Những câu hỏi về ba tác giả lớn của Văn học 12!

N

ngoisaotim

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Những câu hỏi về ba tác giả lớn của Văn học

NGUYỄN TUÂN
Câu 1) Trình bày những đặc điểm con người Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân(1910-1987), quê ở Nhân Mục - Hà Nội, sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo, đầy tài hoa. Qua tác phẩm Nguyễn Tuân, người đọc hiểu thêm về đặc điểm con người của ông.
Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước của ông gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của cổ nhân, những nhac điệu của hát ca trù, những điệu hò của miền Trung, miền Nam, những phong cảnh đẹp của quê hương đất nước, những thú chơi tao nhã, những món ăn truyền thống của người Việt.
Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn để khẳng định cá tính độc đáo của mình: lối sống tự do, phóng túng, ham du lịch, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là "chủ nghĩa xê dịch".
Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Ngoài văn chương, ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Do đó, ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.
Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ lợi kiểu con buôn.
Có thể nói, cả cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của Nguyễn Tuân đã chứng minh cho quan niệm về nghề nghiệp của ông. Ông xứng đáng được coi là một nghệ sĩ lớn. Ông đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I(1996). Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách. Ấy là "thiên lương" trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục.
 
N

ngoisaotim

Câu 2) Hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân (1910-1987) là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác văn học của ông có thể chia thành hai chặng khá rõ, trước và sau năm 1945: trước 1945 là nhà văn lãng mạn, sau năm 1945 chuyển biến thành nhà văn cách mạng.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn lãng mạn Nguyễn Tuân sáng tác xoay quanh ba đề tài chính:
"Chủ nghĩa xê dịch": thể hiện cái tôi lãng tử của nhà văn theo bước chân qua những miền quê để đi tìm những cảm giác mới lạ... Tuy Nguyễn Tuân tìm đến "chủ nghĩa xê dịch" như một phản ứng bất lực trước thời cuộc nhưng với đề tài này, ông đã thể hiện được những cảnh sắc và phong vị quê hương, đất nước với một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa. Qua đó, nhà văn bày tỏ được tấm lòng yêu nước thiết tha trong sáng tác của mình. Các tác phẩm chính của đề tài này là: "Một chuyến đi", "Thiếu quê hương"...
Vẻ đẹp "vang bóng một thời": nhà văn đi tìm và mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục văn hóa, những thú tiêu dao lành mạnh, tao nhã... gắn với những con người thuộc lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí... Những sáng tác này thể hiện một cách kín đáo và ý nhị tấm lòng yêu mến và trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác phẩm chính: tập truyện ngắn "Vang bóng một thời".
Đời sống trụy lạc: ghi lại quãng đời của một cái tôi hoang mang, bế tắc tìm cách thoát ly trong đàn hát, trong rượu và thuốc phiện, qua đó thấy hiện lên tâm trạng khủng hoảng của lớp thanh niên đương thời. Nhưng đôi khi, ở đó vẫn vút lên "niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao được nâng đỡ trên đôi cánh của nghệ thuật". Tác phẩm chính: "Chiếc lư đồng mắt cua", "Ngọn đèn dầu lạc"...
Sau Cách mạng, lòng yêu nước và thái độ bất mãn với xã hội thực dân đã đưa Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến. Sáng tác của ông thời kỳ này tập trung phản ánh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ca ngợi nhân dân anh dũng và tài hoa trong chiến đấu và sản xuất. Các tác phẩm chính: "Tình chiến dịch", "Đường vui", tùy bút "Sông Đà"...
Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời tìm kiếm và khẳng định những giá trị nhân văn cao quý, là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể loại tùy bút và tiếng Việt văn học. Sự nghiệp văn học phong phú với những nét phong cách nổi bật: phóng túng, tài hoa, uyên bác, bút pháp hiện đại mà cổ điển của ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông xứng đáng được coi là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn.
 
N

ngoisaotim

Câu 3) Trình bày những nét chính về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân (1910-1987) có một phong cách rất độc đáo, tài hoa và uyên bác.
Đó là sự tài hoa trong cách dựng người, dựng cảnh, trong việc dùng từ, đặt câu... Đó còn là sự uyên bác qua việc Nguyễn Tuân thường sử dụng nhiều ngành nghệ thuật khác nhau từ văn chương đến lích sử, từ điêu khắc tới âm nhạc, từ vũ đạo đến điện ảnh... mang đến cho người đọc một khối lượng tri thức hết sức phong phú và đa dạng. Nguyễn Tuân thường tiếp cận con người thiên về phương diện tài hoa nghệ sĩ, mỗi nhân vật của Nguyễn Tuân dù thuộc loại người nào cũng đều phải là những nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc, cổ kính, vừa trẻ trung, hiện đại. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, gây ấn tượng đậm nét, của những phong cảnh tuyệt mỹ, của gió, bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội. Ông hay tô đậm cái siêu phàm, sáng tạo nên những nhân vật tài hoa tài tử (và những nhân vật có tài năng hơn người biểu hiện qua những công việc đòi hỏi trình độ điêu luyện) để đối lập với những kẻ phàm tục.
Nguyễn Tuân cũng là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết sức tinh tế về núi sông, cây cỏ trên đất nước mình. Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu. Đây là một đóng góp của ông về mặt thể loại văn học. Tất cả sự hấp dẫn của tùy bút, xét đến cùng, phụ thuộc ở chỗ cái tôi của người cầm bút có thực sự độc đáo, phong phú và tài hoa hay không. Điều ấy nói rằng không phải ai cũng có thể trở thành nhà tùy bút xuất sắc như Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ông có nhiều tìm tòi trong cách đặt câu, dùng từ, ví von phóng túng bất ngờ, có nhiều hình ảnh độc đáo, hấp dẫn, có một kho từ vựng phong phú và một khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, lại có nhạc điệu trầm bổng "biết co duỗi nhịp nhàng" luôn luôn biến hóa. Văn Nguyễn Tuân, tuy thế, không phải ai cũng thích, một số bài viết của ông cũng có nhược điểm: mạch văn quá phóng túng theo lối tùy hứng, khó theo dõi; nhiều đoạn tham phô bày kiến thức và tư liệu khiến người đọc cảm thấy nặng nề.
Nhìn chung, Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật tài hoa - độc đáo. Ông có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại.
 
N

ngoisaotim

TỐ HỮU
Câu 1) Hãy cho biết những yếu tố góp phần hình thành hồn thơ Tố Hữu.
Tố Hữu (1920-2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở Thừa Thiên - Huế. Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Có ba yếu tố đã góp phần hình thành hồn thơ Tố Hữu:
Ông thân sinh là một nhà nho nghèo, ham thơ, thích sưu tầm ca dao -tục ngữ. Từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã được cha dạy làm thơ theo những lối cổ. Bà mẹ Tố Hữu là con một nhà nho, thuộc nhiều ca dao - dân ca xứ Huế và rất giàu tình thương con. Như vậy, yếu tố thứ nhất góp phần hình thành hồn thơ Tố Hữu chính là gia đình.
Yếu tố thứ hai, là quê hương. Xứ Huế nổi tiếng là một vùng văn hóa phong phú, độc đáo, đậm bản sắc dân tộc, bao gồm cả văn hóa cung đình và văn hóa dân gian cùng với những phong cảnh thiên nhiên núi sông thơ mộng đã góp phần quan trọng vào sự hình thành hồn thơ Tố Hữu.
Bước vào tuổi thanh niên đúng vào những năm phong trào Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo đang dấy lên sôi nổi trong cả nước mà Huế là một trong những trung tâm sôi động nhất. Tuổi trẻ của Tố Hữu có sự gặp gỡ may mắn và đẹp đẽ với lý tưởng cách mạng. Đó là yếu tố thứ ba.
Ở Tố Hữu, con người chính trị và con người nhà thơ thống nhất chặt chẽ. Sự nghiệp thơ gắn liền với sự nghiệp cách mạng, trở thành một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Quê hương, gia đình, lý tưởng cách mạng là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành hồn thơ Tố Hữu.
 
N

ngoisaotim

Câu 2) Nêu những nét chính về phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
Tố Hữu (1920-2002) quê ở Thừa Thiên - Huế. Tố Hữu là một nhà thơ - chiến sĩ. Ông làm thơ trước hết là để phục vụ sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng của Đảng. Thơ Tố Hữu đã kế tục dòng thơ ca cách mạng từ đầu thế kỷ 20 nhưng có đổi mới rất nhiều. Tố Hữu đã đưa vào thơ cách mạng một tiếng nói trữ tình mới, với những cảm xúc mang tính cụ thể, trực tiếp, cảm tính của cái tôi cá thể, nhưng là một con người hòa với mọi người trong cuộc đấu tranh cách mạng. Do vậy, Tố Hữu có một phong cách thơ rõ rệt.
Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình - chính trị. Mọi sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lý tưởng chính trị, những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành đề tài và cảm hứng nghệ thuật thực sự. Tố Hữu là nhà thơ của những tình cảm lớn, niềm vui lớn của cách mạng và con người cách mạng.
Nội dung trữ tình - chính trị trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi nổi bật trong những sáng tác tù cuối cuộc kháng chiến chống Pháp trở về sau. Nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là con người thể hiện tập trung những phẩm chất của giai cấp, dân tộc, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ được nâng lên thành những hình tượng anh hùng, mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng.
Một nét đặc sắc của thơ Tố Hữu là có giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình, ngọt ngào tha thiết, giọng của tình thương mến. Giọng điệu ấy có phần được thừa hưởng từ điệu tâm hồn con người xứ Huế với những câu ca, giọng hò tha thiết, ngọt ngào của quê hương. Nhưng nó cũng được xuất phát từ một quan niệm của nhà thơ: "Thơ là chuyện đồng điệu (...) Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí".
Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Về thể thơ, Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ...) và có những sáng tạo độc đáo làm phong phú thêm cho các hình thức thơ ca này. Trong thơ Tố Hữu ta có thể bắt gặp một cách phổ biến những lối so sánh, các phép chuyển nghĩa và cách diễn đạt trong thơ ca dân gian đã trở nên quen thuộc với tâm hồn người Việt. Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu, đặc biệt phong phú về vần và những phối âm trầm bổng nhịp nhàng nên dễ ngâm, dễ thuộc.
Như vậy, phong cách thơ Tố Hữu rất đa dạng, đã kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, kết hợp được một cách nhuần nhị hai yếu tố: cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật. Sức thu hút của thơ Tố Hữu ch ính là ở niềm say mê lý tưởng và đậm đà tính dân tộc.
 
N

ngoisaotim

Dạo này kẹt money nên hok post được. Giờ là câu cuối cùng nè!
Câu 3) Kể tên, khoảng thời gian sáng tác và năm xuất bản các tập thơ của Tố Hữu theo trình tự từ đầu đến năm 1977. Con đường thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với các chặng đường cách mạng Việt Nam từ những năm 30 máu lửa đến ngày toàn thắng về ta 1975. Vậy chỉ riêng tên các tập thơ của ông có thể gợi cho người đọc ý nghĩa khái quát gì về chặng đường cách mạng đó?
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920-2002) là lá cờ đầu của nền thơ ca Cách mạng. Con đường thơ của Tố Hữu bắt đầu dường như cùng lúc với con đường giác ngộ và hoạt động cách mạng. Thơ Tố Hữu về căn bản là thơ trữ tình-chính trị. Năm tập thơ "Từ ấy", "Việt Bắc", "Gió lộng", "Ra trận", "Máu và hoa" có thể coi như là sự phản ánh những chặng đường hoạt động cách mạng của Tố Hữu theo đường lối của Đảng. Chúng cũng thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của Tố Hữu qua quá trình đấu tranh chính trị.
"Từ ấy" là tập thơ đầu tay bao gồm các sáng tác của tác giả từ năm 1937 đến năm 1946. Tập thơ này xuất bản năm 1946. "Từ ấy" là bước đi đầu tiên, nhà thơ gặp chân lý cách mạng. Đó là thời "máu lửa" gian nan của cách mạng, thời "xiềng xích" của quân thù giam cầm các chiến sĩ cách mạng và cả dân tộc bẻ gãy "xiềng xích" đứng lên tự "giải phóng" trong cuộc Cách mạng tháng Tám.
"Việt Bắc" được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1947-1954) và được xuất bản năm 1954. Việt Bắc là "thủ đô kháng chiến", nơi có Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân cầm súng. Việt Bắc gợi lên tình cảm kháng chiến lớn lao, xúc động: tình quê hương đất nước, đồng bào, quân dân, đồng đội, tiền tuyến - hậu phương... Việt Bắc gợi lên niềm tự hào chiến thắng và niềm vui hòa bình trở lại.
"Gió lộng" là tập thơ sáng tác trong thời kỳ miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng cuộc sống mới (1955-1961). Tập thơ được xuất bản năm 1961. "Gió lộng" thể hiện niềm vui lớn lao khi miền Bắc bước vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội và quyết tâm vững chắc đấu tranh thống nhất đất nước. "Gió lộng" là ngọn gió lãng mạn trong cảm hứng với niềm vui hiện tại, niềm tin tưởng vào tương lai và thắm thiết ân tình cách mạng.
Hai tập thơ "Ra trận" và "Máu và hoa" sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1977. "Ra trận" xuất bản năm 1972, "Máu và hoa" sáng tác năm 1977. Cả đất nước "ra trận" "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". "Ra trận" là cuộc chiến đấu hào hùng, là ý nghĩa thời đại của cuộc chống Mỹ, cứu nước. Dân tộc, con người Việt Nam ra trận. Nhà thơ phát hiện thêm nhiều quan hệ và phẩm chất của dân tộc và con người Việt Nam.
"Máu và hoa" là sự suy nghiệm và chiến thắng của dân tộc (hoa) và sự hi sinh của dân tộc (máu). Chiến thắng vĩ đại là công lao, là hi sinh xương máu của bao anh hùng liệt sĩ của dân tộc.
Như vậy, con đường thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với các chặng đường cách mạng Việt Nam. Mỗi tập thơ là một chặng trên con đường đó. Nhan đề của từng tập thơ đã thể hiện ý nghĩa khái quát nội dung tư tưởng nghệ thuật của riêng toàn bộ tập thơ.
 
T

tuan

tieu su

Minh can tieu su them mot vai nha van nua, cac ban giup minh voi nhe, thoi gian chuan bi thi sap den roi....
Thank you so much .....!!!!!!
 
Top Bottom