Ôn thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT lần thứ 2: Vượt qua rào

T

tranquang

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Ôn thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT lần thứ 2: V

Từ nỗi xúc động trước câu chuyện những học sinh của ngôi trường 0% đỗ tốt nghiệp tại huyện miền núi Sơn Tây Quảng Ngãi được sự quan tâm tạo điều kiện tột bậc của Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi đợt 2 sắp đến, chúng tôi đã tìm đến nơi có những con người tạm quên khái niệm nghỉ ngơi...
Thực trạng ôn thi lần 2 của trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Vượt hơn 90 cây số, qua những đoạn đường đèo hun hút, gập ghềnh chúng tôi đến xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây của Quảng Ngãi. Từ xa, đã thấy màu vàng chanh tươi tắn của một ngôi trường mới xây nổi bật giữa màu xanh ba bề bốn bên là đồi núi. Khác với ý nghĩ trên đường đi, cả BGH và GV trường THPT Đinh Tiên Hoàng không nghỉ hè mà đang tập trung vào công việc theo dõi, vận động, tổ chức ôn tập cho HS để thi tốt nghiệp lần 2. Đang giờ học Vật lý, thấy có người lạ vào, những cặp mắt hiền từ, ngơ ngác chỉ nhìn chúng tôi một thoáng rồi lại tập trung lên bảng, chăm chú dõi theo các công thức, bài tập theo tay thầy giáo chỉ dẫn. Giải lao giữa buổi học, tôi hỏi em Đinh Văn Vương, sinh năm 1986 , người dân tộc Ka Dong: “ Em học có thấy vất vả không, có hiểu bài không?”. Không hề đắn đo, ngập ngừng, em trả lời ngay: “Dạ vất vả, nhưng không bằng hồi học trong năm. Thầy cô giáo dạy rất dễ hiểu”. “Tại sao hồi học trong năm em lại thấy vất vả hơn bây giờ?”. “Tại vì nhà xa quá, cách trường cả 20 kilômét, mỗi khi đến được trường em toàn bị trễ giờ học. Vào trong lớp mệt quá, thầy lại dạy quá bài rồi nên chẳng hiểu gì cả. Về nhà không có thời gian học vì phải làm ruộng, làm rẫy. Bây giờ được ở lại chỉ có học thôi em thấy người khoẻ và dễ hiểu bài ”. Thật bất ngờ, hỏi một mà biết được hai, mà rơi nước mắt khi hiểu ra những nguyên do tạo nên con số 0% tốt nghiệp. Thầy giáo Phạm Văn Nam, một trong nhiều GV của Quảng Ngãi không về quê nghỉ hè cũng cho tôi biết, một số HS thi trong đợt 1 điểm rất thấp, chỉ có 12, 13 điểm, nay qua mấy tiết ôn tập đã thấy có sự tiến bộ hơn. Tuy nhiên, để có được lớp học ôn thi lần 2 này không phải là điều dễ dàng chút nào. Theo thầy Nguyễn Hải Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thì ngay sau khi có công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT, không chỉ riêng nhà trường, từ Huyện uỷ, UBND đến các đoàn thể, hội phụ nữ của huyện cũng đã vào cuộc, vận động phụ huynh HS cho con em được đến trường để ôn thi và qua nửa tháng đã có được số lượng đăng ký là 44 em. Tuy nhiên, do phần đông là lao động chính trong gia đình, nhiều HS đã có chồng, có vợ, nên từ ngày 25 tháng 6 bắt đầu học ôn đến nay, ngày cao nhất mới có 20 em đi học. HS ở rải rác các xã, đường đi từ thôn nọ đến thôn kia khá trắc trở, mất nhiều thời gian, nhà trường vẫn đang tiếp tục nhờ các lực lượng đoàn thể vận động thêm. Những HS nhà ở xa đã được tạo điều kiện ăn ở ngay trong trường. UBND tỉnh hỗ trợ mỗi học sinh 15 kg gạo, Sở GD&ĐT hỗ trợ mỗi em 300.000 đồng (Kể cả HS ở huyện miền núi Tây Trà). Sự quan tâm hết mực nói trên cũng như những tấm lòng thông cảm sẻ chia của đồng bào cả nước với HS con em đồng bào dân tộc sau thực trạng xảy ra là động lực quan trọng cho kỳ thi lần 2 đến. ý kiến của ông Thái Văn Đồng, GĐ Sở Quảng Ngãi làm chúng tôi thật sự lưu tâm: “HS đã thi rớt thường hay có tâm lý mặc cảm, với người dân tộc ngôn ngữ bất đồng, lại hay mặc cảm, cho nên phải vượt qua rào cản tâm lý thì mới mong có hiệu quả trong kỳ thi lần 2 này”. Làm thế nào để phá bỏ rào cản tâm lý ?

Tại Phú Yên, Ban Giám đốc Sở cũng đã sớm triển khai kế hoạch tổ chức ôn tập lần 2 đến các trường, nhưng việc chỉ đạo nhập HS của những trường có số lượng phải thi lại lần 2 ít, vào một điểm trường để ôn tập đã không thành công. Chẳng hạn, chủ trương nhập 100 HS hỏng thi lần 1 đến các trường THPT Chuyên Lê Văn Chánh, THPT Nguyễn Huệ, Dân lập Duy Tân, Dân tộc nội trú, đến THPT BC Nguyễn Trãi (TP Tuy Hoà) cuối cùng GV của THPT BC Nguyễn Trãi đã không có HS để dạy. Nguyên nhân chính, đúng như thầy Nguyễn Kim Hùng, hiệu phó THPT BC Nguyễn Trãi nêu lên, là các em xấu hổ, không quen bạn, quen bè nên ở nhà tự ôn. Chỉ có trường DL Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ôn tại trường mới được 50% HS đi học. Trong thực tế , HS ở lớp này đã không muốn học chung với lớp khác, huống gì trường này nhập chung với trường khác; 5 trường nêu trên với những đặc thù khác nhau: cả chuyên lẫn không chuyên, cả công lập lẫn ngoài công lập, cả đồng bằng lẫn miền núi mà tập hợp lại thì đúng là tấm rào cản về tâm lý quá lớn. Độ tuổi HS cuối cấp THPT rất dễ nhạy cảm, việc thi rớt tốt nghiệp đã là nỗi đau buồn, trong khi bạn bè cùng trang lứa được dự thi CĐ, ĐH, được vui chơi thanh thản trong hè, còn các em lại phải ngồi học, những chấn động tinh thần ấy rất đáng để các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo quan tâm. Không riêng Phú Yên, ở một số Sở GD&ĐT, do đây là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp lần 2 nên khi chỉ đạo đã không lường trước một vài tình huống sẽ xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào lường trước được trở ngại, nơi ấy sẽ thành công. Cũng loại hình dân lập, nhưng tại Phú Yên, trường THPT BC Nguyễn Thị Minh Khai ở vùng 90 % thuần nông có nhiều khó khăn nhưng đã tổ chức tương đối tốt các lớp ôn tập cho HS, do BGH nhà trường đã có sự chặt chẽ, linh hoạt hơn trong phân công GV dạy. Theo thầy Lê Minh Huệ, hiệu phó nhà trường thì những yếu tố có tác động tốt đối với tâm lý của HS là tạo sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh HS và sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao của GV. Em Ngô Thị Kim Chi, HS của trường chỉ còn thiếu có nửa điểm trong kỳ thi lần 1 đã đến lớp ôn tập đều đặn cả 2 môn Vật lý và Hoá học tâm sự: “Em biết lần trước chỉ vì chủ quan mà rớt tốt nghiệp. Lần này em rất tin tưởng vì các thầy cô giáo dạy ôn tại trường đều hết sức tận tâm và giảng bài dễ hiểu”...

Trong khi ở nhiều tỉnh thành khác của miền Trung, số học sinh tập trung đến trường để ôn tập không nhiều thì tại Quảng Ngãi, rất nhiều trường có tỷ lệ từ 80% trở lên trong tổng số HS phải thi lại lần 2 đến trường ôn tập dưới sự chỉ dẫn của GV. Trường THPT Trần Kỳ Phong, Bình Sơn là một điển hình, có 96 em phải thi lại lần 2 thì nhà trường đã huy động được cả 96 em. Trường đã giao cho từng GV chủ nhiệm, đến tận nhà gặp gỡ phụ huynh HS để thuyết phục, mỗi tổ chuyên môn cử 1 GV có kinh nghiệm và năng lực để ôn tập trên lớp. Chính sự tận tâm, lòng nhiệt tình của đội ngũ từ BGH đến GV mà dù là một trường có chất lượng đầu vào thấp, lại ở một vùng quê nghèo nhưng qua thi lần 1, trường THPT Trần Kỳ Phong đã có 85 % HS tốt nghiệp, và hiện tại, đang rất tin tưởng vào kết quả thi lần 2 sắp đến. Phải chăng, sau hiện tượng THPT Đinh Tiên Hoàng, Quảng Ngãi đã lường trước những trở ngại cần phải vượt qua, với một sự nỗ lực hết mình, mà Phó GĐ sở Trần Hữu Tháp gọi là chiến dịch phổ cập”. Văn bản chỉ đạo của Sở gửi đến tất cả các trường THPT trong tỉnh đã đề ra khá chi tiết, các biện pháp, cách thức tổ chức ôn tập cho HS. Ban GĐ đã thành lập đoàn làm việc với trường, đặt vấn đề cụ thể với UBND huyện để tranh thủ sự ủng hộ tối đa vận động HS ra lớp, tư vấn cho các em chọn môn, bố trí thời lượng tiết dạy, cách thức lựa chọn, ôn luyện kiến thức trọng tâm như thế nào, nhất là việc tạo cho HS trạng thái hưng phấn, tự tin khi đến trường. Hiện tại, với phương châm “còn nước còn tát”, Sở GD&ĐT vẫn tiếp tục vận động GV giỏi của một số trường tham gia thêm một số tiết ôn tập cho HS trường Đinh Tiên Hoàng cũng như các trường miền núi có tỷ lệ đậu thấp. Chúng tôi cho rằng, nếu kinh nghiệm này của Quảng Ngãi được nhân rộng trong cả nước thì nhất định chất lượng sẽ không bị giậm chân tại chỗ, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào chủ trương đúng đắn của ngành GD & ĐT trong chỉ đạo một kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế và hiệu quả.

(Theo Nguyễn Thị Thuý Hồng_Báo Giáo dục và Thời đại)
 
Top Bottom