Chào em, với đề bài như vậy, em tham khảo một số gợi ý sau để làm bài em nhé:
1. Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu ý kiến của Leonardo de Vinci từng cho rằng: "Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm."
2. Thân bài
* Giới thiệu đôi nét về Leonardo de Vinci: một nhà họa sĩ nổi tiếng trên thế giới với những tác phẩm "để đời".
* Giải thích ý kiến của Leonardo de Vinci: "Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm.": Là một họa sĩ nhưng Leonardo de Vinci đã có những ý kiến, quan điểm sâu sắc về thơ ca, nghệ thuật. Nếu như những bức tranh do họa sĩ vẽ thường được trưng bày, khán giả chiêm ngưỡng, cảm nhận chủ yếu bằng thị giác (mắt) thì những bức tranh trong thơ ca, nghệ thuật không chỉ cảm nhận bằng giác quan mà những bức tranh ấy đòi hỏi mỗi người phải cảm nhận bằng tâm hồn, chứ không đơn thuần là ngắm. Tâm hồn của độc giả phải hòa vào với cảm xúc của nhà thơ, cùng liên tưởng, tưởng tượng để khám phá, hình dung, cảm nhận... những "bức tranh" được vẽ từ ngôn từ của nghệ sĩ...
* Chứng minh
a. Mở đầu bài thơ, nhà thơ Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên xứ Huế tuyệt đẹp:
+ Chỉ bằng vài nét chấm phá với những hình ảnh bình dị, mộc mạc như bông hoa tím biếc, dòng sông xanh, chim chiền chiện, nhà thơ mở ra một không gian thoáng đãng, cao vời vợi, đặc trưng cho mùa xuân xứ Huế.
+ Trong bức tranh ấy, Thanh Hải đã vô cùng tinh tế trong cách lựa chọn màu sắc: màu xanh của dòng sông, của bầu trời hòa quyện với sắc tím của bông hoa - màu sắc đặc trưng cho xứ Huế thâm trầm, cổ kính.
+ Là bức tranh dệt nên từ ngôn từ, Thanh Hải còn vẽ thêm trong bức tranh ấy âm thanh rộn rã, tươi vui của tiếng chim chiền chiện. Âm thanh ấy vang ngân, xáo động cả bầu trời, xao xuyến tâm hồn thi nhân.
+ Nổi bật trong bức tranh ấy là hình ảnh của bông hoa đang trỗi dậy giữa mênh mông trời nước qua nghệ thuật đảo ngữ "Mọc giữa dòng sông xanh".
- Song, bức tranh thiên nhiên ấy càng đẹp hơn trong cảm nhận tinh tế của thi nhân:
+ Thi nhân say sưa, ngây ngất hòa mình vào thiên nhiên, cất tiếng gọi trìu mến, thân thương: "Ơi con chim chiền chiện".
+ Bằng sự tinh tế, thi nhân đã tạo nên những liên tưởng thật độc đáo: Âm thanh của tiếng chim chiền chiện như được kết thành hình, thành khối rơi xuống nhân gian. Và như một lẽ tự nhiên, nhà thơ đưa đôi tay hứng lấy vẻ đẹp của mùa xuân với sự trân trọng, nâng niu của thi sĩ. Hình ảnh thơ vì vậy mang tính đa nghĩa, giàu giá trị gợi hình, gợi cảm...
b. Đến với khổ thơ thứ hai, Thanh Hải lại khắc họa bức tranh mùa xuân đất nước:
- Nhà thơ hhướng tình cảm của mình tới những con người cụ thể, những con người làm nên lịch sử, làm nên mùa xuân. Đó là người chiến sĩ với sứ mệnh cầm súng, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc và người ra đồng đang ngày đêm cần mẫn lao động, xây dựng đất nước giàu đẹp.
- Điệp từ “lộc” được dùng với hai lớp nghĩa:
+ Nghĩa thực: Với người chiến sĩ, lộc chính là những cành lá ngụy trang theo bước ra trận; với người nông dân, lộc chính là những mầm mạ tươi xanh được cày cấy, gieo trồng.
+ Lộc không chỉ mang ý nghĩa thực mà còn gửi gắm ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Lộc biểu tượng cho sức sống, cho sự sinh sôi, nảy nở và những giá trị, thành quả tốt đẹp mà người chiến sĩ hay người ra đồng mang đến cho đất nước.
- Điệp ngữ “tất cả” cùng phép lặp cấu trúc “tất cả như…” diễn tả được không khí lên đường rộn ràng cũng như không khí lao động hăng say, tươi vui trong những năm tháng gian lao mà hào hùng của Tổ quốc. Nếu như từ láy “hối hả” là vội vã, khẩn trương, không dừng lại thì từ láy “xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hòa lẫn với nhau xao động. Đó cũng là tâm trạng tác giả, là tiếng lòng của tác giả reo vui, náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người.
3. Kết bài: Khẳng định vấn đề.