phan tich bai tho dat nuoc

O

ooookuroba

Đề bài này đã có nhiều topic thảo luận trên diễn đàn, bạn có thể vào đây:

http://diendan.hocmai.vn/showthread.php?t=75679

Hoặc tham khảo bài viết sau: (Nguồn Internet)

Bình giảng đoạn thơ sau trong chương “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm:

“… Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoà thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”


“Mặt đường khát vọng” là trường ca độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, ra đời trong chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ, tại chiến trường Trị - Thiên - một điểm nóng - trên chiến trường miền Nam vào năm 1971.

Bài thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong bài “Có một thời đại mới trong thi ca”, Trần Mạnh Hảo viết:

“Vào đêm giao thừa Tết âm lịch 1973 - 1974, dưới rừng Phước Long, chúng tôi xúc động nghe trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm phát trên Đài phát thanh. Những suy nghĩ về đất nước, về dân tộc đã được nhà thơ hiện đại hoá bằng chất suy tư lắng đọng và cảm xúc mãnh liệt”.

“Đất Nước” - là chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng” dài 110 câu thơ (trong “Văn 12” chỉ trích 89 câu). Phần đầu (42 câu) là cảm nhận của nhà thơ trẻ về Đất Nước trong cội nguồn sâu xa văn hóa - lịch sử, và trong sự gắn bó thân thiết với đời sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam. Phần thứ hai, cảm hứng chủ đạo về Đất Nước là sự ngợi ca, khẳng định tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân. Từ đó, nhà thơ nhận diện phát hiện Đất Nước trên bình diện về địa lý, lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tinh thần dân tộc - nền văn hiến Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo của chương V “Đất Nước” là tác giả vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hoá dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục…, cùng với cách diễn đạt bình dị, hiện đại gây ấn tượng vừa gần gũi vừa mới mẻ cho người đọc.

Mười ba câu thơ dưới đây trích trong phần đầu chương “Đất nước” thể hiện cảm nhận: Đất Nước gắn bó thân thiết với mỗi con người Việt nam:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
(…)
Làm nên Đất Nước muôn đời…”.


Trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, hai từ Đất Nước và Nhân Dân đều được viết hoa, trở thành “mĩ tự” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về Đất Nước và Nhân Dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào. Cấu trúc đoạn thơ 13 câu thơ là cấu trúc tổng - phân - hợp mà ta cảm nhận được tính chất chính luận của ngòi bút thơ Nguyễn Khoa Điềm.

1. Hai câu thơ mở đoạn là sự thức nhận chân lý về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử,… Đất Nước gần gũi và gắn bó thân thiết với “anh và em”, với mọi người:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước”.


Chỉ “một phần” nhỏ bé thôi, nhưng xiết bao gần gũi, gắn bó, yêu thương và tự hào. Từ khái niệm, ý niệm “mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của Đất Nước” được diễn đạt một cách “mềm hóa” qua tiếng nói tâm tình của lứa đôi, của “anh và em”.

2. Bảy câu thơ tiếp theo mở rộng ý thơ trên từ “hai đứa” đến “mọi người”, từ “hôm nay” đến “ngày mai” và muôn đời mai sau.

“Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”.


Ở phần trước, nhà thơ cảm nhận: “Đất Nước là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm - Đất Nước là nơi ta hò hẹn - Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Và “khi hai đứa cầm tay” thì một mái ấm, tổ ấm gia đình đã được xây dựng. Gia đình là “một phần” của Đất Nước. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hòa, nồng thắm” với tình yêu quê hương Đất Nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu và đằm về nỗi “nhớ”:

“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…”.


Từ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi mà biết yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước, mới có thể có tình nghĩa sâu nặng “Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm”, mới tìm thấy đất nước quê hương cả trong niềm vui và nỗi đau của anh, của em, của bao lứa đôi khác:

“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những lần trốn học bị đòn roi.
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi”.

(Giang Nam)

Nói về cội nguồn của giòng giống, của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại sự tích “Trăm trứng”: “Đất là nơi Chim về - Nước là nơi Rồng ở - Lạc Long Quân và Âu Cơ - Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng - Những ai đã khuất - Những ai bây giờ…”. Từ huyền thoại thiêng liêng ấy mới có ý thơ này:

“Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn”


Hai chữ “cầm tay” trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay” có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. “Khi hai chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,… Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có hình ảnh “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”, mới có đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hòa, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất Nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, và chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”.

Bốn câu thơ trên đây cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: “Khi hai đứa cầm tay”… “Khi chúng ta cầm tay mọi người”, “Đất Nước hài hoà nồng thắm…”. “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”. Cách diễn đạt uyển chuyển, sinh động ấy có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc: hình thức này thể hiện nội dung ấy, nội dung ấy được diễn đạt bằng hình thức này. Phép đối xứng làm cho thơ liền mạch, hài hòa, gắn bó, thể hiện rõ ý thơ: tình yêu lứa đôi, tổ ấm hạnh phúc, gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là những tình cảm đẹp, làm nên truyền thống “yêu nước, yêu nhà, yêu người” và đó là sức mạnh Việt Nam.

Đất nước “Nguồn thiêng ông cha”, đất nước “Trong anh và em hôm nay”, đất nước trong mai sau. Như một nhắn nhủ, như một kỳ vọng sáng ngời niềm tin:

“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”.

Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Sơn Nam… đã tạo nên giọng điệu Nam Bộ hấp dẫn trong thơ ca và truyện của mình. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải,… cũng có một giọng điệu riêng “rất Huế”, dễ thương dịu ngọt. Hai tiếng “mai này” là cách nói của bà con xứ Huế.

Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông “Gánh vác phần người đi trước để lại” xây dựng đất nước ta “Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà “anh và em”, mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực “mai này” gần.

Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”


“Em ơi em” - một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về Đất Nước: “Đất Nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì “Đất Nước là máu xương của mình” nên Trần Vàng Sao đã viết:

“Nuôi lớn người từ ngày mở đất,
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng”.

(“Bài thơ của một người yêu nước mình” 19/12/1967)

Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hóa thân…” thì mới có thể “Làm nên Đất Nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ” như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.

Trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến, đề tài quê hương đất nước được tô đậm bằng nhiều bài thơ kiệt tác, những đoạn thơ hay, những câu thơ tuyệt cú. Cảm hứng về đất nước được diễn tả bằng nhiều tứ thơ độc đáo, mang phong cách sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ. Chất trữ tình thấm đẫm dư ba. Đất nước trong máu lửa mới mang cảm xúc sâu nặng thế. Đây là tiếng nói ở hai đầu đất nước:

“Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất”

(Trần Vàng Sao)

“Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.

(Chế Lan Viên)

Trở lại đoạn thơ trên đây của Nguyễn Khoa Điềm. Tứ thơ rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai Đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.

“Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình…” - một tứ thơ rất đẹp! Một tứ thơ lung linh mang vẻ đẹp trí tuệ! Lúc hòa bình phải biết đem “trí lực” để xây dựng Đất Nước, “làm nên Đất Nước muôn đời”, Đất nước “to đẹp hơn đàng hoàng hơn”. Lúc có chiến tranh phải đem xương máu để bảo toàn Sông núi. “Gắn bó, san sẻ, hóa thân” cho Đất Nước, ấy là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng, ấy là tình yêu Đất Nước của “anh và em” hôm nay, của thế hệ Việt Nam “Mai này con ta lớn lên”…
 
X

xungba_giangho

Phân tích bài thơ đất nước của nguyễn khoa Điềm

bài làm:

Trong số các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm là người rất thành công với giọng thơ trữ tình chính luận thể hiện rõ những tâm tư của thế hệ trẻ đô thị miền Nam. Trường ca “Mặt đường khát vọng” (1971) là tiếng vọng tâm tình của một hồn thơ hòa cùng mạch cảm xúc của dân tộc đứng trước dòng thác lũ thời đại, trong đó chương V “Đất nước” đã gói ghém trọn vẹn tâm tình của thế hệ chống Mỹ:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc…”

Giọng thơ thủ thỉ đã chuyển tải suy ngẫm của nhà thơ về Nhân Dân - Đất Nước, tiếp nối mạch suy tưởng của thi ca giai đoạn trước.

Đất Nước là một chủ đề xuyên suốt bao trùm lên các tác phẩm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các nhà thơ nhà văn bằng tình cảm công dân đã có nhiều phát hiện mới mẻ độc đáo về Tổ quốc, nhân dân. Tổ quốc thường được soi chiếu từ bình diện lịch sử chống ngoại xâm, được khái quát bằng những hình tượng kỳ vĩ, khai thác triệt để chất sử thi hoành tráng. Trong dòng chủ lưu ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn lựa cách thể hiện riêng của mình, bằng trải nghiệm tuổi trẻ, bằng nhiệt tình cách mạng và cả bằng vốn tri thức được đào tạo bài bản từ mái trường xã hội chủ nghĩa, tạo nên chiều sâu của hình tượng Đất Nước, hoà mạch thơ chính luận - trữ tình.

Trả lời cho câu hỏi: “Đất Nước là gì? Đất Nước từ đâu ra?”, nhà thơ đã bắt đầu bằng những kí ức tuổi thơ để hình dung ra một sự tồn tại của Đất Nước trong nhận thức và tình cảm tự nhiên nhất của con người. Những vẻ đẹp được khơi lên từ mạch tâm tình, thấm đẫm hơi thở ca dao dân ca, huyền tích sử thi của dân tộc. Cái hay của phần mở đầu chương Đất Nước chính là sự xuất hiện của hàng loạt những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng nhưng rất gần gũi:

Tóc mẹ thì búi sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

Sức gợi từ những hình ảnh đã dựng lên cả một không gian văn hoá truyền thống, mang theo hơi thở tâm tình của ca dao “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” thấm thía tình nghĩa thủy chung. Mạch nguồn ấy tiếp tục với quá trình trưởng thành của từng cá nhân, từ thuở cắp sách đến trường đến khoảnh khắc rung động đầu đời. Tất cả đều xuất phát một cách rất tự nhiên, nôn nao ngọt ngào kỷ niệm:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...

Đan xen với khoảnh khắc thời gian không gian hiện tại là sự thức tỉnh của ký ức cộng đồng, với sự tổng hoà những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Vẻ đẹp quê hương đất nước được tái hiện trong những lời ca dao toát lên lòng tự hào về non sông gấm vóc, về Cha Rồng Mẹ Tiên, gắn với lòng biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từng người Việt :

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào mình trong bọc trứng...

Quá khứ, hiện tại, tương lai đã gắn kết trong một ý thức cộng đồng bền chặt, là nguồn sức mạnh và cũng là phẩm chất tâm hồn dân tộc đã được nhà thơ lý giải qua những hình tượng thơ giàu tính thẩm mỹ và hàm chứa mối quan hệ Đất Nước – con người Nhân Dân không thể tách rời. Thời gian lịch sử, không gian văn hoá hoà quyện trong mạch thơ đầy ân tình đã phác hoạ rõ nét dần tượng đài Đất Nước. Không chỉ tiếp cận hình tượng trong huyền sử, trong hiện thực đời sống, trong mối quan hệ cá nhân - cộng đồng, Nguyễn Khoa Điềm còn dẫn dắt độc giả trở về với hiện thực trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói lên tiếng nói đầy trách nhiệm của cả một thế hệ chống Mỹ thật sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm :

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Ý thơ thật giản dị, không hề gượng ép tình cảm, khi từ mối quan hệ riêng tư để hướng về với quan hệ cộng đồng, dân tộc. Tứ thơ độc đáo chính là từ sự mở rộng từ thế giới của “anh và em hôm nay” đến với “mọi người”. Vẻ đẹp Đất Nước được phát hiện thêm với những vẻ đẹp “hài hoà nồng thắm” và “vẹn tròn to lớn”. Đó cũng là sự kết hợp hài hoà của lý trí và tình cảm con người thời đại chống Mỹ. Hơn thế nữa, những câu thơ này còn cắt nghĩa cho vẻ đẹp tình yêu của thế hệ trẻ chống Mỹ không hề mất đi vẻ lãng mạn, khi khoảnh khắc cầm tay hiện tại đã nghĩ về thế hệ tương lai, về một ngày thanh bình và sự phát triển của Đất Nước với “tháng ngày mơ mộng”. Không dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp tục đi sâu vào mối quan hệ Đất Nước với tâm hồn của từng con người. giọng thơ tâm tình thấm thía:

Em ơi em

Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời.

Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người sẵn sàng dâng bầu máu của tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại và đầy khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.

Phần mở đầu của chương Đất Nước được cấu tứ trên cơ sở gắn bó giữa các vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo và giàu sức biểu cảm để làm nên vẻ đẹp chung tổng hoà thành hình tượng Đất Nước kỳ vĩ và giàu sức thuyết phục với bạn đọc. Nhà thơ đã trữ tình hoá vấn đề mang tính chính luận, nhằm trả lời những câu hỏi lớn mà dân tộc đang phải tìm lời đáp trong cuộc chiến đấu vì lý tưởng độc lập tự do, cuộc chiến đấu của lương tri chống lại thế lực bạo tàn.

Những vần thơ rất đẹp trong Đất Nước đã vượt qua thử thách của thời gian, tiếp tục toả sáng, giúp thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày tháng hào hùng nhất của dân tộc. Trong thời đại mới, những giá trị của ngày hôm qua góp phần khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm, tình cảm cho mỗi con người trong khát vọng đưa Đất Nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng.
Đoàn Văn Đăng
 
X

xungba_giangho

các bác cho e hỏi: post ảnh của mình lên làm hình nền thì làm ntn???

bác nào biết chi e với được không ạ.

e xin cảm ơn,,,


Email của e nek: xungba_giangho@yahoo.com.vn
các bác có thể gủi mail qua cho e cũng được
 
Top Bottom