nếu em và bạn em có mâu thuẫn vs nhau thì em sẽ làm gì ?
Hầu hết những sự việc đã xảy ra đều từ những nguyên nhân nhỏ nhặt mà khi bình tĩnh lại người trong cuộc đều cảm thấy cách hành xử của mình có phần không thỏa đáng. Vậy nếu như xảy ra mâu thuẫn với bạn bè cùng trang lứa, nên giải quyết như thế nào để “toại lòng nhau” và cũng không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc?
1. Lắng nghe, thấu hiểu
Có thể sự việc chỉ nhỏ như con kiến thôi, nhưng qua những lời truyền đạt không chính xác sẽ trở thành to như con voi. Vậy nên muốn biết chắc chắn chuyện gì đang xảy ra với mình, việc chúng ta cần làm không phải là tỏ ra hung hăng để “xử lý” một ai đó, mà hãy cùng nhau ngồi lại trao đổi thông tin một cách chính xác. Khoảng thời gian mà chúng ta dành để lắng nghe nhau cũng là khoảng thời gian cần thiết để “cơn thịnh nộ” trong mình dần xẹp xuống, biết cách lắng nghe giúp tâm trí tỉnh táo hơn, nhìn nhận sự việc chính xác hơn và tất nhiên giúp chúng ta “hành xử” đẹp hơn trong mắt bạn bè.
2. Thẳng thắn bày tỏ quan điểm
Cũng có những mâu thuẫn là có thật vì từ hai phía tồn tại những quan điểm trái chiều nhau. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta luôn đúng và người khác luôn sai hay ngược lại. Một khi đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình thì bất cứ ai cũng sẽ có lý lẽ riêng. Hãy cùng nhau bày tỏ quan điểm trong hòa bình. Một khi không làm ảnh hưởng đến ai thì cũng không ai muốn cản trở việc bạn đang làm. Còn nếu có gì đó chưa đúng cũng sẽ nhận được sự góp ý của mọi người. Bởi lẽ mỗi chúng ta đều mong muốn bạn bè mình trở nên tốt hơn trong mắt nhau, đúng không nào?
3. Tôn trọng bạn bè
Việc sử dụng những hành động tiêu cực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoàn toàn không được ủng hộ bởi bất cứ ai. Một khi bạn có ý nghĩ động tay chân, dùng lời nói xúc phạm người khác nghĩa là bạn đã tự mình “đánh tụt” nhân cách và trình độ văn hóa của mình. Hơn nữa, tôn trọng người khác cũng chính là cách để người khác tôn trọng bạn, do vậy mà việc giải quyết mâu thuẫn với ai đó bằng những xung đột ồn ào chỉ là hạ sách, giải quyết sự việc trong hòa bình mới chính là thượng sách.
4. Hãy nghĩ đến những người yêu thương bạn
Hãy nghĩ đến gia đình – những người luôn dành tình yêu thương cho bạn. Nếu chỉ vì tranh chấp nhỏ nhặt mà để xảy ra xung đột, dù bạn là nạn nhân hay người gây lỗi cũng đều khiến gia đình đau lòng và gánh chịu những hậu quả từ việc làm thiếu suy nghĩ đó (bạn bị bạn bè xa lánh, có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật, ảnh hưởng đến tương lai, gia đình chịu điều tiếng do hàng xóm dị nghị…). Đồng thời cả bạn và gia đình của mình đều sẽ bị tổn thương bởi gia đình luôn đặt niềm tin yêu và hy vọng dành cho bạn, không hề mong muốn một ngày nào đó chứng kiến bạn phạm phải những sai lầm không đáng có.
5. Và cả chính bản thân bạn nữa
Hãy nhớ rằng độ tuổi của chúng ta là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, hãy để mỗi ngày trôi qua bên cạnh bạn bè là một ngày vui, một ngày có ích. Tuổi trẻ của mỗi người chỉ đến và đi duy nhất một lần, việc tự yêu thương và trân trọng chính bản thân mình sẽ giúp quãng đường tuổi trẻ trở nên tươi đẹp và có ý nghĩa hơn. Đừng vì những chuyện nhỏ nhặt không đáng có mà tạo thành những dấu ấn "xấu xí" trong phần ký ức về sau nhìn lại, bạn nhé!
Nguồn:
kul.vn