Phân tích nội dung và nghệ thuật khổ cuối bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy
Khổ thơ cuối thể hiện những suy ngẫm sâu sắc và triết lý nhân sinh của nhà thơ qua hình tượng trăng.
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
- Trong cuộc gặp lại không lời này trăng và người như có sự đối lập. Trăng đã trở thành biểu tượng cho sự bất biến, vĩnh hằng không thay đổi. “Trăng cứ tròn vành vạnh” biểu tượng cho sự tròn đầy, thuỷ chung, trọn vẹn của thiên nhiên, quá khứ, dù cho con người đổi thay “vô tình”.
- Ánh trăng còn được nhân hoá “im phăng phắc” không một lời trách cứ, gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung, độ lượng của người bạn thuỷ chung, tình nghĩa, nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
- Tình cảm của trăng, tấm lòng của trăng chính là tình cảm của những người đồng chí đồng đội, của đồng bào, của nhân dân. Sự im lặng ấy làm nhà thơ “giật mình” thức tỉnh, cái “giật mình” của lương tâm nhà thơ thật đáng trân trọng, nó thể hiện sự suy nghĩ, trăn trở tự đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn. Giật mình để không chìm vào lãng quên. Giật mình để không đánh mất quá khứ. Con người giật mình trước ánh trăng lặng lẽ là sự thức tỉnh của nhân cách trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp.
- Dòng thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự, lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.
- Qua đó Ngutyễn Duy muốn gửi đến mọi người lời nhắc nhở về lẽ sống, về đạo lý ân nghĩa thuỷ chung.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ ngũ ngôn với nhiều sáng tạo độc đáo.
+ Sự kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi mà giàu sức gợi.
+ Giọng điệu tâm tình thấm thía, khi thì thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng, suy tư.