Khái quát:
Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu đồng thời thể
hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà.
- Đoạn thơ cuối của bài thơ là dòng hồi tưởng của người cháu về cuộc đời lận đận, gian
khó của bà. Sự hồi tưởng được bắt đầu từ cảm nhận của người cháu về cuộc đời bà, về
bếp lửa. Từ đó để người cháu suy nghĩ về tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình yêu
quê hương, đất nước.
2.2. Những suy ngẫm về bà và hình ảnh bếp lửa.
- Tám câu thơ ở đầu khổ thơ là những suy nghĩ sâu sắc của đứa cháu về người bà kính
yêu, về bếp lửa. Từ những kỉ niệm hồi tưởng về tuổi thơ và bà, người cháu suy ngẫm về
cuộc đời và lẽ sống của bà. Hình ảnh bà luôn gắn liền vời hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa. Có
thể nói bà là “người nhóm lửa”, lại cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và toả
sáng trong gia đình. Hình ảnh bà càng hiện rõ nét cụ thể với những phẩm chất cao quý:
Bà tần tảo, chịu thương chịu khó, lặng lẽ hi sinh cả một đời.
+ “Lận đận”, “nắng mưa” là những từ láy biểu cảm gợi ra cuộc đời gian nan, vất vả của
bà. Cụm từ “mấy chục năm” kết hợp với phó từ “tận”, “vẫn” chỉ thời gian dài. Trong suốt
thời gian ấy đến nay “bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”. “dậy sớm” là “thói quen” nhưng
đấy không phải là thói quen vô thức mà là trong ý thức của bà. Từ “giữ” đã khẳng định
điều đó.
+ Tác giả sử dụng điệp ngữ “nhóm” với những ý nghĩa khác nhau, bồi đắp cao thêm, toả
sáng dần dần: Từ nhóm bếp lửa để xua tan thời tiết giá lạnh đến nuôi dưỡng “niềm yêu
thương”; khơi dậy tình xóm láng và thắp sáng hoài bão, ước mơ tuổi trẻ... Như vậy, bà
“nhóm lửa” đâu chỉ bằng nhiên liệu ở bên ngoài mà bằng cả tấm lòng “ấp iu nồng đượm”.
+ Nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị, thân thuộc sự kỳ diệu,
thiêng liêng: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa”. Bếp lửa luôn đi cùng hình ảnh người bàngười phụ nữ Việt Nam muôn thuở với vẻ đẹp tảo tần, nhẫn nại và đầy yêu thương. Bếp
lửa là tình bà ấm nóng. Bếp lửa là tay bà chăm chút. Bếp lửa gắn với những gian khổ đời
bà,…
- Bếp lửa và hình ảnh người bà thân yêu đã trở thành một mảnh tâm hồn, một phần ký ức
không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.
2.3. Khổ thơ cuối thể hiện một cách đằm thắm tình thương nhớ, lòng kính yêu, biết
ơn của cháu với bà:
- Sau câu thơ tự sự “Giờ cháu đã đi xa”, ý thơ mở ra ở các chiều không gian, thời gian,
cảm xúc nhờ điệp từ “trăm” trong cấu trúc liệt kê “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”,
“niềm vui trăm ngả”. Cháu đã đi xa, biết nhiều, hiểu nhiều cuộc đời đổi thay theo hướng
thật vui, thật đẹp...
- “Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:/ – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa”. Từ
“Nhưng” mang ý nghĩa khẳng định, đó là lời hứa đinh ninh rằng dù ở nơi đâu cháu vẫn
không quên quá khứ, không nguôi nhớ bà, nhớ một thời ấu thơ gian nan đói khổ mà ấm áp
nghĩa tình. Mỗi chữ trong câu thơ cuối cứ hồng lên tình cảm nhớ thương, ơn nghĩa. Đó là
đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tình cảm thuỷ chung tốt đẹp của con người Việt Nam
xưa nay...
* Đánh giá :Mở ra và khép lại bằng hình ảnh “bếp lửa” vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu
tượng, cảm xúc dạt dào, lời thơ tha thiết, hình tượng thơ độc đáo,... bài thơ là dòng hồi
tưởng, suy tưởng của người cháu về những năm tháng tuổi thơ được sống bên bà. Qua đó,
nhà thơ ngợi ca đức hi sinh, sự tần tảo và tình yêu thương bao la của bà; đồng thời bộc lộ
nỗi thương nhớ, lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của mình với bà cũng là với gia đình, quê
hương, đất nước.