. Không ai tin được bên trong cái dung mạo dị thường của Quỳnh lại tồn tại những tình cảm của một con người bình thường. Ngay cả Nga, dù đã xem Quỳnh là bạn, nhưng khi thấy Quỳnh chép những bài thơ tình trong sổ tay thì một phản xạ tự nhiên của cô là:
“Nga mỉm cười nhủ bụng: hóa ra anh chàng này cũng mơ mộng gớm, thế mà mình cứ tưởng!”.
Và khi, một cách tình cờ, biết được tình cảm đặc biệt mà Quỳnh dành cho mình thì Nga đã thật sự hoảng sợ:
“Khuôn mặt của Quỳnh bỗng dưng hiện lên trong trí Nga, một khuôn mặt thô kệch và xấu xí. Thời gian gần đây, Nga đã quen dần với diện mạo quái dị của Quỳnh. Nga chẳng thấy nó đáng sợ như ngày đầu gặp mặt nữa. Đối với Nga, những đường nét thô kệch đó dần dần trở nên bình thường, thậm chí có đôi khi tỏ ra đáng mến. Nhưng bây giờ, mọi sự lại khác hẳn. Từ khi phát hiện Quỳnh đang âm thầm yêu mình, Nga cảm thấy lo âu và sợ hãi. Vẻ quen thuộc trên gương mặt Quỳnh biến mất. Nga chớp mắt, và trong đầu nó, cái mũi của Quỳnh to dần lên, vừa to vừa đỏ, và hai vành tai không ngừng phe phẩy như cánh bướm.”
[...]“Cứ hình dung đến cảnh phải đi chơi bên cạnh một con người có cái mũi to tướng và hai vành tai cũng to tướng không kém, lại không ngừng ve vẩy, Nga bất giác rùng mình.”
Những cảm giác của Nga trước Quỳnh là rất chân thực. Đó là cảm giác khi tiếp xúc một cách quá gần gũi trước một tồn tại khác mình, lạc loài với mình. Để tô đậm cái thân phận lạc loài của Quỳnh trong mắt Nga, Nguyễn Nhật Ánh đưa ra chân dung của Khải: một cậu học sinh đẹp trai, chững chạc, là học sinh tiên tiến. Cũng như Quỳnh, Khải thích Nga. Nhưng Khải không mặc cảm như Quỳnh. Ngoại hình dễ ưa và những lợi thế khác khiến Khải tự tin để đến nhà Nga. Và đây là phản ứng của Nga trước hai cách thức bày tỏ tình cảm của hai người bạn trai:
“Khi Khải lì lợm "tiến tới" thêm một bước, Nga càng ghét Khải. Với Quỳnh, mọi chuyện không giống như vậy. Tình yêu của Quỳnh là một tình yêu cháy bỏng nhưng lặng lẽ. Nga biết được hoàn toàn do tình cờ. Và Nga chẳng cảm thấy ghét Quỳnh. Nga chỉ sợ”.
Rất rõ ràng: với Khải, Nga ghét. Với Quỳnh, Nga sợ. “Ghét” là sự xa cách với đồng loại. Nhưng “sợ” lại là sự xa cách với kẻ khác loại với mình. Dù đã có lúc xem Quỳnh là bạn, nhưng từ trong sâu thẳm, Quỳnh vẫn là một tồn tại lạc loài trong cảm nhận của Nga. Nhưng đừng trách cô bé ấy. Ai trong chúng ta, một cách thành thật, lại không ngần ngại trước một diện mạo với một chiếc mũi quá đỏ, lấm tấm mồ hôi, một cái tai quá khổ, biết động đậy? Sự sợ hãi trước một tồn tại khác loài với mình dường như là một đặc điểm phổ biến của nhân tính?
3/ 3.1 Vậy là, mọi nông nỗi của Quỳnh đều bắt đầu từ ngoại hình dị thường, lạc loài của chú bé ấy.
Từ trải nghiệm này, chúng ta nhận thấy một sự thật: nhân dạng hóa ra không phải là bề ngoài, một thứ “nước sơn” như lời khẳng định của một câu tục ngữ nào đó. Nhân dạng cũng được nhào nặn và xét đoán theo những chuẩn mực, giá trị. Nhân dạng là của riêng một cá nhân nhưng nó lại được định giá bởi cộng đồng. Nó không phải chỉ là những cơ quan để thực hiện các chức năng sinh học mà còn được nhào trộn và định giá theo những chuẩn mực, những quy tắc thẩm mỹ của một cộng đồng. Chính vì thế, nhân dạng cấp cho ta một vị thế trong một cộng đồng, trong một giống loài cụ thể. Chính cái nhân dạng ấy quy định giá trị nhân cách của chúng ta trong con mắt của đồng loại. Một kẻ có nhân dạng dị thường, lạc loài chẳng bao giờ được chấp nhận được có một tâm hồn bình thường trong mắt người khác. Sự lạc loài về nhân dạng của Quỳnh đã áp đặt sự lạc loài của tâm hồn, sự lạc loài trong cách thế tồn tại của chú bé ấy.
3.2 Nhưng vì sao mà xuất hiện cách ứng xử đặc biệt trước một chân dung kỳ dị? Và phản ứng kì thị của chúng ta trước một chân dung kỳ dị – một phản ứng mà ta cho là thông thường của nhân tính - thực chất là gì?
Trong bất kì một xã hội nào, luôn tồn tại những quy chuẩn (norm). Sức mạnh của những quy chuẩn ấy là sự phê duyệt thành văn hoặc bất thành văn của một cộng đồng. Sự hình thành của những quy chuẩn này trong khi thiết lập những giới hạn được xem là hợp thức bao giờ cũng hàm ẩn trong nó sự bãi trừ, gạt bỏ những gì đi chệch ra ngoài (deviation) những giới hạn đã được định ra. Từ đây mà hình thành cặp nhị phân: bình thường (normal) và bất bình thường (abnormal). Bình thường và bất bình thường trong trí tuệ, trong giới tính, trong hành vi, .... và cả trong nhân dạng nữa. Giữa những sự bất bình thường ấy, trong những trường hợp nhất định, có một quan hệ liên đới. Một kẻ bất bình thường, chẳng hạn, trong giới tính thường được gắn liền với sự bất bình thường trong hành vi, trí tuệ... và từ đó họ phải đón nhận, chấp nhận những thái độ, những tình cảm cũng đầy bất thường mà số đông đồng loại dành cho họ. Trong trường hợp của chú bé Quỳnh, thì sự bất bình thường trong nhân dạng đã mặc nhiên ấn định cho sinh thể bé nhỏ ấy sự bất thường trong nhân cách và vì thế ấn định vị thế của một kẻ lạc loài trong mắt đồng loại. Một mặt, bạn bè dành cho Quỳnh một ứng xử đầy khoảng cách và trịch thượng nhưng mặt khác, bản thân Quỳnh, cũng thấy ứng xử ấy của cộng đồng là tự nhiên, chú chấp nhận nó, dù trong lặng lẽ, trong buồn tủi nhưng không hề có ý định bất bình và phản kháng. Chuẩn mực, như thế, mang trong nó quyền lực và sức mạnh áp đặt. Nó bắt những cá nhân phải tuân thủ mà không có quyền được phản biện.
Chúng ta đang đứng trước một thực tế: mọi chuẩn mực, trong khi cho phép một số đông những cá nhân nào đó được xem là bình thường thì cũng đồng thời che khuất sự tồn tại của những cá nhân (thường là thiểu số) được xem là bất bình thường. Trong những tiêu chuẩn về nhân dạng tưởng như có thẩm mỹ tưởng như khách quan và đầy nhân tính của chúng ta kì thực là một quyền lực (power) mang trong nó hoạt động loại trừ (exclusion) với những gì còn lại, những gì thuộc về số ít, những gì lệch chuẩn, với những gì dị thường. Nó cũng đồng thời quy định cả cách thế mà chúng ta ứng xử với những số phận bất thường này: xem họ như những phế phẩm, những phế nhân, những kẻ bất thành nhân. Ta có thể nhận thấy sức mạnh của nguyên tắc về sự loại trừ với những gì bất bình thường trong nhân dạng này qua trường hợp của truyện cổ tích. Ở thể loại dường như dành riêng cho thiếu nhi với một thế giới tưởng như không thuộc về cuộc sống bình thường thì những quy chuẩn thẩm mỹ trong nhân dạng của con người vẫn rất đậm nét: sự kì dị trong nhân hình chỉ là vỏ bọc nhất thời của nhân vật chính diện. Sớm muộn gì thì nhân vật đó cũng trút bỏ lốt ngoài kì dị để tìm được sự hài hòa giữa nhân hình và nhân tính. Điều này có thể giả thích được: ở một thể loại tuy huyễn tưởng trong thế giới hình tượng nhưng lại mang đậm những quy chuẩn của cộng đồng như truyện cổ tích thì một sự lệch pha giữa nhân hình và nhân tính là không được phép tồn tại.
Như vậy là từ nhân hình, nhân tình, và mở rộng hơn là mọi biểu hiện của nhân tính kì thực đều được điều chỉnh bởi những quy chuẩn. Nó không được tự nhiên sinh ra mà đều là những tạo tác mang tính văn hóa (cultural constructions). Cái gọi là nhân tính tưởng chừng là phổ quát, kì thực cũng là một hoạt động phân loại, cũng là một quyền lực, thậm chí là bạo lực, bao hàm sự thừa nhận (với đa số) và gạt bỏ, che khuất (với một thiểu số nào đó).
4. Từ một cái nhìn lướt, và vì thế, ắt hẳn, là còn rất sơ sài về một thông điệp trong Thằng quỷ nhỏ, chúng tôi muốn đi đến một vài thảo luận về những phẩm chất cần có ở một tác phẩm viết cho thiếu nhi.
4.1 Trước tiên, chúng ta vẫn thường nghĩ, một tác phẩm văn học thiếu nhi phải góp phần hình thành những chuẩn mực văn hóa của một cộng đồng trong tâm hồn của trẻ thơ. Điều này không sai, nhưng có lẽ là chưa đủ. Bởi lẽ, như ta đã thấy những chuẩn mực đó không hề là những giá trị phổ quát như ta vẫn nhầm tưởng. Lẽ đương nhiên, sự tồn tại của những chuẩn mực này là cần thiết nhưng cũng cần nhận diện đầy đủ về những gì đã bị đặt ra ngoài chuẩn mực ấy. Với những ngoại lệ, với những bất thường ấy không nên đối xử với chúng như những gì sai lạc, như những tồn tại thứ cấp mà có lẽ cần hình dung về chúng như những tồn tại khác. Hiểu đó là một tồn tại khác mà không phải là một tồn tại thứ cấp sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng về những khác biệt chứ không miệt thị và xa lánh. Không hiểu điều đó, thì ngay một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ nhất cũng có thể có những hành vi thật tàn nhẫn (hãy nhớ lại những chế nhạo tai quái mà Luận dành cho Quỳnh). Cũng cần nhớ rằng, những chuẩn mực là mang tính văn hóa nên cái hợp chuẩn ở một nền văn hóa này có thể lại là không hợp chuẩn trong một nền văn hóa khác. Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa là một tình thế tồn tại song song, thậm chí là đan xen của những nền văn hóa dị thù và khác biệt nhau một cách gay gắt. Sự tôn trọng về những khác biệt vì thế đang là đạo lí sống của con người trong một thời đại mới. Học cách ứng xử trước những khác biệt ngay trong nội tại một nền văn hóa chính là những trải nghiệm khởi đầu để sống với những khác biệt giữa những nền văn hóa.
Vì lẽ ấy, một đề tài mà văn học thiếu nhi hôm nay cần hướng đến là những số phận éo le, bất thường. Chính những số phận éo le, bất thường này, do chỗ chúng đi lạc ra ngoài những lệ luật và những chuẩn mực thông thường mà giúp ta hiểu được những giới hạn của lệ luật, quy chuẩn ấy. Chính từ đây mà tác phẩm sẽ là nơi đánh thức và nuôi dưỡng tình yêu thương, sự trân trọng về một tồn tại khác với những nỗ lực để thấu hiểu và tôn trọng. Trong cảm nhận chủ quan, và vì thế rất có thể là không chính xác của tôi, văn học viết cho thiếu nhi của chúng ta không có những éo le đích thực. Đó chỉ là những éo le, bất thường lâm thời (thường là những nông nổi , vụng dại của lứa tuổi – những sai lạc nhất thời để rồi nhân vật lại nhanh chóng trở về với những quy chuẩn). Những éo le và bất thường ấy, nếu viết khéo, thì vẫn có thể có một dư vị nào đó nhưng thường thì chúng chỉ có thể làm cho người đọc yên ổn trong những quy chuẩn có sẵn. Sự yên ổn ấy, trong khi góp phần khẳng định những khuôn phép, thì cũng tiềm ẩn trong nó sự nhàm chán của những giáo huấn đạo đức, luân lí muôn thuở. Viết về những éo le, những bất thường ngoài quy chuẩn giúp trẻ thơ nhận diện những quy chuẩn này từ một góc nhìn khác. Quan trọng hơn, chính những cảnh ngộ bất thường này đã giúp hình thành ở trẻ thơ những kĩ năng sống, những trải nghiệm trong sự căng thẳng của cảm xúc, từ đó làm rộng rãi và sâu sắc thêm cho thế giới tâm hồn.
4.2 Thứ hai, không nên biến những nhân vật trong các tác phẩm văn học thiếu nhi trở thành những nhân vật hoàn hảo. Thực ra cảm hứng về cái hoàn hảo là một hạn chế phổ biến trong văn học Việt Nam nói chung. Chính bởi cảm hứng xây dựng những nhân vật hoàn hảo nên các nhà văn Việt Nam, trong nhiều trường hợp, khi viết cho người lớn thường gây cho người ta cảm giác họ là những đứa trẻ ngây thơ. Còn khi viết cho trẻ em lại thường gây cho người ta ấn tượng họ là những người lớn đạo mạo và nông nổi. Rốt lại, dù viết cho ai họ cũng không khiến cho người đọc (dù là trẻ em hay người lớn) bắt gặp được mình trên trang sách.
Đọc Thằng quỷ nhỏ, tôi rất có ấn tượng khi Nguyễn Nhật Ánh miêu tả cảm giác sợ hãi của Nga trước những nét dị thường trong chân dung của Quỳnh, cái cách Nga chạy trốn khỏi tình cảm của Quỳnh... Lòng tốt của cô bé ấy, dù chân thành, nhưng cũng đầy giới hạn như mỗi chúng ta. Một cây bút thiên về cảm hứng hoàn hảo sẽ miêu tả Nga với những cảm thông cao thượng hơn nhưng vì thế sẽ xa lạ hơn và vì thế ý đồ giáo dục của nó cũng lộ liễu hơn và khó được chấp nhận hơn với người đọc hiện nay. Nguyễn Nhật Ánh chọn một giải pháp khác: anh miêu tả một lòng tốt đầy giới hạn mà chúng ta vẫn thường gặp và vì thế đặt người đọc (những cô bé, những cậu bé) trước những giới hạn của chính bản thân mình. Điều này sẽ khơi gợi sự ngẫm ngợi trong lòng người đọc và từ đó hình thành một sự tự điều chỉnh, tự giáo dục trong mỗi đứa trẻ. Một tác phẩm văn học thiếu nhi, trong giai đoạn hiện nay, không nên là, không cần là một bài học đạo đức khô cứng. Khơi gợi và đánh thức những suy ngẫm - ấy là một động thái mới trong giáo dục của những tác phẩm viết cho thiếu nhi.
Về điểm này, có thể thấy: những nhân vật trong Thằng quỷ nhỏ (cũng như phần lớn những nhân vật khác trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh) đều không phải là những nhân vật hoàn hảo. Chúng có những ưu điểm nhưng cũng không ít những hạn chế. Khải đẹp trai, đứng đắn nhưng hơi kiểu cách và cứng nhắc trong những tiếp cận tình cảm. Cậu bé này có tình cảm chân thành nhưng có phần lạm dụng những chiến thuật, tiểu xảo. Có lúc nhỏ nhen. Nga nhân hậu nhưng không thật sâu sắc. Luận tinh nghịch, có khi vô tâm nhưng cũng biết chạnh lòng... Nhìn rộng ra, thì không-hoàn-hảo-hóa nhân vật cũng là bí quyết để làm nên thành công của những cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới như Đô-rê-mon. Nhân vật chính trong đó là bộ ba Chai-en, Xê-kô, Nô-bi-ta đều đầy rẫy nhược điểm, đều không phải là nhân vật hoàn hảo. Và vì thế chúng được đón nhận nống nhiệt hơn hẳn cậu bé Đê-khi học giỏi, mẫu mực. Tuy nhiên, như ta đều thấy, trên thực tế, không thể nói là những chân dung như thế không có giá trị giáo dục sâu sắc.
4.3 Cuối cùng, những triết lí mà Thằng quỷ nhỏ của Nguyễn Nhật Ánh đem đến sâu sắc đến mức, dù nó có thể khiến các bạn đọc nhỏ tuổi của anh phải thổn thức, thì cũng khó tin là chúng có thể hiểu hết những thông điệp được gửi gắm trong đó. Một lúc nào đó, chợt sống trong cảm giác của một kẻ dị thường giữa đám đông, họ mới có thể nhớ đến câu chuyện đã đọc từ thuở ấu thơ. Nói cách khác, dù là viết cho thiếu nhi thì câu chuyện vẫn đủ sức chinh phục cả những độc giả trưởng thành. Điều này liệu có phương hại đến sự thuần khiết, trong trẻo của một tác phẩm viết cho thiếu nhi?
Về vấn đề này, có một tín niệm, mà theo tôi là khá phổ biến, cho rằng: người lớn viết cho trẻ em, muốn thành công, phải hóa thân vào thế giới của trẻ em, phải mang con mắt và quan năng của trẻ em. Bản thân tôi cũng đã từng tin như thế. Nhưng thực tế cho thấy, đi theo con đường ấy không khỏi rơi vào cảnh “cưa sừng làm nghé”. Người lớn mà sáng tác theo cái nhìn của trẻ em luôn được đảm bảo trước bằng một thất bại. Quan năng của trẻ thơ là một ân sủng của tạo hóa, một đi không trở lại. Chỉ có thánh nhân mới có thể giữ lòng mình như trẻ thơ. Vậy nên, không lấy làm lạ, những bài thơ hay nhất viết về con vật của Phạm Hổ và Võ Quảng trong so sánh với “bác giun”, “thằng gà trống”, con chó vàng trong thơ Trần Đăng Khoa (khi còn nhỏ) chỉ là những bán thành phẩm. Phải viết cho trẻ em từ cái nhìn của một người lớn sâu sắc và từng trải (chứ không phải là những người lớn đạo mạo và nông nổi như đã nói đến ở trên). Chính từ cái sâu sắc và từng trải ấy mà nhà văn mới thấy hết cái trong trẻo, đẹp đẽ của tuổi thơ. Không hiểu sao, tôi luôn hình dung tình huống thúc đẩy Nguyễn Nhật Ánh viết Bong bóng lên trời như thế này: một ngày nào đó, anh thấy lòng mình u ám. Những nỗi buồn của thế giới người lớn dày vò anh. Và anh biết mình sẽ không thể nào dứt bỏ được những phiền muộn ấy. Bỗng chốc anh ao ước mình nhỏ lại, để có thể được thành thật tin tưởng khi gửi những nỗi buồn, những mơ ước của mình vào quả bóng bé nhỏ, lặng lẽ mà tha thiết bay lên. Bay lên trong mưa. Bay lên trong nắng.
Nhỏ nhoi trong thinh không nhưng luôn hiện hữu, vẫy gọi. Chính ở thời điểm ấy mà khoảng trời trong vắt của tuổi thơ hiện ra đẹp lộng lẫy; vừa hư ảo nhưng cũng vừa chân thực, sắc cạnh trong từng đường nét. Chính ở thời điểm ấy, thấy bước ra từ đâu đó cô bé Tài Khôn với chùm bóng bay như đám mây nhiều màu sặc sỡ, với nước da xanh mái sau con sốt và nụ cười rạng rỡ. Chính ở thời điểm ấy, không còn một Nguyễn Nhật Ánh già nua, chán chường nữa mà chỉ có cậu bé Thường bán kẹo kéo nghèo khó nhưng giàu tự trọng và xiết bao nhân hậu. Người lớn, theo một nghĩa nào đấy, là những sinh vật bị phù phép mà chỉ có tuổi thơ mới là cây đũa thần để hóa giải. Không phải là một người lớn sâu sắc, từng trải, thậm chí “chán đời” (từ mà Tôn-xtôi bình luận về An-đec-xen) nữa làm sao có thể viết về cái đẹp trong trẻo hồn nhiên, dù khốn khó đến đâu vẫn thật lộng lẫy của tuổi thơ. Đấy là một tuổi thơ được phát hiện lại, được trục vớt từ trong những hoài niệm, qua lăng kính của một người lớn đã đi qua bao cuộc bể dâu của cuộc đời, của tình người. Nhưng, đấy mới là tuổi thơ đã và sẽ đi với mỗi con người trong suốt cuộc đời mình. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi sâu sắc, theo tôi, đều phải ít nhiều mang trong mình một tuổi thơ được nhìn từ một lăng kính như thế.