Môn học khác Những nhân vật CNTT có ảnh hưởng nhất thế giới

Kyanhdo

Học sinh tiêu biểu
Thành viên
TV ấn tượng nhất 2017
22 Tháng sáu 2017
2,357
4,161
589
19
TP Hồ Chí Minh
THPT Gia Định
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tạp chí Time (Mỹ) vừa bầu chọn 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với thế giới, trong danh sách này có tám nhân vật thuộc lĩnh vực CNTT. Đó là Carly Fiorina, Bill Gates, Steve Jobs, Linus Torvalds, Meg Whitman, Jeff Bezos, Michael Dell và chủ nhân Google Sergey Brin và Larry Page.
Carly Fiorina: Sinh ra Hewlett-Packard một lần nữa
Với giới doanh nhân và các nhà đầu tư, Carly Fiorina là một cái tên thân thuộc. Có thể vì bà đang chèo lái một trong những biểu tượng của kỷ nguyên công nghệ, Hewlett-Packard; có thể vì bà là một diễn giả đầy thuyết phục và một nhà tiếp thị đầy sáng tạo; có thể vì bà là một trong tám người phụ nữ đang lãnh đạo một công ty nằm trong 500 hãng hàng đầu thế giới, nhưng dù thế nào đi nữa, với tư cách nhà kiến trúc sư cho sự sáp nhập trị giá 19 tỷ USD với Compaq và là người dẹp yên được thách thức từ phía cổ đông, Fiorina xứng đáng được trân trọng như một nữ minh tinh hiếm hoi của giới công nghệ.
Khi Fiorina tiếp quản HP, hãng đã có hàng chục năm thành công và vẫn đặt trọn niềm tin vào “Con đường HP” huyền thoại của mình. Tuy nhiên, thành tích của hãng vào thời điểm đó khá mờ nhạt và tương lai thì không chắc chắn. Fiorina bèn đưa “Con đường HP” vào lối đi của riêng mình. Lấy tôn chỉ là “Phát minh!”, bà đã mở đường tiến tới một tương lai mới. Hội đồng quản trị, những người đã tuyển dụng Fiorina, sẵn sàng ủng hộ bà, nhưng giới cổ đông thì không. Một cuộc chiến nổ ra đòi hỏi bà phải có đủ can đảm để đối đầu với lịch sử và những tư tưởng quá khích. Fiorina tỏ ra mạnh mẽ hơn, và giờ đây, HP cũng vậy. Bà hứa sẽ giúp HP tiết kiệm được 2,5 tỷ USD trong việc sáp nhập với Compaq nhưng trên thực tế, con số đó là 3,5 tỷ USD, một điềm lành.
Đương nhiên, tiết kiệm chi phí là một lẽ, bán hàng lại là một lẽ khác. Chắc không mấy ai dám chọn các đại gia IBM và Dell làm đối thủ cạnh tranh nhưng Fiorina thì khác. Bà lãnh đạo hãng tiến lên trên nhiều mặt trận, hiện đại hóa phương thức kinh doanh, tổ chức và cả tầm nhìn của HP. Ngày nay, hãng bán máy in với giá 40 USD, sử dụng công nghệ nano để thu nhỏ các thiết bị và tăng cường sức mạnh cho trung tâm của ngôi nhà kỹ thuật số. Một Fiorina đầy mưu lược đã mang lại sức sống cho một HP mới đầy sáng kiến.
Steve Jobs: Nguồn sáng tạo vô tận
Steve Jobs được biết tới trên cả hai lĩnh vực kinh doanh và công nghệ thông tin. Khả năng làm thị trường của ông cũng to lớn không kém những dấu ấn ông để lại trong kỷ nguyên máy tính: Chiến lược âm nhạc từ iTunes đến iPod đã đưa ra được phương thức cứu vãn ngành công nghiệp âm nhạc đang rơi tự do bởi tác động của các dịch vụ tải nhạc như Napster. Pixar, xưởng phim hoạt hình của ông, đoạt thêm một giải thưởng của Viện Hàn lâm với bộ phim Finding Nemo. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất trong đời Jobs là sự tái phát minh đối với máy tính Apple.
Hiện nay, khoảng ½ máy chơi nhạc MP3 là Apple iPods, với khoảng 2,5 triệu chiếc đã được tiêu thụ, trong khi iTunes kiểm soát 70% thị trường kinh doanh nhạc download, trong năm qua đã bán được hơn 50 triệu bản nhạc, với giá 99 cent/bản.
Kết quả này càng đáng ghi nhận hơn khi biết rằng, thị phần của Apple đã không ngừng suy giảm trong nhiều năm qua và ngày nay chỉ còn không tới 3% người dùng sử dụng máy tính Macintosh của hãng. Những đóng góp của Jobs giúp Apple tránh được cuộc chiến máy tính và tìm ra những thị trường mới.
Sự mẫn cảm và khéo léo của Jobs giúp ông luôn duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp công nghệ vốn đầy sáng tạo và phát minh. Tất cả những gì công ty ông làm đều được các đối thủ khảo sát tỉ mỉ, thường xuyên bắt chước và thậm chí ăn cắp. Trong số những sản phẩm mà Jobs là người đầu tiên đáp ứng được cho đại chúng có thể kể đến con chuột, cách thức máy tính để bàn phản ứng khi bạn trỏ và nhắp chuột vào thư mục và file, kết nối không dây, màn hình phẳng và thiết bị ghi DVD… Ông đưa những phát kiến của mình vào máy tính Macintosh, buộc thế giới PC phải làm theo. Nói về những bước đi tiếp theo của Apple, ông chỉ phát biểu: “Động lực thúc đẩy chúng tôi là phải làm sao cho khách hàng hài lòng”.
Linus Torvalds - người hùng phần mềm miễn phí
Tháng 8 năm 1991, một sinh viên ĐH Helsinki gửi yêu cầu lên một nhóm thảo luận Internet nhờ giúp đỡ dự án xây dựng một hệ điều hành máy tính miễn phí. Linus Torvald muốn có một hệ điều hành cho phép sửa đổi tùy thích. Với hành động này, Torvards đã bắt đầu một trong những công cuộc hợp tác kinh điển nhất trong lịch sử.
Hơn 10 năm sau kể từ khi Torvalds gửi yêu cầu trên, hàng nghìn lập trình viên trên toàn cầu đã phát triển mã Linux để tạo ra đối thủ cạnh tranh với hình ảnh "chim cánh cụt kinh hoàng" đối với các HĐH khác như Microsoft Windows. Trong khi mã nguồn của Windows được kiểm soát rất chặc chẽ, mã của Linux cho phép người ta thoải mái sử dụng và chỉnh sửa theo nhu cầu. Điều này được thể hiện qua giấy phép sử dụng đi kèm với Linux. Chính việc đảm bảo đó đã khiến cho các đối thủ hàng đầu của Microsoft, trong đó có IBM, sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đôla vào để giúp phát triển một hệ điều hành hứa hẹn sẽ miễn phí mãi mãi..
Trong thế giới của Torvalds, nguyên tắc số 1 là: chỉ có những gì tốt nhất mới được chọn. Anh không bao giờ để sức ép tài chính buộc mình phải chọn một sản phẩm xoàng. "Torvalds chỉ quyết định thêm các thành phần vào Linux nếu anh ấy thấy nó có thiết kế rõ ràng, chất lượng tốt, dễ bảo trì và quan trọng hơn cả là đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dùng cuối", Dan Frye, giám đốc trung tâm công nghệ Linux của IMB nhận xét.
Meg Whitman: Nữ chủ nhân của bữa tiệc eBay
Ít ai ngờ, cơ ngơi của hãng đấu giá trên mạng lớn nhất thế giới eBay lại được gây dựng nhờ bàn tay của một phụ nữ, Meg Whitman. Dưới sự điều hành của bà, eBay trở thành một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, với doanh số mỗi năm lên tới 2 tỷ USD và cứ mỗi giây, một lượng hàng hóa trị giá 900 USD lại được cộng đồng ảo gồm 30 triệu người dùng giao dịch thông qua trang web.
Năm nay 47 tuổi, Whitman trải qua một sự nghiệp lừng lẫy với những vị trí chủ chốt tại các hãng tên tuổi ở Mỹ như Disney, Hasbro và Procter & Gamble. Bà từng làm hồi sinh những thương hiệu đang suy tàn như giày Keds và hoa tươi FTD. Khi được người sáng lập eBay Pierre Omidyar mời làm giám đốc điều hành vào năm 1998, bà tỏ ra ngần ngại vì không có lý do nào khiến bà phải rời bỏ gia đình tại Boston để vượt 5.000 km tới thung lũng Silicon làm việc cho “một công ty Internet vô danh”. Thế nhưng, nỗi hồ nghi của bà đã lập tức tan biến khi bà chứng kiến niềm đam mê nhiệt thành của các khách hàng eBay và hiểu rằng, hãng có một tiềm năng phát triển vô cùng lớn.
Ngày nay, Whitman vẫn dành thời gian trực tiếp trả lời email của cả người mua và kẻ bán. Là mẹ của hai đứa con, bà hiểu rằng một số khách hàng lớn của eBay là những người cả đời chưa từng chạm tay vào chiếc máy tính. Vì thế, bà tiếp cận nhóm đối tượng này qua các chương trình truyền hình như Oprah. Khi một tính năng mới của eBay không thu hút được công chúng, bà thúc đẩy nó. Chẳng hạn, khi người dùng than phiền về việc không thể dùng dịch vụ thanh toán điện tử PayPal, bà bỏ ra 1,5 tỷ USD để mua luôn PayPal. Sự thấu hiểu và chu đáo ấy đã mang lại thành công cho Whitman, một phụ nữ khiêm nhường.
Michael Dell: Từ ký túc xá vươn lên
Năm nay 39 tuổi, Michael Dell hiện là chủ tịch điều hành của hãng sản xuất máy tính chiếm thị phần lớn nhất thế giới mang tên ông. Khởi nghiệp chỉ với khoản đầu tư nhỏ bé 1.000 USD và công xưởng là một căn phòng ký túc xá, Dell đạt sự thành công lớn này nhờ sự kiên định trong chiến lược bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng: Từ máy tính để bàn và máy tính xách tay tới máy chủ và thiết bị lưu trữ, rồi máy in và tivi màn hình phẳng. Năm ngoái, Dell đạt doanh số 41 tỷ USD và ông chủ hãng dự kiến năm nay con số này sẽ là 80 tỷ, tức khoảng 10% thị phần. Sự tự tin này đến từ những thắng lợi quan trọng mà Dell đã giành được trước các đối thủ bằng cách viết lại những quy tắc vàng của lĩnh vực công nghệ: Thay vì tập trung vào sáng chế, Dell cho rằng người tiêu dùng sẽ ưa dùng những sản phẩm được chuẩn hoá có giá thành rẻ. Đồng thời, việc bán hàng trực tiếp giúp làm giảm đáng kể chi phí phát sinh.
Bill Gates: Tỷ phú kiêm nhà từ thiện
Đề cập đến Bill Gates, người ta thường nhắc tới gia sản bạc tỷ của ông hoặc hãng phần mềm khổng lồ Microsoft do ông sáng lập và làm chủ. Tuy nhiên, con người nhân đạo trong ông mới là điều đáng nói hơn cả. Cùng với vợ, thiên tài máy tính này đã thành lập quỹ Bill & Melinda Gates Foundation với số vốn 27 tỷ USD và chỉ trong vài năm đã cam kết làm từ thiện tới 7 tỷ USD. Ý tưởng ban đầu của hai vợ chồng là phân bổ ngân quỹ để đáp ứng cho những nhu cầu thiết yếu, thậm chí là sống còn của nhân dân trên khắp thế giới, không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo. Họ đã nhanh chóng biến suy nghĩ thành hành động với việc tập trung vào các vấn đề y tế và giáo dục toàn cầu. Trong năm 1999, quỹ của họ đã thực hiện cam kết từ thiện lớn nhất từ trước đến nay: 750 triệu USD để chế tạo vắc xin cho trẻ em.
Câu chuyện về chiến lược cải tổ của Amazon.com
Khi biết tốc độ phát triển của Internet là 2300%/năm vào những năm đầu thập kỷ 90, mặc dù không có kinh nghiệm về bán hàng cũng như không am hiểu nhiều về Internet, Jeff Bezos - sau này là người sáng lập đồng thời là tổng giám đốc điều hành của Amazon - đã sớm nhìn thấy tương lai của việc mua bán qua mạng. Tháng 7-1995, công ty chuyên bán sách qua mạng mang tên con sông hùng vĩ nhất Nam Mỹ đã chào đời tại một nhà để xe ở thành phố Seattle.
Không phải ai cũng biết thành công của Amazon là kết quả của quá trình đầu tư bền bỉ và tốn kém cho hạ tầng thông tin và công nghệ bán hàng qua mạng. Công ty được đặt tại thành phố Seattle cũng bởi nơi đây tập trung nhiều nhân lực giỏi về công nghệ. 10 nhân viên đầu tiên của công ty đều là các kỹ sư vi tính. Hàng năm, Amazon dành ra khoảng 200 triệu USD cho công nghệ, đặc biệt là phát triển phần mềm. Đến nay, tất cả các phần mềm TMĐT của Amazon đều do công ty tự viết. Công nghệ của Amazon đã giúp công ty hoàn thiện quy trình kinh doanh và giảm chi phí. Các phần mềm quản lý phân phối hàng của Amazon đã làm tăng số lượng hàng phân phối năm 2003 lên gấp 3 lần so với năm 1999. Với tỉ lệ lỗi ở khâu phân phối ít hơn, số lần phải tiếp xúc với khách hàng tính trên mỗi đơn hàng cũng giảm một nửa so với năm 1999. Chi phí ở bộ phận phân phối giảm từ 15% doanh thu năm 1999 xuống 7% năm 2003.
Hiện nay, công ty đang là nhà cung cấp dịch vụ TMĐT hoàn hảo nhờ công nghệ tiên tiến. Các hãng bán lẻ đưa hàng của mình lên website của Amazon. Máy tính của họ được kết nối với Amazon để theo dõi hàng trong kho và doanh số hàng bán. Khi có đơn đặt hàng, Amazon sẽ lập hóa đơn và thu phí hoa hồng cho mình (15%), còn các hãng bán lẻ sẽ tiến hành chuyển hàng từ kho của mình tới người mua. Ngoài ra, Amazon còn làm dịch vụ xây dựng và duy trì website cho các hãng bán lẻ. Theo các nhà phân tích, trong vòng một vài năm tới, rất nhiều hãng bán lẻ khác sẽ bán hàng trên website của Amazon và số lượng hàng của họ có thể chiếm hơn một nửa tổng số hàng được bán trên website này. Với mức phí hoa hồng 15% giá trị đơn hàng, lĩnh vực kinh doanh này hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận hơn cả hoạt động bán hàng qua mạng của Amazon. Không chỉ dừng lại ở đó, Amazon.com đang ấp ủ tham vọng xây dựng một nền tảng TMĐT (e-commerce platform) lớn nhất thế giới để "ở đâu cũng có mặt Amazon". Amazon hi vọng sẽ tạo ra một "Windows cho TMĐT" phổ biến và mạnh như hệ điều hành của Microsoft. (Theo PCW)
Sergey Brin và Larry Page Tìm là thấy
Năm 1997, bản luận văn “Công cụ tìm kiếm quy mô lớn trên web sử dụng ngôn ngữ siêu văn bản” do du học sinh Sergey Brin và Larry Page cùng đứng tên đã khai sinh ra Google, trang web tìm kiếm nổi tiếng nhất hiện nay. Sử dụng một số thuật toán phức tạp, Page và Brin đã tìm ra cách tạo chỉ mục và xếp hạng các trang web theo trật tự về số lượt truy cập rồi cung cấp kết quả theo trật tự đó. Tự tin về khả năng thành công của ý tưởng, hai người đã bỏ học để thành lập công ty. Sự non nớt trong kinh doanh của họ hoá ra lại là một lợi thế, giúp họ tránh được nhiều sai lầm thường gặp của kỷ nguyên dotcom. Chẳng hạn, khi cho Google ra mắt, Page và Brin còn chưa nghĩ đến việc thuê một webmaster. Vì vậy, khi các đại gia trong lĩnh vực tìm kiếm như Yahoo lấp đầy trang chủ của họ với tin tức, số liệu chứng khoán và kết quả thi đấu thể thao, Google vẫn chưa có gì ngoài một ô tìm kiếm và logo. Page lập luận: “Các công ty khác có thể tự hào về việc người dùng lưu lại trên trang của họ 45 phút nhưng chúng tôi lại muốn mọi người dành thời gian tối thiểu trên Google. Nhận được kết quả càng nhanh hơn, họ sẽ sử dụng nó càng nhiều hơn”. Chiến lược này tỏ ra đúng đắn khi 6 năm sau, Google đã lập chỉ mục cho 4 tỷ trang web, được gõ lệnh tìm kiếm 200 triệu lượt mỗi ngày và đi vào đời sống, trở thành một động từ trong tiếng Anh. Nhiều người không thể hình dung nổi cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu công cụ tìm kiếm này.
 
  • Like
Reactions: thuyduongc2tv
Top Bottom