Mưa bụi bay bay trong tiết trời se lạnh mà được ngồi quây quần quanh bàn ăn, thưởng thức món chả tôm Xứ Thanh thì tuyệt vời làm sao. Trên bếp than rực hồng đang ửng dần cùng với tiếng xèo xèo của mỡ bắt lửa thì cánh mũi dễ phập phồng bởi một mùi thơm quyến rũ toả lan.
Cách làm chả tôm cũng không khó lắm song đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu chỉ ẩu một chút coi như chẳng còn hương vị gì. Để chả tôm được ngon như ý, phải chuẩn bị đủ nguyên liệu và gia vị cần thiết.
Quy trình tiến hành như sau:
Bạn hãy chọn loại tôm bột đều con, bóc nõn nà, rắc hạt tiêu, hành băm nhỏ, càng mịn càng ngon rồi cho hỗn hợp vào chảo bắc lên bếp lửa hồng, xào thơm. Sau đó ta tuần tự: Thịt ba chỉ (khổ mỡ nhiều hơn nạc) đem thái hạt lựu, rán vàng, đem băm lẫn với bánh phở, thịt gấc, hành khô, tiêu bột, mì chính, tất cả trộn đều, cho vào cối giã tay cho kỳ nhuyễn. Trong quá trình giã, có thể cho thêm mỡ nước chắt ra từ lúc rán thịt. Vỏ ngoài người ta chọn loại bánh phở dày và dai hơn bánh thường một chút, cắt chiều ngang 2cm, chiều dài khoảng 7 - 8cm, rồi rải nhân lên cuốn lại bằng quân cờ. Sau khi cuốn xong, kẹp chả tôm vào cái kẹp tre tươi rồi đem nướng. Mỗi kẹp khoảng 4 miếng gọi là 1 gắp. Than xoan được quạt hồng trong cái ang bằng đất. Đặt gấp chả lên quạt xoay qua lật lại độ vài lần mùi thơm đã dậy. Khi chả tôm chín được bày ra trên đĩa sứ ánh một mầu vàng rộm hấp dẫn. Bên cạnh đĩa chả tôm là đĩa rau ghém đủ vị thêm vài lát khế hình cánh sao, củ hành tươi chẻ nhỏ. Gắp một miếng chả tôm kèm rau ghém chấm vào bát nước mắm pha đủ chua, cay, mặn, ngọt, có thêm chút đu đủ xanh ngâm làm dưa góp mới đụng vào đầu lưỡi là cái thèm đã lan toả khắp giác quan. Vị ngậy đậm đà làm ta như vừa muốn ăn, lại như vừa muốn giữ lại cái vị đặc trưng của chả tôm trên đầu lưỡi như sợ nó tan mất./.
BÁNH GAI TỨ TRỤ
Tứ Trụ thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 40 km về phía Tây. Thế kỷ thứ XV, Tứ Trụ nằm trong vùng căn cứ khởi nghĩa Lam Sơn do anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo.
Bánh gai Tứ Trụ khởi đầu là do người làng Mía trong vùng làm ra để cúng giỗ Lê Lợi, Lê Lai, cúng ông bà Tổ tiên trong Tết Nguyên đán và lễ hội trong năm. Dần dần nghề làm bánh gai được phổ biến ở các làng vùng Tứ Trụ xã Thọ Diên và trở thành đặc sản của xứ Thanh nổi tiếng cả nước.
Nguyên liệu làm dễ tìm kiếm, nhưng lại hơi cầu kỳ. Gạo nếp cái hoa vàng xay lọc lấy tinh bột, mật mía loại ngon nhất vùng, thịt lợn nạc làm thành ruốc bông, đậu xanh đãi vỏ, đồ chín giã nhỏ, dừa già nạo thành sợi trắng như sợi cước, vừng rang vàng thơm, lá gai (cây gai mọc trên đồi, củ gai thường làm thuốc an thai) tước gân, luộc lên giã nhỏ lấy tinh bột, lá chuối khô để gói bánh.
Cách làm bánh: Đem tinh bột nếp trộn với bột lá gai và mật mía rồi cho vào cối đá giã kỹ. Càng giã kỹ càng dẻo, bánh càng dai, càng ngon. Công đoạn này quan trọng nhất, vất vả nhất gọi là luyện bột.
Bột luyện xong nặn thành bánh. Đậu xanh trộn với mật mía, với ruốc thịt cấy vào làm nhân. Bánh màu đen, ngoài vỏ cấy dừa sợi và vừng đã rang vàng. Sau đó dùng lá chuối khô, gói bánh (khoảng 10 lớp lá) xếp 5 cái bánh xếp thành một cuộn tròn buộc lại bằng lạt giang nhuộm phẩm đỏ cho đẹp. Đặt bánh vào chõ, đồ cho đến lúc bánh chín. Bánh gai Tứ Trụ có hương vị ngon mà các loại bánh ngọt khác không có được./.
CÁC MÓN RƯƠI
Con Rươi có tên chữ là là Bách Cước (trăm chân) hoặc là Hoà Trùng. Hình dạng giống con rết với màu xanh, vàng, tía. Rươi là loài sinh vật thân mềm ở vùng sông nước lợ. Ai mới thấy lần đầu thì khiếp lắm chứ đừng nói đến ăn.
Thôn Văn Giáo thuộc xã Quảng Vọng của huyện Quảng Xương có nghề đánh bắt rươi - một đặc sản cực kỳ quý - giá nhờ có đoạn sông Yên (còn gọi là sông Ghép) chảy qua trước khi đổ ra biển nơi lạch Mom.
Thịt rươi có vị béo ngậy và bùi, chứa khá nhiều đạm, nhiều đạm hơn cả cua gạch, tôm he. Có thể chế biến thành các món ăn như rươi nấu, rươi đúc trứng, mắm rươi. Nói về món rươi nấu, dùng nước sôi chùng rươi trong khoảng mươi lăm phút hoặc cũng có thể dùng dấm rửa (nếu lượng rươi ít) nhằm thải bỏ chất nước trắng đục ra khỏi rươi. Cách này gọi là làm 'lông' rươi. Chùng rửa như thế xong, đổ ra giá hoặc rổ có lỗ đan nhỏ để cho nước thoát hết. Gia vị để nấu rươi gồm vỏ quýt, ớt, củ sả, khế, hành tươi hoặc khô, gừng củ cùng với các loại lá khác như: lá lốt, lá gấc, lá đinh lăng. Tất cả gia vị vừa đủ, thái nhỏ. Rươi cho vào nồi đun, vừa đun vừa dùng đũa bếp đánh liên tục cho rươi tơi ra. Tới lúc thấy không còn nước trong nồi nữa thì đổ ra bát to hoặc đĩa lớn đặt chảo lên bếp, phi hành mỡ cho thơm rồi đổ rươi vào xào. Sau đó cho tất cả gia vị vào xào tiếp, nêm mắm muối vừa ăn. Xào cho khô hết nước là được. Rươi nấu ăn với bánh tráng vừng là tuyệt nhất.
Món rươi đúc trứng thì làm như sau: Rươi đã 'làm lông', đánh cho tơi (dĩ nhiên không cho gia vị như rươi nấu) trộn với hành củ hoặc hành tươi dã dập và băm nhỏ, một ít hạt tiêu xay và nêm mắm muối vừa ăn. Đập trứng vào, dùng đũa đánh trộn đều. Đặt chảo lên bếp, phi hành mỡ cho thơm rồi đúc. Đun lửa vừa và đậy vung để khỏi chín táp. Gần chín thì mở vung cho thoát hết nước.
Với món mắm rươi thì cách làm rất đơn giản, chẳng khác gì cách làm cá trỏng, cách làm mắm tôm (mắm moi, ruốc).
Nhưng ít người ăn sống được món mắm rươi này. Vì thế thường là phải chế biến. Cách chế biến món mắm rươi là như thế này. Cần nhiều gia vị gồm hành củ khô hoặc rau tươi, gừng củ và sả củ, ớt tươi hoặc khô, nếu có điều kiện thì thêm thịt ba chỉ. Tất cả thái và băm nhỏ rồi trộn với mắm sống. Phi hành mỡ cho thơm trong chảo rồi đổ mắm đã trộn gia vị vào, đảo đều khoảng 10 phút. Sau đó đậy vung đun tiếp năm, sáu phút nữa là được. Mắm rươi chưng ăn với rau diếp, xà lách thì chẳng thứ mắm nào ngon bằng.